Lá nho và lá mơ

Nước Pháp nổi tiếng về rượu nho. Nho chín cũng là loại trái được ưa thích. Nhưng trái  nho đi vào văn học lại thông qua hình ảnh con cáo, với tác phẩm ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho” của Jean de La Fontaine. Một hôm, con cáo nhìn lên cao, thấy chùm nho chín mọng thèm rõ dãi, nhưng không thể trèo lên hái được, đành bỏ đi và tự an ủi: “Nho còn xanh quá!. Con cáo cũng biết dùng phép “thắng lợi tinh thần” giống nhân vật AQ của Lỗ Tấn.

Thời còn chiến tranh Việt Nam, tôi còn trẻ cũng ít hiểu biết, nghe đài phát thanh Hà Nội – với giọng nữ đanh thép lên án đối phương: “Không có lá nho nào che nổi bộ mặt thật của… đế quốc Mỹ”. Nghe thế cũng đã! Cũng nhờ đó mà tôi biết thêm chức năng của lá nho. Nhưng sau này tôi hiểu ra, có quá nhiều bộ mặt thật khác, cũng không thể nào che nổi, dù bởi lá nho hay lá chuối…

Ở Trung Quốc hay Việt Nam, cũng có nho, song không phải là sản phẩm đặc biệt. Thay vào đó chính là .

Ở Việt Nam, mơ lá để ăn với thịt chó, mơ trái cũng dùng làm rượu, tuy cũng là đặc sản nhưng không phổ biến lắm. Nhưng đi vào văn học thì lại do sự trùng âm ngẫu nhĩ mà có, đó là mộng, màng, hay hồ… Nhạc phẩm khá nổi tiếng, có bài “Cô hái mơ” do Phạm Duy phổ nhạc thơ của Nguyễn Bính. Thật ra, các tác giả chỉ lưu luyến với dáng dấp yểu điệu nào đó ở cô hái mơ, chứ không liên quan gì đến mơ của cô hái, cũng không để ý đến lá mơ hay trái mơ. Chúng được kết nhau chỉ vì sự tưởng tượng huê tình để bắt quàng làm họ mà thôi.

Thế mà sự bắt quàng ấy đã gây ra tai họa không nhỏ, có tầm vóc thế kỷ và thời đại.

Cái mơ màng, mơ hồ – như một rừng mơ – về những điều không biết rõ, và cũng không có thật, đã kéo dài 2/3 thế kỷ vẫn chưa thôi. Và cái ấy còn dự định lôi kéo cả dân tộc đi theo, cho dù đến cuối thế kỷ này cũng chưa biết nó ra sao (*). Trên thực tế thì người Việt Nam hằng ngày chỉ đủ sức nhâm nhi thịt chó với lá mơ, uống rượu trái mơ ngâm cồn, và hát bài ca về những sự vĩ đại tưởng tượng.

Nhưng thật là hài hước, chuyện MƠ lại dắt tôi quay về lại với chuyện NHO. Bởi “Nho còn xanh quá, đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã chín”, hoặc tự nhận ra rõ hơn: “Không có cái lá nho nào che nổi bộ mặt thật… của mình”.

Ở Trung Quốc vĩ đại, thì đương nhiên phải có những rừng mơ bao la, và không giống cái mơ màng của Việt Nam, vốn chỉ mơ suông, càng mơ ác mộng càng đến gần. Ở Tàu, dù là mơ, nhưng mơ có truyền thống và tính toán. Đó là thời Tam Quốc: Tào Tháo dẫn đoàn binh đi đánh Trương Tú, giữa đường hết nước uống, tướng sĩ đều khát cháy cổ. Tháo bèn lấy roi ngựa trỏ bừa về phía trước, nói lớn: “Phía trước có rừng mơ”. Nghe mơ, nước dãi của quân sĩ ứa dài trong miệng, và đoàn quân cố lê bước về phía trước.

Ngày nay, Tập Cận Bình thường xuyên ngủ không yên giấc, chập chờn với “Giấc mơ Trung Hoa”. Khi bay sang Mỹ để dự họp Hội đồng Liên Hiệp Quốc, giấc mơ lại bừng bừng tái hiện từ một thời hồng hoang, ông thảng thốt kêu lên: “Biển Đông là của Trung Quốc từ thời Cổ đại”, và ở đó có cả một “rừng mơ”. Không một đại biểu Liên Hiệp Quốc nào có thể có ý kiến, và đều ngơ ngác vì chưa kịp hồi tưởng về cái thời tổ tiên vốn còn là khỉ. Và lần đầu tiên họ được chứng kiến tận mắt, không nghi ngờ gì nữa, rằng cơn mộng du của Tập là có thật. Và lúc đó, ở tận Bắc Kinh, giới quân sự hiếu chiến và phe đảng của y phấn khởi hò reo, và nước dãi lại ứa dài từ các cổ họng. Chắc rằng nó cũng xoa dịu bớt phần nào nỗi sợ hãi cuộc thanh trừng nội bộ và sự lao dốc kinh tế!

Từ tuyên bố về sở hữu Biển Đông của Tập, lại một lần nữa cả thế giới đều nhìn thấy rõ hết, vì quả thật “không có cái lá nho nào che nổi bộ mặt thật của Tập”.

Và đối với lãnh đạo Việt Nam, có lẽ cũng lắc đầu và tự an ủi: “Nho hãy còn xanh!”. Và tiếp tục khẳng định: “Phía trước có rừng mơ!”.

Vâng, rừng mơ quá độ lên chủ nghĩa xã hội!

Đoàn người tiếp tục lê bước, dẫn đầu vẫn là một người mù vĩ đại.

Người dân Việt cũng đang phấn khích và… chảy nước dãi đây!

30/9/2015

H. Đ. N.

(*) Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (Tuổi trẻ, 23/10/2013)

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.