Quyền lập hội: Trì hoãn đến chục năm hay… đã 70 năm?(1)

Xã hội dân sự Việt Nam hình thành là điều không bàn cãi, vấn đề đặt ra là nó phải vững mạnh, phải là cơ sở để giải quyết tốt nhất các mâu thuẫn nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam. Một trong những yếu tố để xây dựng cơ sở nêu trên, chính là hiện thực hóa quyền lập Hội – một quyền được ghi nhận cách đây gần 70 năm trong Hiến pháp nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946). Tất nhiên, chính quyền Việt Nam có khả năng trì hoãn dự luật bằng việc dời [thời gian] cho ý kiến, hoặc sử dụng các điều khoản để “độc quyền” hội đoàn nhà nước, hay tìm cách “hành chính hóa” quy định quản lý về sự ra đời của Hội. Tuy nhiên, đúng như Luật sư Lã Khánh Tùng – thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội cho biết trong một phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 22/09, thì điều đó sẽ khiến cho Nhà nước tiếp tục lúng túng trong giải quyết sự ra đời của các “hội đoàn gần đây”, về tính hợp pháp hay không hợp pháp và thiếu một cơ sở pháp lý đủ lớn để “điều chỉnh” hành vi của của các tổ chức này, trong khi đó, bản thân sự công nhận các hội đoàn là cam kết thực tiễn của chính quyền Việt Nam đối với các công ước quốc tế đã ký kết.

Ngoài ra, vị Luật sư này cũng nhìn nhận sự “thủ tục hóa” trong cấp phép của Bộ Nội vụ thực chất thể hiện tính e dè trong lo ngại quyền lực dân sự xã hội của nhà nước, cái điều mà vừa qua, trên báo CAND đã tuyên bố thẳng rằng, “việc lập hội “chỉ cần ghi danh và công bố, không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước” … Đây là một sai lầm về chính trị và ấu trĩ nhận thức về QCN nói chung, về quyền lập hội nói riêng”. Nhưng thực tế cho thấy, chính trong thực tiễn hoạt động trước đó 10 năm, “Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật VN đã đưa ra một dự thảo độc lập có cách tiếp cận rất khác với dự thảo của Bộ Nội vụ là cơ quan soạn thảo lúc đó đưa ra”, khi “chỉ cần đăng ký và thông báo thôi”, LS Lã Khánh Tùng cho biết. Nói cách khác, sự “trì hoãn” của Luật về Hội chính là từ yếu tố phiến diện, đòi hành chính hóa “nhu cầu” của cộng đồng, và kiểm soát chặt chẽ nhu cầu đó.

Do vậy, Luật về Hội của Việt Nam phải được xem là cơ hội “Đổi mới xã hội” Việt Nam, tương tự như việc mở rộng đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ ĐH VI. Nói cách khác, như TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn, thì sự cởi bỏ các tư tưởng độc quyền chi phối xã hội qua việc thừa nhận không gian dân sự xã hội, chính nằm ở vấn đề tư duy. Tư duy cởi mở và đổi mới.

“Thực ra đây là vấn đề thay đổi tư duy. Chúng ta vẫn còn coi hội như một bóng mờ, một cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước”, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách cho biết.

Như vậy, trong tháng 10 này, Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận trong kỳ họp thứ 10, Khóa XIII, cụ thể là vào ngày 20/10/2015. Cần lắm sự “tiến hóa tư duy” của mỗi vị ĐBQH, phải xem đây là sự thảo luật mang tính “lịch sử”, thay vì đến nghe và làm nghị gật. Bởi chính các vị là người làm nên dấu ấn của khóa Quốc hội XIII, khi Luật về Hội chính thức được hiện diện trên vũ đài chính trị – xã hội Việt Nam sau gần 70 năm thành lập chính quyền nhà nước.

