“Bọn chúng cá mè một lứa tranh ăn, hục hặc, đấu đá nhau”. Đó là câu nhận định của một số người (cán bộ) về các tướng của miền Nam trước 1975.
Chuyện là, từ cuối năm 1963, khi chính quyền ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, và kéo dài mấy năm sau đó, bộ máy lãnh đạo ở miền Nam rối ren, hết đảo chính của nhóm tướng lĩnh này lại đến chỉnh lý của nhóm tướng lĩnh kia, nhóm nào cũng vì quốc gia, vì dân tộc. Quyền hành nằm trong tay một số tướng tá có thế lực. Dư luận thì bàn tán xôn xao, ông A sẽ lật ông B, “đảng kaki”(quân đội) sẽ thay nhóm dân sự, phe thân phía này sẽ thắng phe thân phía kia, chính phủ rồi sẽ có ba, bốn thành phần v.v…
Sau 1975, nói về tình hình trên, trong các lớp học chính trị “đại trà”, các báo viên (BCV) thường nói: “Bọn chúng (các tướng có thế lực ở miền Nam trước 1975) cá mè một lứa tranh ăn, đấu đá nhau”. Đúng quá chứ lỵ! Cứ có tranh giành quyền lợi thì có đấu đá, không riêng gì ở miền Nam, mà các miền khác (Bắc, Đông, Tây) cũng vậy. Chỉ những nơi nào có bầu cử công bằng, dân chủ, minh bạch thì việc chuyển giao quyền hành mới êm thấm, không có hục hặc, đấu đá nhau. Có điều không biết câu trên là lời của báo cáo viên hay họ đọc trong tài liệu, bởi các ông tuyên giáo chỉ có quyền nói theo bài bản có sẵn, cho nên ở đâu cũng như ở đâu, vị nào cũng như vị nào đều nói như nhau. Đài Tiếng nói nước Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa), phát thanh từ Hà Nội và đài của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (không biết phát ở đâu), thời đó cũng có nhiều lời bình về tình hình chính quyền Sài Gòn. Người viết những lời bình thường dùng chữ rất “độc”, đại loại như tranh ăn, hục hặc, đấu đá … Đã vậy, người đọc trước máy ( phát thanh viên) lại có giọng đanh thép, sắc như dao.
“Bọn chúng tranh ăn đấu đá nhau”. Cũng còn may là các ông không vay tiền của nước ngoài về chi tiêu, nên khi “tan hàng” các ông không để lại món nợ nào cho các thế hệ con cháu mai sau. Thời đó nhờ có báo chí, công luận và các nhóm ngoài chính quyền theo dõi, nên các ông tướng (bắt buộc) phải dè chừng. Nếu một mình một chợ thì ông nào cũng như ông nào, sợ gì ai, tha hồ chụp giật như câu ca “trống chùa ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”.
Khi hai miền đối địch , phương tiện tuyên truyền của hai bên cố sức “bôi” nhau là chuyện đương nhiên. Ngay ở miền Nam, nhiều người, nhiều báo cũng hay viết bài phê phán chính quyền, chỉ trích nặng nề việc làm của mấy ông tướng. Có một ông có ý định độc tài, nhưng bị phản đối dữ đành phải bỏ, như trường hợp một ông tướng phải thu hồi “Hiến chương Vũng Tàu”.
Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Sài Gòn cũng thường đưa những tin bất lợi cho chính quyền miền Nam. Bức ảnh của Eddie Adams, phóng viên hãng AP, chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan, chỉ huy cảnh sát, bắn chết một biệt động quân trên đường phố Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968 làm cho không những ông “trùm” cảnh sát quốc gia quyền lực đầy mình, chẳng những bị công luận Mỹ lên án mà còn làm cho chính quyền chao đảo. Trong tình trạng chiến tranh, chính quyền dễ viện cớ vì an ninh quốc gia, các tướng tá sẵn quân đội, cảnh sát trong tay, muốn bắt ai thì bắt, ông Loan có thể cho “đàn em” làm khó, tịch thu máy ảnh, trục xuất E. Adams ra khỏi Việt Nam. Nếu vậy thì anh ta lấy đâu ra cái giải Pulitzer. Nhưng dù sao tướng lĩnh Sài Gòn cũng còn biết tôn trọng công lý, trong đó có một câu ta thường gặp trên các tấm biểu ngữ: “ Chỉ chấp nhận LẼ PHẢI, không khuất phục BẠO CƯỜNG và GIAN ÁC”. Mọi người lúc bấy giờ, kể cả mấy ông tướng, lúc đi học đã được giáo dục về công bằng, lẽ phải , tự do, dân chủ. Họ quen tai những “thứ” đó nên không khó chịu khi nghe người khác nhắc nhở những ý tưởng này .
Ai cũng biết trong thời chiến thì quân đội là số một, mấy ông tướng chỉ lo việc quân sự, ít rành chuyện xã hội. Nhưng một số bộ, ban chuyên môn như giáo dục, văn hóa, kinh tế, luật pháp… nhờ có nhiều người có thực tài phụ trách nên tình hình cũng “chẳng đến nỗi nào”. Chỉ nói về vấn đề xã hội, bây giờ là thời bình, song tội phạm ngày càng nhiều, những vụ cướp bóc, chém giết ngày càng gia tăng mức độ tàn nhẫn, dã man. Thật đáng sợ. Ai có chút suy nghĩ cũng phải thấy lo lắng, ít nhất là cho con cháu mình. Trước kia, trong một cuộc chiến không giới tuyến, súng đạn đầy rẫy, đáng lẽ những án mạng dân sự do vũ khí gây ra là rất nhiều, nhưng may mắn chuyện này ít xảy ra, chắc một phần cũng nhờ giáo dục. Sau 1975 trong một số cơ quan, xí nghiệp có người “trong này, ngoài ấy” làm việc chung với nhau, “phát hiện” anh em miền Nam dù không “hồng”, nhưng “chuyên” thì tốt, có vị đã nói , giáo dục của “ngụy” có chất lượng. Và nhân đây, xin độc giả xem bài, “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển”(Boxitvn 19/12/2014) tác giả Trần Văn Chánh. Bài khá dài, chỉ “cóp” một đoạn ngắn:
“… Qua các phần trình bày ở trên, chúng ta hẳn sẽ có thể thấy rằng nền giáo dục miền Nam giai đoạn 1954-1975 tuy còn đầy rẫy khiếm khuyết trong quá trình xây dựng dang dở nhưng đã tỏ ra có chiều hướng phát triển lành mạnh với những nỗ lực đầy thiện chí và sáng tạo của chính quyền các cấp, của phụ huynh học sinh, cùng các giới hữu quan công cũng như tư đối với sự nghiệp giáo dục chung của cả nước. Sự nhiệt huyết và cộng đồng trách nhiệm này có thể được chứng tỏ một phần qua sự xuất hiện của hàng loạt sách báo, tạp chí, bài viết rất phong phú, đa dạng bàn về công tác giáo dục, mà nội dung chủ yếu thiên về phê bình những mặt yếu kém nhiều hơn là tô hồng mặt ưu điểm của nền giáo dục đương thời với hy vọng khắc phục, sửa chữa hầu tìm ra cho nó một hướng đi ngày càng thích hợp khả dĩ vừa phục vụ tốt cho công cuộc duy trì/ phát huy tinh hoa truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia”.
Trở lại “Bọn chúng cá mè một lứa tranh ăn, đấu đá nhau”. Của cải các ông tranh được, nếu có, không biết còn không? Người viết và người đọc câu trên không biết còn không? Nhưng câu ấy vẫn còn nguyên giá trị.
T.K.N.
Tác giả gửi BVN