Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó, có người viết đại ý: ”Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng”.
Nhiều đơn vị lớn có uy tín đã từng tổ chức tưởng nhớ tri ân các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng ở Gạc Ma nhưng đều bất thành. Hình ảnh một số người dân Việt Nam tụ tập biểu lộ lòng yêu nước và tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng ở Gạc Ma bị đám đông dư luận viên phá rối thô bạo năm ngoái ở thủ đô Hà Nội vẫn ám ảnh nhiều người bỗng nhiên vỡ òa nhờ sự kiện “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” kết thúc thật có hậu và lan tỏa khắp cả nước thật xúc động ngoài tiên liệu của Ban tổ chức và người khởi xướng từ ý tưởng nhờ họa sĩ vẽ bức tranh ban đầu đến tổ chức thực hiện chính là ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News.
Khi cuộc đấu giá của First News đi được nửa chặng đường thì một nhân tố mới xuất hiện đã hỗ trợ rất nhiều và cùng đứng ra tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần đầu tiên cho các chiến sĩ Gạc Ma trên 4000 người tham dự vô cùng xúc động và uy nghiêm, được báo chí và VTV đánh giá như một “Hội nghị Diên Hồng” – Đó là Thương Tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm, đã trực tiếp đấu giá bức tranh và đứng ra cùng First News kết nối với Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thực hiện rất thành công sự kiện vô tiền khoáng hậu này.
Ban tổ chức, các nhà tài trợ tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, kể cả 7 chiến sĩ Gạc Ma (1988) từng bị Trung Quốc bắt giam giữ 3 năm và 5 gia đình tử sĩ trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 còn ở Việt Nam đồng đều mỗi gia đình 20 triệu đồng là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, biểu lộ sự hòa giải dân tộc cùng là con cháu dòng máu Lạc Hồng hy sinh bảo vệ hải đảo của tổ quốc. Ban tổ chức cũng đã tặng Cảnh sát Biển Việt Nam 300 triệu đồng.
Tiếng vang và cách thức truyền thông của sự kiện đấu giá “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” rất đặc biệt ở chỗ: Sự việc không chỉ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của nhà nước, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, Facebook trong và ngoài nước, nhất là ở Mỹ. Đích thân ông G. James Zumwalt – con trai Đô đốc Hải Quân Mỹ Zumwalt – từng là Trung tá Hải quân trong chiến tranh Việt Nam viết bài trên báo ở Mỹ. Rất nhiều người bất ngờ đặt câu hỏi thú vị: “Điều lạ gì đang diễn ra đây?”. “Diễn biến gì đây?” khi bức tranh Gạc Ma được những người đấu giá muốn tặng cho Quốc hội, cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho Tổng Thống Obama, cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho Viện bảo tàng, v.v. cùng những lý do xác đáng và thú vị. Đúng là một sự kiện chưa từng xảy ra, bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Vâng! Chỉ có lòng yêu nước mới lan tỏa với độ nóng và nhanh rộng, đầy cảm xúc đến như vậy. Và cũng đã rất lâu rồi, cảm xúc đó mới xuất hiện trở lại ở Việt Nam…
Một đốm lửa nhỏ từ sự kiện “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đã thổi bùng lòng yêu nước bất tử không chỉ thể hiện qua những câu chuyện trong các trang sử, mà hiện diện ngay giữa cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể thấy được, chạm đến được và cùng rung động với sự bất tử đó.
Hành động hung hăng tàn bạo của Trung Quốc thể hiện rõ trong vụ thảm sát những lính Việt Nam dũng cảm với “Vòng tròn bất tử” được tạo ra bởi 73 chiến sĩ hải quân dàn thế phòng thủ cố giữ lá cờ. Ai đã coi clip video quay thật về cuộc tàn sát này được đăng tải trên internet vào năm 2012 càng thấy rõ mức độ tàn ác của cuộc thảm sát và dã tâm ngày nay của Trung Quốc tiếp tục bành trướng muốn độc chiếm biển Đông.