Đinh Liên (VNTB)

Quốc hội Việt Nam khóa XIII cần phải tỏ ra thực sự “hữu ích” trong thúc đẩy không gian dân sự Việt Nam qua Luật về Hội. Ảnh: Hà Nội mới 

Hiến pháp 1946 ghi rõ quyền lập Hội của mọi công dân Việt Nam nhưng đã 70 năm rồi, hễ ai nói đến lập Hội là Nhà nước CS lập tức giật mình, cho ngay An ninh vây bủa, gán bằng được người có ý tưởng đẹp đẽ đó là… phản động, để rồi tìm cách bắt tống giam họ, hoặc bật đèn xanh cho côn đồ hành hung họ, cắt đặt chúng rình rập quanh nhà họ năm này sang tháng khác. Cũng vậy, vài năm trước chính quyền CS Việt Nam đầu đơn xin bằng được LHQ cho ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền quốc tế, nhưng khi đã là thành viên chính thức trong Hội đồng danh giá ấy rồi, thì trong nước chẳng những người dân vẫn không thể nào “sờ” được vào một chút các thứ quyền đã ghi rành rành ở Hiến pháp, dù là Hiến pháp 1946 hay Hiến pháp 2013 cũng vậy, mà vào đúng ngày kỷ niệm 80 năm bản Tuyên ngôn Nhân quyền ra mắt, công an còn rải ra khắp nơi mọi chốn để truy đuổi bất kỳ người Việt nào muốn tìm đến với nhau nâng ly bia chúc mừng bản Tuyên ngôn lừng tiếng khắp thế giới này, cũng như bày tỏ niềm tự hào đối với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nhà nước chúng ta.

Những mâu thuẫn đến là cắc cớ như nói ở trên làm cả thế giới cũng như trong nước phải vò đầu bứt tai, không hiểu nổi vì sao. Xin thưa: đó chính là bản chất chuyên chính của chủ nghĩa cộng sản. Để cho người dân tỉnh thức về quyền tối thiêng liêng được làm người thì còn gì gọi là quyền của tập thể độc tài ngự trị trên dân và “phân phối” lợi ích với nhau trên lưng dân chúng nữa? Nguy hiểm lắm. Bởi vậy, có thể tin tháng 10 tới đây Quốc hội sẽ thông qua được một đạo luật về quyền lập Hội đúng nghĩa là quyền tự do lập hội hay không?

Xin hãy chờ xem.

Bauxite Việt Nam 

Ngày hôm nay, chúng ta đang e ngại khi bàn về luật hội và tự do lập hội y như cách đây 25 năm các cụ e dè khi bàn về doanh nghiệp tư nhân. Nhưng rồi DN tư nhân vẫn phát triển, thậm chí trở thành nền tảng của nền sản xuất. Kinh tế thị trường hiện nay đòi hỏi sự phát triển tương thích của một không gian xã hội cởi mở hơn” – TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (phải) và Luật sư Lã Khánh Tùng – thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội (trái) thẳng thắn nhìn nhận Luật về Hội. Ảnh: Vietnamnet

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (phải) và Luật sư Lã Khánh Tùng – thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội (trái) thẳng thắn nhìn nhận Luật về Hội. Ảnh: Vietnamnet

LTS: Mới đây, bản dự thảo luật về hội đã được công khai để lấy ý kiến đóng góp của công chúng. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được thảo luận và thông qua tại Quốc hội khóa tới, cùng với một loạt các luật khác nhằm cụ thể hóa các quyền con người được ghi trong chương đầu của Hiến pháp 2013 như quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình,…  Các dự luật này cũng nằm trong lộ trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Công ước về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở…

Nhằm cung cấp thêm thông tin và các góc nhìn để các nhà làm chính sách tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự luật, VietNamNet tổ chức bàn tròn thảo luận về dự luật hội với TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Luật sư Lã Khánh Tùng – thành viên của Đoàn luật sư Hà Nội.

Trì hoãn chục năm

Nhà báo Việt Lâm: Dự thảo luật về hội này đã được đưa ra lấy ý kiến lần đầu tiên cách đây gần chục năm vào năm 2006. Tại sao đến giờ chúng ta lại phải đặt ra vấn đề này?

