CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 38)

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 36

BULGARIA: TRỤC XUẤT NGƯỜI THỔ 

ZHIVKOV DÙNG CHIÊU BÀI DÂN TỘC – 15.000 NGƯỜI BIỂU TÌNH, 60 NGƯỜI CHẾT – LỆNH TRỤC XUẤT 300.000 NGƯỜI GỐC THỔ – QUỐC TẾ PHẢN ỨNG – TRỤC XUẤT: THẢM HỌA CHO BULGARIA – ZHIVKOV THỦ ĐOẠN – NGƯỜI IM LẶNG LÊN TIẾNG – CHỪNG MỰC ĐỂ TỒN TẠI – KIẾN NGHỊ 250

***

Sofia, Bulgaria. Thứ Bảy, ngày 20 tháng 5, năm 1989

ZHIVKOV DÙNG CHIÊU BÀI DÂN TỘC

1.

MÙA ĐÔNG VỪA QUA được xem là lạnh nhất trong lịch sử Bulgaria. Nhưng mùa xuân đến cũng không khá hơn. Những hàng người chờ mua bánh mì ngày càng dài, dài nhất từ trước đến nay theo trí nhớ người dân. Với hầu hết mọi gia đình thì bánh mì, sữa, phô-mai, trứng, rau tươi các loại đều rất khó mua.

Nguyên do chính: Sau khi giá dầu hỏa trên thế giới sụp đổ vào năm 1985-1986, thì chiêu mua rẻ bán đắt của Bulgaria, tức mang dầu giá rẻ do Liên Xô viện trợ bán giá cao cho phương Tây, không còn có lời nữa. Bên cạnh đó, các ngân hàng phương Tây cũng từ chối cho Bulgaria vay những khoản nợ mới.

Đất nước lâm vào cảnh phá sản. Và thế là lãnh tụ Đảng Todor Zhivkov bèn dùng một thủ đoạn cũ rích để đánh trống lảng, xoay mũi dùi đang chĩa vào mình ra hướng khác: thêm lần nữa, ông dùng chiêu bài dân tộc chủ nghĩa. Ông lý luận rằng mọi khó khăn của đất nước đều là do bọn ngoại quốc ở trong nước gây ra. Vì vậy chúng phải đi cho khuất.

Ông tuyên bố sẽ đuổi hết người thiểu số gốc Thổ ra khỏi Bulgaria. Đó là một quyết định vừa quái dị vừa tàn nhẫn. Nó tạo ra một phản ứng mà ông không thể đoán trước. Zhivkov nghĩ sẽ củng cố được địa vị khi kích cho làn sóng yêu nước nổi lên, nhưng lần này, chiến dịch vừa bị hầu hết dân Bulgaria phản đối, vừa kích hoạt một âm mưu chống ông cùng các quan chức cao cấp quanh ông, vừa khiến thế giới lên án mạnh mẽ.

*

15.000 NGƯỜI BIỂU TÌNH, 60 NGƯỜI CHẾT

2.

Đến năm 1989, ngoại trừ một số rất nhỏ, tất cả người gốc Thổ đã phải đổi tên, sau khi chế độ cưỡng bức họ đổi tên từ giữa thập niên 1980. Ai từ chối đổi tên thì hoặc phải chết hoặc đi tù. Nỗi cay đắng ăn rất sâu trong lòng dân thiểu số.

Từ ngày 9/5/1989, người Thổ ở phía đông bắc và phía nam Bulgaria bắt đầu các cuộc biểu tình, trùng với lúc Hội nghị An ninh và Hợp tác đang họp thượng đỉnh tại Paris. Đã có ba cuộc biểu tình tuần hành, một ở Kaolinovo, một ở Todor Ikonomovo, và một ở Tolbukhin gần Varna, do Liên đoàn Dân chủ vì Nhân quyền tổ chức.

Những người Thổ thành lập tổ chức này là những người từng bị giam trên đảo tù Belen vì không chịu đổi tên qua tiếng Bulgaria. Người biểu tình đòi quyền nói tiếng Thổ, quyền được theo đạo Hồi, và được phục hồi tên họ đặt theo văn hóa đạo Hồi. Chế độ đã phản ứng hung bạo để trấn áp biểu tình.

