Rõ ràng, cũng là người tù được đặc xá, nhưng anh em ông Đoàn Văn Vươn ở một tư thế khác, không mặc cảm, tự ti, không bị coi thường, kì thị xa lánh.
Cuối cùng người tù Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý cùng với hơn 18000 phạm nhân nữa cũng được ra khỏi nhà giam bằng quyết định ân xá của Chủ tịch nước. Pháp luật nghiêm minh cộng với tình yêu thương sẽ làm cho con người đứng dậy, làm lại cuộc đời. Nhưng, lòng nhân ái còn có sức mạnh hơn cùm kẹp,và song sắt nhà tù.
Ông Đoàn Văn Vươn tại lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước
Dường như mỗi con người một số phận, những người phải chịu vòng lao lý thì số phận bao giờ cũng mang tính bi kịch gay gắt hơn. Trăm ngàn con đường ra khỏi cánh cổng nhà tù thì cũng có cả trăm ngàn tâm trạng, nỗi buồn, niềm vui và cả nỗi lo sợ hoặc là mơ hồ, hoặc là hoảng hốt bởi đứng trước con đường mới mà chưa biết sẽ đến đâu về đâu.
Có người phạm tội sát nhân, tham ô hối lộ, chứa chấp mại dâm… được ra tù; nhưng trong đầu vẫn chứa chất nỗi mặc cảm tự ti, len lén, nem nép hãi sợ, xa lánh cộng đồng, thậm chí đến người thân yêu ruột thịt cũng không dám gặp. Lại có kẻ phạm tội giết người, khi được quay lưng khỏi cánh cổng nhà tù hít thở bầu trời tự do, là đi biệt xứ luôn, giấu tông tích mà làm ăn sinh sống, chứ không dám về làng quê để chịu cảnh hắt hủi kì thị, cô lập, xa lánh.
Ông Đoàn Văn Vươn và người em Đoàn Văn Quý ra tù lại có sự khác biệt trong xôn xao dư luận và được truyền thông săn đón. Đương nhiên hai ông ra khỏi cánh cổng nhà tù là được ùa vào vòng tay nhớ nhung da diết và những giọt nước mắt rưng rưng mừng vui của người thân.
Bà Nguyễn Thị Thương – vợ ông Đoàn Văn Vươn, và bà Phạm Thị Hiền (tức Báu) – vợ ông Đoàn Văn Quý sụt sùi nước mắt đưa các con đi đón cha. Hình ảnh sau lưng ông Vươn là cánh cổng nhà tù, ông đoàn tụ hàn huyên với người thân, rồi cầm máy điện thoại gọi cho người mẹ già sau gần 4 năm đằng đẵng chờ con thật xúc động ám ảnh.
Những người dân quê xã Vinh Quang chân chất mộc mạc đón ông Vươn như đón rước người thân xa xứ lâu ngày. Họ bắc rạp ngay tại vườn cây ở chân đê chuẩn bị bữa cơm mừng ông trở về. Các hội viên Liên chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng nóng lòng đến nhà ông từ sáng sớm, họ ra tận đầu làng đón ông. Họ bắn pháo giấy chào mừng ông đổi đời từ thân phận phạm nhân thành công dân tự do được sống cuộc sống đời thường.
Bữa cơm tối đầu tiên sau ngày đặc xá, gia đình quây quần ấm áp, ông Vươn rưng rưng gắp thức ăn cho người mẹ già đang nước mắt lưng tròng. Ông Vươn nói rằng: “Tôi rất cảm ơn tình cảm của mọi người dành cho một người vừa ra tù như tôi. Tôi được về sớm với cộng đồng, với gia đình là một niềm hạnh phúc, được tiếp tục phụng dưỡng mẹ già mà trong lúc ở tù anh em tôi vẫn lo lắng thấp thỏm”.
Ông Vươn gắp thức ăn cho mẹ trong bữa ăn tối đầu tiên tại gia đình ngay sau khi đặc xá
Rõ ràng, cũng là người tù được đặc xá, nhưng anh em ông Đoàn Văn Vươn ở một tư thế khác, không mặc cảm, tự ti, không bị coi thường, kì thị xa lánh. Ông trở về cuộc đời thường bằng vị thế của người ngẩng mặt lên, được vị nể, chứ không phải cúi mặt xuống xót xa tủi hổ. Thử hỏi, có bao người ra tù được trân trọng, yêu quý, đón rước bởi khí phách ngẩng cao đầu như ông Đoàn Văn Vươn?
“Sự kiện cống Rộc – Tiên Lãng” ở Hải Phòng tưởng đã vùi sâu vào quá khứ buồn bã thì lại được moi lên, nhớ đến. Dư luận hẳn không quên câu chuyện buồn không đáng xảy ra ở cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng: chính quyền địa phương thì kiên quyết thu hồi đầm hồ trang trại…, ông Vươn thì quyết liệt giữ bằng mọi giá và ông có lý do của ông.
Anh em ông Vươn đi thuyền thăm nom một vòng đầm nuôi tôm
Cuối cùng, chính quyền địa phương sai hoàn toàn và trang trại vẫn thuộc về ông, ông được quyền thuê tiếp. Nhưng ông Vươn và ông Quý cũng phải đánh đổi bằng cái giá đắt là 5 năm tù giam với tội danh Giết người. Tính đến ngày 31/8, hai anh em ông thụ án tại trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương) đã 3 năm, 7 tháng, 21 ngày.
Ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá, ra tù trước thời hạn không chỉ là niềm vui của gia đình, dòng họ nhà ông mà còn là nỗi hân hoan của những người dân bình thường quan tâm đến “Sự kiện cống Rộc – Tiên Lãng”. Người ta có niềm tin công lý đã được thực thi đúng đắn, hợp lý rằng: Việc anh em ông Vươn chịu vòng lao lý là thể hiện tính bình đằng của mọi công dân trước pháp luật nghiêm minh. Còn việc các ông được đặc xá trở về với đời sống công dân tự do thường nhật lại thể hiện tính nhân đạo của nhà nước pháp quyền.
Ngay từ sáng sớm đã có nhiều người tới thăm hỏi và uống chén rượu mừng với anh em ông Vươn
Ở một góc nhìn nhân đạo khác giàu tình thương yêu “bầu ơi thương lấy bí cùng”: Ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá làm cho nhiều người dân đồng cảm, vui mừng chia sẻ, bởi họ cảm thấy số phận ông có những nét tương đồng, có những tâm trạng “của đau con xót”, yêu quý mảnh đất vườn rau ao cá đã từng đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà phản ứng tức thì… để đến nông nỗi chồng xa vợ, cha xa con, chỉ cách song sắt nhà tù mà “biển trời cách mặt”.
Đất với người nông dân bao giờ cũng là mối quan tâm hệ trọng đầu tiên. Người sinh ra từ đất và cuối cùng cũng về với đất. Đất và người gắn bó, thân thuộc như rễ cây bám vào đất sinh sôi rồi lại làm cho đất màu mỡ. Người nông dân rất sợ bị rơi vào cảnh bần cùng “một tấc đất cắm dùi không có”.
Vườn chuối trở nên tiêu điều trong thời gian anh em ông Vươn đi tù
Bao nhiêu chuyện tương tàn đẫm nước mắt cũng từ đất mà ra. Cùng một cái đích sẽ có nhiều con đường đi đến thành công, nhưng cũng có nhiều nẻo khác nhau không về đích mà đi đến… trại giam. Nẻo nào thì cũng đẫm nước mắt mồ hôi trong hối tiếc muộn mằn. Cái đúng thì cũng đã rõ ràng. Cái sai thì cũng đã phân minh.
Qua “câu chuyện nông dân Đoàn Văn Vươn” đi tù vì giữ đất sẽ rút ra được kinh nghiệm quan hệ giữa người dân và chính quyền, giữa người với người và cũng là bài học ứng xử với đất. Còn việc ông Vươn được đặc xá trở lại với cộng đồng làm công dân tự do không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn làm cho chúng ta suy ngẫm đến ý chí sinh tồn, và sức sống con người khi vấp ngã, đứng dậy và đi tiếp.
“Sông có khúc, con người có khúc”. Người ta lúc sáng tỏ lúc mờ mịt, lúc thành công khi thất bại. Theo đánh giá của Ban giám thị Trại giam Hoàng Tiến thì “ông Vươn là một trong 10 phạm nhân cải tạo tốt, có thành tích đặc biệt, được tuyên dương khi trao chứng nhận đặc xá”. Tu dưỡng phấn đấu, cải tạo tốt, ông Vươn được đặc xá trở về với hồ ao trang trại của mình là cái kết có hậu, đẹp cả đôi đường.
Hai anh em ông trở lại với ao hồ bỏ hoang, trang trại cỏ mọc tốt bời bời và quyết tâm làm lại từ đầu, bởi tình cảm gia đình dòng họ, làng trên xóm dưới, và bạn bè dành cho hai anh em ông vẫn nguyên như ngày chưa… “làm hàng rào ngăn lối đi, làm mìn tự tạo chôn trên đường vào, mua xăng để đốt và dùng súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế”.
Ông Vươn (phải) và ông Quý sắp xếp lại đống lưới bên khu nhà cũ bị phá dỡ trong vụ cưỡng chế đầu năm 2012
“Sự kiện cống Rộc, Tiên Lãng” cũng đã qua và đã là chuyện buồn muôn thuở, nhưng nếu lại bị dồn đẩy vào một “Cống Rộc, Tiên Lãng mới” thì tôi tin rằng anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý sẽ không hành động manh động như trước. Các ông sẽ nghĩ ngợi kĩ hơn, cái đầu sẽ lạnh lùng tỉnh táo hơn và sẽ có cách đi phù hợp bằng biện pháp mềm dẻo linh hoạt nhân ái hơn. Qua đêm trời lại sáng. Tôi vẫn có niềm tin đã có một “cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng” rồi, sẽ không xảy ra một “cống Rộc” thứ hai.
Bây giờ thì anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã là người tự do trên mảnh đất của mình. Ông nông dân Vươn đã về nhà, ông nhớ trang trại, ông đi thăm lại ao hồ và trong đầu nẩy ra bao nhiêu ý định cải tạo, xây dựng mới. Ông sẽ đi tiếp con đường làm kinh tế đeo đuổi từ năm 1993 quai đê lấn biển nuôi trồng thủy sản.
Có ai biết rằng: Ông khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, phải vay mượn bạn bè, ngân hàng và sóng biển đã không ít lần cướp công, đè bẹp vùi dập ông. Đau thương chồng chất đau thương khi đứa con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối ngay trong khu đầm ao ông làm kinh tế.
Ông Vươn thắp hương cho con gái xấu số trong căn nhà cấp 4 ở ngoài đầm
Cuộc đời ông nông dân Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển đắp đập be bờ 40 ha đầm ao, làm trang trại ví như các chương tiểu thuyết về ý chí con người khuất phục thiên nhiên hung dữ. Chắc chắn những ngày ở tù và phút giây được đặc xá cũng là chương tiểu thuyết về nghị lực sống và lòng nhân đạo yêu thương con người.
Còn những ngày sắp tới trên ao hồ trang trại tươi xanh sẽ là cái kết có hậu sáng sủa của quyển tiểu thuyết mang tên người nông dân Đoàn Văn Vươn. Tôi vẫn tin và hi vọng ngày trở về và cái kết có hậu của ông Đoàn Văn Vươn như thế!
S.N.M