Nghĩ về cái giá của độc lập và duy tân

Đầu tháng Bảy, trên facebook, bạn tôi ở Mỹ gởi cho xem những bức ảnh pháo hoa muôn màu của ngày lễ độc lập Hoa Kỳ. Đầu tháng Tám, bạn ở Singapore chia sẻ những hình ảnh về lễ hội suốt bốn ngày liền trên bộ, trên trời và trên biển khi đảo quốc này tưng bừng ăn mừng 50 năm quốc khánh. Đầu tháng 9, tôi sẽ góp hình ảnh sống động gì cho bạn tôi về cột mốc 70 năm xuất hiện trở lại tên Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Với tôi, bức ảnh hoài niệm thích nhất nhưng khó tìm chính là chân dung tiêu biểu của hàng chục triệu gia đình Việt Nam sau bao cuộc chiến tranh, bao cuộc phân ly. Giờ đây, tôi nghĩ đến ông bà tôi, bố mẹ tôi, anh em tôi, bạn bè tôi. Xuyên qua hai thế kỷ, biết bao thế hệ đều sinh ra và lớn lên trong một cuộc tìm kiếm tự do và hạnh phúc không ngừng nghỉ mà vẫn chưa chạm đích cuối cùng…

Chữ Quốc thiêng liêng

Ông nội tôi là một nhà giáo ở Hải Dương. Ông mất trong nghèo khó và bệnh tật khi chưa đến 50 tuổi, để lại cho các con trai một chữ lót là Quốc. Tìm hiểu về xứ sở, tôi mới biết Hải Dương là một trong những nơi đã nổ ra khởi nghĩa chống Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng. Cuộc nổi dậy ấy vừa tròn 85 năm, bị thực dân nhấn chìm bằng máy chém và cả máy bay bỏ bom. Không biết ông tôi có liên hệ thế nào với những người khởi nghĩa – trong đó có khá nhiều nhà nho, nhà giáo đều ra pháp trường – chỉ nghe bà nội tôi kể, nếu không được một người trong họ làm quan phủ nhận làm gia sư để che chở thì chắc ông đã ra đập đá ở Côn Sơn.

Trong một tấm poster các dân tộc thuộc Pháp in năm 1931, hình ảnh An Nam là người đội nón lá, gánh hàng rong. Ảnh TL

Hơn 60 năm sau, mãi đến năm 1993, lần đầu đến Paris, tôi được gặp người con trai cả của ông tuần phủ đã cứu giúp ông nội tôi. Bác ấy là dược sĩ, học trường Tây ở Hà Nội từ bé, thế nhưng khi thấy tôi trầm trồ trước những tòa nhà, cung điện tuyệt đẹp ở kinh thành Ánh sáng, bác đã nhắc tôi: “Cháu nên biết thực dân Pháp lấy biết bao tài nguyên, tiền bạc từ Đông Dương và các thuộc địa để làm giàu, làm đẹp cho chính quốc!”. Tên của cả ông tuần phủ và ông bác dược sĩ không vì địa vị cao sang của mình mà quên tình nghĩa và lương tri đồng bào, đồng tộc, đều có chữ lót là Quốc! Đến bây giờ, đi nhiều nơi, tôi nghiệm ra trong hoàn cảnh nào đi nữa, trong tất cả các gia đình Việt Nam và từng người Việt Nam, đều có một chỗ sâu kín nhất cho chữ Quốc thiêng liêng.

Chữ Quốc cháy bỏng đó không tự nhiên mà có, không chỉ một hai thế kỷ mà bùng nổ. Chữ Quốc ấy như một ngọn lửa đã nhóm lên từ thuở những cư dân ở trung du và châu thổ sông Hồng biết nổi lửa đúc đồng, biết làm lúa nước, biết gói bánh giầy bánh chưng. Người Hán tràn xuống phương Nam, xóa sổ Văn Lang đặt ách đô hộ nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa kiêu hãnh nòi giống Việt.