3.

Khoảng 15.000 người tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và lặng lẽ, nhưng họ bị nhà nước dốc toàn lực đàn áp. Những người dân tay không bị bao vây bởi quân đội và dân quân trang bị gậy gộc, chó săn, lựu đạn cay và trực thăng không kích.

Con số chính thức cho rằng chỉ có 07 người chết và 40 bị thương, nhưng những nhân chứng đáng tin cậy thì khẳng định con số chính xác hơn là 60 người chết và hơn 100 người bị thương, khoảng 1.000 người biểu tình khác bị bắt. Các đô thị hoặc xã thôn nơi diễn ra biểu tình đã bị quân đội phong tỏa bằng chướng ngại vật chặn đường và mọi thông tin liên lạc đến nơi đều bị cắt đứt.

Bốn ngày giới nghiêm được đặt ra, binh lính tuần tiễu trên đường phố, họ có thể tùy tiện đánh đập và bắt bất cứ ai không phân biệt. Họ lùng bắt những người tham gia biểu tình để “đối xử đặc biệt”. Hàng chục người nữa đã chết trong vài ngày sau đó.

*

LỆNH TRỤC XUẤT 300.000 NGƯỜI GỐC THỔ

4.

Ban đầu, chính quyền trừng phạt là để làm gương, dằn mặt những người tổ chức và lãnh đạo cộng đồng người Thổ. Nhưng rồi Tổng Bí thư Zhivkov lại chọn một đường lối khác, cực đoan hơn nhiều.

Vào ngày thứ Bảy 20/5/1989, ông quyết định loại bỏ cộng đồng người Thổ thiểu số theo đạo Hồi, và loại một lần dứt khoát để từ nay về sau không bận tâm nữa. Ông cho trục xuất “bọn gây rối” trước tiên. Ông ra lệnh cho Bộ trưởng Nội vụ Georgi Tanev “tổ chức trục xuất nhanh tất cả những kẻ cực đoan và cuồng tín trong cộng đồng người Thổ theo đạo Hồi, và khởi động việc di dân số người Thổ còn lại”.

Vào giữa thập niên 1980, Tanev là bí thư Đảng ủy vùng Kurdjali, nơi có đa số dân là người Thổ sinh sống. Tanev được chú ý cân nhắc vì ông chứng tỏ mình rất tích cực trong chiến dịch ép buộc người theo đạo Hồi đổi tên. Giờ đây, chỉ trong vòng vài ngày, 5.000 người Thổ đã bị trục xuất. Hầu hết những người bị trục xuất là nhà văn, nhà báo, họa sĩ hoặc giáo sư đại học, cũng có nhiều bác sĩ, kỹ sư, giáo viên – tức một tỉ lệ lớn những người trí thức của cộng đồng thiểu số.

5.

Một tuần sau, Zhivkov triệu tập các thủ lĩnh Đảng và loan báo rằng tất cả mọi người Thổ phải bị trục xuất nhanh chóng. Ông tuyên bố: “Tuyệt đối khẩn thiết phải trục xuất … ít nhất 300.000 người của cộng đồng người Thổ. Nếu chúng ta không trục xuất họ, chỉ trong 15 năm nữa, Bulgaria sẽ không còn tồn tại. Dân số của họ sẽ tăng lên … Các ông có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong 20 năm nữa không?”. Về sau, những người dự họp tiết lộ là khi nghe Zhivkov tuyên bố, họ kinh hãi nhưng không dám lộ ra ngoài, không ai dám mở miệng phản đối.[1]

Ngày hôm sau, 29/5/1989, Zhivkov xuất hiện trên truyền hình vào giờ cao điểm. Ông tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách xúi giục một cuộc khủng hoảng tại Bulgaria và kích động quấy phá để đạt được các mục tiêu “bành trướng” của mình. Ông yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho mọi người Bulgaria theo Hồi giáo.

