Trước đây tôi đã viết 2 thư góp ý kiến cho Đại hội XII (vào tháng 2 năm 2015), ngoài ra cũng đã có ý kiến đóng góp cho “Quy hoạch cán bộ của Đảng”. Sau khi Dự thảo báo cáo được công bố tôi đã gửi bản góp ý vào ngày 14 tháng 10. Nay xin viết tiếp một vài ý kiến.
1- Cần đổi mới cách viết báo cáo và nghị quyết ở các đại hội
Vào từng thời gian, các cơ quan có báo cáo của Đảng bộ, Công đoàn, của Chính quyền tại Hội nghị Công nhân viên chức, tại các địa phương có báo của Đảng bộ, Mặt trận Tổ quốc, Chính quyền, Hội đồng nhân dân (gọi chung là của các tổ chức), tại Trung ương có báo cáo của Đảng tại Đại hội, của Chính phủ trước Quốc hội. Phần lớn các báo cáo dài quá mức cần thiết và càng ngày càng dài hơn. Trong cùng thời kỳ, báo cáo và nghị quyết của các tổ chức có nội dung gần giống nhau và không khác mấy so với thời kỳ trước đó. Mất khá nhiều công sức để viết, để sao chép, để thảo luận, tốn nhiều giấy mực để in, nhưng xét ra tác dụng tích cực của những văn bản dài lê thê như vậy là rất thấp, vì phần lớn nội dung chẳng ai quan tâm, viết ra cho qua chuyện. Người ta chỉ quan tâm đến một vài chủ trương mới, thiết yếu, tập trung sức lực cho công việc sửa sai và đổi mới, còn những việc thường ngày thì cứ tự động theo quán tính mà làm, chẳng ai còn nhớ trong báo cáo hoặc nghị quyết đã viết gì. Phong cách viết như hiện nay không khác gì so với thời kỳ bao cấp. Vấn đề quan trọng nhất của các Đại hội thường chỉ là Nhân sự chứ không phải báo cáo.
Báo cáo và nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, bề ngoài được nhiều người, nhiều tầng lớp mong đợi và quan tâm lại chứa đựng nhiều điều vô bổ, mà mới xem qua thì thấy rất hay, rất cần, đó là những điều mà toàn dân đã biết rõ, không cần Đảng viết ra thì người ta cũng đã biết phải làm như thế nào. Thí dụ trong Dự thảo viết những điều như: “Đại hội có nhiệm vụ bầu Ban chấp hành Trung ương. Tình hình tạo ra cả thuận lợi và khó khăn. Cần phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, ngăn ngừa đầu cơ lãng phí. Giáo dục con người VN yêu gia đình, yêu Tổ quốc. Kiểm tra và đánh giá giáo dục trung thực và khách quan. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Cân bằng giới tính khi sinh. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau” v.v…, và rất nhiều, rất nhiều điều tương tự. Phải chăng cần có Đảng dạy bảo, viết thành báo cáo và nghị quyết thì đảng viên và người dân mới biết làm những việc như vậy.
Cách viết như vừa nêu, ban đầu là xuất phát từ lòng tốt của lãnh đạo khi trình độ người dân quá thấp. Từ đó Đảng tự cho mình quyền dạy bảo. Khi người dân đã có hiểu biết mà Đảng vẫn cứ giữ nguyên cách như dạy một lũ không hiểu biết, dạy cho người ta những điều họ giỏi hơn mình thì đó là sự lố bịch quá đáng.
Cách viết theo thời bao cấp như vậy tạo nên một thói quen không hay cho nhiều người là cứ mỗi lần Đại hội Đảng họ lo tìm trong Báo cáo và Nghị quyết xem ngành mình, việc mình được Đảng viết như thế nào. Biết chỉ để mà biết, để vui buồn chốc lát, còn công việc cứ theo kế hoạch, theo thói quen, theo nhu cầu mà làm.
Cách viết báo cáo và nghị quyết như vậy đã quá cũ, cần đổi mới. Chỉ cần viết ra những định hướng chủ yếu, những việc quan trọng mà Đảng định làm chứ không phải những việc mà nhân dân tự biết và tự làm. Trong các nước dân chủ, tiền tiến, các đảng đưa ra chương trình của mình cho dân lựa chọn bằng phiếu bầu chứ không có đảng nào dám dạy bảo dân phải làm việc này việc nọ. Đảng chấp nhận kinh tế thị trường thì việc viết báo cáo và nghị quyết cũng nên theo hướng đó.
