Image copyright Hoang Dinh Nam AFP GETTY
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Việt Nam đang diễn ra sôi nổi và 18 dự luật được đem ra thảo luận.
Dự luật gây nhiều tranh cãi nhất là dự thảo luật Báo chí (sửa đổi), có nhiều khả năng sẽ gây ra tranh cãi gay gắt và những vận động trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào sang năm.
Dự luật gồm 6 chương và 59 điều, trong đó có 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Hồi tháng Chín năm 2015, chính phủ tuyên bố các kế hoạch cải tổ sâu rộng ngành truyền thông do nhà nước sở hữu. Kế hoạch đó dẫn tới việc củng cố truyền thông và khoảng 10 ngàn người sẽ mất việc. Dự luật sẽ giới hạn việc các cơ quan nhà nước và cấp tỉnh có cơ quan truyền thông của riêng mình và mọi cơ quan truyền thông sẽ được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các ủy ban của ĐCSVN.
Động lực
Điều gì sẽ thúc đẩy việc thông qua dự luật này?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cho biết động lực chính là nhằm có “hiệu quả”. Điều này là vô lý. Nguyên do chính là để kiểm soát.
Bất chấp thực tế là không có truyền thông độc lập tại Việt Nam, con số 1.100 cơ quan truyền thông cho thấy một loạt những quan tâm và cách nhìn khác nhau.
Giới bảo thủ trong Đảng lo ngại rằng số lượng lớn các cơ quan truyền thông đã dẫn tới tình trạng “thương mại hóa”.
Không còn được Chính phủ bao cấp, họ cần phải kiếm lợi nhuận. Họ làm việc đó bằng cách thỏa mãn công chúng với những câu chuyện “giật gân, tình dục và bẩn thỉu” hoặc bằng những tường thuật có tính công kích mà thường là vượt quá giới hạn những gì được phép.
Mặc dù Nghị định Chính phủ 159/2013/NĐ-CP, công bố hồi tháng 11/2013, đã chuyển trách nhiệm cho chính các cơ quan truyền thông phải tự kiểm soát mình với ba nội dung nói trên (“giật gân, tình dục và bẩn thỉu”) nhưng động lực của thị trường và tính cạnh tranh đã khiến họ không làm được điều đó. Tờ nhật báo Quân đội nhân dân than vãn rằng nó khiến dẫn đến tình trạng “ảnh hưởng tiêu cực tới ý kiến của công chúng”.
Kiểm soát truyền thông
Image copyright Getty
Chỉ riêng con số các cơ quan truyền thông và sự gia tăng nhanh chóng của các mạng xã hội khiến Bộ Công an và Ban Tuyên giáo của ĐCSVN ngày càng trở nên không thể thực hiện được việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát đầy đủ.
Trên thực tế họ dường như đã bị bất ngờ trước các tường thuật mạnh tay của một tờ báo, tờ Người cao tuổi, và đã dùng tới biện pháp rất cứng rắn, không chỉ đề nghị truy tố Tổng biên tập mà còn thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử này.
Một vài biên tập viên và phóng viên khác mới gần đây cũng bị sa thải hoặc tái điều động.
Dự luật gia tăng kiểm soát qua một loạt các áp lực mới đối với các tổng biên tập, kiểm soát nhân sự, và cấp giấy phép hàng năm. Dự luật nêu ra một loạt những biện pháp trừng phạt khi vi phạm về nội dung.
Dự luật cũng phản ánh mối lo ngại của phe bảo thủ về chủ nghĩa vùng miền bằng cách giới hạn quyền của các ban bệ cấp tỉnh và thành phố được phép có cơ quan truyền thông riêng của mình. Và nhiều các tổ chức, ban ngành khác như tôn giáo, sẽ chỉ được phép phát hành tạp chí tháng.
Dự luật hạn chế phạm vi tường thuật đối với các loại truyền thông cụ thể, gia tăng giới hạn về chủ đề nội dung và áp đặt thêm các hạn chế thêm nữa với nội dung nước ngoài.
Đa phần các cơ quan truyền thông đang hoạt động sẽ phải báo cáo tới giới chức cấp cao hơn trong ĐCSVN. Ví dụ, tờ Tuổi trẻ, một trong hai tờ báo cải tổ chính hàng đầu, trên thực tế nó là cánh tay truyền thông của Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh.
Theo dự luật này, tờ báo sẽ được “đặt dưới sự quản lý của cấp cao hơn,” có nghĩa là Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh mà bí thư là thành viên Bộ Chính trị.
Đồng thời các cơ quan truyền thông đã có danh tiếng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trung ương và các tổ chức Đảng. Các cơ quan này bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam và các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân điện tử sẽ được mở rộng sang thành truyền thông đa phương tiện.
