Lạm bàn về triết lý sống

Ngày 13 tháng 8 Bauxite Việt Nam đăng bài “Đi tìm Triết lý sống của dân Việt”, của Hữu Mạnh, trong loạt bài “Nói thật không sợ mất lòng”. Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực triết lý nên không dám bàn sâu, chỉ xin “lạm bàn” vài điều để trao đổi với tác giả và những ai quan tâm.

Về tổng thể tôi tán thành, ủng hộ bài viết, thấy được tác giả là “người vẫn nặng lòng với đất nước” (lời của Hữu Mạnh trong bài viết). Tuy vậy, theo tôi, tác giả còn né tránh, để trống hoặc chưa chặt chẽ trong một vài nhận định.

Tác giả viết, đại ý là trên thế giới, trong lịch sử nhân loại có nhiều Triết lý sống (TLS) khác nhau, có thể quy về 2 dạng chính là: sống vì nhân quần hay sống vì lợi ích riêng, vì cá nhân mình (theo tôi  sẽ là tốt hơn khi kết hợp hài hòa 2 TLS ở trên). Trên cơ sở phân tích đặc điểm của các TLS tác giả phân chia thành TLS tiến bộ, tích cực và TLS phản tiến bộ, tiêu cực. Thế rồi Hữu Mạnh cho rằng: Hiện nay đa phần người Việt có chung một niềm day dứt  khôn nguôi là: chưa tìm được triết lý sống mà chỉ có  thủ đoạn sống thấp hèn. Về điều này tôi nghĩ hơi khác, cho rằng đa phần người Việt không phải chưa tìm thấy TLS mà là chấp nhận TLS tiêu cực hoặc thấp hèn, như là: lợi dụng quyền lực để vinh thân phì gia, đục nước béo cò; sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, giết nhầm hơn bỏ sót, hy sinh đời bố củng cố đời con, mũ ni che tai, tránh voi chẳng xấu mặt nào, v.v. Thủ đoạn sống cũng là một phần của TLS. Vẫn  còn một bộ phận thiểu số dám chấp nhận TLS tích cực, tiến bộ, suy nghĩ, hành động vì nhân quần. Day dứt khôn nguôi, chưa tìm được TLS chỉ là một số rất ít, chứ không phải đa phần, có lẽ tác giả nằm trong số rất ít đó.

Tác giả than thở “Tiếc thay và buồn thay, một dân tộc anh hùng, một đất nước có mấy ngàn năm văn hiến…, thế mà nay người dân chỉ sống và phải sống bằng các thủ đoạn sống, tức là cách sống thấp hèn”. Lời than thật ai oán, não nùng. Tôi chỉ muốn bổ sung câu hỏi “Vì đâu nên nỗi”, hay ngữa mặt lên trời mà kêu “Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này” (Chinh phụ ngâm). Phải tìm cho đúng nguyên nhân gốc rễ thì may ra mới có được biện pháp hữu hiệu để chữa, còn chỉ mới thấy hiện tượng thì chỉ có thể ôm hận và than thở hoặc sửa chữa một cách vá víu.

Thực ra tác giả đã đề cập: “Một quốc gia luôn đề cao thái độ nhẫn nhịn, ươn hèn trước kẻ thù mạnh hơn mình thì làm sao mà tạo dựng cho người dân một TLS vừa Minh vừa Dũng được? Một đất nước luôn dung dưỡng bất công, tham nhũng, dối lừa, độc đoán chuyên quyền, luôn đề cao đồng tiền… thì đừng hy vọng mọi người dân đều có được TLS tiến bộ, cao đẹp!”. Riêng đoạn này tôi nghĩ tác giả đã né tránh, mới dám nhìn thẳng vào một phần sự thật. Xin đừng đổ lỗi cho quốc gia và đất nước. Quốc gia, đất nước không can dự gì vào việc này cả. Phải thẳng thắn chỉ ra  vai trò của những người lãnh đạo, mà cụ thể là của Đảng Cộng sản VN, một đảng theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), chủ trương vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, tôn sùng vật chất, phản đối tâm linh, tuyên truyền dối trá, nặng về dùng mưu mô và đàn áp, nhẹ về lòng nhân ái, bao dung. Nhân đây xin phép được nhắc lại một kết luận mà tôi đã rút ra và công bố trong một số bài trước đấy: “Nguyên nhân gốc  nhiều tệ nạn của xã hội VN hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là phần yếu kém trong nền văn hóa dân tộc, một bên là những độc hại của CNML”. Tôi nghĩ đây cũng là nguyên nhân gốc của tệ nạn trong việc lựa chọn TLS của người Việt hiện tại. Chính vì ĐCSVN kiên trì CNML, giữ chặt sự độc quyền toàn trị, làm sinh ra một đội ngũ quan chức  phần lớn yếu năng lực, kém đạo đức, thiếu gương mẫu, tham nhũng, mua quan bán tước và dối trá. Thì chính Hữu Mạnh cũng nhận xét về sự hư hỏng của lớp trẻ là do: “bắt chước các cha anh hư đốn nhưng lại có vai vế trong xã hội”.

