Công nghiệp sản xuất phụ kiện và gia công phụ trợ
Đặng Đình Cung
Kỹ sư Tư vấn
Cách đây hai tháng, nhà tỷ phú Warren Buffett chi 37,2 tỷ mỹ kim để mua hãng Precision Castparts, chuyên sản xuất phụ kiện cho ngành tàu bay. Hãng này đặc trưng cho đa số xí nghiệp công nghiệp thế giới. Hãng không cung cấp trực tiếp cho các hãng xản xuất tàu bay như Boeing hay Airbus mà chuyên về những thành phần đúc và rèn của các hãng sản xuất phụ kiện của ngành đóng tàu bay. Nói một cách khác, hãng này chỉ là bên cung cấp cho các bên cung cấp khác của ngành đóng tàu bay. Rất có thể các bên cung cấp này cũng chỉ cung cấp cho các hãng khác sản xuất phụ kiện của các tàu bay.
Đại đa số các xí nghiệp công nghiệp mua đi bán lại giữa nhau, còn xí nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm cuối cùng (end product) chỉ là phần nhôi lên của tảng băng kinh tế. Chê không sản xuất phụ kiện hay gia công phụ trợ là từ bỏ kinh doanh trong phần lớn các hoạt động công nghiệp.
Bảng tổng kết của báo cáo hoạt động thường niên hay của tờ khai thuế có một khoản gọi là “Mua hàng”. Khoản này tổng cộng những gì xí nghiệp chi ra để mua nguyên liệu, phụ kiện và dịch vụ dùng trong hoạt động kinh doanh của mình. Khoản này có thể lên tới 90 phần trăm sản lượng kinh doanh của một xí nghiệp phân phối vì loại xí nghiệp đó chỉ mua đi bán lại. Nhưng nếu đọc báo cáo hoạt động thường niên của các xí nghiệp công nghiệp thì sẽ thấy khoản “Mua hàng” thường chiếm ít nhất một phần ba sản lượng của họ. Có hãng, gọi là fabless, nghĩa là hãng không có cơ sở sản xuất, mua hàng nguyên chiếc do mình thiết kế và phân bố. Appel là công ty điển hình của một hãng fabless. Khoản “Mua hàng” của các hãng này có thể lên đến ba phần tư doanh số.
Mọi người đều biết những người mang vải về nhà làm thầu phụ cho các hãng may mặc hay những nông dân làm phụ hồ phụ nề giữa hai vụ ở các công trường xây dựng, những người lên tỉnh làm đầu bếp căng tin, là những người làm gia công phụ trợ. Có lẽ vì tay nghề họ kém, lợi tức của họ thấp và bấp bênh nên đồng bào ta không ưa thích các nghề phụ trợ. Nhưng ít người biết rằng các nghề trí thức như là kế toán tài chính, tư pháp, tin học viễn thông, sửa chữa công cụ sản xuất, gia sư dạy nghề tại chức,… cũng là những nghề phụ trợ. Nhờ có tay nghề cao, chuyên gia làm những nghề đó có lợi tức cao và được xã hội kính trọng.
Tiền cước vận tải rẻ mạt như hiện nay đã sinh ra xu hướng toàn cầu hóa sản xuất phụ kiện và gia công phụ trợ có khi chỉ để gia tăng một chút ít giá trị của sản phẩm.
Điển hình là ngành đồ gỗ. Để có sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang một nước giàu, người ta mua gỗ, xẻ thành xà và ván, xử lý tránh ẩm mục và côn trùng, tiện thành những thành phần của sản phẩm, đánh bóng, xếp đặt tất cả trong một bao bì CKD (complete knock down, kiện hàng toàn bộ) rồi gửi đến kho của bên đặt mua. Với giá chuyên chở bằng đường biển bây giờ rất rẻ, người ta không nhất thiết thực hiện tất cả các khâu sản xuất đó ở cùng một nước.
Một thí dụ nữa là dịch vụ lưu kho. Vì kho của họ đầy, vì họ cần một nơi lưu kho tập trung cho một địa phận kinh doanh, hay vì lý do khác nào đó một xí nghiệp có thể thuyên chuyển hàng của họ xuống cảng của một nước rồi tuần tự rút sang các nước lân cận để bán nguyên chiếc hay để chế biến thành sản phẩm khác. Giá trị gia tăng của dịch vụ này gồm bởi tiền thuê địa bàn, chi phí thuyên chuyển giữa kho và bến cảng và chi phí bảo vệ chống thoái hóa và trộm cắp. Nó gần như không đáng kể so với gia trị của sản phẩm. Nhưng với số lượng, nó có thể đóng góp nhiều vào tổng sản lượng một quốc gia đất hẹp người đông. Ít người biết rằng 47 phần trăm kim ngạch xuất khẩu của Singapore là giá trị những sản phẩm đã được nhập khẩu mà không được chế biến gì thêm trước khi tái xuất khẩu.
Việc thuyên chuyển sản phẩm đang được biến chế chưa xong (work in progress) từ nước này sang nước khác tùy ở chi phí thực hiện khâu sản suất cộng với thuế và tiền chuyên chở ở mỗi nước. Thực tế là không ai biết quốc tịch của sản phẩm cuối cùng (end product). Đối với hải quan nước bên mua thì sản phẩm mang quốc tịch của nước đã thực hiện khâu sản xuất cuối cùng dù đóng góp của nước đó vào giá trị gia tăng nhiều hay ít.
Do đó mà những tranh cãi về chúng ta chỉ bao bì một mặt hàng xuất khẩu hay chúng ta chỉ mua tất cả các thành phần rồi lắp ráp cái điện thoại thông minh chúng ta vừa đưa ra thị trường đều là tranh cãi không ý nghĩa. Điều đáng quan tâm cho kinh tế đất nước là đóng góp của người lao động nước ta vào giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu tổng cộng là bao nhiêu chứ không phải là doanh số xuất khẩu (việc những hoạt động sản xuất phụ kiện và dịch vụ hỗ trợ tham gia vào công cuộc hiện đại hóa – công nghiệp hóa là một chuyện khác). Còn vinh quang của một doanh nhân là xí nghiệp mình sinh lợi nhiều hay ít và đều đặn hay không chứ không phải là sản xuất cái này hoành tráng hơn cái kia.
Là người ngoài cuộc, chúng tôi không biết những người thành lập Vinaxuki đã nghiên cứu thị trường của mỗi dòng xe như thế nào, điểm tới hạn của một dòng xe sản xuất ở Việt Nam là bao nhiêu chiếc mỗi năm và triển vọng lượng xe hãng này hy vọng bán được có vượt điểm tới hạn để làm ăn có lãi bền vững hay không. Điều mà chúng tôi không hiểu là tại sao lại thành lập một xí nghiệp chuyên về xe hơi nguyên chiếc trong khi các tập đoàn quốc tế có mặt ở thị trường đó đang sống dở chết dở từ ba chục năm nay. Điều thứ hai mà chúng tôi không hiểu là với xu hướng toàn cầu hóa thì tại sao hãng này lại có chiến lược nội địa hóa tối đa.
Năm 2014, Precision Castparts có doanh số là 9,6 tỷ mỹ kim, tăng từ 1,8 tỷ năm 2004, và 1,8 tỷ mỹ kim, tăng từ 117 triệu năm 2004.
Đ.Đ.C.
Bản gốc có hoàn chỉnh so với bản đã đăng.
Tác giả gửi BVN