Nếu ngụy biện cho rằng tình hình VN khác với các nước, Đảng có nghĩa vụ và trách nhiệm suy nghĩ thay cho toàn dân, dạy bảo dân thì cũng phải nghĩ xem dân có chịu sự hèn kém để chấp nhận như thế mãi không. Khi cho rằng dân bị bắt buộc phải chấp nhận, báo cáo của Đảng phải thật cụ thể, phải thật đầy đủ thì trong Dự thảo còn thiếu một số điều mà xã hội rất quan tâm hoặc rất bức xúc. Thí dụ như thể thao và bóng đá, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng lậu hàng giả, nhục hình và ép cung dẫn đến nhiều cái chết và bản án oan khuất, sự vô cảm trong đời sống, nạn “cò” khắp nơi, tệ nạn trộm cắp và bỏ trốn của người VN khi ra nước ngoài v.v… không thấy được nhắc tới, vấn đề dân oan khá bức xúc chỉ được điểm sơ qua. Mà nếu báo cáo có bổ sung những điều vừa kể thì lại phát hiện ra các thiếu sót khác.
Để viết được Báo cáo và Nghị quyết có chất lượng cao, Đảng nên chọn và giao việc cho những người có trình độ khoa học và mạnh dạn đổi mới chứ không nên dùng những người tuy có bằng cấp, (xin đề phòng loại có bằng thật nhưng trình độ rởm), có quá trình làm cách mạng nhưng đầu óc đã xơ cứng, không thể suy nghĩ và tiếp thu cái mới. Với một tổ chức thì đổi mới tư duy có hiệu quả là dùng người có tư duy mới thay người có tư duy cũ.
2-Về việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh
Trong Đông y có thuyết liên quan giữa lục phủ ngũ tạng với các phần khác của cơ thể. Thí dụ bệnh về gan có biểu hiện bên ngoài bằng những mụn nhọt trên da. Chỉ nhìn thấy mụn nhọt, chỉ chữa ngoài da, không biết đến nguồn gốc sâu xa thì không bao giờ chữa lành bệnh. Việc nhiều đảng viên thoái hóa biến chất đã được thấy rõ từ lâu, việc cần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đã được đề ra từ lâu. Theo báo cáo thì tình hình có tiến bộ (thực hiện NQ TƯ 4- Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng), nhưng thực tế lại chứng tỏ là tình hình ngày càng xấu đi. Vì sao vậy ? Có lẽ chỉ mới thấy bệnh và chữa ở ngoài da.
Trong bài góp ý lần trước tôi đã trình bày nguyên nhân gốc rễ căn bệnh trầm kha của Đảng là những độc hại của Chủ nghĩa Marx Lenin (CNML), đã đề nghị Đảng từ bỏ CNML, đổi tên Đảng, đổi mới tổ chức theo kiểu đảng chính trị, đảng cầm quyền chứ không nên giữ nguyên như đảng cách mạng. Lần này xin góp thêm vài ý kiến khác.
Là đảng chính trị, tổ chức đảng không cần là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động…” mà phải là : “ Tổ chức của những người ưu tú, có cùng chí hướng và quan điểm chính trị trong việc xây dựng đất nước” (và thực chất đã là như thế, các đảng cầm quyền khác đều như thế). Trong báo cáo có vài lần nhắc nhở : “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng”. Đó là giáo điều, sáo rỗng, bịa đặt, cần loại bỏ ra khỏi hệ thống lý luận. Đối với đảng cầm quyền thì quan trọng là trí tuệ chứ không phải là bản chất giai cấp.
Báo cáo viết : “ Nền tảng của nhà nước VN là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”. Đó là sự ngộ nhận quá cũ. Tất cả những nước tiên tiến trên thế giới và VN, để phát triển phải dựa vào những thành phần ưu tú của dân tộc, họ tập hợp chủ yếu trong 3 đội ngũ : 1- Trí thức, 2- Doanh nhân, 3- Quan chức. Phải tập trung trí tuệ và nguồn lực để phát triển và xây dựng 3 đội ngũ ấy thực sự vững mạnh, trong sạch. Việc dựa vào lực lượng công nông để làm chiến tranh cách mạng là có thật, nhưng đã qua rồi. Riêng Singapore đề cao việc quan chức phải giỏi và liêm khiết, họ cho đó là điều quan trọng nhất của đất nước.
