Tuổi thọ của Uỷ viên Bộ Chính trị
Nhân dịp cư dân mạng bàn tán xôn xao về ông Phùng Quang Thanh, tôi tò mò thử làm một ước tính tuổi thọ của một số Uỷ viên Bộ Chính trị (BCT) trong các khoá gần đây. Tôi thu thập được số liệu của 68 người (chưa hẳn đầy đủ, nhưng mẫu cũng khá). Trong số này, có 32 người chết và 36 người còn sống. Tuổi thọ của những người đã chết là 80. Trong số 36 người còn sống, tính đến năm 2015, tuổi thọ của họ là 74. Ông PQT sinh năm 1949, năm nay mới 66 tuổi. So với các đồng nghiệp khác, ông còn đến 15 năm nữa để đóng góp.
Trong số các Uỷ viên BCT đã chết, người sống lâu nhất dĩ nhiên là ông Võ Nguyên Giáp (102 tuổi), và người yểu mạng nhất là Nguyễn Chí Thanh (qua đời năm 53 tuổi). Độ lệch chuẩn của tuổi thọ là 10 tuổi. Nếu thích thống kê, các bạn có thể ước tính khoảng tin cậy 95% tuổi thọ của các Uỷ viên BCT là từ 60 đến 100 tuổi.
Giả định rằng tuổi thọ của các Uỷ viên BCT tuân theo luật phân bố chuẩn với trung bình 80 và độ lệch chuẩn 10, thì xác suất chết ở tuổi thấp hơn hoặc bằng 66 là chỉ 8%. Trong thời gian hơn 60 năm qua, chỉ có 4 người Uỷ viên BCT chết ở độ tuổi 66 hoặc thấp hơn. Đó là Nguyễn Chí Thanh (53 tuổi), Trần Quốc Hoàn (65), Nguyễn Đình Tứ (64), và Hồ Đức Việt (66). Nếu ông PQT thật sự qua đời như DPA nói (ở tuổi 66) thì ông thuộc vào nhóm tương đối hiếm.
Xem qua những con số này, chúng ta phát hiện một xu hướng cực kì rõ ràng: đó là các Uỷ viên BCT có tuổi thọ cao hơn hẳn so với quần chúng. Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của VN năm 2014 là 70.6 tuổi (nam giới) và 76 tuổi (nữ giới) (1). Tất cả các Uỷ viên BCT đã chết là nam. Như vậy, so với quần chúng, các Uỷ viên BCT có tuổi thọ cao hơn trung bình là ~10 tuổi. Ngay cả những người sinh vào thập niên 1920 trở về trước, tuổi thọ trung bình của họ là 84.4 tuổi, hơn hẳn tuổi thọ trung bình của dân số thời đó đến 17 tuổi!
Tại sao các Uỷ viên BCT có tuổi thọ tốt hơn dân số như thế? Rất có thể họ biết giữ gìn sức khoẻ tốt, cộng với bộ máy chăm lo sức khoẻ cho họ làm việc tốt. Chẳng những họ được chăm sóc tốt, tôi đoán rằng họ còn được hưởng những đặc quyền, đặc lợi trong đời sống (mà tiếng Việt gọi là “chế độ”). Theo hồi kí của những người trong nội bộ như Bùi Tín, Trần Đĩnh, Vũ Thư Hiên, v.v. thì các Uỷ viên BCT có chế độ thực phẩm rất ưu đãi, có ruộng được trồng trọt theo qui trình hữu cơ, gia cầm, thịt thà, rau quả cũng được chăn nuôi hoặc trồng riêng cho họ. Khi mắc bệnh, họ được điều trị và chăm sóc bởi các bác sĩ giỏi nhất, thường là ở nước ngoài, một điều kiện mà người dân thường không thể nào có khả năng theo đuổi. Theo cách các tác giả trên mô tả thì các Uỷ viên BCT có một cuộc sống rất khác với người dân. Họ sống trong một thế giới rất khác với tuyệt đại đa số quần chúng.
Có thể kết luận rằng các Uỷ viên BCT là những người thuộc giai cấp “top” của thượng tầng xã hội. Do đó, họ có tuổi thọ tốt là điều không quá ngạc nhiên. Tôi chỉ ước mong rằng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt được tuổi thọ của các Uỷ viên BCT, thì ngày đó chắc là đất nước chúng ta “nở hoa”.
