5 – Câu chuyện thứ 5: Đi tìm Triết lý sống của dân Việt!
Câu chuyện hôm nay do tôi biên tập theo sự phân công của nhóm trưởng. Tôi xin phép đổi khác cách trình bày, không tường thuật lại buổi tọa đàm của nhóm “đối tác” như mọi lần nữa. Bài viết dưới đây do tôi biên tập lại, sau khi đã tổng hợp tất cả các ý kiến chính của các thành viên dự họp. Đây là nội dung cuộc tọa đàm của nhóm cựu học sinh trường Trung học XT, mà chúng tôi mới bắt quen gần đây, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Trường (7/1960 – 7/2015).
Cuộc sống của Con Người không phải chỉ cần các nhu cầu vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại, sinh đẻ…). Nếu chỉ cần có thế thì chỉ có thể là con người sinh học (tức chỉ là Con), chứ không thể trở thành con người xã hội (tức là Người) – Con Người đúng nghĩa. Sống dưới bất cứ thể chế chính trị nào thì những Con Người không bao giờ chỉ bằng lòng với sự sung túc, đầy đủ về tiện nghi vật chất, mà bất cần các nhu cầu tinh thần khác. Trên thế giới, không chỉ các nước nghèo, như Việt Nam ta, mới cần có Tự Do, Dân Chủ, Công Bằng, Văn Minh… và các giá trị văn hóa khác; ở các nước giàu có, người dân cũng luôn coi trọng các nhu cầu tinh thần đó, luôn đấu tranh để gìn giữ và phát triển cao hơn nữa các nhu cầu đó. Suy cho cùng thì chính các nhu cầu tinh thần này luôn là động lực, là định hướng cho cuộc sống Người, cho mọi người, cũng như cho cuộc đấu tranh chung của cộng đồng chống đói nghèo, bất công, tạo dựng một xã hội văn minh thực sự. Các nhu cầu vật chất và tinh thần phải luôn được thỏa mãn với mức độ ngày càng cao, và gắn kết cùng nhau, thì mới có được một xã hội văn minh bền vững. Trong các nhu cầu tinh thần mà Con Nguời cần có để Sống thì điều đáng nói nhất, nhân tố bao trùm và cốt lõi nhất chính là Triết lý Sống.
Triết lý Sống (TLS) thường được hiểu là một hệ thống các quan niệm (của từng cá thể người, hoặc của cả cộng đồng người) về Mục đích Sống, về thái độ đối với Quyền và Nghĩa vụ, đối với Cống hiến và Hưởng thụ, đối với Tình yêu, đối với Gia đình, đối với Bạn bè, đối với Quê hương, đối với Tổ Quốc, đối với Danh dự, đối với sự Thăng tiến, đối với môi trường sinh thái tự nhiên, về cách đối nhân xử thế, và rộng ra là đối với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Xét ở một góc độ nào đó, có học giả cho rằng TLS có nội hàm gần với Nhân sinh quan. Và nên nhớ, đã gọi là Triết lý thì bao giờ cũng chứa đựng yếu tố phát triển biện chứng, một đặc trung của lý luận triết học.
Người Việt ta đã từng có rất nhiều TLS được diễn đạt qua các phương ngôn, tục ngữ rất dễ nhớ, dễ hiểu, và luôn mang một ý nghĩa triết lý, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực, khá thâm thúy, sâu sắc. Chẳng hạn “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “Khôn sống, mống chết”,…
Trên thế giới, từng quốc gia cũng đều có các TLS riêng, cũng rất phong phú, đa dạng và rất hay, có cả dí dỏm, mà chúng ta có thể học được. Ví dụ, “Không ai có thể tắm ở một khúc sông đến hai lần”, “Tình yêu là vĩnh cửu, nhưng người yêu thì không, mà có thể thay đổi”, “Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau”, “Không bao giờ bán đứng bạn bè, trừ khi được giá”, “Chúng ta không thể chống lại những thằng ngu, vì chúng quá đông và nguy hiểm”, “Ngu cộng với nhiệt tình lại hóa thành phá hoại”, “Ngu cộng với can đảm thì chính là liều”… Nhà khoa học nổi tiếng Einstein cũng đã nêu nhiều TLS để đời, như: “Hãy đơn giản mọi thứ”, “Hãy chăm chỉ và dám mắc sai lầm”, “Hãy sống cho hôm nay”, “Hãy dám nghĩ khác”, “Hãy làm những điều không thể”…
TLS không hoàn toàn giống nhau giữa các cá thể người, nhưng trong một cộng đồng người vẫn có những nét chung, gọi là tính cộng đồng, mà thường hay dùng là tính Dân tộc. TLS không phải bất biến mà nó thay đổi theo môi trường kinh tế – xã hội, tức nó có tính Lịch sử.