Một trong những điều kém của nhiều cán bộ đảng, từ cao xuống thấp là nói không đi đôi với làm, nói rất hay, làm ngược lại, đến nỗi nhiều người truyền tụng câu “chớ nghe cộng sản nói, hãy nhìn xem cộng sản làm”. Một trong những nguyên nhân gần của hiện tượng này là sự không gương mẫu, là thói xấu quen dối trá từ trên xuống dưới. Về điều này tôi tìm thấy trong Dự thảo báo cáo vài câu có từ gương mẫu nhưng chỉ trong chức trách và tuân thủ pháp luật còn trong đời sống thì bỏ trống, không tìm thấy cụm từ chống lại sự dối trá.
Một tật xấu phổ biến trong các cơ quan Đảng và chính quyền là giữ im lặng khi nhận được đơn thư hoặc ý kiến đóng góp của nhân dân. Đó là một biểu hiện của sự vô cảm, là coi thường ý kiến người dân. Điều này trong báo cáo không đề cập, nhưng có câu: “Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc…, khiếu nại tố cáo của công dân”. Suy ra: nếu không giải quyết được kịp thời thì cứ giữ im lặng là hơn. Trong báo cáo cũng có câu: “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng…”. Cái văn hóa giữ im lặng có lẽ là đặc biệt của ĐCSVN (im lặng là vàng).
Một cụm từ được nhắc lại khá nhiều lần: “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Điều này xem ra được lãnh đạo khá quan tâm. Đây là vấn đề mới mà trong báo cáo Đại hội XI chỉ xuất hiện 1 lần còn từ Đại hội X trở về trước chưa thấy. Đã có nhiều bài viết phê phán, chống lại sự tự diễn biến, tự chuyển hóa nhưng có rất ít bài phân tích bản chất của việc đó. Theo tôi thì tự chuyển hóa, tự diễn biến theo 2 hướng : 1- Theo lợi ích nhóm và hình thành “tư bản đỏ”; 2 -Theo hướng dân chủ hóa, xa rời và phê phán CNML, xa rời con đường XHCN.
Thử xét, Đảng lãnh đạo CM tháng 8 thành công chỉ với vài ngàn đảng viên, vài trăm chiến sĩ vũ trang, chưa có tướng tá nào. Đảng lãnh đạo kháng chiến chống Pháp thắng lợi với vài vạn đảng viên, với đội quân có hơn một trăm tướng tá. Đảng lãnh đạo chiến tranh đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào với vài chục vạn đảng viên và đội quân vài trăm tướng tá. Hiện nay Đảng đã có trên 80 năm lãnh đạo và cầm quyền, với lý luận ngày càng vững chắc, với kinh nghiệm vô cùng phong phú, với trên 3 triệu đảng viên mà phần lớn đã dày dạn trong đấu tranh và lãnh đạo, với các tổ chức đảng bao trùm lên mọi cấp chính quyền và đến tận hang cùng ngõ hẻm, với lực lượng tuyên huấn hùng hậu, với lực lượng vũ trang gồm quân đội, công an, dân quân tự vệ rất mạnh, có hàng ngàn tướng tá. Thế mà với lực lượng hùng hậu ấy Đảng lại không ngăn cản được, không chống lại được sự tự chuyển hóa, tự diễn biến. Vì sao vậy? Đảng đã bao giờ thực tâm muốn tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ ở mãi tận bên trong hay chỉ sờ ngoài da. Theo tôi, trong tình hình thực tại của ĐCSVN hiện nay sự tự chuyển hóa, tự chuyển biến là phù hợp quy luật, là không thể tránh khỏi, vì thế mà càng chống nó càng phát triển (Các nhà lý luận của Đảng muốn biết sự hợp quy luật như thế nào xin được gặp trực tiếp để trao đổi, tại đây tôi không thể viết quá dài). Muốn chống được sự chuyển hóa theo hướng 1 (lợi ích nhóm, tư bản đỏ) thì điều tiên quyết là từ bỏ CNML, từ bỏ độc quyền của chuyên chính vô sản, đổi mới thể chế chính trị theo Tam quyền phân lập, còn sự diễn biến theo hướng 2 (xa rời CNML, từ bỏ con đường XHCN) là việc làm tiến bộ, cần xúc tiến và có thể uốn nắn chút ít chứ không thể chống lại .