LS Lã Khánh Tùng: Thực ra từ Hiến pháp 1946 VN cũng đã có quy định quyền lập hội của công dân rồi. Còn luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực hội là luật về Hội ban hành năm 1957. Hiếm có lĩnh vực nào mà chúng ta vẫn áp dụng luật cũ như vậy. Nhà nước quản lí các hội này dựa vào nghị định 45 năm 2010.

Tuy nhiên, qua hoạt động thực tiễn các bộ ngành đều nhận thấy có nhiều vấn đề, vướng mắc phát sinh liên quan đến các hội, hiệp hội, hội đoàn. Chẳng hạn, gần đây nhất có các tổ chức, hội đoàn thành lập mới khiến các cơ quan nhà nước rất lúng túng, không có câu trả lời dứt khoát là các hội đoàn này có bất hợp pháp hay không.

Cùng với tinh thần Hiến pháp mới 2013 rất quan tâm đến quyền con người thì VN đã có kế hoạch ban hành rất nhiều đạo luật mới liên quan đến quyền con người trong đó có quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tiếp cận thông tin, luật tạm giữ tạm giam,…

TS Nguyễn Đức Thành: Nhìn từ góc độ của một nhà kinh tế, tôi thấy sự thành lập và tồn tại của các hội như các tổ chức tự nguyện vì cùng chung mục đích, cùng một lợi ích hay thậm chí như một câu lạc bộ theo đuổi một thú vui nào đó là rất cần cho xã hội. Bởi vì trong một xã hội hiện đại vận hành theo cơ chế thị trường như hiện nay, những tổ chức như vậy vừa xây dựng, vừa bảo vệ được các lợi ích rất đa dạng cho công dân.
Chúng ta cố gắng quản lý nhưng hội thì rất đa dạng, từ những hội rất nhỏ đến những hội mang tính chất chính trị hay những nghiệp đoàn lớn. Nếu chúng ta không có một luật đầy đủ để có thể bao quát được sẽ dẫn đến những trường hợp như anh Tùng vừa đề cập, có những đơn vị chúng ta không biết nên điều chỉnh như thế nào.

Về khía cạnh kinh tế, ở đây tôi nhìn thấy có vấn đề về tài chính công. Một số hội, hiệp hội quan trọng nhận được tài trợ từ ngân sách. Thậm chí, nhân sự gần như nằm trong hệ thống chính trị, trong khi những hội khác không có. Vậy đâu là tiêu chí để Nhà nước can dự, hay tài trợ cho hội, và tài chính công được sử dụng cho hội như thế nào? Đó là vấn đề lớn mà tôi cho rằng luật phải đưa ra một cách rõ ràng. Không thể chỉ dựa trên cơ sở là Nhà nước thấy hội nào cần thì tham dự vào chuyện nhân sự, hay tài chính, còn hội khác thì không cần.

Việt Lâm: Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết là ông đã tham gia xây dựng và chỉnh sửa dự thảo luật về hội đến 10 lần. Còn dự thảo luật về hội được đưa ra lấy ý kiến công chúng lần này là lần thứ 14. Tại sao dự luật này lại mất đến cả chục năm, qua nhiều lần sửa đổi đến vậy?

LS Lã Khánh Tùng: Rõ ràng là lĩnh vực hội đoàn có phạm vi ảnh hưởng rất lớn về mặt chính trị – xã hội. Các hội rất đa dạng, không chỉ là các câu lạc bộ, hội nhóm mà nó còn là các liên đoàn, thậm chí các công đoàn. Ở nhiều quốc gia, người ta còn coi vấn đề đảng phái cũng thuộc lĩnh vực hội đoàn.

Do tính chất đa dạng của các hội nên người ta rất khó tạo một khuôn khổ chung, một sân chơi chung.

