(GDVN) – Hết Hải Dương, Khánh Hòa, Nghệ An… giờ lại tới Hải Phòng đòi xây khu hành chính hàng nghìn tỷ. Không biết căn bệnh thích hoành tráng bao giờ mới dừng lại?
Mấy hôm nay, dư luận ồn ào về chuyện UBND TP Hải Phòng trình Chính phủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố rộng 324 héc-ta, với số tiền đầu tư dự kiến lên tới 9.894 tỷ đồng.
Trong đó ngân sách Trung ương gần 6.855 tỷ, phần còn lại là ngân sách của thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn khác.
Lẽ thường, khi các địa phương xây được trụ sở hoành tráng thì đó là điều rất đáng mừng. Ấy thế mà rất nhiều Đại biểu Quốc hội – những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân lại rất lo lắng.
Không lo sao được khi con số người ta dự kiến chi lên tới gần 9,9 nghìn tỷ đồng. Đó mới là dự kiến, còn trên thực tế, vốn đội lên bao nhiêu nữa thì chỉ có… trời mới biết.
Tiền ở đâu ra để xây trụ sở hoành tráng? Nó đến từ nhiều nguồn, nhưng trong đó có từ tiền thuế của dân.
Vì vậy mà Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã nói rất thẳng thắn rằng, thu thuế để rồi đầu tư vào trụ sở thì không nên, và Quốc hội phải cấm ngay chuyện này ít nhất trong 5 năm tới.
Ông Lịch đã rất nhiều lần đề nghị trước Quốc hội là phải kiểm soát ngân sách hàng năm, phải làm rõ cái gì là Trung ương chi, cái gì địa phương chi. Ngân sách phải chi vào đúng kế hoạch chứ không thể đem từ chỗ này sang chỗ khác.
Và, lần này ông Lịch nói rất gay gắt: “Nếu anh vung tay quá trán thì tôi không cân đối chi bổ sung, đơn giản thế. Làm như thế mới có kỷ luật ngân sách, mới khắc phục được xin cho.
Còn làm ngân sách như hiện nay thì không sửa được, tôi không biết cho ai thêm và cắt của ai, như thế không bỏ xin cho được”.
Mấy năm qua, kinh tế vĩ mô gặp quá nhiều khó khăn, đời sống của người dân cũng chẳng khấm khá gì. Ngân sách nhà nước lúc nào cũng lo hụt trước thiếu sau, mà cái nhìn thấy ngay là chưa thể tìm đâu ra đủ nguồn cân đối tăng lương.
Nợ công thì ngày càng nặng thêm… đủ thứ khó khăn đang dồn vào Chính phủ trong những năm tới.
Các địa phương không phải không biết điều đó, nhưng có lẽ một số người đang tư duy theo kiểu: Đấy không phải việc của mình! Và ở một góc nhìn nào đó thì nó chẳng khác gì sự vô cảm trước đầy rẫy những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.
Đã thế lại còn vác rá lên Trung ương để xin gần 7.000 tỷ đồng xây trung tâm hành chính, nhân danh vì nhân dân.
Có lẽ, họ đang tư duy rằng, cứ xin 7.000 tỷ đồng, nếu Chính phủ không cho thì thôi, đâu có mất gì. Nhưng biết đâu đấy, nếu Chính phủ đồng ý thì sao?
Ấy thế nên ông Dương Trung Quốc đã nói toạc ra rằng “vi-na-xin” cũng không bằng “vi-na-cho”, rằng đấy là tâm lý chơi trội, con gà tức nhau tiếng gáy, và nguy hiểm hơn là đằng sau cái sự chơi trội ấy còn là câu chuyện quản lý, các dự án là cơ hội để thất thoát, mang sinh lợi nhóm cho ai đó.
Ông Quốc cũng cho rằng, nếu cứ nói là nhu cầu thì vô cùng, nhưng điều quan trọng ở đây là Chính phủ phải có tổng kết sau khi một số địa phương đã làm, để có đánh giá cụ thể là đầu tư như vậy mang lại hiệu quả gì?
Liệu những điều thu được có xứng đáng với hàng nghìn tỷ đồng chi ra không? Không thể nhân danh làm cho tương lai nhưng đôi khi lợi ích lại chỉ quan tâm nhiều đến trước mắt dự án chứ chưa chắc là tương lai.
Căn bệnh “thích hoành tráng làm khổ dân” chẳng phải bây giờ mới được nhắc tới?.
Cách đây 1 năm, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã nói ở Quốc hội rằng: “Nhiều công trình dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả, công năng sử dụng không đáng kể, thậm chí có những công trình do đẻ non, chín ép nên vừa khai trương đã phải khai tử.
Người dân không được thụ hưởng những lợi ích của công trình, dự án vốn khoác áo mục đích rất to là phục vụ dân sinh”.
Theo phân tích của ông Lê Như Tiến, với những công trình, dự án đó thì chỉ một số người như chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án được lợi.
Vì vậy, họ thích vẽ ra các dự án hoành tráng vì công trình càng lớn thì phần trăm hoa hồng, chiết khấu, tiền chảy vào túi họ càng nhiều.
Liên quan tới một loạt các dự án công, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2013, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã phản ánh rằng, có những tỉnh xây trụ sở như cung điện lộng lẫy, xa hoa, rộng mênh mông như công viên.
“Đây là trụ sở cơ quan nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải là cung điện hay công viên.
Làm trụ sở to như thế để làm gì, trong khi dân thì còn đang nghèo như thế? Vậy đất dành cho trụ sở thì quy định thế nào?
Tôi đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp để đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra quy định chung với diện tích đất được sử dụng trong các cơ quan nhà nước.
Phải có một cơ chế kiểm soát vấn đề này và phải công bố công khai cho cả nước biết, kể cả các trụ sở của tỉnh ủy. Điều lệ Đảng nói rồi, mọi Đảng viên sống và làm việc phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta phải làm nghiêm để bảo vệ uy tín của Đảng”, ông KSor phước bày tỏ.
Chỉ mới cách đây mấy ngày, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngân sách nhà nước năm 2016 rất gay go, vì tính đi tính lại chỉ còn có 45.000 tỷ bao gồm cả chi cho xây dựng cơ bản và chi cho đầu tư của các bộ, các địa phương.
Kinh tế đất nước nhìn trong phạm vi hẹp cũng như kinh tế gia đình. Trong lúc bố mẹ (Chính phủ) đang phải giải quyết nhiều khó khăn thì đứa con (Hải Phòng và nhiều tỉnh khác) đã trưởng thành lẽ ra cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn ấy.
Thế mà trước trăm bề khó nhọc thì những đứa con lại hồn nhiên ngửa tay xin bố mẹ hàng nghìn tỷ đồng dựng trung tâm hành chính nên vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận cũng là điều dễ hiểu.
N.Q
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bao-gio-moi-het-chuyen-vung-tay-qua-tran-an-bam-khong-biet-xau-ho-post163255.gd