Người gốc Thổ đã bị bắt buộc phải ra đi, sau khi được báo trước chỉ vài tiếng đồng hồ. Hầu hết chỉ được mang theo không hơn 500 leva tiền Bulgaria, tức ít hơn một tháng lương mức trung bình, nhưng dù sao thì tiền leva cũng không dùng được bên ngoài Bulgaria. Họ bị cấm, không được bán nhà cửa tài sản trước khi đi, cũng không được phá hủy chúng bằng bất cứ cách nào, ai bất tuân sẽ bị án tù dài hạn.

*

QUỐC TẾ PHẢN ỨNG

6.

Sau một thời gian ngắn mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, dù rất lưỡng lự, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal là người dẫn đầu việc quốc tế phản đối Bulgaria. Cộng đồng Châu Âu cho hoãn tất cả các cuộc thương lượng về hiệp ước thương mại mới với Bulgaria.

Bulgaria bị cô lập, ngay cả trong khối Xô-viết. Liên Xô gửi công văn chính thức phản đối hành động của Bulagria. Gorbachev nổi đóa khi gặp Zhivkov tại Moscow vào tháng 6/1989. Lãnh tụ Bulgaria cố gắng chống chế rằng ông “không còn chọn lựa nào khác về vấn đề người theo đạo Hồi … nếu chúng tôi không ra tay, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ thành giống như đảo quốc Cyprus”. Nhưng Gorbachev không để ông nói hết lời, phản bác ngay: “Những gì ông làm là rất nguy hại và phản tác dụng, vào đúng lúc chúng ta cần cải thiện bang giao với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không ủng hộ ông”.

Từ lúc đó trở đi, Gorbachev chỉ mong cho đồng chí Zhivkov biến sớm đi cho rảnh nợ.[2]

*

TRỤC XUẤT: THẢM HỌA CHO BULGARIA

7.

Cuộc xuất hành của người Thổ là một thảm họa cho Bulgaria. Hơn 350.000 người ra đi trong vòng chỉ vài tuần, vào đúng mùa trồng trọt và gặt hái. Ngay Zhivkov cũng thấy rõ tai họa mà cuộc xuất hành mang lại cho đất nước, và ông vội tìm cách thoái lui, hoãn trục xuất. Nhưng đã quá trễ.

Chế độ bảo người Thổ có thể ở lại canh tác trên đất của mình, rồi một năm nữa sẽ đi khi mùa màng gặt hái xong. Để cứu vụ mùa thuốc lá ở vùng Gotse Delchev, tây nam Bulgaria, chính quyền địa phương còn cấp cả hộ chiếu ghi muộn ngày hiệu lực để người Thổ ở lại thêm một thời gian nữa. Nhưng nỗ lực vớt vát tuyệt vọng này cũng vô ích.

Tại sáu làng xã trọng yếu trong vùng, đã xảy ra những cuộc biểu tình, đình công và phản kháng, nhưng họ bị quân đội và dân quân dẹp tan, khu vực bị phong tỏa và người Thổ bị dí súng ép trở lại làm việc. Nhiều làng mạc bị bỏ hoang không một bóng người, nhiều nhà máy dừng hoạt động hoàn toàn, mùa màng bị bỏ mặc, gia súc không ai chăm sóc.

*

ZHIVKOV THỦ ĐOẠN

8.

Các Đảng viên cao cấp phát hoảng. Những người như Ngoại trưởng Petar Mladenov, Thủ tướng Grorgi Atanasov, và người đứng đầu ngành tài chính Andrei Lukanov đều là những người ngoan ngoãn vâng lời Zhivkov nhiều năm qua, nhưng khi bị thế giới tới tấp phản đối về cách hành xử của Bulgaria, họ biết rằng lần này nhà độc tài già Zhivkov đã đi quá xa.

Nhưng họ lại quá sợ, không dám bất đồng với ông hoặc làm gì chống ông. Zhivkov vẫn nắm trong tay lực lượng an ninh đầy quyền lực Durzhahvana Sigurnost và Dân quân, tức lực lượng vũ trang cánh tay phải của Đảng, và như thế thì quá nguy hiểm nếu dám công khai thách thức ông.