Ngoài ra, phải nhìn nhận thực tế là ngay trong các cơ quan nhà nước cũng chưa có được một sự thống nhất về quan điểm, chứ chưa nói đến sự khác biệt với các tổ chức xã hội dân sự. Cách đây 10 năm, Liên hiệp các tổ chức Khoa học kỹ thuật VN đã đưa ra một dự thảo độc lập có cách tiếp cận rất khác với dự thảo của Bộ Nội vụ là cơ quan soạn thảo lúc đó đưa ra. Trong khi dự thảo của Bộ Nội vụ vẫn quy định rất nhiều thủ tục xin phép, những 4-5 lần xin phép, thì dự thảo của VUSTA đưa ra rất thoáng, chỉ cần đăng ký và thông báo thôi. Cùng với sự e dè của các cơ quan nhà nước, dự thảo luật về hội do vậy bị trì hoãn đến giờ.

Đã đến lúc phải thừa nhận không gian dân sự

Việt Lâm: Đành rằng, bối cảnh kinh tế – xã hội thời bấy giờ khiến cho những dự luật như vậy chưa thể được thông qua. Nhưng liệu sự trì hoãn đó có gây ra hệ luỵ gì về mặt phát triển kinh tế hay không, theo ông Thành? 

TS Nguyễn Đức Thành: Lâu nay, chúng ta thường tư duy theo hướng mọi thành phần, mọi nhóm trong xã hội đều cần có sự kiểm soát. Câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là: Chúng ta có cần kiểm soát như vậy hay không? Thậm chí chúng ta có khả năng kiểm soát như vậy hay không, đặc biệt trong một xã hội hiện đại và kinh tế thị trường như hiện nay?

Trong một nền kinh tế thị trường, tính tự do của doanh nghiệp tạo ra cơ sở cho nền kinh tế đó và các hoạt động của nền kinh tế đó buộc phải tự do mới có sáng tạo, mới thúc đẩy phát triển. Đi liền với nó là không gian về mặt xã hội. Bên này là không gian kinh doanh, bên kia là không gian xã hội đều phải có sự tương thích. Chữ tương thích này không phải chỉ là sự tự do cho có tính chất tự do mà nó phải có sự tự do theo nghĩa là để nó phản ánh được toàn bộ nhu cầu xã hội của các nhóm người khác nhau trong một xã hội ngày càng đa dạng.

Luật sư Lã Khánh Tùng, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng   

Luật sư Lã Khánh Tùng, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những tổ chức đó được tổ chức dưới dạng hội. Họ không phải các tổ chức kinh doanh, cũng không phải các tổ chức nhà nước mà họ chỉ là những tổ chức dân sự. Đơn thuần là họ liên kết với nhau, hoặc có mối quan hệ nào đó để bộc lộ được nhu cầu mang tính xã hội thật sự của họ.

Nếu chúng ta không có được tư duy để họ tự nảy nở, từ đó họ sẽ phản ánh được những nhu cầu rất đa dạng của đời sống thì hội sẽ mọc lên một cách không tự nhiên. Khi nó ra đời không tự nhiên như vậy, nó sẽ phản ánh lệch lạc nhu cầu thực sự của công dân trong xã hội. Thông tin lệch lạc sẽ đi đến khu vực kinh doanh một cách lệch lạc và như thế thì xã hội cũng sẽ bắt đầu chệch choạc. Nền sản xuất sẽ không tương thích được với nhu cầu thực sự của người dân.

Lấy một ví dụ đơn giản về các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Bên sản xuất có thể xâm phạm vào quyền lợi người tiêu dùng vì mục tiêu lợi nhuận mà thị trường theo đuổi điều đó. Như vậy, phải hình thành những nhóm lợi ích, ví dụ người tiêu dùng sữa, sầu riêng,… có thể thành lập những nhóm hội để bảo vệ quyền lợi khi phát hiện ra bên sản xuất làm không đúng, buộc bên sản xuất phải điều chỉnh hành vi. Chúng ta không thể dự báo trước hội nào sẽ được thành lập, bởi nó tự phát theo hiện tượng xã hội. Do vậy, chúng ta phải để cho nó có một không gian tự do hình thành.

