Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015. AFP
Phân tích chính trị Việt Nam hiện thời là một việc rất khó, khó ngay cả đối với những người có kiến thức về chính trị. Bởi vì, sân khấu chính trị Việt Nam diễn ra ở hai lớp, khi tấm màn nhung đỏ kéo lên và các hoạt cảnh diễn ra cho công chúng thì đó là màn kịch tương ứng với cái mà Hannah Arendt gọi là «façade» (mặt tiền), đó chỉ là thứ để trình diễn mà thôi, để che dấu những thứ khác; vở kịch thực sự diễn ra sau tấm màn sắt đen và dày, mà ngày nay có khi được ngôn ngữ hóa bằng cụm từ «bí mật quốc gia».
Mặc dù như vậy, đôi khi ta cũng phải cố xuyên qua phông màn, ánh sáng, trang phục, phấn son, đạo cụ, lời thoại… những thứ được dùng làm «mặt tiền» trên sân khấu để cố hiểu ý nghĩa thực sự của vở kịch chính trị.
Hai ngày vừa qua sân khấu Việt Nam tưng bừng ngập tràn cờ hoa trong màn tiếp đón trọng thể Tập Cận Bình. Sân khấu Quốc hội được bao bọc trong tình hữu nghị Việt-Trung thắm thiết. Và cùng lúc trên đường phố máu của người dân Việt phải đổ ra như là bằng chứng không thể thiếu cho tình hữu nghị ấy của hai đảng, về phía Việt Nam. Còn về phía Trung Quốc, ông Chủ tịch nước Trung Hoa mang theo sau ông ta oan hồn của bao ngư dân Việt bị ông ta ra lệnh giết chết, và những hòn đảo, những tài nguyên, khoáng sản mà Trung Hoa đã lấy từ Việt Nam, như là bằng chứng cho tình hữu nghị Việt-Trung.
Đến đây xin chấm dứt ngôn ngữ văn chương để chuyển sang phân tích một yếu tố chính trị được bày ra ở mặt tiền sân khấu.
Tôi tập trung phân tích ở đây một văn kiện đã được ký kết và được công bố rộng rãi cùng với bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc (nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-630762.html). Tôi trích nguyên văn điểm số 10 trong Bản tuyên bố chung:
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký các văn kiện hợp tác: “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020”.
Trong một thể chế dân chủ, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai đảng có lẽ không phải là một vấn đề quá quan trọng. Trong một đất nước có nhiều chính đảng cùng hoạt động và người dân có quyền chọn lãnh đạo của mình, thì việc một đảng này hay đảng kia cử người đi học ở đâu, điều đó không mang tính quyết định.
Tuy nhiên, trong một thể chế độc tài như thể chế Việt Nam hiện nay, khi đảng cộng sản hiến định quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn của mình trong Hiến pháp, khi nhân sự lãnh đạo hoàn toàn do đảng quyết định, thì việc ký kết văn kiện trên đây có thể bao hàm những nguy cơ to lớn và thậm chí có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả dân tộc.
Tại sao có thể nói như vậy?
Bởi vì lô-gic là: cán bộ đảng của Việt Nam do Trung Quốc đào tạo, và lãnh đạo của Việt Nam là do đảng chọn, và phải là cán bộ đảng thì mới được chọn. Như vậy, bộ máy lãnh đạo Việt Nam có thể đi trọn vào quỹ đạo Trung Quốc.
Nếu những cán bộ đảng được đào tạo ở Trung Quốc chịu ơn huệ của Trung Quốc dẫn tới hậu quả là chịu sự chi phối của Trung Quốc, thì có thể sẽ xảy ra việc: Trung Quốc sẽ điều khiển Việt Nam thông qua bộ máy lãnh đạo.
Dĩ nhiên, tất cả những phân tích ở đây đều mang tính giả định. Nhưng những giả định này hoàn toàn cũng có thể xảy ra trên thực tế.
Người Trung Quốc, với tầm nhìn chiến lược của họ, từ lâu đã hiểu rằng, nhân sự quyết định tất cả. Ký kết về kế hoạch đào tạo cán bộ đảng trên đây cho thấy người Trung Quốc biết rõ muốn kiểm soát Việt Nam thì đi bằng con đường nhân sự là nhanh nhất và hiệu quả nhất, chắc chắn nhất và họ đã đi thẳng trên con đường đó.
Người Trung Quốc cũng hiểu rằng một kế hoạch kiểm soát thông qua hệ thống nhân sự lãnh đạo như vậy chỉ có thể thực hiện khi Việt Nam bị duy trì trong thế chế chính trị độc đảng hiện nay. Một thể chế chính trị dân chủ và đa đảng, trong đó người dân có quyền chọn lãnh đạo, không cho phép Trung Quốc thực hiện kế sách này. Vì thế, có thể thấy mọi nỗ lực của Trung Quốc đều nhằm vào việc duy trì thể chế hiện tại của Việt Nam.
Vấn đề của chúng ta là: bao nhiêu người Việt Nam hiểu được điều đó?
Đa số người dân Việt Nam hiện nay chưa hiểu được điều này, và không thể trách họ, khi toàn bộ nền truyền thông với tất cả mọi phương tiện đều chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền toàn trị. Chúng ta không thể trách nhân dân Việt Nam.
Rất nhiều người thuộc tầng lớp có học, thậm chí được đào tạo ở nước ngoài, dù có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có lương tri, nhưng cũng không hiểu được điều này, cũng không nhìn thấy điều mà người Trung Quốc đã nhìn thấy từ lâu và đang thực hiện để đưa Việt Nam vào quỹ đạo của họ. Có thể lấy một dẫn chứng là nhóm «Cùng viết hiến pháp», khi nhóm này đưa ra đề nghị giữ nguyên điều 4 của Hiến Pháp sửa đổi.
Và tầm quan trọng của nhân sự, điều mà người Trung Quốc hiểu rõ, thì ngay cả những người đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam hiện nay dường như cũng chưa hiểu rõ. Những nhược điểm của giới dân chủ hiện nay: tình trạng manh mún, thiếu tổ chức, thiếu hiệu quả, chưa có tác động rộng rãi trong dân chúng… tất cả đều có cùng một nguyên nhân: những người đấu tranh chưa hiểu được tầm quan trọng của nhân sự. Vì thế các nhóm và các tổ chức không hướng tới việc chuẩn bị nhân sự. Nghĩa là phải đào tạo những người có khả năng hoạt động dân chủ một cách chuyên nghiệp, hiểu rõ công việc của mình, hiểu rõ thế nào là dân chủ.
Việt Nam muốn dân chủ hóa cần có nhiều người được đào tạo ở các lĩnh vực: khoa học chính trị, luật, hành chính công, quản trị… tất nhiên được đào tạo trong một nền giáo dục dân chủ, và được đào tạo một cách có ý thức rằng để phục vụ cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam.
Việt Nam, nếu không dân chủ hóa, thì việc lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc có thể sẽ xảy ra ở một tương lai không xa.
Paris, 6/11/2015
N.T.T.H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/VN-independent-democratization-11062015135750.html