TLS vốn đã là rất đa dạng, nhưng nhiều học giả cho rằng tựu trung chỉ có hai dòng TLS chủ yếu, được xuyên suốt bởi hai điểm xuất phát khác nhau: Sống vì nhân quần hay sống vì lợi ích riêng, vì cá nhân mình? Lòng Yêu Thương Con Người (lòng nhân ái), coi mọi người đều là anh em, thiết tha với các mục tiêu Bình đẳng, Bác ái… chính là nền tảng nhận thức của TLS tích cực, tiến bộ. Còn ngược lại, sự Đố kỵ, Ghen ghét, Vô cảm, chỉ nghĩ đến Lợi ích Riêng mình… chính là cơ sở tư tưởng của TLS phản tiến bộ, tiêu cực, vì nó đi ngược lại quy luật của sự phát triển!
TLS tiến bộ được hình thành từ Lý trí chứ không phải chỉ qua cảm tính, chủ yếu là qua giáo dục và tự giáo dục. Để được sở hữu TLS tích cực thì phải qua quá trình tư duy lâu dài và khoa học, luôn trả lời đúng được các câu hỏi “Vì sao lại thế?”. Quá trình hình thành TLS thường là đi từ thấp lên cao, từ các TLS rời rạc, lẻ tẻ, hàm lượng trí tuệ thấp, sẽ đi đến cả hệ thống TLS ngày càng hoàn chỉnh và có chất lượng cao. Thông thường thì TLS của một cá thể người được định hình tương đối ổn định khi con người đã vào tuổi trưởng thành.
Có học giả đã coi TLS là thành phần căn cốt nhất của Nhân cách (hiểu theo nghĩa là sự kết hợp bền chặt giữa Trí tuệ và Đạo đức, giữa Đức và Tài), nhưng là đỉnh cao của Nhân cách. Hay nói một cách hình ảnh thì TLS vừa là sản phẩm của Cái Đầu, vừa là sản phẩm của Trái Tim, nó vừa là Tài và cũng vừa là Đức.
Người Việt ta sau bao thăng trầm của đất nước, cho đến hôm nay, đâu đã yên tâm, đâu đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với con đường mình đang đi để đến được bến bờ cần phải đến. Có thể có một bộ phận người nào đó hoan hỉ, phấn chấn, lạc quan… rất bằng lòng với thực tại, nhưng đó quyết không phải là tâm tư chung của mọi người dân Việt. Số đông cư dân ở mọi tầng lớp vẫn luôn thấy cái đầu mình không thanh thản, vẫn luôn trăn trở, băn khoăn, lúc nào cũng như đang loay hoay tìm kiếm cái gì đó mà mình còn thiếu.
Cái gì đó mà mình đang thiếu chính là TLS! Ngay cả ở bộ phận trung lưu khá giả, thì cũng vậy thôi, nhất là với những người có đôi chút chữ nghĩa. Có khác nhau chăng là mức độ biểu hiện của sự day dứt khôn nguôi đó. Đa phần người Việt chúng ta đều đang có chung một niềm day dứt khôn nguôi là: Chưa tìm được Triết lý Sống! Nói cụ thể ra là, trong đầu chúng ta vẫn đang luôn lơ lửng các câu hỏi: Chúng ta đang sống vì cái gì nhỉ? Cái gì tạo nên động lực sống thường trực trong mỗi con người chúng ta? Sự giàu có vượt trội à? Sự độc tôn quyền lực à? Tại sao phải là cạnh tranh, giành giật mà không phải là chia sẻ? Tại sao lại phải vượt lên trên, thậm chí phải đạp đổ, phải nhấn chìm, phải xéo giẫm lên người khác mà đi, chứ không phải là cùng tiến lên? Tại sao cứ phải coi sự “hơn người” mới là động lực của sự phát triển? v.v. và v.v.
