CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 25)

Dịch giả:  Phan Trinh 

CHƯƠNG 23

TRẬN CUỐI Ở BA LAN 

ĐỐI THOẠI THAY TRẤN ÁP – 50% ĐẢNG VIÊN BỎ ĐẢNG – TRƯNG CẦU DÂN Ý 1987 – GIẤY VỆ SINH, LÒNG TRẮNG TRỨNG – TĂNG GIÁ, ĐÌNH CÔNG – NGỤY TẠO CHỨNG CỚ: TIỀN, TÌNH DỤC, CHỈ ĐIỂM – CHÍNH QUYỀN CẦN CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT – TRÒN HAY VUÔNG, THƯƠNG LƯỢNG HAY KHÔNG? – CHÍNH QUYỀN THỐNG NHẤT, “NHÓM BÊ-TÔNG”

***

Warsaw. Thứ tư, ngày 31 tháng 8, năm 1988.

ĐỐI THOẠI THAY TRẤN ÁP

1.

MỘT LẦN NỮA CÔNG NHÂN LẠI ĐÌNH CÔNG ở Ba Lan. Đợt sóng phản kháng công nghiệp lần này nổi lên khắp nước từ đầu mùa hè 1988 cũng có những đặc tính tương tự như thời kỳ đình công 1980-1981. Ba Lan vẫn thường trải qua những vụ như thế hơn chục năm qua, nhưng lần này, không khí khủng khoảng và hỗn loạn gần như bao trùm tất cả và chế độ cũng không còn chiêu trò nào mới để đối phó.

Thực vậy, chính quyền đã thử đủ cách để kiểm soát: từ hối lộ, đe dọa, trấn áp, đến tiến hành gần như một cuộc nội chiến chống nhân dân, nhưng không chiêu nào ra trò. Đất nước rơi vào tình trạng sụp đổ cả về kinh tế lẫn chính trị và đạo đức.

Chế độ, phần lớn vẫn do giới quân nhân điều hành dù thiết quân luật đã được bãi bỏ từ lâu, giờ đây bắt đầu một cách làm mới: Nói chuyện nghiêm túc với Công đoàn Đoàn kết. Khi Bộ trưởng Nội vụ, cũng là trùm tình báo trước đây, Tướng Czeslaw Kiszczak, gặp Lech Walesa trong một ngày nóng cháy tại trung tâm Warsaw và đề nghị sẽ “thảo luận mọi việc” với Walesa thì việc này đã kích hoạt một quá trình thương lượng trực tiếp, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu.

*

50% ĐẢNG VIÊN BỎ ĐẢNG

2.

Thiết quân luật tạo cảm giác ổn định tạm thời, nhưng không là giải pháp. Nó làm suy yếu Đảng Cộng sản, và theo nhận xét của một quan chức cao cấp, Đảng đã “vắt kiệt mọi sức lực và trí tưởng tượng trong trận đánh chống lại Công đoàn Đoàn kết thời kỳ 1980-1982.”

Thực vậy, Đảng đã đánh mất niềm tin vào chính mình một cách nguy hiểm. Hơn 1.500.000 trên tổng số 3.000.000 Đảng viên đã bỏ Đảng trong năm năm qua. Một tài liệu nội bộ Đảng cho biết trong năm 1986, gần một phần ba Đảng viên xác định có đi dự lễ nhà thờ thường xuyên, trong khi một nhóm 20% khác tuy có đi nhà thờ nhưng không dám công khai thú nhận.

Đảng viên hiện nay gồm phần lớn là người cao tuổi và những người vào Đảng chủ yếu để giữ việc làm ổn định. Gần như chẳng có người trẻ nào vào Đảng. Họ thấy giờ vào Đảng cũng chẳng mang lại lợi ích gì nhiều như trước đây, vì hệ thống nhân sự thân tín của Đảng cũng đang rệu rã.

*

TRƯNG CẦU DÂN Ý 1987

3.