Một việc được đề cập nhiều là “Nguy cơ diễn biến hòa bình của thế lực thù địch”. Cụ thể ra là Đảng sợ phong trào đấu tranh hòa bình làm Đảng mất quyền kiểm soát, mất nền chuyên chính vô sản, mất sự độc quyền. Nhân dân mong muốn hòa bình, không thích chiến tranh, nhưng Đảng không ngại chiến tranh. Đảng đã làm chiến tranh, sẵn sàng dùng chiến tranh để duy trì quyền lực, nhưng Đảng sợ đấu tranh hòa bình. Trong cuộc đấu tranh đó lực lượng là những nhà hoạt động dân chủ với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, vũ khí chủ yếu là lý lẽ, là sự chính nghĩa, là nhân quyền, là lương tri, những thứ mà Đảng từng lợi dụng được một phần trước đây, bây giờ đã cạn kiệt. Phải chăng Đảng rất hy vọng vào sự trung thành của quân đội và công an, cho rằng họ được Đảng ưu ái, bắt họ thề trung thành, đến khi có mâu thuẩn giữa Đảng và nhân dân họ sẽ ủng hộ Đảng chống lại dân. Không đâu, nếu nghĩ như thế là nhầm to. Trước đây lực lượng vũ trang thề trung thành với Đảng vì họ thấy Đảng và nhân dân cùng một phía chống lại xâm lược. Khi mà Đảng và nhân dân có mâu thuẩn thì cả lực lượng quân đội và công an sẽ phân hóa. Hỏi 100 chiến sĩ vũ trang xem những ai dám chống lại dân thì may ra có được 5 người. Một số lãnh đạo độc tài cho rằng việc dùng lực lượng vũ trang chống lại dân không khó, chỉ cần vu cho họ là thế lực thù địch, là phàn động, là chống chế độ thì có thể chỉ huy quân đội đàn áp như sự kiện Thiên An Môn. Không đâu! Những chiến sĩ của quân đội và công an nhân dân VN trong lúc bình thường có thể vẫn chịu sự sai khiến của Đảng, nhưng khi có biến thì tinh thần dân tộc, đạo đức vì dân của họ sẽ trổi dậy. Trong cuộc biến chuyển ở các nước cộng sản Đông Âu năm 1989 một số lãnh đạo CS đã ra lệnh cho quân đội chống lại các cuộc biểu tình của dân nhưng rồi chính những người đó đã bị lực lượng vũ trang nguyên là của đảng bắt và xét xử (như Nicolae Ceausescu ở Rumani chẳng hạn).
Để xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải bằng con đường khác chứ không thể theo các con đường cũ với những lý luận không còn phù hợp. Trong Dự thảo, mục 15 : XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH…có khoảng 9 ngàn chữ, chiếm trên 20% khối lượng của Dự thảo, dài gấp nhiều lần so với báo cáo các Đại hội trước. Nội dung gồm rất niều thứ nhưng chỉ có một phần là phù hợp thực tế, có chút ít giá trị, còn phần lớn là những điều sáo rỗng, cũ mòn , một số trái quy luật. Để có đường lối thật sự đúng đắn Đảng không nên trông chờ vào những nhà lý luận của mình vì họ đã bị tiêm nhiễm quá sâu, quá nhiều độc hại của CNML mà cứ tưởng nhầm là trí tuệ, họ đã quen với cách lập luận ngụy biện và dối trá. Đảng nên tỉnh táo dựa vào các nhà trí thức trung thực trong và ngoài nước, tham khảo các đảng cầm quyền ở các nước phát triển. Nếu Đảng vẫn kiên quyết giữ con đường cũ thì việc làm cho Đảng trong sạch và vững mạnh chỉ là ảo tưởng.