Rõ ràng là ở đây đang thiếu vắng một sự Minh Triết ở tầm vĩ mô! Xã hội Việt Nam đang tồn tại một sự rối nhiễu về TLS! Và người dân VN cần phải lên tiếng, vì lãnh đạo VN luôn bảo với dân và nói với thế giới đại ý rằng người Việt Nam chưa bao giờ được sống tự do, hạnh phúc như hiện nay!
Từ chỗ người ta kỳ thị người giàu, đánh đổ tầng lớp giàu có, thì đến nay người ta lại tôn vinh người giàu, và hơn thế còn tạo ra một tầng lớp giàu có đặc biệt: vừa có của, vừa có quyền lực, trong đó phải kể đến tầng lớp Tư bản Đỏ, gắn liền với bộ phận tha hóa trong giai tầng lãnh đạo! Người ta không tuyên bố, nhưng thực tế đã hạ gục không thương tiếc cả hai giai cấp vốn được coi là lực lượng nòng cốt của cách mạng, là bộ phận chủ yếu của lực lượng sản xuất xã hội, đã có công nuôi sống toàn xã hội suốt chiều dài lịch sử! Bộ máy tuyên truyền nhà nước rất chịu khó tạo dựng các mẫu hình thần tượng Con Người mới Xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực lý thuyết mà Đảng đã vạch ra. Trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tuyên huấn luôn đầy ắp các tấm gương sáng, các kịch bản hay về những điển hình con người sống có lý tưởng đó: sống vì mọi người, hết lòng vì dân vì nước, có đạo đức trong sáng, có tư cách cao thượng, biết sống tử tế… Người ta huy động tất cả các mỹ từ có trong ngôn ngữ Việt để ca ngợi những điển hình đó. Nhưng rất tiếc là những mẫu người thần tượng đó không có nhiều, thậm chí là không có thật trong đời sống của xã hội hiện nay. Cứ hãy nhìn xem thần tượng của giới trẻ bây giờ là một mẫu hình con người như thế nào? Lắm của ư? Biết sống sành điệu ư? Ngoại hình đẹp ư? Nổi tiếng ư?… Còn Nhân cách (Tài và Đức) thì không cần biết! Giới trẻ tìm TLS ở đó chứ đâu phải từ học đường, không phải trong sách báo, cũng không phải từ các điển hình trong văn nghệ, trong tuyên huấn. Còn số đông người trong các tầng lớp khác thì tìm TLS ở ngay trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, luôn hiện hữu nhan nhản khắp nơi: các “đại gia” giàu lên nhanh chóng, các quan chức lắm tiền nhiều của và thăng tiến vù vù, những kẻ cơ hội, hãnh tiến luôn khao khát với mục tiêu “làm quan”, với giấc mộng làm ông chủ, với khát vọng kiếm được nhiều tiền, luôn thấm nhuần văn hóa “quỳ lạy”, văn hóa “ăn trên ngồi trốc”, văn hóa “sống chết mặc bay”, văn hóa “tước đoạt”, rất giỏi luồn lách, rất thạo dối lừa…
Như vậy rõ ràng là con người ta bây giờ chỉ tìm thấy, chỉ cố học các Thủ đoạn Sống, chứ không phải là trăn trở đi tìm Triết lý Sống để được đồng hành với nó! Mà đã là thủ đoạn thì đâu có Tính Người, vì nó luôn thấp hèn, luôn gắn với mưu mô, luôn có mục tiêu làm hại người khác. Và, suy rộng ra thì TLS của mọi người chính là cái nền để xây nên Triết thuyết phát triển của đất nước, và ngược lại. Một quốc gia luôn giương cao giấc mộng bá quyền, ăn hiếp các nước nhỏ… thì TLS của người dân cũng khó mà sâu nặng tình nghĩa hòa hiếu, “bốn biển đều là anh em”, thế giới đại đồng… một cách thực chất! Một quốc gia luôn đề cao thái độ nhẫn nhịn, ươn hèn trước kẻ thù mạnh hơn mình thì làm sao mà tạo dựng cho người dân một TLS vừa Minh vừa Dũng được? Một đất nước luôn dung dưỡng bất công, tham nhũng, dối lừa, độc đoán chuyên quyền, luôn đề cao đồng tiền… thì đừng hy vọng mọi người dân đều có được TLS tiến bộ, cao đẹp!