Sự cần thiết của truyền thông đa phương tiện là quá rõ ràng khi mà Việt Nam với việc sử dụng 3G (và chẳng bao lâu sẽ là 4G) tăng vọt và thâm nhập internet (48% trên toàn quốc và cao hơn rất nhiều tại các thành phố) đang tìm tới mạng xã hội để đọc tin tức.
Kiểm soát internet
Việt Nam tiếp tục là nước kiểm soát internet chặt chẽ nhất tại Đông Nam Á với kiểm soát lớn nhất về nội dung và những vi phạm về quyền của người sử dụng internet.
Trong khi Chính phủ tìm cách dập tắt việc sử dụng mạng xã hội bất hợp pháp, như việc đóng cửa một kênh tin tức trực tuyến không chính thức hồi tháng Mười và bắt giữ bảy nhân viên của kênh này, thì công nghệ là quá sẵn và có quá nhiều cách để vượt qua những biện pháp này.
Dự luật được dự kiến sẽ gặp phải những kháng cự rộng rãi từ giới truyền thông vốn đã bực dọc với tình trạng kiểm duyệt và kiểm soát. Nhưng điều quan trọng hơn là dường như nó sẽ thất bại. Nó không còn theo kịp với thực tiễn, công nghệ và quan tâm của công chúng.
Có lẽ thú vị hơn các chi tiết của chính dự luật này là các nhân vật và nền chính trị đứng đằng sau dự luật đó.
Năm 2014, phe bảo thủ đã lên tiếng báo động rằng việc ra quá nhiều quyết định chính trị và kinh tế đã phân quyền cho các nhà kỹ trị trong Chính phủ, tách rời khỏi các tổ chức của Đảng.
Phe bảo thủ đã tụ hội hậu thuẫn cho ông Đinh Thế Huynh (sinh năm 1953) để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp. Là người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và thành viên của Ban Bí thư ĐCSVN, ông là nhà tư tưởng hàng đầu của ĐCSVN.
Trong số 16 thành viên Bộ Chính trị, ông cũng là một trong số 6 vị có đủ tiêu chuẩn được tái bổ nhiệm vào Bộ Chính trị kỳ tới mà không cần phải được ưu tiên bỏ qua tiêu chuẩn về tuổi tác. Năm 2014 và đầu 2015, ông Huynh đã tích cực vận động trên cả nước với kêu gọi tái khẳng định thẩm quyền của các tổ chức Đảng.
Cuộc chiến tiếp diễn
Image copyright Getty Image caption Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo
Tuy nhiên dường như phe bảo thủ đã thất bại trong nhiều cuộc chiến chủ chốt.
Chính trường vẫn mờ ảo và có một số tin rò rỉ liên quan tới việc chọn lựa giới lãnh đạo tại phiên họp lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương vừa kết thúc gần đây, nhưng Dự thảo Báo cáo Chính trị đưa ra một viễn cảnh về những cải cách kinh tế và hội nhập với phương Tây.
Những người ủng hộ một chiến lược như vậy dường như sẽ có cơ nổi trội vào năm 2016.
Như vậy sự kiểm soát của Đảng về truyền thông dường như là cuộc chiến cuối cùng của ông Huynh và các chiến hữu bảo thủ của ông.
Khi mà ông Huynh chỉ nắm giữ các vị trí trong Đảng và dường như không có vị trí trong Quốc hội, dự luật được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn chính thức đề xuất. Ông Sơn hiện đang là phó của ông Huynh trong Ban Tuyên giáo Trung ương và cũng là người quảng bá cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn của Đảng.
Tuy nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang thuộc phạm vi quản lý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những nhà cải cách kinh tế hàng đầu có liên kết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trẻ, hiểu biết về truyền thông và được giáo dục ở phương Tây, ông được cho là không thể ủng hộ dự luật này.
Thế nhưng trên cương vị Phó Thủ tướng các lĩnh vực ông phụ trách bao gồm văn hóa xã hội. Bắt ông Vũ Đức Đam chuẩn y dự luật này quả là viên thuốc đắng.
Có thể những người ủng hộ cải cách sẽ chỉ đơn giản là chấp nhận dự luật vì các lợi ích chính trị và vì chương trình kinh tế rộng lớn hơn tại Đại hội 12. Nhưng rõ ràng nó là một bước thụt lùi cho các nỗ lực chống tham nhũng, trách nhiệm giải trình của Chính phủ và khu vực truyền thông đang phát triển.
Nếu dự luật được thông qua, nó sẽ được thực thi trên cơ sở thử nghiệm trong năm 2016. Toàn bộ quá trình củng cố báo chí sẽ được hoàn tất vào năm 2020, trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 13.
Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư tại Trường National War College, tại Washington, DC. Ông tập trung nghiên cứu các vấn đề về an ninh và chính trị Đông Nam Á, trong đó có quản trị, những sự trỗi dậy, dân chủ hóa, nhân quyền và an ninh hàng hải.
ZA
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/11/151111_forum_media_draft_law_zachary_abuza