Bằng ngôn ngữ “biểu tượng”, Bùi Lệ Trang đã khéo léo thể hiện một “trận chiến” dưới dạng một vòng cung, một chiến lũy “nước” ở trung tâm bức họa; giống như một vòng hoa lớn được đan kết bằng những con người đang giương cao 3 lá cờ Tổ quốc (quá khứ, hiện tại và tương lai) trong trận chiến “quyết tử vì Tổ quôc quyết sinh”, dưới làn đạn dày đặc, hung hãn của quân thù.
Biểu tượng “người chiến sỹ cầm Cờ đỏ sao vàng, không vũ khí trong tay với trái tim rỉ máu”, là phần thể hiện tinh thần tinh tế nhất của bức tranh muốn chuyển tải đến người xem, gây cảm xúc mạnh. Nó thể hiện ý chí sắt đá và tinh thần quật cường, bất diệt của dân tộc ta, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào, được trang bị vũ khí tối tân đến mấy (những họng súng đang nhả đạn). Đây cũng là thông điệp hòa bình của Việt Nam ta gửi cho thế giới thông qua biểu tượng “đường chân trời hình vòng cung, biển xanh, mây trắng”.
Một bất ngờ sau cùng – Sau cuộc đấu giá và đại lễ, Ban tổ chức và rất nhiều người đã xúc động bật khóc khi đọc bức thư cảm ơn chân tình, mộc mạc của Trần Thị Thủy, con gái của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người giữ cờ và hi sinh trên đảo Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa trong trận chiến không cân sức với quân xâm lược tàn bạo Trung Quốc, được đăng nguyên văn như sau:
“Vừa qua, con được tham dự đại lễ cầu siêu cho anh linh của ba con cùng những đồng đội đã hi sinh tại Chùa Vĩnh Nghiêm và nhân đây con cùng gia đình những đồng đội của ba được nhận sự ủng hộ từ số tiền bán đấu giá bức tranh “ Gạc ma – Vòng tròn bất tử” của Ban tổ chức.
Trước hết, con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người. Xin được gửi lời cảm ơn tới Ban Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm cùng toàn thể tăng ni phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu cho linh hồn của ba con và đồng đội, đây là một đại lễ lớn nhất và diễn ra đầu tiên kể từ khi ba con nằm xuống, đã 27 năm rồi, thời gian trôi qua không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không phải là ngắn đối với gia đình chúng con; những gia đình mất đi người thân, người mẹ mất con, người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. 27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào để cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá.Cho tới ngày hôm nay con mới được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.
Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Lệ Trang, người đã vẽ lên bức tranh bằng những đường nét sắc sảo để có một bức tranh mang đậm chất nhân văn và đánh vào lòng tự trọng của những kẻ đã đang tâm ăn cướp của người khác.
Cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), người đã có ý tưởng và cùng với Ban tổ chức, các nhà tài trợ… tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh “Gạc ma – Vòng tròn bất tử” và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên lớn cho những gia đình như chúng con trong dịp 27/7 này.
Nhân dịp này không chỉ gia đình con mà cả gia đình của 63 liệt sĩ khác được công khai khóc cho những người chồng, người cha của mình mà không phải sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào. Thiết nghĩ, cha mình hi sinh không tiếc bản thân mình cho Tổ quốc; không phải là để ghi danh hay gia đình đòi hỏi bất cứ một thứ gì, nhưng thời gian qua kể từ lúc cha con hi sinh gia đình con rất ít khi được nhận sự quan tâm của Nhà nước. Thi thoảng chỉ là những dịp lễ, ngày thương binh liệt sỹ; thế nhưng dần dà càng về sau thì càng bị quên lãng. Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành. Bởi vì với những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của con không thể đủ để cho mình con ăn học. Bản thân mẹ không được nhận trợ cấp. Cho đến năm 2009, qua bao nhiêu lần ngược xuôi làm giấy tờ thủ tục thì mới được hưởng. Mọi khó khăn khổ nhọc trong cuộc sống có lẽ là mẹ đã trải qua không bỏ sót cái nào.
Ảnh: Hai mẹ con vợ liệt sĩ Trần Văn Phương
Trong những năm trước, có thể nói nhắc đến sự kiện 14/3/1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ ”quốc gia láng giềng tốt đẹp” giữa mình và một đất nước đã đang tâm cướp đi bao sinh mạng, bao người thân yêu của chúng con. Với tư cách là một người con mất cha, con cảm thấy rất căm thù kẻ thù, lòng căm hận sôi sục nhưng tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng. Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì, cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng táo tợn khó hiểu của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta; làm hại người dân của ta. Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha người mẹ của liệt sỹ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con.
