Việt Nam làm gì khi Mỹ đơn phương tuyên bố đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo ở Trường Sa?

Báo chí đăng tải, ngày 13-10, “Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng tại Biển Đông”. “Các nước đồng minh” của Mỹ (được thông báo) ở đây có lẽ (ít nhứt) là các nước Úc, Nhật, Phi và Mã Lai. Bởi vì ta thấy sau đó viên chức hữu trách các nước này đều lên tiếng cho biết lập trường của quốc gia mình (về kế hoạch “tuần tra” của hải quân Hoa Kỳ). Danh sách “đồng minh” này không có Việt Nam.

Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng, cho biết điều này:

“Đây mới là tuyên bố đơn phương từ phía Mỹ, tới nay Chính phủ Việt Nam chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của nước này về hành động đưa tàu áp sát các khu vực đảo nhân tạo nói trên” (báo Đất Việt, 16-10).

Không biết đến nay (18-10) VN có nhận được tín hiệu gì từ Hoa Kỳ hay chưa?
Sự việc Mỹ thông báo cho các đồng minh (thân cận) của mình kế hoạch tuần tra ở khu vực các đảo nhân tạo (mà TQ xây trên các cấu trúc địa lý thuộc chủ quyền của VN) mà không (hay chưa) thông báo cho VN cho thấy một thực tế là quan hệ quốc phòng Việt -Mỹ vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ. Trên phương diện luật pháp (Luật Quốc tế và Luật Biển VN), qua ý kiến của ông Lê Việt Thường trong bài báo đã dẫn, cho thấy quan điểm của VN và Hoa Kỳ có nhiều điều đối chọi.
Về quan hệ quốc phòng, sự nghi kỵ hai bên Việt-Mỹ là dĩ nhiên. Nó đến từ quan hệ nặng phần trình diễn hơn là thực chất của hai bên cựu thù địch. Quá trình hòa giải, 20 năm qua, xem chừng không đạt được bao nhiêu kết quả.

Về vấn đề pháp lý, có hai phương diện cần nói  : về chủ quyền và cách diễn giải Luật Quốc tế.

Về chủ quyền, quan điểm của Mỹ, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ sau Thế chiến thứ II đến đầu thập niên 70. Hoa Kỳ mặc nhiên nhìn nhận VNCH có chủ quyền tại Hoàng S và Trường Sa. Giai đoạn hai, cụ thể qua Tuyên bố năm 1995, nhân các biến cố TQ chiếm đá Vành Khăn, (đến nay chưa thay đổi), là Hoa Kỳ không ủng hộ phía nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ (tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Về “quyền tự do hàng hải”, Hoa Kỳ diễn giải Luật Biển 1982 như sau :

Tàu bè (kể cả tàu chiến) của Hoa Kỳ có quyền qua lại ở hai khu vực biển ZEE (kinh tế độc quyền 200 hải lý) và lãnh hải (12 hải lý).

Trong vùng 200 hải lý (của ZEE), Hoa Kỳ chủ trương chiến hạm của họ có quyền thao diễn mọi hoạt động, kể các các hoạt động dò thám.

Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè của Mỹ, kể cả tàu chiến, có quyền “qua lại không gây hại” mà không cần thông báo (hay xin phép) quốc gia cận biển.
Quan niệm “tự do hàng hải” của Hoa Kỳ được phần lớn các nước trên thế giới chia sẻ.

Trong khi Luật Biển VN (và TQ) thì quan niệm :

Trong vòng 200 hải lý của vùng Kinh tế độc quyền, tàu bè qua lại phải tôn trọng nguyên tắc “qua lại không gây hại – passage inoffensif”.

Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè dân sự được quyền qua lại “không gây hại” nhưng các loại tàu chiến thì phải xin phép trước.

Kế hoạch “tiến hành tuần tra” vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo của hải quân (và không quân) Mỹ (nếu) thực thi (thì sẽ) đúng như Tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter :

“Quân đội Mỹ có quyền đi lại trên biển và bay qua không phận những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả Biển Đông”.

Trên lý thuyết, quan điểm trái ngược cách diễn giải Luật Biển 1982, mặc dầu việc tuần tra của Mỹ sẽ mang lại lợi ích về an ninh quốc phòng cho VN, hành vi của Hoa Kỳ trong chừng mực có thể làm thuơng tổn đến chủ quyền của VN.

(Trong bài báo đã dẫn, ông Lê Việt Thường có vịn đến các nội dung của Luật Biển của VN, nhưng điều này không cần thiết. VN là thành viên của Công ước 1982, Luật Biển của VN phải ở dưới, đồng thời tuân thủ theo nội dung của luật quốc tế về Biển 1982).

Trước tuyên bố của Hoa Kỳ (về kế hoạch tuần tra ở các đảo), VN vẫn chưa có một thái độ dứt khoát, cho biết lập trường chính thức của VN ra sao. Ngoại trừ ý kiến của ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng.

Ý kiến của ông Trường (trong bài báo) có phù hợp với lợi ích của VN hay không?