Để thoát hiểm, Tướng Jaruzelski đã mạo hiểm chơi một trò may rủi chiến thuật, và thua cuộc. Chuyện là vào tháng 11/1987, sau khi xin ý kiến Gorbachev, Jaruzelski đã nhanh chóng tiến hành trưng cầu dân ý nhằm thu hút sự ủng hộ cho gói cải cách theo kiểu perestroika (tái cấu trúc) của mình. Ông cố gắng trình bày bản thân như một người theo khuynh hướng tự do, dù trên thực tế, theo lời Adam Michnik, ông “không đại diện cho chủ nghĩa cộng sản mang khuôn mặt người, mà đại diện cho chủ nghĩa cộng sản sún răng”.

Cuộc trưng cầu dân ý đặt những câu hỏi lạ và chi tiết về những điều như: Bạn cho rằng giá sinh hoạt nên tăng bao nhiêu? Hoặc “Bạn có chấp thuận các cải cách kinh tế của chính quyền, dù có nghĩa là phải thắt lưng buộc bụng thêm hai, ba năm nữa?” Cũng có câu hỏi mơ hồ như: “Bạn có muốn dân chủ hóa sâu rộng theo mô hình Ba Lan không?”

Các cố vấn của Tướng Jaruzelski bảo đảm với ông rằng cuộc trưng cầu dân ý này là một đòn hiểm để đẩy phe đối lập vào thế kẹt. Nếu Công đoàn Đoàn kết kêu gọi quần chúng bỏ phiếu “Thuận”, họ sẽ bị dân xem như hợp tác với chính quyền, còn nếu vận động “Chống” thì lại bị Đảng xem là chống cải cách.

Nhưng, cuộc trưng cầu dân ý đã trở thành một sai lầm rất lớn của chế độ. Số người tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý là 67%. Trong tổng số phiếu thì 66% là phiếu “Thuận”. Tuy vậy, chế độ vẫn thất bại, vì trước đó Jaruzelski đã cho bổ sung một điều khoản vào luật trưng cầu rằng các biện pháp cải cách phải nhận được 51% tổng số phiếu của cử tri đăng ký mới có hiệu lực – quả là một điều khoản tự sát – và khi cộng trừ con số người chống và vắng, Tướng Jarulzeski chỉ “thắng” được 44%. Cuộc trưng cầu dân ý được dự trù sẽ chứng mình rằng chính quyền Ba Lan cũng dân chủ không kém Công đoàn Đoàn kết, thay vào đó, Jaruzelski lại hiện nguyên hình là kẻ thất bại.

*

GIẤY VỆ SINH, LÒNG TRẮNG TRỨNG

4.

Họa vô đơn chí, vừa xong cuộc trưng cầu dân ý thất bại, lại là một cuộc khủng hoảng tài chính định kỳ khác, và cũng như thường lệ, do nợ nước ngoài thúc đẩy. Ba Lan tiến sát đến tình trạng vỡ nợ, cũng là tình trạng quen thuộc của nước này, nhưng lần này trầm trọng hơn trước.

Lạm phát lên đến mức hơn 50% và gia tăng nhanh chóng. Mức sống sút giảm tệ hại. Các nhu yếu phẩm như sữa, thuốc men các loại, bông gòn, băng vệ sinh, phần lớn các loại thịt, bánh mì, rau tươi và nước khoáng đều thiếu hụt trầm trọng. Như Michnik nhận xét, đây là thời mà “ước mơ thiết thân nhất là tìm được một cuộn giấy vệ sinh”.[1]

5.

Phụ nữ lại càng khốn đốn hơn, vì hầu hết phụ nữ là người đi xếp hàng mua các thứ. Alina Pienkowska là một y tá tại Xưởng Đóng tàu Lenin, một nhà hoạt động của Công đoàn Đoàn kết từ những ngày đầu đình công năm 1980, chị kết hôn với một người chuyên tổ chức hoạt động công đoàn và là một trong những người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết hoạt động ngầm trong những năm thiết quân luật. Chị chia sẻ như sau:

“Để có những thứ căn bản như bột giặt thì phải đấu tranh, mà cũng chẳng có … Tôi phải gội đầu bằng lòng trắng trứng vì làm gì có dầu gội. Để có bất cứ thứ gì cũng cần rất nhiều thời giờ và kiên nhẫn… Là đàn bà đi làm thì làm sao có đủ thời giờ trong ngày? Nếu có muốn cải thiện đôi chút, khi vừa đi làm vừa đi xếp hàng, thì cũng chẳng có thì giờ để làm thêm việc gì.