Tác giả rất quan tâm đến lớp trẻ, nhận xét là họ đang bị hư hỏng vì thiếu TLS, phải được trang bị kỹ năng sống. Tác giả viết: “Chúng ta không thể trách chê một chiều thế hệ trẻ ngày nay, mà ngược lại, chúng ta cần phải dang tay nâng các em lên, chỉ cho các em điều hay lẽ phải, bằng những phương thức giáo dục thích hợp” . Vấn đề này tôi chỉ đồng ý với tác giả khoảng trên 50%, còn nữa xin bàn thêm. Đúng là một bộ phận  lớp trẻ đang có phần hư hỏng (chỉ một bộ phận thôi chứ không phải số đông), nhưng lớp già hư hỏng nhiều hơn (xin nhắc lại câu: lớp trẻ bắt chước các cha anh hư đốn nhưng lại có vai vế trong xã hội). Có phải  một phần lớp trẻ tự hư hỏng hay có cái gì đấy, có ai đấy làm cho họ trở nên hư hỏng. Ai phải chịu trách nhiệm chính về việc này? Về điều này tác giả cũng đã viết: “Xã hội nhiễu nhương, tha hóa về các giá trị văn hóa tinh thần, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức… thì rất khó để các em có thể trở thành “Hoa Sen giữa bùn lầy”. Mà trong lúc chỉ có một phần nhỏ bị hư hỏng trong một vài cách xử sự còn phần lớn lớp trẻ vẫn là lực lượng tích cực trong nhiều công việc. Tác giả cho rằng: “Chúng ta cần phải dang tay nâng các em lên, chỉ cho các em điều hay lẽ phải…”. Tôi nghĩ bản thân tác giả có thể làm điều đó, tôi và một số người lớn khác cũng có thể làm điều đó nhưng chúng ta thì chưa chắc đã làm được. Chúng ta là ai, phải chăng là thế hệ người lớn, là ông bà, cha mẹ, chú bác…, trong đó có nhiều người hư đốn lại có vai vế trong xã hội. Ngươi đang ốm yếu, lấy sức đâu mà nâng người khác, ngươi đang hư đốn lấy gì để chỉ cho người khác điều hay lẽ phải. Nếu ngươi đang thực sự hư đốn mà lại rao giảng điều hay lẽ phải cho người khác thì đó là sự dối trá, bịp bợm, ai mà nghe được. Như vậy thì chúng ta, những người lớn phải tự hoàn thiện mình để làm gương trước đã. Khi người lớn đã thực sự gương mẫu thì thế hệ trẻ sẽ theo đó mà tốt lên. Mà người lớn cần làm gương trước hết là những nhà lãnh đạo đất nước ở các cấp, lãnh đạo các đoàn thể, các thầy cô trong trường, các ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình. Để tạọ cơ sở cho việc làm gương này thì về chính trị phải xây dựng một thể chế thật sự dân chủ để dân bầu ra được những người lãnh đạo có phẩm chất, như vậy mới làm gương sáng được. Những con người đạt được chức quyền bằng mưu chước, bằng thế lực hoặc tiền tài thì chỉ có thể nêu gương đen tối, xấu xa.

Xin cám ơn tác giả Hữu Mạnh đã viết bài, do đó tôi có dịp bày tỏ vài ý kiến lạm bàn. Cũng còn một vài điều nữa có thể bàn thêm, nếu có dịp sẽ xin trao đổi riêng với tác giả.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.