Hai giấc mơ, một ngọn lửa

Bước vào thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thay thế nhà Tây Sơn, tiếp quản một giang san hình chữ S chưa từng có của người Việt, có tên chính thức là Việt Nam. Thế nhưng, cũng chính vì vị trí chiến lược của mình trên đường hàng hải quốc tế, đồng thời là điểm tiếp giáp quan trọng với một nước khổng lồ châu Á, nước Việt Nam cận đại và cho đến tận bây giờ, đã mau chóng trở thành một điểm không thể thiếu trong cuộc tranh giành và đổi chác quyền lợi toàn cầu của các cường quốc. Dân tộc Việt từ nhiều thế kỷ trước phải tập chung sống và đấu tranh độc lập với người láng giềng Trung Hoa – tương đồng văn hóa và thể chế, nay phải đứng trước những hiểm họa mới, những kẻ đe dọa có một nền văn minh khác hẳn. Lúc ấy, một nhu cầu lớn đặt ra là liệu một quốc gia với vua chúa an nhàn trong thành quách, kết hợp với làng xã cố kết sau lũy tre xanh, có thể đương cự được mức nào trước sức mạnh của đại bác công nghiệp và tư bản hùng mạnh? Liệu một quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhưng thịnh hành từ chương và quan liêu, có đủ trí lực và nhân lực để đối đầu với một nền văn minh tự do hóa sung mãn?

Đại bác của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, được thực dân Pháp thu làm chiến lợi phẩm cuối thế kỷ XIX. Ảnh PT

Ở khúc quanh lịch sử đó, than ôi, triều đình Huế đã không đưa ra được cách thức đúng đắn nào để bảo vệ giang san. Triều đình cũng không tận dụng được thời gian để cải cách đất nước, mặc dù giặc Pháp phải mất đến 40 năm vất vả mới thôn tính toàn bộ Việt Nam. Trong cùng thời gian đó, vua quan Thái Lan và nhất là Nhật Bản lại khôn khéo giữ được độc lập bằng con đường cải cách thể chế, chấm dứt bế quan tỏa cảng – trước nhất với dân và cùng lúc với bên ngoài. Con đường cải cách ấy, theo cách gọi thời đó, có tên Duy Tân – nghĩa là hướng đến cái mới, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu!

Hai chữ “duy tân” thông qua con đường “tân thư” đến từ Nhật Bản và Trung Hoa, lần đầu tiên vang lên khắp Bắc – Trung – Nam những năm 1905-1908, trong một loạt hoạt động mới mẻ và táo bạo: cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, mở trường miễn phí, lập thư xã, diễn thuyết và tranh luận công khai… Đặc biệt, phong trào Duy Tân – như các nhà sử học sau này định danh, không chỉ hô hào mà còn thực hành ngay việc lập ra các công ty đầu tiên của người Việt. Bỏ bút lông và sách vở cũ kỹ, nhiều nhà nho dấn thân và cổ động đồng bào học buôn học bán, không để người Pháp, người Hoa độc quyền chiếm lĩnh kinh doanh. Cũng từ phong trào Duy Tân, lần đầu tiên đã có hình thức dân chúng xuống đường, biểu tình trực diện, đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế. Bước vào thế kỷ 20, ngọn lửa duy tân thực sự trở thành một năng lượng mới thôi thúc thêm nữa ngọn lửa yêu nước ẩn chứa trong các thế hệ và gia đình Việt Nam.

Không chỉ là xương máu

Năm 1945, thế chiến thứ hai sắp kết thúc, thời cơ độc lập bất ngờ xảy đến không chỉ cho dân tộc Việt. Đến một vị vua bù nhìn, còn đầy trẻ trung và một nội các tập hợp nhiều chuyên gia giỏi do người Nhật ủng hộ, cũng đã ôn hòa từ bỏ quyền lực để không trở thành vật cản trong một cuộc biến đổi lớn lao mà dân tộc chưa biết đến. Thế nhưng, nền độc lập của Việt Nam chỉ mới công bố long trọng với quốc dân và quốc tế đã gặp phải một sự thật phũ phàng là chính các cường quốc thắng trận mới là người vẽ lại bản đồ thế giới. Tại Hội nghị Postdam tháng 7.1945, ngoài phân chia châu Âu, các cường quốc đã bàn chia Đông Dương làm hai khu vực ảnh hưởng: phía Bắc vĩ tuyến 16 thuộc về Trung Hoa, phía Nam vĩ tuyến 16 là Anh (núp sau là Pháp). Và rồi, cuộc phân chia thế giới ngày đó mau chóng chuyển thành một cuộc chiến tranh lạnh với vũ khí nguyên tử treo lơ lửng trên đầu Âu – Mỹ. Để có thể đấu sức lẫn nhau, các cường quốc đã kích thích và khuấy động nhiều cuộc chiến tranh nóng ở những châu lục khác. Một lần nữa, Việt Nam trở thành chiến trường đan xen cả yếu tố dân tộc và quốc tế.