Cơ quan nhà nước không thể nào theo kịp được thị trường, không thể theo kịp được nhu cầu của người dân mà phải tự người dân bộc phát ra. Cho nên vai trò hội rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là tính chất tự nguyện: tự nguyện thành lập một thời gian sau đó giải tán hoặc phát triển lên, theo quy luật tự nhiên.

Tôi cho rằng, chúng ta đã thiết lập cơ chế thị trường trong vòng 20 năm qua thì đã đến lúc phải thừa nhận một không gian khác tương thích. Khi đó, đời sống của người dân, cũng như sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế mới cân đối, đầy đặn và bền vững được.

Độc lập hay là cánh tay nối dài của nhà nước?

Việt Lâm: Thực ra cũng đang có hàng nghìn hội tồn tại và phát triển ở VN hiện nay đấy thôi. Liệu họ đã làm tròn vai mà ông Thành vừa nói hay chưa?

TS Nguyễn Đức Thành: Về nguyên lý thì để hoạt động của những hội đó có ý nghĩa thì phải dựa trên tính tự nguyện cao: tự nguyện thành lập hoặc tự nguyện giải tán. Nó cũng giống như thị trường thì có nguyên tắc theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, bên Nhà nước phải có pháp luật quản lý và bình đẳng.

Trong những xã hội mà Nhà nước muốn kiểm soát hội thì tính tự nguyện sẽ suy giảm và theo thời gian nó trở nên hình thức.

LS Lã Khánh Tùng: Phải thừa nhận thực tế là tính độc lập của các hội đoàn ở ta chưa mạnh. Chẳng hạn như gần đây người ta tranh cãi khá nhiều về vai trò của những hội rất lớn như Hội nông dân VN với 10 triệu thành viên, hay Hiệp hội Lương thực VN trong việc bảo vệ quyền lợi nông dân trong xuất khẩu gạo.

TS Nguyễn Đức Thành: Nhân nói về Hiệp hội Lương thực, vấn đề đặt ra ở đây là những hiệp hội đó được hình thành trên cơ sở nào: tự nguyện hay có sự dàn xếp, áp đặt từ các cơ quan chủ quản? Nhân sự hay thành viên có phản ánh đúng tính chất của hội không? Hay quá trình ra quyết định có đúng là nghị quyết chung của những thành viên thực sự? Chỉ khi đó, hội mới có tính đại diện thực chất.

Nếu hai bước đó đã không đạt được ngay từ đầu thì thông tin mà hiệp hội đó mang lại không phản ánh đúng cái được giả định là hội đang đại diện. Thông tin đã không chính xác rồi thì giá trị của nó không còn nhiều nữa.

Như vậy, ngay từ một hội nhỏ như hội chơi xe máy chẳng hạn, thì chính hội ấy phải quyết định hội ấy làm cái gì. Nôm na như năm nay đi du lịch ở đâu, sưu tập loại xe máy gì, đó là việc của người ta.

Còn nếu việc quyết định năm nay sưu tập xe gì hay đưa hình ảnh xe nào lên lại do một người bên ngoài quyết định thì hội đó không còn ý nghĩa nữa. Đầu tiên là các thành viên sẽ rời bỏ. Chỉ còn lại những thành viên chấp nhận trò chơi đó nhưng nó không còn ý nghĩa đúng là người đại diện.
Phải nói rằng các hiệp hội khác của chúng ta đều chưa phản ánh được hoàn toàn tính đại diện trong việc hình thành thành viên, đồng thời quá trình ra quyết định của các thành viên chưa phản ánh hết nguyện vọng của họ.

LS Lã Khánh Tùng: Độc lập có nhiều khía cạnh, trong đó độc lập về mặt tài chính có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ở VN do nền kinh tế còn ở mức thấp nên việc huy động tài chính cho các tổ chức phi chính phủ, các hội đoàn độc lập gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến một thực trạng là rất nhiều hội đoàn muốn Nhà nước dành thêm ngân sách, thêm ưu tiên cho mình.

Tôi quan sát thấy trong nhiều diễn đàn thảo luận về luật hội, không ít tổ chức đứng lên đòi hỏi điều này, thậm chí có một hội còn đặt vấn đề tại sao các hội khác lập cơ quan đảng, đoàn trong hội được mà chỗ chúng tôi lập cơ quan đảng trong hội khó khăn đến thế.

TS Nguyễn Đức Thành:Thực ra đây là vấn đề thay đổi tư duy. Chúng ta vẫn còn coi hội như một bóng mờ, một cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước.

Để hội độc lập thực sự thì nó phải độc lập về tài chính, tức là tài chính được đóng góp từ các thành viên hoặc các thành viên tự đi tìm các nguồn tài trợ trên cơ sở thuyết phục người khác tài trợ cho mình, chứ không phải từ ngân sách nhà nước.

Ngân sách là nguồn đến từ thuế của người dân và theo một nghĩa nào đó tất cả mọi người đều phải đóng cho hoạt động của hội đó dù cho không lớn. Vì sao tất cả người dân phải đóng tiền cho hội này mà không phải cho hội khác? Ai quyết định hội này được nhận nhiều hơn, hội kia ít hơn? Nếu tất cả cùng nhận thì hội có khác gì cơ quan nhà nước?

Khi các thành viên không đóng tiền hay hội không huy động được tài trợ, tức là nó không có giá trị nữa. Như thế thì nó nên giải tán, tương tự như một DN thua lỗ thì nên phá sản. Đấy là cách thức phát triển rất tự nhiên. Không thể nào để những hội tồn tại hàng chục năm không hiệu quả mà Nhà nước vẫn cung cấp tiền cho họ. Khi Nhà nước đã cấp tiền thì chúng ta không thể biết họ có đáng tồn tại hay không bởi không còn sự tự nguyện nữa.
Các hội hoạt động cũng tương tự như vậy thôi chứ không thể nào để những hội hoạt động hàng chục năm tồn tại như vậy, Nhà nước vẫn cung cấp tiền cho họ. Khi nhà nước vẫn bao cấp cho hội thì chúng ta không biết là liệu họ có đáng tồn tại hay không, có còn giá trị với xã hội hay không.

Sự tiến hoá của tư duy

Việt Lâm: Nhận thức luôn là một quá trình. Nói gì thì nói, nếu chúng ta quan sát đều có thể thấy rằng từ chỗ còn e ngại thì gần đây ngày càng có nhiều người, trong đó có các nhà quản lý, hoạch định chính sách đề cập đến sự cần thiết phải thực thi quyền tự do lập hội như đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Liệu đây có phải là bước chuyển thực sự về tư duy?

LS Lã Khánh Tùng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những chuyển biến tích cực này. Dường như rõ nét nhất là do tiến trình hội nhập quốc tế của VN. Gần đây, VN đã gia nhập thêm nhiều công ước quốc tế về quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn của LHQ, trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền của LHQ…

Nói chung, các vấn đề về các quyền cụ thể được quan tâm nhiều hơn. Những khái niệm về tự do, những chuẩn mực quốc tế, những giá trị phổ quát được thảo luận nhiều hơn. Tuy nhiên, để tinh thần đó thực sự đi được vào những dự thảo cụ thể thì vẫn phải đợi thêm thời gian. Bởi lẽ, Nhà nước bao gồm nhiều cơ quan quản lí khác nhau và chưa hẳn đã thực sự thống nhất với nhau về quan điểm. Có những bộ có vẻ khá cởi mở, như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp. Dường như họ tiếp xúc nhiều với chuẩn mực quốc tế nên trong tiến trình soạn thảo các dự thảo luật cụ thể thì họ thường cởi mở hơn và thậm chí tiếp xúc, lắng nghe công chúng nhiều hơn.