“Một trong những điều tệ nhất là quan hệ gia đình, quan hệ mẹ con với nhau ngày càng lỏng lẻo … Không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của các bé đang dậy thì. Không có đủ chất đạm và các thứ khác cần thiết cho trẻ đang lớn… Trả tiền nhà trẻ cho con, rồi trả tiền mướn nhà xong, tôi gần như hết sạch.

“Thà không biết nước khác người ta sống ra sao còn đỡ. Đàng này, chúng tôi biết rõ thiên hạ sống thế nào.”[2]

*

TĂNG GIÁ, ĐÌNH CÔNG

6.

Vào tháng 4/1988, Jaruzelski đã làm một việc mà tất cả các vị tiền nhiệm cộng sản trước ông ở Ba Lan từng làm. Đó là tăng giá sinh hoạt, tăng 40% giá hầu hết các loại thực phẩm.

Chỉ trong vài tuần, phần lớn Ba Lan lâm vào cảnh tê liệt. Cuộc đình công đầu tiên xảy ra vào ngày 1/5/1988, bắt đầu tại một nhà ga xe buýt và xe điện ở phía tây bắc thành phố Bydgoszcz, nơi công nhân đòi tăng lương 60%.

Cuộc đình công lan ra nhanh chóng. Tại Nhà máy Thép Lenin ở Nowa Huta, một nhà máy cán thép khổng lồ gần Krakow, 15.000 công nhân đình công và đòi hỏi tăng 50% lương. Các lực lượng an ninh đột nhập nhà máy thép và bắt giữ khoảng 12 công nhân và cố vấn Công đoàn Đoàn kết, ông Jacek Kuron.

Các cuộc đình công cũng làm 16 mỏ than và nhà máy đóng tàu phải đóng cửa ở Szczecin. Đình công cũng được lên kế hoạch trong hệ thống giao thông vận tải trên toàn quốc và các nhà máy tại Gdansk.

7.

Tình trạng bất ổn làm Công đoàn Đoàn kết hồi sinh, sau một giai đoạn trầm lặng.

Vào thời kỳ bùng phát sôi động nhất năm 1980-1981, Công đoàn Đoàn kết có khoảng 9.000.000 thành viên, đến giai đoạn bị cấm hoạt động, số thành viên chỉ còn chưa đến một nửa. Thiết quân luật và những năm trì trệ sau đó đã làm người dân mất hy vọng và vô cảm tràn lan. Ảnh hưởng của Công đoàn Đoàn kết cũng suy yếu.

Phát ngôn viên báo chí của Jaruzelski, ông Jerzy Urban, người có tướng mạo như một ông phỗng lùn, bộ mặt tiêu biểu của chủ nghĩa cộng sản Ba Lan, thường gọi Công đoàn Đoàn kết là “một tổ chức không tồn tại”, gọi Lech Walesa là “lãnh tụ trước đây của một phong trào công nhân trước đây” hoặc gọi Walesa là “công dân cá biệt”.

Vị Tổng Giám mục thân chính quyền Glemp cũng từng nói với Phó Tổng thống Mỹ Bush, khi Bush đến thăm Warsaw trong giai đoạn vận động tranh cử tổng thống cuối năm 1987, rằng: “Công đoàn Đoàn kết là một chương đã kết thúc trong lịch sử Ba Lan”.[3]

***

NGỤY TẠO CHỨNG CỚ: TIỀN, TÌNH DỤC, CHỈ ĐIỂM

8.

Chế độ tìm mọi cách để hạ uy tín của Walesa. Công an mật vụ phải dùng đến thủ đoạn giả mạo ít nhất hai lần.