Đến bây giờ, đi nhiều nơi, tôi nghiệm ra trong hoàn cảnh nào đi nữa, trong tất cả các gia đình Việt Nam và từng người Việt Nam, đều có một chỗ sâu kín nhất cho chữ Quốc thiêng liêng.

Những bước đi và kết quả trên chiến trường Việt Nam không chỉ được quyết định từ bưng biền hay đô thành Hà Nội, Sài Gòn, Paris… mà về sau còn đến từ Washington, Moscow và thêm Bắc Kinh nữa. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, hàng triệu người đã chết – khó có ai thống kê được đầy đủ. Không chỉ gây tổn thất về con người và vật chất, cuộc chiến 30 năm còn làm Việt Nam dậm chân tại chỗ, chia cắt, kèm theo quá nhiều vết thương đau xé về cả chính trị, văn hóa, môi trường. Đã thế, sau tháng 4.1975, nước Việt Nam thống nhất vẫn chưa thể yên bình. Hai cuộc chiến biên giới song hành (Campuchia 1977-1991, Trung Quốc 1979-1991) và những quản trị sai lầm tiếp tục lấy đi máu và nước mắt, nhân lực và thời gian quý báu cho một quốc gia còn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Trong cùng thời gian ấy, nhiều nước xung quanh Việt Nam đã kịp cất cánh, hóa rồng, trở thành nước công nghiệp vững vàng. Cái giá để Việt Nam độc lập và chuyển sang duy tân đắt lắm, khủng khiếp lắm. Trên thế giới, có dân tộc nào từng lâm vào tình cảnh liên tục khốn quẫn như Việt Nam?

Sức mạnh của tư bản công nghiệp phương Tây: súng máy Pháp năm 1895. Chụp tại Bảo tàng Quân đội Pháp – Paris 7.2014. Ảnh PT

May mắn và kỳ diệu, những năm cuối 1980, những người lãnh đạo cấp tiến đã nhận thức được thôi thúc thay đổi của dân chúng. Cả một cuộc đấu tranh quyết liệt đã và đang diễn ra để cả nước có thể thoát khỏi những chính sách kìm hãm quái đản, thoát khỏi sự lệ thuộc viện trợ tiền bạc và tư tưởng đến từ nhiều phía. Những lúc nhớ lại cái khoảng thời gian 20 năm biệt lập và khốn khó 1975-1995, tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao thế hệ chúng tôi và cả một dân tộc có thể chịu đựng và chờ đợi được? Phải chăng, đó là vì chữ Quốc thiêng liêng? Là giấc mơ và món nợ duy tân chưa trả được? Là lòng kiên nhẫn và tình thương yêu không hạn định? Hay còn là quyết tâm từ ngàn xưa phải thay đổi nghịch cảnh? Những câu hỏi không dễ trả lời. Với Việt Nam, có lẽ nhiều vấn đề của quá khứ đều đang cần thời gian để phán xét. Song ngay từ bây giờ, đất nước và mọi gia đình còn phải đối mặt với nhiều câu hỏi nan giải cho 20 năm kế tiếp. Trong đó, có lẽ câu hỏi lớn nhất chính là phải làm sao để tránh khỏi những sai lầm cũ, trước những khúc quanh lịch sử mới? Có tránh được sai lầm, có khôn khéo và dũng cảm vượt lên được số phận của những con cờ bị áp đặt thì thế hệ Việt Nam hiện giờ và mai sau mới không phải trả tiếp những cái giá khủng khiếp như trước đây.

P. T.

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/6529/nghi-ve-cai-gia-cua-doc-lap-va-duy-tan.ndt

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.