3- Sự cấp thiết cải cách thể chế
Cải cách thể chế chính trị theo con đường dân chủ với tam quyền phân lập là bức thiết đối với dân tộc và cả với đảng cầm quyền. Thể chế hiện tại tỏ ra quá lạc hậu, là nguồn gốc sinh ra các tệ nạn tham nhũng, mua quan bán rước, dối trá, áp bức…Thể chế đó chỉ đủ sức duy trì sự thống trị của ĐCSVN với lực lượng công an hùng hậu, chỉ đủ sức quản lý để nền kinh tế phát triển ì ạch, còn chủ yếu là ngăn cản sự phát triển tự do và sáng tạo của toàn dân. Nếu cứ giữ nguyên thể chế như vậy thì không thể nào giải quyết có hiệu quả các tệ nạn, và như vậy , những việc như cải cách giáo dục, nâng cao văn hóa, hoàn thiện đạo đức, phát triển xã hội…chỉ là nói suông, cố bỏ ra hàng đống tiền để làm thì phần lớn chui vào túi quan tham, có thể chỉ thay cái tiêu cực, cái xấu xa này bằng tiêu cực khác, xấu xa khác mà thôi.
Thực tế cũng như lý luận đã chứng tỏ: “Chế độ CS, chế độ XHCN chỉ là ảo tưởng”. Chủ nghĩa CS, CNML chứa nhiều sai lầm và độc hại. Chủ nghĩa CS là thứ không thể sửa chữa, không thể cải tạo, chỉ có thể đánh đổ. Nhưng ngược lại các đảng viên CS, những người đã từng theo CS thì hoàn toàn có thể tự cải tạo và được cải tạo để trở nên những người dân chủ, những anh hùng của đổi mới vì trong những con người đó có những bản chất tốt đẹp là chủ yếu, phần lớn họ yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc, hiểu biết lẽ phải trái, họ chỉ bị nhầm nhất thời. Đó là hàng hàng triệu đảng viên cộng sản của Liên xô và các nước Đông Âu, đó là các đảng viên của ĐCSVN như Trần Độ, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Ung văn Khiêm, Nguyễn Cơ thạch, Vũ Đình Huỳnh, Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách… và hàng ngàn, hàng vạn người khác.
Thay đổi thể chế không những là bức thiết mà tất yếu phải xẩy ra. Trong những phương án thay đổi thì PA đáng mong đợi nhất, thuận lợi nhất là do đảng đang cầm quyền thực hiện. Nhưng để thực hiện được nhiệm vụ vinh quang và nặng nề đó thì trước hết Đảng phải tự cải tạo mình, từ bỏ CNML, từ bỏ con đường cũ, đổi tên đảng, quay về với con đường dân chủ, thả hết tù nhân lương tâm, hợp tác với họ và với những tổ chức xã hội dân sự, với những trí thức yêu nước và dũng cảm, Đảng phải thực sự đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng, từ bỏ ảo tưởng xây dựng chế độ CS, từ bỏ tham vọng độc quyền mãi mãi. Trong lịch sử thế giới chế độ độc quyền chỉ tồn tại rất ngắn, cách gì cũng bị đánh đổ. Những người cầm quyền khôn ngoan biết nhanh chóng chuyển một cách hòa bình sang thể chế dân chủ. Vừa qua nước Myanma đã cho một thí dụ tương tự.
Có vài ý kiến cho rằng, cách gì cũng phải thay đổi thể chế nhưng cứ theo Trung quốc, chờ cho Trung quốc thay đổi thì ta đổi theo. Tại sao lại có tư tưởng nô lệ, thích làm nô lệ như vậy.
Khi Đảng chủ động nhận ra sai lầm của con đường cũ, từ bỏ CNML, cải cách thể chế chính trị theo dân chủ, quay về phục vụ lợi ích dân tộc thì lấy lại được lòng tin của nhân dân, vẫn có thể giữ được vai trò của đảng cầm quyền. Tấm gương của đảng PAP của Singapore là rất nên được tham khảo. Còn nếu như Đảng vẫn quyết kiên trì CNML, kiên trì giữ vững độc tài toàn trị để cho các nhóm tư bản đỏ lộng hành thì đến lúc nhân dân không chịu nổi sẽ vùng lên, tấm gương của Liên xô và các nước Đông Âu hãy còn đó.
Nhân dân đang theo dõi Đại hội XII với hy vọng trong các đại biểu có được một số người có trí tuệ và dũng cảm, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, dám đứng lên vạch rõ sự thật nghiệt ngã của Đảng và của xã hội, đòi từ bỏ con đường cũ sai lầm, đòi tổ chức lại Đảng và cải cách thể chế chính trị để cứu dân tộc thoát khỏi tai họa đang rình rập. Liệu hy vọng đó có thành sự thật?
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN