Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 17)

Phan Văn Song dịch

Hoàng Việt hiệu đính

Chương 7 (tiếp theo)

Kiến và Voi: Ngoại giao

(Ants and Elephants: Diplomacy)

Một buổi tối ở Phnom Penh hai năm rưỡi sau vụ trục xuất người Duy Ngô Nhĩ. Địa điểm tổ chức là to đẹp hơn nhưng vấn đề vẫn như cũ: Campuchia nhảy theo điệu của ai? Lần này không phải những người tị nạn và các nhóm nhân đạo đặt ra câu hỏi mà là các ngoại trưởng ASEAN. Gần như đúng 45 năm kể từ khi các tiền nhiệm của họ ký Tuyên bố Bangkok và tổ chức này đã đi một chặng đường dài. Cuộc họp ở Phnom Penh đang được tổ chức theo khẩu hiệu chính thức “một cộng đồng, một số phận”. Tuy nhiên, tại một trong nhiều phòng họp hoành tráng bên trong một toà nhà có tên lạc quan tên là Cung Hoà Bình, ASEAN đang trong khủng hoảng về Biển Đông.

Câu chuyện có thể bắt đầu khi ASEAN xác lập vị thế thống nhất về Biển Đông lần đầu tiên, với “Tuyên bố Manila” tháng 7 năm 1992; hoặc với những nỗ lực đầu tiên trong việc soạn thảo một “Bộ Quy tắc ứng xử” có tính cưỡng chế cho Biển Đông, bắt đầu từ tháng 3 năm 1995 ngay sau khi Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn [Mischief Reef] (xem Chương 3); hoặc với việc ASEAN và Trung Quốc thông qua “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) tháng 11 năm 2002; hoặc với thoả thuận về Hướng dẫn thực hiện DOC tháng 7 năm 2011. Vấn đề vẫn như cũ trong hơn hai thập kỉ. Một số thành viên của ASEAN muốn ràng buộc Trung Quốc vào một bộ quy tắc hạn chế các hành động của họ ở Biển Đông, đặc biệt để ngăn chặn họ chiếm thêm các thể địa lí. Rõ ràng là điều tốt cho Việt Nam và Philippines, và ở một mức độ thấp hơn cho Brunei, Malaysia và Indonesia, nếu họ phải đối mặt với Trung Quốc với sự hậu thuẫn của tất cả 10  thành viên của ASEAN. Cũng rõ ràng là sẽ có lợi cho Trung Quốc nếu họ có thể đàm phán với từng nước riêng lẻ. Cuộc đấu tranh không có chỗ kết thúc.

Tháng 3 năm 2012 tôi gặp Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario. Các cửa sổ lớn trong văn phòng to lớn của ông ở phía trên của Bộ Ngoại giao cho một cái nhìn toàn cảnh ra Vịnh Manila và xa hơn ngoài Biển Đông. Del Rosario biết rất rõ cái đang phải đánh cược ngoài đó là gì. Trước khi nhận vị trí của mình, ông đã từng là giám đốc của FirstPacific và Philex: hai công ty sở hữu các cổ phần chi phối trong Forum Energy. Ngay khi ông vừa chuyển công việc, một năm trước cuộc trò chuyện của chúng tôi, tàu Veritas Voyager, ký hợp đồng với Forum để khảo sát khu vực Bãi Cỏ Rong [Reed Bank] tìm các mỏ khí, đã bị một tàu Hải Giám Trung Quốc ngăn cản (xem Chương 5). Trung Quốc dường như quyết tâm ngăn chặn không cho Forum phát triển khu vực này. Del Rosario cho biết Philippines muốn có một tập hợp quy tắc, một Bộ Quy tắc ứng xử, để giải quyết vấn đề: “Chúng tôi nhận ra rằng các quăng hydrocarbon ngoài đó rất quan trọng đối với tương lai của chúng tôi. Chúng tôi cần những nguồn tài nguyên đó cho việc phát triển kinh tế của chúng tôi càng nhanh càng tốt. Nó có thể là việc xếp ván cờ mới đối với chúng tôi”.

Có một lý do khác, có tính biểu tượng để thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử tiến tới. Tháng 11 năm 2012 là kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. Vấn đề này đã bị để buông trôi trong một thập kỉ. ASEAN, lúc đó do Campuchia làm chủ tịch, đã phân công cho Philippines soạn thêm một bản dự thảo khác của Bộ Quy tắc nhưng del Rosario tiết lộ rằng ông đang làm một cái gì đó thậm chí còn tham vọng hơn. “Anh gặp chúng tôi đúng vào lúc chúng tôi đang cố bắt đầu một sáng kiến mà chúng tôi cảm thấy đó là con đường để tiến lên phía trước”, ông nói với tôi. “Có 4 nước có yêu sách thuộc ASEAN. Cái mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đáng ra phải làm, và chúng tôi đã bắt đầu quá trình này, là cùng với nước gần với chúng tôi nhất trong việc suy nghĩ làm thế nào chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề này [Việt Nam]. Chúng tôi sẽ làm việc với nước này trên cơ sở song phương trong việc giải quyết các vấn đề giữa chúng tôi với nhau một cách lặng lẽ. Sau đó cả hai chúng tôi sẽ đi đến nước thứ ba [Malaysia] và nói rằng bạn muốn làm điều này với chúng tôi không và sau đó nếu được việc thì cả ba nước sẽ đi đến nước thứ tư [Brunei])… Và sau đó chúng tôi quay lại và nói với Campuchia: “này hãy nhìn xem chúng tôi đã tự mình làm xong điều này nhưng với tư cách là Chủ tịch anh có thể nhận phần công trong đó để cho nó có thể thành một sáng kiến của ASEAN”. Chúng tôi đã thực sự bắt tay vào sáng kiến này”.

Nói cách khác, del Rosario đã hi vọng sẽ thoả thuận được một dự thảo Quy tắc ứng xử có chứa một cơ chế giải quyết tất cả các tranh chấp biển giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei (và cuối cùng cũng với Trung Quốc) chỉ trong chín tháng. Điều đó có vẻ cực kỳ tham vọng – thời gian biểu này người ta chỉ có thể mong đợi trong một thỏa thuận kinh doanh chứ khó có trong một thỏa thuận quốc tế. Cơ chế – một “Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác” trong đó tất cả các bên sẽ thoả thuận những khu vực nào là đang có tranh chấp và sau đó tập trung nỗ lực của họ vào một cách phù hợp – trông có vẻ tốt trên giấy (xem Chương 9 để biết thêm). Vấn đề là ngoại giao Philippines thiếu năng lực để chuyển nó thành kết quả. ASEAN chỉ tiến về phía trước khi tất cả 10 thành viên đều đồng ý và không có dấu hiệu nào cho thấy Philippines đã có các hoạt động ngoại giao sau hậu trường cần thiết để đưa các thủ đô khác cùng lên tàu. Ngay cả del Rosario cũng thừa nhận rằng kế hoạch đã được tiệp nhận tệ hại khi ông đưa nó ra tại một cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1, “cơ bản là vì không có nhiều thời gian để cho ASEAN có thể tiêu hóa được khái niệm”.

Cách tiếp cận Philippines có hai sai sót cơ bản. Thứ nhất, nó trình bày một kế hoạch hình thành đầy đủ cho các cuộc họp chính thức mà không có sự chuẩn bị cần thiết và thứ hai Manila muốn ràng buộc nhà chức trách Bắc Kinh với một tập hợp các quy tắc có tính cưỡng chế – “Bộ Quy tắc ứng xử” – nhưng đã không chuẩn bị để lôi kéo đối tác Trung Quốc vào trong các cuộc đàm phán về những quy tắc cho đến khi tất cả 10 nước ASEAN đồng ý chúng trước. Trung Quốc có thể tranh luận rằng họ phải được ngồi vào bàn ngay từ đầu và một số nước ASEAN cũng có khả năng đồng ý điều đó. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều công sức cho một chiến lược chống lại: tập trung vào nước mà họ có thể tác động nhất. Cuối tháng 3, bốn ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thăm chính thức Campuchia, gặp Hun Sen, công bố một đợt viện trợ mới $70 triệu và cam kết tăng gấp đôi thương mại giữa hai nước lên $5 tỷ trong 5 năm. Sau cuộc họp Sri Thamrong, một trong những cố vấn của ông Hun Sen, nói với các nhà báo rằng Hồ Cẩm Đào đã nói rằng Trung Quốc muốn tiến tới việc kết thúc một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhưng không “quá nhanh”. Hun Sen đã trả lời rằng ông đã chia sẻ niềm tin của Trung Quốc rằng vấn đề Biển Đông không nên “quốc tế hoá”. Quả vậy, Campuchia ban đầu đã gạt vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự chính thức của hội nghị thượng đỉnh ASEAN, chỉ đưa vào lại sau khi có phản đối từ Philippines và các nước khác. Cuối tháng 5 Trung Quốc cho thêm Campuchia $20 triệu viện trợ quân sự và giữa tháng 6 một khoản vay khác – $430 triệu. Cũng như từ trước tới giờ, hai bên nhấn mạnh rằng không có ràng buộc nào.

Ngày Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012, Albert del Rosario ở Phnom Penh đang cố thuyết phục thêm các đồng nghiệp ASEAN của mình để xác lập một đường lối cứng rắn với Bắc Kinh. Trong bốn tháng kể từ khi ông đã lược thuật chiến lược của ông cho tôi, tàu Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scaborough và Tổng công ty dầu khí ngoải khơi của Trung Quốc (CNOOC) đã tổ chức đấu thầu thăm dò các lô bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cuối tháng 5, Philippines và Việt Nam đã yêu cầu các đồng bạn ASEAN đưa ra một tuyên bố lên án điều mà họ thấy như là vi phạm tinh thần của DOC. Nhưng, Bộ Ngoại giao Campuchia nói, không có sự đồng thuận về vấn đề này.

Có tin tức tốt hơn một chút cho Manila về Bộ Quy tắc ứng xử. Dự thảo Del Rosario đã bị rút mất phần cốt yếu trong các cuộc thảo luận ASEAN – cơ chế thanh lịch cho việc quyết định các khu vực nào là đang tranh có chấp đã biến đi – nhưng tiến trình giải quyết tranh chấp vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một kết quả khá tốt, đặc biệt là khi các bộ trưởng ngoại giao chính thức thông qua văn bản sáng hôm đó và đã đồng ý chuyển nó cho Trung Quốc cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán. Phiên họp toàn thể các bộ trưởng đã kết thúc và họ chuyển sang phần ít chính thức hơn của các cuộc thảo luận – được gọi là phần “ở ẩn”. Nhưng còn lâu mới là một cuộc trò chuyện yên tĩnh, phần ở ẩn đẩy ASEAN tung lên biến thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của nó.

Phần ở ẩn được hiểu là để thoả thuận về thông cáo chung cuối cùng phải được công bố sau một tuần họp mặt và sẽ bao gồm các thảo luận của ASEAN với Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ – theo từng bên, trong các kết hợp khác nhau và cuối cùng gom mọi thứ lại thành Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Công việc soạn thảo thông cáo chung đã được giao cho del Rosario và các đồng nhiệm Indonesia, Malaysia và Việt Nam: tất cả những nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông. Dự thảo văn bản của họ đã có 132 đoạn. Các đoạn 14-17 nói về Biển Đông, và một đoạn, đoạn 16, đặc biệt đề cập đến vừa Bãi cạn Scarborough Shoal vừa phàn nàn của Việt Nam. Thông cáo chung là bánh mì và bơ của các cuộc tụ họp như vậy. Chúng thường được soạn thảo trước, công bố một khi công việc chính thức hoàn tất và gần như ngay lập tức bị quên đi. Việc đó không xảy ra như thế ở Phnom Penh.

Chúng ta biết một số điều về những gì đã diễn ra tiếp theo do các ghi chú của một phái đoàn đã được kín đáo chuyển cho học giả Carl Thayer của Australia. Albert del Rosario đã đưa ra một lời kêu gọi ủng hộ rất nhiệt thành, chất vấn các đồng nghiệp ASEAN tại sao họ lại im lặng khi Philippines bị mất quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough. Động thái của Trung Quốc không là vi phạm sự cần thiết phải thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện và hài hòa như đã được nêu trong DOC hay sao? Ông liệt kê các ví dụ khác về “sự bành trướng và xâm lược” của Trung Quốc trong những năm qua và cáo buộc Bắc Kinh “thiếu thiện ý” (bad faith) trong việc không rút tàu ra khỏi bãi cạn. Sau đó, trong lời hoa Mỹ cuối cùng, del Rosario tung ra lời ca kể chống phát xít của Mục sư Martin Niemöllers “Trước tiên họ đến tìm những người cộng sản nhưng tôi không lên tiếng vì tôi không phải là cộng sản. Kế đó, họ đến tìm các công đoàn viên, nhưng…”. Nhưng vì hầu hết các nước ASEAN (trong đó có Philippines) đã chủ động bắt bớ người cộng sản trong quá khứ và một vài nước khác hiện nay vẫn cấm công đoàn độc lập, nên điều này đã không có tác động gì nhiều. Thêm nữa, ít nước cảm thấy có nguy cơ Trung Quốc “đến tìm họ” sau Philippines. Trên thực tế, một vài nước còn đổ lỗi cho Philippines leo thang tranh chấp tại Bãi Scarborough qua việc họ triển khai chiến hạm Gregorio del Pilar lúc đầu trong cuộc bế tắc này. Những nước khác quan ngại rằng Manila đã công khai kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp – vi phạm tính trung lập mà ASEAN trân quý.

Từng người một, các bộ trưởng phát biểu. Surapong Tovichakchaikul của Thái Lan đã lập lờ nhưng nói lên sự cần thiết phải giữ gìn sự thống nhất của ASEAN. Phạm Bình Minh của Việt Nam muốn được hậu thuẫn chống lại hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc. Marty Natalegawa của Indonesia nhấn mạnh rằng ASEAN nên đoàn kết với nhau, và đề cập đến những phát triển mới nhất ở Biển Đông, Anifah Aman của Malaysia cũng nói như vậy. Hoàng tử Mohamed Bolkiah của Brunei nói ít nhưng chỉ ra rằng ông có thể ủng hộ thông cáo chung. Tiếp sau đó là các bộ trưởng Lào và Myanmar đều không nói điều gì chống lại bản dự thảo và sau đó K. Shanmugam của Singapore đã lưu ý rằng “các diễn biến gần đây là đặc biệt quan ngại”.

Cho đến thời điểm đó (theo các thông tin mà chúng tôi có), mỗi bộ trưởng ngoại giao hoặc đã phát biểu ủng hộ bản dự thảo hoặc không nói gì chống lại nó. Nhưng sau đó, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong giành micro, tuyên bố “không có sự đồng thuận” và thông báo rằng các đoạn 14-17, và đặc biệt là đoạn 16, nên được đặt trong ngoặc hơn là thông qua ngay. Bốn bộ trưởng phụ trách soạn thảo kinh ngạc và lập tức yêu cầu giải quyết vấn đề này ngay lúc đó và ở đó. Nhưng Hor khẳng định rằng “bây giờ hoặc trong tương lai gần, chúng ta không thể trông mong giải quyết những tranh chấp này. Không phải chỗ ASEAN”. Những nghi ngờ đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện – Campuchia đã bị mua chuộc? Họ sẵn sàng bẽ gãy ASEAN để làm vừa lòng Bắc Kinh?

Natalegawa của Indonesia sau đó đề ra một phiên bản thỏa hiệp đoạn 16 – đề cập đến “tình hình trong bãi bị ảnh hưởng/khu vực tranh chấp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” – nhưng Hor nhấn mạnh rằng không cần phải đề cập đến bất kỳ sự cố cụ thể nào và tiếp tục nói lan man về việc liệu có thể nêu sự khác biệt giữa một bãi cạn và một đảo hoặc xác định nó thuộc về nước nào không. Ông ta kết thúc với đề nghị xóa hết đoạn 16. Del Rosario đã chỉ ra rằng lời văn không nói gì về nước nào sở hữu Bãi cạn Scarborough.

Cuộc tranh cãi sau đó chuyển đến liệu cụm từ “khu vực tranh chấp” có thể sử dụng thay vào hay không. Natalegawa và Aman của Malaysia đề xuất ý tưởng này nhưng Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không thể gọi là “khu vực tranh chấp” và del Rosario cũng nói như vậy về Bãi cạn Scarborough. Phạm Bình Minh đã đề xuất tạm nghỉ thảo luận một chốc – tới đây tài liệu ghi chép  về các sự kiện mà chúng tôi có dừng lại. Nhưng những tranh cãi về thông cáo chung có thể chính xác tới mức nào về những rắc rối gần đây ở Biển Đông vẫn tiếp tục trong bốn ngày, suốt theo các cuộc họp song phương và đa phương khác đã lên lịch.

Tại cuộc họp báo tóm tắt tại Bắc Kinh và Phnom Penh vào ngày hôm sau, Thứ Ba 10 tháng 7 năm 2012, các nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp tục cảnh báo rằng Diễn đàn không phải là “nơi thích hợp để thảo luận về vấn đề Biển Đông”, lưu ý rằng “phía Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ vững chắc, bền bĩ của Campuchia đối với Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Mặc dù nhà báo bị giữ trong các trung tâm truyền thông chính thức, cách li an toàn khỏi những cảnh tượng các bộ trưởng và quan chức vội vả ngược xuôi dọc các hành lang vọng tiếng, những gợi ý đầu tiên của rắc rối bên trong Cung Hòa bình bắt đầu vượt tới thế giới bên ngoài. Một cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng vào sáng Thứ Tư được mô tả như là gai gắt và mãnh liệt. Tuy nhiên, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan của Thái Lan quyết định chơi trò Pollyanna (tỏ vẻ lạc quan – ND), nói với các nhà báo các cuộc thảo luận “tiến triển tốt”.

Tới Thứ Năm thì Surin sẵn sàng thừa nhận rằng có một “nấc nghẹn” trong tiến trình. Marty Natalegawa, trong khi đó, đã cố gắng để cứu vãn vấn đề – dù tuyên bố rằng hành vi của một số đồng nghiệp là “cực kỳ vô trách nhiệm”. Ông đã đưa ra ít nhất 18 dự thảo khác nhau cho Đoạn 16 nhưng không có kết quả. Có cuộc họp khẩn cấp khác. Một nhà ngoại giao Campuchia phàn nàn rằng đất nước ông đang bị “bắt nạt”. Nhiều nhà ngoại giao giấu tên nói với các nhà báo rằng Hor Namhong liên tục mang các bản dự thảo ra khỏi phòng đến tham khảo ý kiến với các cố vấn khuất mặt. Có ý kiến cho rằng các bản văn này được chia sẻ với các quan chức Trung Quốc. Mặc dù cáo buộc này sau đó đã bị các nhà ngoại giao Campuchia chỉ trích (ví dụ như trong một lá thư gửi tới Phnom Penh Post), nhưng chưa lúc nào thật sự bị bác bỏ.

Bây giờ tới phiên của Hillary Clinton có ý kiến. Ngoại trưởng Mỹ đến Phnom Penh với một nụ cười rạng rỡ nhưng với một nhận thức rằng các cuộc thảo luận là “dữ dội”. Bà nhắc nhở mọi người rằng chính sách của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông – trước khi đứng vào một bên trong các tranh chấp qua việc chỉ trích “hành vi đối đầu” ở Bãi Scarborough, “nhiều trường hợp cưỡng chế về kinh tế đáng lo ngại”và “các biện pháp quốc gia tạo ra va chạm”. Không ai nghi ngờ về nước mà bà muốn nói đến. Bà kêu gọi ASEAN “nói với cùng một giọng”. Điều đó nghe có vẻ giống như một nỗ lực nhắm đoàn kết ASEAN đằng sau thông cáo chung.

Sáng Thứ Sáu Surin Pitsuwan vẫn nói về một “nấc nghẹn” trong Cung Hòa bình. Shanmugam đang sắp lên máy bay về Singapore thì ông nhận được một cú điện thoại tuyệt vọng từ Natalegawa kêu gọi ông trở lại: Philippines và Việt Nam đã đồng ý một cách diễn đạt thỏa hiệp. Có một cuộc họp khẩn cấp cuối cùng. Trong thảo luận Hor cắt micro của Sutin giữa chừng. Bất chấp những lời nài nĩ thêm cho thỏa hiệp, Hor nhặt giấy tờ của mình và lao ra khỏi phòng. Đó là điều không tốt. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN đã kết thúc mà không có một thông cáo chung chính thức. Natalegawa bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” của mình. Surin nâng cấp đánh giá về tình hình thành một “nấc nghẹn lớn”. Các đại biểu khác đã gọi đó là một loại “nghẹn” khác. Ngày Thứ Sáu với các câu hỏi tuôn ra, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia đưa ra lời giải thích kỳ quái rằng “cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN không phải là một tòa án, một chỗ để đưa ra một phán quyết về tranh chấp”. Không ai đòi một cuộc họp phải làm một điều như vậy.

Ít ai ngạc nhiên rằng Campuchia đã hành động trong sự cảm thông với lập trường của Trung Quốc nhưng hầu hết đều đã bị bất ngờ bởi cung cách trắng trợn mà họ đã thực hiện và thực tế là họ sẵn sàng gây thiệt hại ASEAN tệ hại trong tiến trình này. Chính phủ Campuchia chẳng tỏ vẻ quan tâm nhiều. Xét cho cùng, tại sao Campuchia phải hành động vì lợi ích của ASEAN như một toàn thể? Điều duy nhất mà Hun Sen quan tâm là tương lai của Hun Sen. Trong việc chặn tuyên bố này lại ông đã đồng thời vừa làm hài lòng Bắc Kinh vừa làm Hà Nội bực mình – một cái được kép. Không có mặt thiệt hại nảo. Người Mỹ đã không sẽ cắt đứt quan hệ. Trên thực tế Mỹ lại nỗ lực gấp đôi để giữ cho ông ta khỏi bị trượt xa hơn nữa vào phe Trung Quốc – một cái được ba.

Nhưng đối với những người khác có một sự quan tâm mạnh mẽ hơn về sự thống nhất của khu vực, Phnom Penh là một thảm họa. Chỉ Marty Natalegawa là có sáng kiến và quyền hạn trong việc cố gắng sửa chữa những thiệt hại. Năm ngày sau hội nghị thượng đỉnh, ông từ Jakarta nhanh chóng đến Manila, Hà Nội, Phnom Penh, Bangkok và Singapore. Nhiệm vụ của ông được tung hô như là một chiến thắng, mặc dù thành quả duy nhất là đạt được việc ASEAN cùng nhau nhắc lại 6 điểm mà tổ chức này đã nhắc lại nhiều lần trước đây: ủng hộ cho DOC, cho Hướng dẫn thực hiện, cho việc có một Bộ quy tắc ứng xử, cho luật quốc tế, tự kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Những từ ngữ “Bãi cạn Scarborough” hoặc “vùng đặc quyền kinh tế” không được đề cập. Tuy nhiên, sau thất bại ở Phnom Penh, điều duy nhất quan trọng là có được một mảnh giấy với tên tất cả các ngoại trưởng trên đó.

Nhưng vấn đề vẫn tiếp tục ầm ĩ, khuếch đại bởi những bài báo chỉ trích chua cay viết bởi các nhà ngoại giao không giữ phép ngoại giao. Trợ lý cấp cao của Albert del Rosario, Erlinda Basilio, bắn phát mở màn với một kể lể dài dòng về hội nghị thượng đỉnh trên hai tờ báo Philippines. Nhà ngoại giao Campuchia đưa ra những lời phản bác dễ gây xúc động trong các bài viết in trên Bangkok Post, The Nation, Phnom Penh Post, Cambodia Daily, Japan Times Philippine Star. Trên tờ Philippine Star, Đại sứ Campuchia tại Manila, Hos Sereythonh, cáo buộc Philippines chơi trò “chính trị bẩn”. Văn phòng Del Rosario triệu tập ông ta tới họp với một thông báo được dán trên cổng trước của tòa đại sứ và đặt ở trang nhất của một tờ báo. Hos tuyên bố ông bị bệnh không tham dự được và cử phó Đại sứ thay thế. Mười ngày sau, theo những gì toà đại sứ Campuchia tại Manila cho biết là một nỗ lực để sửa chữa các mối quan hệ, Hos đã được triệu hồi về Phnom Penh và được thay thế. Sau khi mọi việc lắng xuống một chút. Trong tháng 12, Erlinda Basilio được bổ nhiệm làm đại sứ Philippines tại Trung Quốc – một dấu hiệu cho thấy Manila sẽ tiếp tục có một lập trường cứng rắn. Nhưng với mục đích gì? Tại thời điểm viết sách, ngay sau màn thách thức ở Phnom Penh, Bộ Quy tắc ứng xử vẫn không tiến gần thêm tới chỗ để được đồng ý và Khu vực Hoà bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác đã bị cất vào tủ.

**********

Năm 2011 nhóm nghiên cứu Châu Á tại Bộ Ngoại giao, theo lời của Ernie Bower, “hoàn toàn hốt hoảng lo rằng Bắc Kinh sẽ coi việc rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan sắp xảy như một điểm yếu nữa”. Họ tìm kiếm một cách để mô tả diễn biến đó dưới ánh sáng tích cực. Ban đầu họ nhất trí cùng chọn cụm từ “quay sang Châu Á” (the turn to Asia) nhưng Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Truyền thông chiến lược, đã có một ý tưởng tốt hơn. Tháng 11 năm 2011, trên tạp chí Foreign Policy, Hillary Clinton đã tiết lộ việc đổi lại nhãn hiệu cho sự kết thúc những vướng bận của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan. Đó không phải là “rút lui” (retreat); thậm chí cũng không phải là “quay sang” (turn).  Đó là “chuyển trục” (pivot). Bài viết của bà vạch ra sáu “đường hướng hành động chính” – bốn lấy từ báo cáo của CSIS năm 2009 của Derek Mitchell (tiếp thêm sức mạnh các đồng minh, vun bồi quan hệ với các cường quốc mới nổi, phát triển quan hệ với các tổ chức đa phương khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á về các vấn đề kinh tế) và thêm vào hai: Mỹ sẽ tiến tới một sự hiện diện quân sự trên diện rộng ở Châu Á và thúc đẩy dân chủ và quyền con người.

Như một thực hành tiếp thị chiến lược việc chuyển trục thành công đáng kinh ngạc. Bây giờ không ai có thể phàn nàn Hoa Kỳ đã coi thường Châu Á. Việc lựa chọn từ ngữ đã có được hiệu quả mong muốn. Vấn đề là ở chỗ nó chỉ liên kết với một trong “sáu đường hướng hành động”. Kết quả thực tế đầu tiên của chuyển trục hiện ra chỉ vài ngày sau bài báo của bà Clinton khi Tổng thống Obama bay tới Australia công bố một thỏa thuận cho 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân bán thường trực tại Darwin. Chỉ sau đó ông mới bay sang Bali và trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Ngay cả Derek Mitchell, người vừa rời Lầu Năm Góc, cũng thừa nhận rằng “ban đầu thông điệp không được triển khai thật tốt”. Chuyển trục đã trở nên liên kết quá chặt chẽ với việc triển khai quân sự. Chuyển truc cũng nghe không có tính thường xuyên. Nếu như Mỹ có thể xoay trục tới Châu Á thì có lẽ họ cũng có thể chuyển trục đi khỏi chẳng khó khăn gì. Washington cần một cái gì đó nghe có vẻ lâu bền hơn. Trong vòng 6 tháng “chuyển trục” đã trở thành “tái cân bằng (rebalance)”.

Hầu hết các chính phủ ở Đông Nam Á đều hoan nghênh “tái cân bằng” của Mỹ. Nó cho phép họ cân bằng quan hệ của họ với Trung Quốc và tận hưởng sự tự do trong hành động hơn. Một số nước, như Campuchia, đã cố ý chơi trò “tình vờ” với hai cường quốc đối nghịch nhau. Những nước khác, chủ yếu là các quốc gia có biển, đã cố gắng sử dụng “tái cân bằng” để củng cố vị thế của họ, đặc biệt là ở Biển Đông. Các tranh chấp ở đó đã làm cho Hoa Kỳ dễ dàng hơn trong việc tăng cường quan hệ với các nước liên quan. Hai chương trình hành động đã phát triển cộng sinh với nhau: sự lo lắng trong khu vực đối với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và các quan ngại của Mỹ về vai trò chiến lược toàn cầu của mình. Dần dần hai bộ vấn đề – các tranh chấp lãnh thổ của khu vực và những khác biệt “cấp độ toàn cầu” giữa Mỹ và Trung Quốc – đã trở thành liên kết với nhau. Đó là điều làm cho Biển Đông thành một nơi nguy hiểm như vậy. Theo lời của Derek Mitchell, có nguy cơ “cái đuôi vẫy con chó” (the tail wagging the dog: bộ phận điều khiển toàn thể – ND).

“Không phải chỉ là về Trung Quốc” là câu thần chú mà Mitchell và các nhà ngoại giao Mỹ khác phải tụng mỗi khi họ nói đến “tái cân bằng”. Đó là sự thật – đó là về việc tiếp thêm sức mạnh cho các quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Nam Á. Nhưng tất cả những nơi này tạo thành một vòng cung quanh … Trung Quốc. Sáu đường hướng hành động của Clinton cũng tạo thành vòng cung lời lẽ quanh Trung Quốc. Mỗi đường hướng liên kết với một cụm từ khóa cho thấy trọng tâm cơ bản của nó. Khi bà viết về việc bắt tay với các cường quốc mới nổi, bà yêu cầu họ “cùng hợp tác với chúng tôi trong việc định hình và tham gia vào một trật tự khu vực và toàn cầu dựa trên luật lệ”. “Trật tự dựa trên luật lệ” là hệ thống quốc tế vốn bảo đảm quyền đứng đầu toàn cầu của Mỹ thông qua các điều đã đươc xác lập lâu nay như quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, định chế Bretton Woods (về tiền tệ -ND), quyền thống trị của đồng đô la, các nguyên tắc thương mại tự do và chủ thuyết về tự do hàng hải. An ninh và sự thịnh vượng của Mỹ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc các cường quốc mới trên toàn cầu tuân thủ các tiêu chuẩn của hệ thống quốc tế hiện hành. Từ cái nhìn chiến lược, vai trò đứng đầu của Mỹ phụ thuộc, đặc biệt, vào việc truy cập vào tất cả các vùng biển thế giới. Theo lời lẽ trong Chiến lược Quân sự Quốc gia năm 2011 của Hoa Kì, “bảo đảm việc truy cập vào các vùng biển chung của toàn cầu (global commun) và không gian mạng tạo thành một khía cạnh cốt lõi trong an ninh quốc gia của Hoa Kì… Các các vùng biển chung trên toàn cầu, các miền kết nối toàn cầu tạo thành mô liên kết mà an ninh và thịnh vượng tất cả các quốc gia phụ thuộc vào đó”.

Biển Đông là một mắc xích quan trọng trong “các vùng biển chung của toàn cầu”, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư và Châu Âu. Ngay bây giờ, cùng với Biển Hoa Đông, nó là mảng biển tranh cãi nhất trên thế giới và là một trong những lý do chính cho sự lo lắng hiện nay đối với ý đồ của Trung Quốc. Như một nhà hoạch định chính sách cũ của Lầu Năm Góc giải thích, “chúng tôi rất vui khi có rất nhiều quốc gia chạy tàu quanh ngoài đó. Cái không được là hành vi độc quyền, theo cách quyết đoán trực tiếp hoặc theo cách bóp nghẹt tinh tế, muốn đuổi những người chơi khác ra ngoài”. Khi người Mỹ nói về việc Trung Quốc làm việc bên trong hệ thống quốc tế, họ muốn nói rằng Trung Quốc phải đồng ý để Biển Đông luôn mở cho Hải quân Mỹ ngoài những điều khác.

Nhiều nỗ lực lớn đang được thực hiện để khuyến khích Trung Quốc chấm dứt hành “hành vi độc quyền” và tham gia đầy đủ hệ thống hiện có – nói cách khác, chơi trò chơi theo luật chơi của phương Tây. Từ các cuộc thăm viếng cấp nhà nước cho tới các cuộc thảo luận quân sự, tới các nhóm làm việc kiểm dịch thực vật, Bắc Kinh đang bị các nhà ngoại giao và chiến lược “dội bom yêu” (love bombed: thuyết phục bằng mơn trớn – ND). Như Kurt Campbell nói với các cử toạ ở Australia năm 2013, “Cái mà chúng tôi đang tìm kiếm là để cho Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng toàn cầu theo một cách sao cho có được các chuẩn mực, các giá trị và các thủ tục chung mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhau để định ra, điều đó nằm trong lợi ích tốt nhất của chúng ta”. Tất cả nỗ lực này đang được dùng hết vì những nhà ngoại giao và các nhà chiến lược đó tin rằng lãnh đạo Bắc Kinh không thấy thuyết phục về giá trị của hệ thống quốc tế hiện nay và sẽ tìm cách thách thức những nguyên lý của nó trong nhiều thập kỷ tới.

Nhấn mạnh của Clinton vào các đồng minh cho chúng ta cụm từ thứ hai của chúng ta. Chuyển trục đã đưa ra một khu vực địa lý mới cho thế giới: “Ấn độ-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific). Mặc dù các nhà nhân loại học và động vật học đã sử dụng thuật ngữ này trong nhiều năm qua, những người ủng hộ “tái cân bằng” đã cho nó một ý nghĩa mới – một sự liên kết lỏng lẻo của các nước quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện nay là một khu vực chiến lược, giống như “Đông Nam Á” trong Thế Chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh. Nó tạo thành một tứ giác khổng lồ trải dài từ Ấn Độ đến Hoa Kì, qua Nhật Bản và Australia, nước có bờ biển được sóng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vỗ vào và nơi mà cụm từ này xuất hiện lần đầu. Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã có “Đối thoại An ninh ba bên” từ năm 2005. Năm 2006, Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật lúc đó, đã đề xuất mời Ấn Độ tham gia “Đối thoại an ninh bốn bên” nhưng ý tưởng đã bị dập tắt do sự phân vân của Kevin Rudd, thủ tướng Australia lúc đó. Ngay tiếp sau màn diễn đó Kim Beazley, người tiền nhiệm lãnh đạo Đảng Lao động của Rudd, giới thiệu khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” cho công chúng trong bài viết hồi tháng 11 năm 2009 cảnh báo về sự cạnh tranh trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ. Rory Medcalf thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy có cơ sở ở Sydney đề cao khái niệm này tiếp cho đến khi Hillary Clinton đóng dấu chuẩn nhận của Mỹ cho nó trong bài phát biểu tháng 10 năm 2010 tại Hawaii. Trung tâm chính trị của tứ giác Indo-Pacific là Biển Đông.

Cụm từ mô tả một tầm nhìn chiến lược – “đưa” Ấn Độ vào khu vực trước đây được biết đến như là Châu Á-Thái Bình Dương. Trong bài viết về chuyển trục bà Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ đang thực hiện một chiến lược đặt cược trên tương lai của Ấn Độ, rằng vai trò lớn hơn của Ấn Độ trên sàn diễn thế giới sẽ tăng cường hòa bình và an ninh”. Theo cách nói của Kurt Campbell, “Ấn Độ là then chốt của hệ thống này, và sẽ có một vai trò to lớn và quan trọng ở Đông Á”. Ấn Độ từ lâu tránh xa bất kỳ vai trò nào trong các liên kết quân sự do Mỹ đứng đầu, nhưng khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc (và các diễn biến ở Pakistan và Afghanistan) đã đồng ý với “Đối thoại chiến lược Ấn-Mỹ” thường xuyên trong năm 2009. Kể từ đó Ấn Độ đã mua khoảng $13 tỷ các thiết bị quân sự của Mỹ, bao gồm cả máy bay lên thẳng, máy bay vận tải và pháo, phần lớn trong đó nhằm mục đích yểm trợ các đơn vị mới miền núi bảo vệ vùng biên giới Himalaya của nước này với Trung Quốc.

Australia đã làm việc cật lực để nhúng thêm “Ấn Độ” vào “Thái Bình Dương”. Hai nước đã thoả thuận “Tuyên bố chung về Hợp tác an ninh” năm 2009 và các cuộc đàm phán vào tháng 6 năm 2013 cho ra các thỏa thuận về việc tập trận hải quân chung và tư vấn thường xuyên về các vấn đề an ninh khu vực. Ấn Độ cũng đang phát triển các mối quan hệ khác: quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, “Đối thoại chính sách quốc phòng” với Nhật Bản, và “đối thoại ba bên” với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ấn Độ đã cho Việt Nam vay rẻ $100 triệu để mua tàu tuần tra bảo vệ các mỏ dầu do Ấn Độ vận hành ngoài khơi bờ biển Việt Nam và tổ chức tập trận chung với Malaysia, Singapore, Thái Lan và Japan. Tuy nhiên, văn hóa chính trị của Ấn Độ vẫn tán thành tự trị chiến lược và ít có khả năng nước này sẽ tham gia bất kỳ liên minh chính thức nào với Mỹ.

Bên trong tứ giác này, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Thái Lan đã có các hiệp ước quốc phòng hoặc các thỏa thuận với Mỹ trong nhiều thập kỉ. Gần đây hơn, 7 thành viên ASEAN đã thống nhất một số hình thức hợp tác quân sự với Washington (ngoại trừ Lào không có biển, Myanmar và Việt Nam -. Và hai nước sau đang thận trọng chuyển tới một hình thức tham gia nào đó. Trái lại.danh sách bạn bè quân sự của Trung Quốc hạn chế hơn: Bắc Triều Tiên, Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Không nước nào có thể đuợc mô tả như là đồng minh và trừ Bắc Triều Tiên tất cả các nước còn lại đều thích chơi trò “tình vờ” với những nước theo đuổi đối nghịch nhau. Myanmar hiện đang mở cửa với phương Tây chủ yếu là do muốn ít bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Lào dùng Trung Quốc cân bằng với Việt Nam, Campuchia chơi trò vờ tất cả mọi nuớc đối nghịch nhau và Sri Lanka cũng như vậy. Nếu có được một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc thì Mỹ bắt đầu với một lợi thế áp đảo. Câu hỏi ở Đông Nam Á là liệu Mỹ có thể duy trì vị trí đó hay không.

Năm 2013, chi tiêu của Mỹ chỉ riêng về tình báo là hơn $ 50 tỉ – nhiều hơn tổng số chi tiêu quân sự của tất cả các thành viên của ASEAN gộp lại. Con số này nằm ngoài ngân sách quân sự chính thức $ 625 tỷ đuợc giao cho măm 2014. Quốc Phòng chiếm hơn một phần năm chi tiêu của chính phủ liên bang Mỹ – 22 % trong năm 2014. Với mức nợ quốc gia là $ 17 ngàn tỷ tại thời điểm viết sách, việc cắt giảm sẽ phải thực hiện. Lo lắng về việc Mĩ có thể tiếp tục cam kết với khu vực này tới bao lâu đang thúc đẩy các nước tìm cách bảo vệ vốn liếng và xây dựng quan hệ với Trung Quốc, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn đối với Mỹ: phải tăng chi tiêu để chống lại ấn tượng này; chịu áp lực chỉnh lại ngân sách trong nước; do đó làm tăng khả năng họ thực sự sẽ phải rút sự hiện diện quân sự của mình xuống; do đó làm cho các nước bên trong tứ giác thậm chí có nhiều lí do hơn để phục tùng Bắc Kinh. Đây là một câu chuyện kể mà Bắc Kinh thích khuếch đại – Hoa Kì càng có vẻ vật vã trong việc chống đỡ các cam kết ở Châu Á thì càng có nhiều khả năng các nước Châu Á tìm kiếm trợ giúp ở nơi khác.

Do đó cụm từ khóa thứ ba, “chia sẻ gánh nặng”, trùng lắp với việc nhấn mạnh của chuyển trục lên các thiết chế đa phương của khu vực. Washington đang tích cực khuyến khích các nước “quan ngại Trung Quốc” xây dựng các liên kết quân sự “ngang hàng” (peer to peer). Nhật Bản đang cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần duyên, mỗi chiếc trị giá khoảng $11 triệu, và huấn luyện cho cảnh sát biển Việt Nam. Hàn Quốc đã tặng một tàu chiến cho Philippines và Australia cung cấp thiết bị và huấn luyện. Australia cũng đã kí một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với nước láng giềng Indonesia vào năm 2012. Australia cũng đã bắt đầu cùng làm việc gắn bó hơn với Nhật Bản – ví dụ như với cuộc tập trận Nichi Gou Trident vào tháng 6 năm 2012. “Thỏa thuận năm cuờng quốc Quốc phòng”, ký kết vào năm 1971, vẫn còn liên kết Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia và Anh.

Nhưng liệu tất cả các hoạt động này có thêm vào điều gì nhiều hơn là đầy những nhầm lẫn? Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thống nhất về các đảo tranh chấp và không có khả năng Việt Nam sẽ tham gia bất kỳ thoả thuận quốc phòng nào do Mỹ dẫn đầu nếu không có một nguy cơ sống còn nào đó từ Trung Quốc. Các nước còn lại của ASEAN vui vẻ trú ẩn dưới chiếc ô quân sự của Mỹ – và thực sự sử dụng nó để kiểm soát một số các tranh chấp bên trong ASEAN – nhưng không quan tâm tới việc cố phục hồi lại bất cứ điều gì giống như SEATO. Đó không phải là đồng minh, liên minh hoặc thậm chí là quan hệ đối tác. Một từ có thể mô tả khá gần được vay mượn từ vật lí. Đó là “[hiệp] thông” (flux) – một loạt các hạt và các lực lúc nào cũng trong trạng thái xếp theo hàng với nhau. Nhưng theo cựu quan chức Lầu Năm Góc mà chúng ta nghe nói từ trước, điều đó không nhất thiết là một điều xấu. “Theo ý nghĩa ngoại giao, lợi thế lớn nhất của chúng tôi so với Trung Quốc không phải là tàu và máy bay và những thứ có thể đi tới nổ bùng. Đó là việcTrung Quốc vẫn chưa tìm ra được cách để chơi một trò chơi đa phương. Chúng tôi biết cách làm điều đó. Và khi chúng tôi trở nên yếu hơn, chúng tôi sẽ phải làm điều đó tốt hơn mà may mắn là chúng tôi biết cách làm. Chúng tôi chỉ khám phá lại những thứ chúng tôi thường làm từ lâu – trước Thế chiến thứ hai. Tôi có thể nói với bạn sự thật là có nhiều nước ở đó muốn chúng tôi ở đó. Không đang có hiệu lực, không quả quyết, nhưng ở tầm mức chiến thuật”.

Vậy làm thế nào những hạt này có thể được thuyết phục tự xếp hàng theo trục của Washington? Nói vắn tắt, thông qua đường hướng hành động thứ tư: mở rộng thương mại và đầu tư. Cụm từ khóa ở đây là “đối tác xuyên Thái Bình Dương”. Một trong những động lực chính đằng sau sự chuyển trục là nỗi lo sợ rằng Mỹ đang bị đẩy ra khỏi thị trường của mình ở Đông Nam Á. Trong năm 2004, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, đến năm 2010 lớn thứ tư, sau Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Khu vực thương mại tự doTrung Quốc-ASEAN có hiệu lực từ năm đó và Trung Quốc đã thúc đẩy một khu vực thương mại tự do Đông Á rộng lớn hơn để bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó họ có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với vùng Đông Bắc và Đông Nam Á. Theo Ernie Bower, “có một vấn thực sự về việc hội nhập kinh tế của Châu Á và việc Trung Quốc cố áp đảo trong kinh tế. Họ đã bắt đầu thống trị cấu trúc “ASEAN cộng 3” theo ý nghĩa rằng họ là người lập ra chương trình nghị sự. Nếu bạn nói chuyện với người Nhật và người Hàn Quốc thì thực sự có việc lo lắng, còn người Australia và New Zealand thì bực dọc, vì việc hội nhập của Châu Á đã bắt đầu lăn bánh mà không có họ. Vì vậy, có rất nhiều cảnh báo cho người Mỹ”.

Tháng 1 năm 2008, lúc George W. Bush vẫn còn là tổng thống, chính quyền của ông đã thông qua một nhóm tù mù bốn quốc gia ghép với nhau một cách lạ lùng – Brunei, Chile, New Zealand và Singapore – tự gọi họ là “Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Partnership hay TPP) và đẩy nó vào mặt trước trong hoạch định kinh tế của Mỹ đối với Châu Á. Chính quyền Obama lúc đầu ít quan tâm. Khi Obama bước lên máy bay Air Force One thực hiện chuyến thăm Châu Á chính thức đầu tiên vào tháng 11 năm 2009, ông không có kế hoạch đưa ra bất kỳ thông báo nào về thương mại. Nhưng trong chuyến bay, sau khi trò chuyện với Hillary Clinton và Kurt Campbell, ông đã bị thuyết phục và, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đã công bố tại Nhật Bản rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia vào quá trình đàm phán TPP. Trong những năm sau đó, TPP đã phát triển lên bao gồm 12 nước, trong đó có hai thành viên khác của ASEAN (Việt Nam và Malaysia) cùng với Nhật Bản. Hàn Quốc cũng có thể tham gia. Điều cuối cùng Washington muốn thấy là TPP mở rộng thành một “Khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương” nhưng có sự hoài nghi lan rộng về việc liệu TPP thậm chí có thể đạt được mục tiêu đầu tiên của nó hay không. Những mục tiêu này gồm có các quy định về quyền lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ và hợp đồng chính phủ – những vấn đề của nước giàu có đi thẳng xuống chương trình nghị sự ở Châu Á.

ASEAN đã tiến trước với tổ chức có tên viết tắt riêng: RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Đó là một khuôn khổ với tiêu chuẩn thấp hơn nhiều, chủ yếu tập trung vào việc thống nhất các khu vực thương mại tự do của các thành viên ASEAN, có cả Trung Quốc trong đó. Đã có rất nhiều cuộcthảo luận về sự đối đầu giữa TPP được Mỹ hậu thuẫn và RCEP có Trung Quốc trong đó nhưng đáng lưu ý rằng ASEAN cố ý chọn thúc đẩy RCEP (chứ không phải là Khu vực thương mại tự do Đông Á) bởi vì nó bao gồm cả Ấn Độ, Australia và New Zealand cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc – làm cho nó ít tập trung vào Trung Quốc hơn nhiều. Nhưng cũng tất cả những nước ASEAN này lại bỏ phiếu bằng chân, hội nhập với các thị trường có ý nghĩa nhất của họ.

Tuy nhiên, ngoài chương trình giúp các nước ASEAN chuẩn bị tiến tới các tiêu chuẩn của TPP (sáng kiến tham gia kinh tế mở rộng), Washington không đưa ra gì nhiều theo hướng khuyến khích kinh tế chính thức để lôi kéo Ấn Độ-Thái Bình Dương vào hướng đi của mình. Điều này phản ánh sức mạnh của vận động hành lang trong nước Mỹ vốn lo lắng về sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà sản xuất Châu Á nhiều hơn về vị trí chiến lược của Mỹ ở Châu Á. Trong khi đó, các khu vực tư nhân được cho là thích ứng với nó. Năm 2012, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và các Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Mỹ-ASEAN tại Campuchia cũng vào lúc mà các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN mặc cả về thông cáo chung nhưng điều này đã không lặp lại trong năm 2013. Việc chuyển trục dường như vẫn còn chú trọng về súng nhiều hơn là về bơ.

Nhưng loại súng nào? Các quan chức Trung Quốc đã đề xuất cách giải thích luật quốc tế có khả năng sẽ đóng cửa Biển Đông đối với Hải quân Mỹ. Đồng thời Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí có tính năng từ chối hạm đội Mỹ sử dụng Biển Đông. Washington nhìn thấy những diễn biến đó như là những đe dọa cơ bản, không những đối với hải quân mà còn với vị trí toàn cầu của họ. Yếu tố thứ năm trong tuyên bố chuyển trục của Hillary Clinton “một sự hiện diện quân sự trên diện rộng “, nhưng, như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, nó lại liên quan tới cụm từ “hải không chiến”. Có thể có chiến tranh chăng? Chắc chắn không thể có được. Hải quân Mỹ trong quá khứ đã từng chừa chỗ cho một cường mới nổi và có thể làm như vậy một lần nữa. Trong những thập kỷ sau năm 1962, Liên Xô đã phát triển lực lượng hải quân nước xanh và hạm đội Viễn Đông của họ đã từ Vladivostok đi rộng khắp nơi. Nhưng vào lúc đó, cả hai cường quốc này đều là môn đồ của Hugo Grotius. Điều đó thích hợp cho việc họ có thể đi qua Biển Đông, và mọi nơi khác, tuỳ ý. Cái khác biệt hiện nay là Bắc Kinh có vẻ muốn lật đổ nhiều thế kỷ thoả thuận và phủ nhận quyền đó đối với tàu quân sự.

Nhánh cuối cùng của chuyển trục là “thúc đẩy dân chủ và quyền con người” theo tiêu chuẩn của các giá trị phổ quát. Đây là yếu tố ít được phát triển nhất. Những thành công đã được làm ồn ào ở Myanmar, nước mà Derek Mitchell đang là đại sứ Hoa Kỳ vào thời điểm viết sách, nhưng bất đồng về quyền con người đã làm sự phát triển quan hệ với Việt Nam chậm lại.Xét tận cùng chúng là cái xác định sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc lãnh đạo Bắc Kinh tin chắc rằng việc đề cao các quyền cá nhân sẽ làm suy yếu hệ thống chính trị và dẫn đến một đợt thống trị mới của đế quốc. Có khả năng việc xem xét về quyền con ngưởi sẽ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong các cuộc thi thố chiến lược đang mở ra.

Hai đòi hỏi chiến lược và nhiều lợi ích trong khu vực va chạm nhau ở Biển Đông. Tranh chấp là rất nguy hiểm bởi vì nó kết tinh ý tưởng của hai nước về việc họ là ai. Cả Hoa Kỳ lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều dựa trên một cảm giác mạnh về mục đích, và giới tinh hoa của họ cũng thấm nhuần điều đó. Đối với những người cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tính hợp pháp đến từ lịch sử cuộc đấu tranh chống đế quốc và một chiến dịch đang diễn ra về thu hồi lãnh thổ bị lấy mất từ cơ thể dân tộc bởi thực dân và những kẻ phản bội. Tuy nhiên bị sai lầm về lịch sử niềm tin đó cho rằng những vùng lãnh thổ đó bao gồm cả Biển Đông. Giới tinh hoa Hoa Kỳ cũng có một niềm tin tiềm ẩn về vận mệnh hiển nhiên của Mỹ: Mỹ là một “đất nước biệt lệ”, là “niềm hi vọng cuối cùng tốt nhất” của thế giới, là một “sức mạnh không thể thiếu”, là nước đề cao các chuẩn mực, quy tắc của hệ thống quốc tế. Biển Đông là nơi đầu tiên mà những chuẩn mực và quy tắc đó đang bị thách thức. Nếu mất quyền truy cập vào những vùng biển đó thì Hoa Kỳ sẽ mất đi vai trò toàn cầu của mình và trở thành chỉ một cường quốc suông. Cú sốc sẽ là sâu đậm và những hậu quả cho bản sắc Mỹ, thịnh vượng và an ninh. Nó có thể là một cái gì đó đáng để tranh đấu cho. Và, như chúng ta sẽ thấy, kế hoạch đã được vạch ra.

B. H.

Dịch giả gửi BVN.

 

 

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.