Một số điều cần bàn lại.

Thứ nhứt : Hoa Kỳ có cần phải “xin phép” VN để đi vào khu vực biển này hay không?

Dẫn lại nguyên văn lời ông Lê Việt Trường :

Dẫn: “Việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tôn tạo, bối đắp các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được phép của nhà nước Việt Nam là hành động phi lý và hoàn toàn không có giá trị, không thể hy vọng có được chế độ pháp lý theo Công ước của LHQ 1982 về luật biển, vì lịch sử của vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện hành động chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”. Hết dẫn.

Thứ nhứt, ý kiến của ông Trường (về việc tàu bè đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo) là thể hiện quan điểm của Luật Biển VN. Như đã nói, cách diễn giải về “tự do hàng hải”  theo Luật quốc tế về Biển 1982 giữa VN và Hoa Kỳ có sự trái ngược.

Theo thông lệ, nếu có sự trái ngược về cách diễn giải một điều luật trong bộ Luật Biển 1982, thì chỉ có Tòa CIJ, hay một Tòa có thẩm quyền về luật biển mới có thể giải thích nội dung của điều luật này.

Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm lợi ích dân tộc, ta thấy nếu kế hoạch tuần tra của Hoa Kỳ trở thành hiện thực thì VN có lợi nhiều hơn. VN không có gì để mất, ngay cả khi Hoa Kỳ cho tuần tra vùng biển thuộc các đảo hiện do VN kiểm soát. Đây là một dịp may hiếm có để hóa giải tham vọng bành trướng của TQ ở Biển Đông, nhứt là khu vực Trường Sa.

Điểm thứ hai, vấn đề đến từ sự suy diễn « logique » của quan điểm công pháp quốc tế về chủ quyền.

Đối với các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng trên lãnh thổ của VN, nhà nước VN hiện tại mất hoàn toàn mọi kiểm soát trên thực tế (thẩm quyền về lãnh thổ). VN chỉ còn lại chủ quyền  trên danh nghĩa (mà điều này Mỹ không có ý kiến). Tức là luật pháp VN không còn thực thi trên các vùng lãnh thổ đó (nếu có thể gọi các thực thể địa lý đó là các vùng lãnh thổ). Sẽ là phi lý (và hết sức là bất lợi) khi VN lên tiếng đòi hỏi HOA Kỳ phải “thông báo và thực hiện theo đúng luật pháp của VN” khi hải quân (hay không quân) Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của các thực thể này.

Thứ ba, về chế độ các bãi đá, bãi cạn, chìm, nổi… thuộc khu vực Trường Sa (mà TQ đã chiếm của VN và xây dựng thành các đảo nhân tạo), Hoa Kỳ có quan điểm như sau : 1/ Những cấu trúc địa lý chìm dưới mặt biển lúc thủy triều cao (trước khi được xây dựng thành đảo nhân tạo) không có lãnh hải 12 hải lý. 2/ Các “đảo nhân tạo” không có lãnh hải 12 hải lý (mà chỉ có một vùng 500m gọi là vùng an toàn). 3/ Việc xây dựng không tạo nên “chủ quyền”.

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tập quán quốc tế và nội dung Luật Quốc tế về Biển 1982.

VN không có lý do nào để phản đối kế hoạch tuần tra của HOA Kỳ.

Ý kiến của ông Lê Việt Trường :

Dẫn: “Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông”. Hết dẫn.

Theo tôi, nếu kế hoạch Hoa Kỳ không được thực hiện, khó khăn cho VN ngày thêm chồng chất. TQ một cường quốc đang lên, đang thể hiện cơ bắp để thực hiện tham vọng lãnh thổ của đế quốc. Việc để càng lâu càng khó.

Nếu kế hoạch của Hoa Kỳ được thực hiện, một vụ “chạm trán” có thể diễn ra giữa TQ và Hoa Kỳ. Thì đây là một dịp tốt để các nước liên quan yêu cầu giải quyết những tranh chấp, những mâu thuẩn về cách diễn giải Luật… trước một trọng tài quốc tế. Trường hợp này TQ vô phương từ chối tham gia.

Không biết chừng, kế hoạch của Mỹ là bước đầu để các nhà chiến lược nước này đưa TQ vào thế trận pháp lý.

Ý kiến của ông Lê Việt Trường trong bài báo cho ta thấy sự lúng túng của VN trước quyết định (đơn phương) của các đại cường. Nó thể hiện một sự “hờn dỗi” không đáng có của nhà nước CSVN. Bởi vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc lớn hơn bất kỳ thể diện nào, cho dầu thể diện đó vĩ đại đến đâu.

Hợp lý là VN phải tức thì lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Việc này sẽ xóa lấp tư thế “bẽ bàng” của VN, là “kẻ đứng ngoài” (khi không được Hoa Kỳ thông báo). Lên tiếng ủng hộ, bằng một tuyên bố đơn phương, đồng thời khẳng định lợi ích của VN trong các khu vực biển đó.

T.N.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/nhantuan.truong?fref=nf&pnref=story

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.