Cần đặt những mốc cụ thể về tù nhân chính trị, cải cách pháp luật, lao động và tôn giáo
(Brussels, ngày 14 tháng Mười hai năm 2015)
Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Liên minh Châu Âu (EU) cần gây sức ép để đạt được những tiến bộ cụ thể và có thể đo lường được về nhân quyền trong cuộc đối thoại song phương sắp tới với Việt Nam. Những cải cách thiết yếu gồm có việc chấm dứt các phiên tòa và bản án mang động cơ chính trị, phóng thích tù nhân chính trị, bảo đảm quyền tự do lập hội và quyền của người lao động, và tự do tôn giáo. Kết quả của cuộc đối thoại tại Hà Nội vào ngày 15 tháng Mười hai cần được công bố công khai.
“EU cần sử dụng cơ hội này để tuyên bố rõ ràng với Việt Nam rằng, quan hệ thương mại thân thiện sẽ đi đôi với đòi hỏi gia tăng về nhân quyền”, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “EU cần kiên định yêu cầu Việt Nam chấp thuận các điểm mốc tiến bộ rõ ràng và có thể kiểm chứng được, nếu không Việt Nam sẽ chỉ đưa ra những lời hứa suông”.
Trong bản khuyến nghị với EU trước cuộc đối thoại, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị EU gây sức ép để Việt Nam phóng thích ngay lập tức toàn bộ tù nhân chính trị và chấm dứt việc hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo; thực hiện các biện pháp để chấm dứt việc tấn công những người phê bình chính quyền, đồng thời ngăn chặn vấn nạn công an bạo hành.
Trong tháng Mười Một, Đại tướng Công an Trần Đại Quang công khai thừa nhận rằng trong ba năm gần đây, chính quyền đã “tiếp nhận, bắt giữ, xử lý… 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia” và ghi nhận rằng trong cùng thời gian, các “đối tượng chống đối” đã thành lập trái phép hơn 60 tổ chức nhân quyền và dân chủ.
Dù trong năm 2015 chính quyền Việt Nam đã giảm số lượng các vụ xử và kết án chính trị nhằm giành thuận lợi trong thời gian thương lượng với Hoa Kỳ về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cũng như với EU về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, nhưng vẫn có ít nhất 130 tù nhân chính trị đang bị giam cầm ở quốc gia này.
Có những người lên tiếng phê bình chính quyền một cách ôn hòa đang bị giam giữ không cần xét xử, như trường hợp các blogger Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già) bị bắt trong năm 2014 vì có các phát ngôn ủng hộ dân chủ, và vẫn đang bị tạm giam. Những nhà hoạt động bị bắt trong năm 2015 gồm có Nguyễn Viết Dũng, Đinh Tất Thắng, Trần Anh Kim và Nguyễn Hữu Quốc Duy.
Dường như có sự thay đổi chiến thuật từ bắt giữ sang đe dọa và hành hung, biểu hiện rõ qua các vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger ngày càng trầm trọng hơn trong năm 2015. Tháng nào cũng có tin các nhà vận động dân chủ bị nhân viên mặc thường phục hoặc công an tấn công. Không một ai liên quan trong các vụ tấn công này bị truy cứu trách nhiệm. Tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh Đồng Nai câu lưu và hành hung nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh vì đã giúp đỡ công nhân Công ty Yupoong thực thi quyền của họ. Ít nhất 45 nhà hoạt động nhân quyền và blogger khác đã bị côn đồ tấn công tại nhiều thời điểm khác nhau. Trong số đó có thể kể Mục sư Tin lành Mennonite Nguyễn Hồng Quang, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Đinh Quang Tuyến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Chu Mạnh Sơn, Đinh Thị Phương Thảo, Tạ Trí Hải và Trần Minh Nhật.
Gần đây nhất, vào ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Đài, Lý Quang Sơn, Vũ Đức Minh và một người tên Thắng, bị một đám khoảng 20 người đàn ông mặc thường phục và đeo khẩu trang tấn công và đánh đập ở tỉnh Nghệ An. Trước khi việc đó xảy ra, trong cùng ngày hôm đó Nguyễn Văn Đài vừa có cuộc nói chuyện về Hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của cựu tù nhân chính trị Trần Hữu Đức ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cuộc nói chuyện là một trong hàng loạt sự kiện các nhà hoạt động Việt Nam tổ chức để kỷ niệm Ngày Nhân quyền.
“EU cần nói với chính quyền Việt Nam rằng mình sẽ không bị mắc lừa trước thủ thuật đánh tráo các cuộc bắt bớ vì lý do chính trị bằng các vụ đánh đập cũng vì lý do chính trị”, ông Adams nói. “Việt Nam cần hiểu rằng dùng đến bạo lực kiểu này sẽ chỉ làm cho chính quyền giống côn đồ trước con mắt của thế giới mà thôi”.
Để xem thêm các tin bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:
https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam
Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động) hay email: adamsb@hrw.org. Theo trên trang Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hay email: robertp@hrw.org. Theo trên trang Twitter @Reaproy
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Theo trên trang Twitter @johnsifton
Ở Brussels, Claire Ivers (tiếng Anh, tiếng Pháp): +32-273-714-83; or +32-478-632-531 (di động); hay email: iversc@hrw.org
HRW Asia gửi BVN