TS Nguyễn Đức Thành: Tôi cũng thừa nhận như vậy, rõ ràng là có những tiếng nói cởi mở hơn so với trước đây. Trước đây nói về hội, tự do hội gần như là sự cấm kỵ. Giờ đây có nhiều người đã nói lên. Dù chưa nhiều, nhưng rõ ràng đó là một sự chuyển biến.

Chúng ta cũng phải hiểu rằng đây là một quá trình mang tính lịch sử. Sự thay đổi tư duy của con người cũng mang tính lịch sử, tức là đòi hỏi phải có thời gian. Tất cả những tiến triển trong thảo luận về hội của chúng ta hiện nay cũng giống hệt bối cảnh cách đây 20-25 năm khi chúng ta thảo luận về luật doanh nghiệp.

Cách đây 30 năm chúng ta không có không gian cho doanh nghiệp tư nhân, cho kinh tế thị trường. Nói về doanh nghiệp tư nhân là điều gì cấm kỵ, khủng khiếp, lại càng không thể tưởng tượng nổi doanh nghiệp tư nhân có thể đem ra so sánh hay cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước cũng không buồn bàn những chuyện lặt vặt như vậy.

Nhưng rõ ràng là quá trình tiến bộ của xã hội đòi hỏi phải có một khu vực tư nhân năng động, linh hoạt và hiệu quả. Mục đích của nó là tạo ra của cải sản xuất tốt hơn doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại cho đến thời điểm đó. Lúc đó, chúng ta thấy luật về doanh nghiệp tư nhân rất e dè xuất hiện và tách riêng ra với luật doanh nghiệp nhà nước, tức là họ không muốn chung, coi như đây là một phần bên lề. Nhưng về sau kết hợp lại thành luật doanh nghiệp nói chung của cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, trong đó khu vực tư nhân là chính, khu vực nhà nước chỉ là phần phụ trong nội dung luật.

Tôi tin rằng tư duy về hội cũng sẽ tiến hóa như vậy. Bây giờ chúng ta còn đang e dè, e ngại nhưng đó chỉ là thời kì lịch sử. Bởi vai trò của các hội, hiệp hội bây giờ cũng khác gì so với vai trò của các doanh nghiệp trong việc sản xuất ra của cải vật chất. Ở bên này, các hội là những đơn vị phản ánh tinh thần thời đại, nhu cầu của người dân, xây dựng nên văn hóa dân chủ mà khu vực doanh nghiệp không thể giải quyết được, khu vực nhà nước không giải quyết được hoặc giải quyết không hiệu quả, với chi phí tốn kém. Nhưng một khi xã hội có nhu cầu thực sự thì nó sẽ lớn lên.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng đang e dè khi bàn về luật hội y như các cụ ngày xưa e ngại khi bàn về doanh nghiệp tư nhân: không có nó thì sao, nó có thay đổi toàn bộ xã hội này không, có chệch hướng hay không? Nhưng rõ ràng doanh nghiệp tư nhân đã tồn tại và thậm chí trở thành nền tảng của nền sản xuất VN hiện nay.

Điều này chúng ta có thể chứng kiến theo thời gian. Dần dần những hội chính thức sẽ phải thay đổi về mặt chính sách, nhân sự. Họ không muốn các tổ chức phi chính phủ ngang hàng với họ, họ muốn một luật riêng, các điều khoản riêng. Nhưng cũng như luật doanh nghiệp khi xưa, sớm muộn sẽ hội tụ lại với nhau. Và trong tương lai các nội dung để điều chỉnh hiệp hội tự do mang tính dân sự sẽ chiếm chi phối. Tất nhiên những hiệp hội mang tính tự do, độc lập cao đó ở trong xã hội hiện đại như vậy thì phải tuân thủ luật pháp một cách chặt chẽ.

(Còn tiếp)

V.L.

Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/263155/quyen-lap-hoi–sao-phai-e-de-.html

Chú thích:

(1) Tiêu đề do BVN đặt.

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.