====
(1) http://thegioitiepthi.net/…/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-…/
Nguồn: https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1469342716712183:0
***
Tuổi thọ của Uỷ viên BCT Việt Nam và Tổng thống Mĩ
Nhờ một bạn đọc “đưa đường chỉ lối” tôi mới biết đã có một công bố về tuổi thọ của Tổng thống Mĩ dưới dạng một “Letter” trên Tập san y khoa lừng danh JAMA (1). Theo bài báo này, tính chung cho 34 Tổng thống Mĩ chết vì nguyên nhân bệnh tật, thì tuổi thọ trung bình của họ là 73.3 tuổi. So với tuổi thọ trung bình của dân số (76.4 tuổi, số liệu 2014) (2) thì các Tổng thống Mĩ có tuổi thọ thấp hơn.
Tuổi thọ trung bình của 32 Uỷ viên BCT (đã qua đời) là 80 tuổi, với độ lệch chuẩn là 10. Tính trung bình tuổi thọ của các Uỷ viên BCT cao hơn tuổi thọ người dân là 10 tuổi.
Nhưng câu hỏi đặt ra là sự khác biệt về tuổi thọ của các Uỷ viên BCT và Tổng thống Mĩ (80 và 73.3 tuổi) chỉ là ngẫu nhiên hay có hệ thống? Cách trả lời câu hỏi này là dùng thống kê. Chúng ta thấy, tuổi thọ của Uỷ viên BCT cao hơn Tổng thống Mĩ là d = 80 – 73.3 = 6.7 tuổi. Nhưng chúng ta cần tính sai số chuẩn của d, và số này là se = 10/sqrt(32) = 1.77. Do đó, nếu lấy mẫu nhiều lần, chúng ta kì vọng rằng 95% mẫu sẽ có độ khác biệt [giữa 2 nhóm] dao động trong khoảng 6.7 +/- (1.96*1.77) = 3.1 đến 10.3 tuổi.
Nếu cần, chúng ta có thể tính trị số P cho sự khác biệt. Để tính trị số P, chúng ta cần tính chỉ số t = d / se = 6.7 / 1.77 = 3.79. Nói cách khác, tuổi thọ trung bình của Uỷ viên BCT cao hơn tuổi thọ Tổng thống Mĩ đến gần 3.8 sai số chuẩn, tức khá cao. Trị số P cho khác biệt này là 2*(1-pt(3.79, 31)) = 0.0007. Nói cách khác, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, chúng ta đã khá chắc chắn rằng sự khác biệt về tuổi thọ giữa hai nhóm không phải là ngẫu nhiên. Nếu không phải ngẫu nhiên thì ắt phải do các yếu tố / nguyên nhân khác mang tính cơ chế. Tôi nghĩ Tổng thống Mĩ cũng có thể tiếp cận các phương tiện y khoa hiện đại và bác sĩ giỏi như các Uỷ viên BCT bên Việt Nam. Các Tổng thống Mĩ tuy không có nông trại riêng nuôi trồng cho họ, nhưng họ thừa khả năng có chế độ ăn uống bổ dưỡng và “cao lương mĩ vị” như các Uỷ viên BCT thôi.
Chỉ còn hai yếu tố khác có thể giải thích sự khác biệt về tuổi thọ: đó là gen và sức khoẻ tinh thần. Chúng ta chưa biết gen nào có liên quan đến tuổi thọ, nên khó kết luận. Nhưng một điều chắc chắn là làm Tổng thống Mĩ khó hơn và căng thẳng hơn làm một Uỷ viên BCT bên Việt Nam, vì tổng thống lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thất cử, phải đối phó với đảng đối lập và các nhóm xã hội dân sự, phải suy nghĩ chiến lược toàn cầu, phải làm cảnh sát trưởng quốc tế lo đảm bảo an ninh cho thế giới, v.v. Do đó, không ngạc nhiên khi họ lão hoá khá nhanh khi tại chức (1). Chính sự căng thẳng trong công việc dẫn đến lão hoá nhanh, và sau cùng là cái chết yểu so với các đồng nghiệp của họ bên Việt Nam.
====
(1) http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=201958
(2) http://www.usatoday.com/…/us-life-expectancy-hits…/16874039/
Nguồn: https://www.facebook.com/drtuanvnguyen?fref=nf
Chú thích: Nhan đề của BVN.