Những điều tâm sự con nói ở đây không phải là để chỉ trích toàn bộ hệ thống mà đây là một số bộ phận, cơ quan nhà nước và những cá nhân tắc trách trong công việc. Họ không hề biết rằng ai đã hi sinh ai đã đổ máu để lại phía sau là gia đình, là vợ góa con côi, mẹ già côi cút để cho họ có quyền được sống và ngồi đó hưởng sự sung sướng. Họ hạch sách và đòi hỏi đủ điều để phục vụ cho lợi ích của họ. Đây chính là điều mà con cảm thấy không được hài lòng nhất trong thời gian qua. Cha con và đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc, để lại cho người thân của họ những nỗi đau không gì bù đắp được, thế nhưng khi những người còn sống đã chịu nhiều đau thương mất mát thì lại không được quan tâm chia sẻ, động viên. Không phải đòi hỏi nhưng đó là quyền lợi mà những người thân như gia đình chúng con cần được có; chúng con cần những lời động viên, cần sự quan tâm và cần sự chia sẻ để lấy đó làm niềm an ủi tinh thần mà vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống; và con nghĩ mọi sự chia sẻ ấy sẽ làm yên lòng người đã khuất, và ấm áp lòng người còn sống.
Cho nên trong dịp này, một đại lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ và một cuộc đấu giá để hỗ trợ cho gia đình là rất có ý nghĩa. Một lần nữa con xin cảm ơn tấm lòng quan tâm chia sẻ của tất cả mọi người”.
Thay cho lời kết của Nhân quả:
“Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục – tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác”
Lịch sử có cả gam mầu hồng và mầu tối. Trận “thảm sát” Gạc Ma, không hiểu vô tình hay hữu ý, mà người ta (giới hữu trách) không hề nói nhiều về nó? Có thể, họ ỉm đi để đổi lấy “mối quan hệ” với ông bạn láng giềng đểu giả. Điều đáng nói nữa về măt đối nội (nội bộ ta), hình như họ muốn quên Gạc Ma, họ lại chối bỏ quên luôn cả 64 người con anh dũng đã hi sinh để bảo vệ lãnh hải của tổ quốc? Giả thử, nếu Trung Quốc không công bố đoạn video nhạy cảm và dã man ấy, thì mấy ai ở Việt Nam biết được điều sự thật này?
Dân tộc ta luôn trân trọng và yêu quí sự thật, và lòng trung thực, đừng làm mất lòng dân vì thiếu trung thực. Mà có dân mới có tất cả – mất lòng tin của dân là mất tất cả. Hãy nhớ rằng khi có giặc ngoại xâm, chỉ có dân và con cái người dân đi đánh giặc – nên hãy biết tri ân từ bây giờ, kẻo muộn.
Bài học quý giá qua sự kiện đốm lửa nhỏ Gạc Ma đã làm rõ thêm nhiều điều cần phải bàn tiếp. Đặc biệt là vấn đề chia sẻ thông tin của giới hữu trách với người dân; việc cư sử, tri ân với những người đã hi sinh trong cuộc chiến biên giới chống quân giặc Tàu.
Lịch sử tồn tại của một dân tộc là chuỗi các sự kiện tích cực và tiêu cực. Giới chính trị thường lợi dụng phần tích cực của lịch sử và “ỉm đi” phần không có lợi cho họ (tiêu cực). Sự kiện Gạc Ma chỉ là một trường hợp cụ thể cho sự “què quặt” đó. Người dân Việt Nam và giới trẻ ngày nay không thích học sử Việt vì người ta đã chủ ý “bẻ” đi phần không thích, để nó tồn tại như một con chim Việt bị què.
Xin trích câu nói nổi tiếng trong ngôi đền thờ cổ Vua Hùng để kết luận cho bài viết này:
“Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai,
Rễ phải bám chặt tận cùng của quá khứ”.
Ông cha ta với lịch sử 4000 năm văn hiến đã dạy truyền thống tốt đẹp như vậy, tại sao không nghe theo?
T..V.T.
Tác giả gửi BVN