Một lần, họ tung ra đoạn phim, đặt tên là “Tiền”, cố ý cho thấy Walesa ăn sinh nhật với người em Stalislaw, người xem nghe thấy hai người nói về việc Walesa nhận được bao nhiêu tiền mặt từ phương Tây. Đó là một vụ giả mạo vụng về, như nhiều lần mật vụ Ba Lan SB đã vụng về trước đây. Lời thoại trong phim được cắt từ một số lời Walesa phát biểu trước kia và lắp ghép với các câu trích dễ gây ngộ nhận, lấy từ cuộn băng ghi âm bị đánh cắp ghi lại cuộc trò chuyện của Walesa với các nhân vật khác của Công đoàn Đoàn kết. Giọng nói cũng không phải của Walesa, mà của một diễn viên lồng tiếng giả giọng. Đó là một vụ ngụy tạo nhằm phỉ báng trắng trợn và giả mạo quá lộ liễu nên đã hoàn toàn phản tác dụng.

Trong một lần khác, Jaruzelski nói với Đại sứ Liên Xô Aristov rằng mật vụ SB đang thu thập các tài liệu mới về Walesa, trong đó có một số hình khiêu dâm chụp Walesa trong các tư thế rất “mất tư cách”, và Jaruzelski nói sẽ lột trần người đứng đầu Công đoàn Đoàn kết như một tên “lắm mưu nhiều kế, nhớp nhúa bẩn thỉu, tham vọng điên rồ”. Nhưng những tấm ảnh này không bao giờ được tung ra, vì đơn giản không có ảnh nào như vậy.[4]

9.

Có tin đồn rằng Walesa là một chỉ điểm của SB và đã phản bội, đem nộp cho nhà nước hơn 10 nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết trong những năm thiết quân luật.

Thực ra, chính các đối thủ của Walesa trong Công đoàn Đoàn kết, những người bất hòa với Walesa trong những năm làm việc chung, đã phao tin đồn này một cách sốt sắng.

Đúng là vào đầu thập niên 1970, Walesa có “liên hệ” với mật vụ, như hồ sơ của SB sau này được công khai cho thấy. Các tài liệu đặt tên ông là BOLEK và rõ ràng ám chỉ ông có dính líu đến cơ quan tình báo. Ông có ký vài “quy cách thẩm vấn”, nhưng những tài liệu này chỉ là lời khai có tính thủ tục ông phải viết khi bị mật vụ đem về hạch hỏi, ngoài ra cũng không còn gì đáng kể. Hơn nưa, những việc đó đã diễn ra trước khi ông trở thành lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết, khi còn là một người tương đối không quan trọng. Mật vụ SB khét tiếng vì hay phóng đại năng lực của mình, hay khoe khoang rằng họ đã chiêu mộ được người chỉ điểm, dù trên thực tế những gì họ làm được chỉ là hỏi người bị tình nghi vài câu. Cũng như mọi cơ quan tình báo khác, SB có lợi khi tự nhận những thành công có khi không là của họ.

Hồ sơ của mật vụ Liên Xô KGB và mật vụ Ba Lan SB không chứng minh được điều gì bất lợi cho Walesa. Một tài liệu của Liên Xô cho rằng khi bị giam giữ thời kỳ thiết quân luật, SB đã cố dọa dẫm ông bằng cách “nhắc ông rằng họ đã trả tiền cho ông và nhận thông tin từ ông”. Có lẽ đây là đoạn duy nhất nói về việc giao nhận tiền trong hàng ngàn trang tài liệu trong hồ sơ mật của Ba Lan và Liên Xô về Walesa. Rất có khả năng đó là một phần của nhiều kế hoạch khác nhau nhằm bôi nhọ ông.

Walesa luôn khẳng định ông chưa bao giờ giao nộp bất cứ ai cho SB. Cũng không có chứng cớ nào là ông đã làm việc này, ít nhất trong thời gian ông bị bắt giữ, khi sự kháng cự dũng cảm của ông chống chế độ quân phiệt làm chính quyền quân nhân điên tiết.[5]

***

CHÍNH QUYỀN CẦN CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT

10.

Các cuộc đình công kéo dài suốt mùa hè và Walesa luôn ở đầu sóng ngọn gió. Ông tin rằng đây chính là trận đấu cuối cùng với người cộng sản, nhưng để thắng cuộc là một quá trình gian nan. Walesa nói: “Tôi biết hệ thống cộng sản đã chấm dứt. Vấn đề là cách tốt nhất để loại bỏ nó là gì. Ông nhiều lần yêu cầu được đối thoại với chế độ để hình thành “một mặt trận chống khủng hoảng”.