Thực ra, vào mùa hè năm 1988, đã từng có một cố gắng để buộc ông từ chức, nhưng ông đã dùng thủ đoạn khôn ngoan qua mặt đối thủ. Ông qua mặt như sau: Ông mời tất cả các bộ trưởng và tay chân thân cận đến dự buổi họp của ban lãnh đạo Đảng. Trong phiên họp, ông tuyên bố ông đã quá già và mệt mỏi nên muốn từ chức sớm và để lại gánh nặng công việc cho người khác. Nhưng vài ngày sau, ông lại gặp riêng một ít người trong số. Trong các buổi gặp riêng này, tất cả những người có mặt đều cam kết trung thành với ông và bảo đảm họ sẽ ủng hộ ông nếu ông gặp bất cứ thử thách nào.

Lukanov giải thích thêm những gì diễn ra sau đó: “Dĩ nhiên, mọi người đều biết việc họp chung rồi họp riêng này là trò khích tướng. Nếu ai đó bảo ‘Đúng! Sao không từ chức đi’ thì người đó tiêu đời. Vì vậy, sau khi nói riêng với mọi người rồi, ông ta lại tổ chức một cuộc họp nữa để loan báo rằng mọi người muốn ông ở lại nhiệm sở, vì vậy ông phải chiều theo, một cách bất đắc dĩ. Chiêu trò đầy chất sân khấu này cũng được ông trình bày như một cố gắng rất nghiêm chỉnh để về hưu, mà không được”.

Tuy nhiên, vẫn có một nhóm người muốn hạ bệ ông, nhưng họ biết họ phải chờ đến khi thời gian chín muồi.[3]

***

NGƯỜI IM LẶNG LÊN TIẾNG

9.

Lần này, vì đàn áp tàn nhẫn người Thổ và gây hậu quả nghiêm trọng, Zhivkov phải đương đầu thêm với những người chống đối ở ngoài Đảng.

Từ trước đến nay, chưa từng có nhóm bất đồng chính kiến nào lên tiếng để bênh vực sắc dân thiểu số theo đạo Hồi. Như lãnh đạo của một số nhóm nhìn nhận, vấn đề của người Thổ được xem gần như là vấn đề phụ, không đáng được đại đa số người dân Bulgaria quan tâm. Đứng ra thách thức chế độ nhân danh những người Thổ cũng không mang cho họ thêm chút chính nghĩa nào, ít nhất là trước mắt đa số quần chúng.

Nhưng lần này, những nhóm nhân quyền, vốn im lặng trước đây, đã lên tiếng. Cuối tháng 5/1989, sáu người hoạt động đã bị bắt, trong số có ba nhân vật hàng đầu của nghiệp đoàn độc lập non trẻ Podkrepa và Linh mục Kristopher Subev, một linh mục Chính thống Giáo thuộc Ủy ban Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo. Họ bị tố cáo kích động người Thổ bạo loạn và bị tuyên án tù dài hạn. Khi họ tuyệt thực trong tù, họ đã bị cưỡng bức ăn một cách đau đớn.

Bi kịch của họ trở thành “vụ án lừng danh” trên Thế giới Vụ Đài BBC Anh Quốc và trên Đài Deutsche Welle Tây Đức. Dù trên lý thuyết, nghe đài nước ngoài là phi pháp nhưng cả hai đài đều được dân chúng Bulgaria lắng nghe chăm chú và có số thính giả không kém gì đài phát thanh nội địa. Nhờ vậy, mặc dù truyền thông nhà nước không hề nói đến việc trục xuất người Thổ, mọi người Bulgaria đều biết.

*

CHỪNG MỰC ĐỂ TỒN TẠI

10.

Vào mùa hè năm 1988, Câu lạc bộ Ủng hộ Perestroika và Glasnost ra đời. Thoạt đầu, nhóm có khoảng 80 thành viên, gần hết là những người có tầm vóc trong giới nhà văn, giới học thuật và cựu Đảng viên cộng sản. Chế độ giám sát rất kỹ nhóm này. Tuy bị mật vụ Sigurnost theo dõi, lễ ra mắt chính thức của nhóm vẫn có sự tham gia của Goran Goranov, một trong những trợ lý nổi tiếng nhất của Zhivkov.