Ngay từ lớp trẻ cũng đã có những dấu hiệu bất thường, rối nhiễu về mặt này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Hiện nay trong giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình, người ta đang đua nhau cổ xúy cho yêu cầu giáo dục Kỹ năng Sống – một biểu hiện quan trọng của TLS, với lớp trẻ. Nhưng thử xem chúng ta đã làm được gì cho các công dân tương lai? Kỹ năng Sống mà bọn trẻ ngày nay đang sở hữu và đang thực hành trong cuộc sống đâu phải thu nhận được từ nội dung giáo dục Kỹ năng Sống trong các cơ sở giáo dục. Mà chỉ là sự sao chụp, bắt chước từ các bậc cha anh hư đốn nhưng lại có vai vế trong xã hội! Xã hội nhiễu nhương, tha hóa về các giá trị văn hóa tinh thần, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức… thì rất khó để các em có thể trở thành “Hoa Sen giữa bùn lầy” khi các em chưa đủ bản lĩnh. Và bởi vậy, những gì các em đang hành dụng đều không phải là Kỹ năng Sống của con người văn minh, mà chỉ là những Thủ đoạn Sống thấp hèn, như vừa nói ở trên! Chúng ta không thể trách chê một chiều thế hệ trẻ ngày nay, mà ngược lại, chúng ta cần phải dang tay nâng các em lên, chỉ cho các em điều hay lẽ phải, bằng những phương thức giáo dục thích hợp. Không thể chỉ trông chờ và phó mặc hoàn toàn việc này cho mảng giáo dục xã hội được, mà giáo dục nhà trường phải vươn lên đảm nhiệm tốt hơn nữa vai trò chủ công và chủ đạo. Bên cạnh đó, Gia đình và dòng họ, giáo dục gia đình và giáo dục dòng họ cũng phải nhanh chóng và chủ động phối kết hợp thật tốt với giáo dục nhà trường, phải kịp thời cùng vào cuộc! Đừng để lớp trẻ tuột khỏi sự quan tâm và sự giáo dục của gia đình và dòng họ. Thế hệ trẻ hư hỏng thì gia đình và dòng họ phải hứng chịu hậu quả sụp đổ trước hết, sau đó mới đến cộng đồng rộng lớn hơn. Nước có thể mất trong một khúc ngoặt lịch sử nào đó, nhưng Gia đình và Dòng họ thì không thể, không được phép sụp nát, đổ vỡ!
Tiếc thay và buồn thay, một dân tộc anh hùng, một đất nước đã có một chiều dài lịch sử mấy ngàn năm văn hiến, đã có một nền văn hóa đậm đà bản sắc… thế mà nay người dân chỉ biết sống và phải sống bằng các Thủ đoạn Sống, tức là cách sống thấp hèn, không mang Tính Người! Ở đó TLS tiến bộ, từng chói sáng một thời, đang trở thành của hiếm quý! Những ai vẫn nặng lòng với đất nước hãy lên tiếng! Và chúng ta hãy tự hỏi: Liệu rồi đất nước này sẽ đi về đâu?
Tháng 8 năm 2015
H.M.
Tác giả gửi BVN