Tướng Jaruzelski luôn nghĩ mình là một người thực tế. Cuộc nói chuyện trước đó với Gorbachev đã thuyết phục ông đây là lúc nhìn thẳng vào thực tại, rằng chính quyền cần Công đoàn Đoàn kết.

Một số nhân vật cộng sản cải cách đã nói điều tương tự trong một thời gian dài. Ngoại trưởng Marian Orzechowski đã nói:” Thiết quân luật chỉ có hiệu quả khi làm một lần… Không thể điều động quân đội và công an chống lại xã hội thêm một lần nữa.”

Tân Thủ tướng Mieczyslaw Rakowski cũng nói: “trên thực tế, chúng tôi đã công nhận phe đối lập như một thực thể có thật và tồn tại bền bỉ trên bản đồ chính trị đất nước”, và đã đến lúc cần chính thức chấp nhận thực tại đó.

Tuy nhiên, Tướng Jaruzelski vẫn tiếp tục trì hoãn.

11.

Ngày 12/7/1988, Gorbachev đến thăm Warsaw và được đón nhận cuồng nhiệt, phần lớn là bởi những người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.

Jaruzelski nói với nhà lãnh đạo Liên Xô rằng ông đang dự định hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết và thương lượng với Walesa. Gorbachev hỏi ông còn chờ gì nữa và thúc giục ông tiến hành ngay. Jaruzelski lúc đó hiểu rằng Liên Xô sẽ không làm gì để bảo vệ ông nếu sinh mệnh chính trị của ông bị đe dọa, và ông phải tự lo cho bản thân.

Những cuộc đình công hầu như đã làm cả nước tê liệt thấy rõ. Ba Lan gần như không thể kiểm soát được nữa. Trước đó Jaruzelski đã dàn xếp vay Liên Xô 500 triệu đô-la để chặn đứng nguy cơ vỡ nợ tức khắc, nhưng giờ ông hiểu rằng phương Tây sẽ không thể cho ông vay thêm tiền, trừ khi ông đạt được một thỏa thuận với Công đoàn Đoàn kết.[6]

*

TRÒN HAY VUÔNG, THƯƠNG LƯỢNG HAY KHÔNG?

12.

Ngày 26/8/1988, Jaruzelski liên lạc với Walesa và đề nghị một cuộc “thảo luận Bàn tròn” để chấm dứt tình trạng bế tắc của Ba Lan, nhưng ông để tùy Bộ trưởng Nội vụ đưa ra các chi tiết tiến hành cụ thể.

Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak là một nhân vật đáng chú ý, một người lanh lợi ở tuổi 63, một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp nhưng lại có tính khôi hài và sức thu hút ít thấy ở một người làm nghề tình báo. Ông tạo được một mối quan hệ lạ lùng, gần như một tình bạn, với phe đối lập mặc dù ông là kẻ thù không đội trời chung của họ và là gương mặt đại diện cho chế độ quân phiệt khắc nghiệt. Ông là một trong những người bảo trợ chính cho các cuộc thảo luận Bàn tròn và tốn nhiều công sức để bảo đảm nó thành công trong khi cùng lúc vẫn theo dõi phe đối lập.

Khi Kiszczak gặp Walesa, ông nói Công đoàn Đoàn kết có thể được hợp pháp hóa, và một loạt các cải cách theo hướng dân chủ có thể được thực hiện, nếu lãnh tụ công đoàn có thể làm cho công nhân đang đình công quay trở về làm việc.

Walesa rất hiểu rủi ro cao đến mức nào. Ông tính rằng ông phải chấp thuận lời đề nghị, mặc dù biết kết thúc đình công có thể đe dọa uy thế của ông trong nội bộ Công đoàn Đoàn kết. Nhiều cố vấn thân cận nhất của Walesa cảnh báo ông rằng ông đang phạm phải sai lầm lớn nhất đời mình khi chấp thuận bước vào thương lượng với chính quyền.

Bronislaw Geremek, một trong những thành viên thận trọng nhất của ban lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, hiểu rõ chiến thuật của chế độ, nói rằng: “Điều họ muốn làm là phá hư Công đoàn Đoàn kết, chia rẽ chúng ta, làm suy yếu chúng ta”.