Câu lạc bộ đã chọn con đường thận trọng. Ivan Stanchev, một trong những người thành lập cho biết: mọi bích chương biểu ngữ của nhóm “đều mang câu chữ hiền lành để khỏi bị dòm ngó, ít nhất chúng tôi mong thế. Chúng tôi cố ý dùng những khẩu hiệu, những ý tưởng của perestroika và glasnost như bình phong chính trị bảo vệ mình. Vì nếu Gorbachev, người cộng sản quyền lực nhất thế giới mà còn dùng những từ ngữ như vậy, thì nhà độc tài Bulgaria là ai mà lại bảo chúng tôi không được dùng?”.

Nhân vật có ảnh hưởng nhất trong Câu lạc bộ là Zhelyu, một người bảnh bao, sang trọng, tóc trắng, 54 tuổi, là một nhà triết học và nhà bất đồng dầy dạn kinh nghiệm, bị trục xuất khỏi Đảng vào thập niên 1960, bị sáu năm giam lỏng và quản thúc ở thủ đô Sofia. Zhelev là tác giả cuốn sách thông minh và sâu sắc Chủ nghĩa Phát-xít ra mắt năm 1982, cuốn sách một lần nữa đẩy ông vào vòng rắc rối với chính quyền, nhưng ông tìm được cách để không phải vào tù.

Ông thông minh sắc sảo bao nhiêu thì cũng lanh lợi và nhạy bén trong cách dùng các thủ thuật chính trị bấy nhiêu. Sự kiện chính trị đáng kể nhất liên quan đến ông diễn ra vào tháng 1/1989 khi Tổng thống Pháp Francois Mitterand ghé Bulgaria trong một chuyến viếng thăm rất ngắn. Tuy ngắn ngủi nhưng Đại sứ quán Pháp đã tổ chức một buổi điểm tâm cho Tổng thống và muốn mời 12 trí thức Bulgaria đến ăn sáng cùng ông, và họ đã nhờ đích thân Zhelev đưa ra danh sách những người cần mời.

Zhelev kể lại: “Đây là cách họ công nhận rằng chúng tôi là một nhóm đối lập rất nghiêm túc. Nhưng rồi sau đó … chúng tôi đã bị mật vụ theo dõi gắt gao hơn”.

*

KIẾN NGHỊ 250

11.

Khi Zhivkov trục xuất người Thổ khỏi Bulgaria, Câu lạc bộ ủng hộ Perestroika và Glasnost đã lên tiếng phản đối và đệ trình một Kiến nghị được trên 250 người ký tên, tất cả đều là những nhân vật nổi tiếng của nước Bulgaria cộng sản, trong số có nhà nghiên cứu hóa học xuất sắc Alexei Sheludko, có thời làm trùm mật vụ KGB tại Sofia.

Chính quyền bắt một số người của Câu lạc bộ, tuy không bắt người có ảnh hưởng lớn nhất, và bắt một số nhà hoạt động thuộc nhóm môi trường Ecoglasnost, vì đã làm cuốn phim Hơi thở về nạn ô nhiễm gần các nhà máy công nghiệp tại Bulgaria.

Cách chính quyền phản ứng như vừa kể là khá nhẹ tay, nhưng lúc bấy giờ, Zhivkov đang toan tính những nước cờ mạnh bạo hơn nhiều, vì ông luôn xem những ai chống đối chính sách của ông đối với người Thổ là chống lại chính cá nhân ông.[4]

 

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

[1] Tài liệu Lưu trữ của Quốc hội Bulgaria, Hồ sơ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, tháng 5/1989

[2] GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), hồ sơ về các cuộc đàm phán với các lãnh tụ Bulgaria

[3] David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), tr. 246; tác giả trò chuyện với Lukanow, Sofia, tháng 4/1991

[4] Tác giả nói chuyện với Roumen Danov và Krassen Stanchev, Sofia, tháng 9/2007

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.