Walesa thuyết phục ông và những người hoài nghi khác rằng không còn chọn lựa nào khác. Ông hiểu những rủi ro nhưng nói rằng: “Thà nói chuyện bàn tròn còn hơn bị nhốt vào tù vuông”. Ông cũng cho rằng không có cách nào khác để chiến thắng mà không đối thoại.

Một yếu tố quan trọng là Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ủng hộ các cuộc thương lượng này, Giáo hội Công giáo Ba Lan cũng ủng hộ, và cũng là một trong những người bảo trợ chính cho thảo luận Bàn tròn.[7]

13.

Nhưng ngay việc thảo luận về các cuộc thảo luận cũng đã nặng nề. Walesa nói với Kiszczak phải có lịch trình cho việc hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết. Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak, từng nắm ngành công an và mật vụ, lại bảo không thể được. Cuối cùng thì việc có hay không có một công đoàn hoạt động hợp pháp hoàn toàn tùy thuộc vào cách các cuộc thảo luận Bàn tròn diễn ra. Walesa chấp nhận hướng giải quyết này.

Trong vài ngày sau đó, ông đi khắp nơi ở Ba Lan, dùng sự khéo léo và năng lượng của mình thuyết phục công nhân rằng thương lượng với chế độ là cách duy nhất để đạt được điều họ muốn. Ông bảo đảm với công nhân rằng họ có thể tin tưởng ông, ông sẽ không bán rẻ họ. Một cách miễn cưỡng, hầu hết thành viên Công đoàn Đoàn kết đã ủng hộ Walesa.

*

CHÍNH QUYỀN THỐNG NHẤT, “NHÓM BÊ-TÔNG”

14.

Về phần mình, Tướng Jaruzelski cũng có vấn đề trong nội bộ. Các cố vấn của ông – nhất là Rakowski – đã vạch ra một chiến lược ranh mãnh để vừa bảo đảm Jaruzelski tiếp tục nắm vững quyền lực cho Đảng, vừa làm như đang dành cho Công đoàn Đoàn kết những nhượng bộ quan trọng.

Chiến lược tóm tắt là: Công đoàn Đoàn kết sẽ được cho một số vị trí bộ trưởng trong một chính quyền “thống nhất”, đổi lại, Công đoàn Đoàn kết sẽ chia sẻ trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng, cả những phê phán nếu việc không thành. Và như thế, phương Tây sẽ có ấn tượng tốt về sự thay đổi của Ba Lan theo hướng tự do hóa nên sẽ cho vay những khoản tiền mới.

Jaruzelski chấp thuận chiến lược này và cho rằng “đáng để thử và chấp nhận rủi ro”. Nhưng nhiều nhân vật cao cấp của Đảng lại hoài nghi tính khả thi của chiến lược. Những nhân vật bảo thủ cực đoan, được gọi lại “nhóm bê tông’, đoan chắc rằng chia sẻ quyền lực cuối cùng sẽ làm mất quyền lực và họ rất sợ sẽ mất bổng lộc và đặc quyền đặc lợi đang hưởng.

Một trong số, Stanislaw Ciosek, cựu đại sứ Ba Lan tại Moscow nói rằng: “Nhiều người chúng tôi sợ nếu (chấp nhận Công đoàn Đoàn kết) bây giờ… thì sau này chúng tôi sẽ không thể bắt ép ông thần đèn chui ngược vào đèn thần được nữa. Đảng có thể hiểu và tín nhiệm Giáo hội Công giáo, một cấu trúc mạnh và tập quyền, dễ hơn là hiểu hoặc tín nhiệm Công đoàn Đoàn kết.”[8]

Một số quá sợ mất mạng nếu “bọn phản cách mạng và phản động” kiểm soát đất nước. Họ đòi có thêm thời gian để cân nhắc quyết định cực kỳ quan trọng này, quan trọng đến nỗi một trong số nói rằng “đây sẽ là khúc dạo đầu cho đoạn kết của chúng ta”.

Jaruzelski, lúc này như tướng cấm quân ra trận, đã ra sức thuyết phục các đồng chí chấp nhận chỉ đạo của ông.

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

Dịch giả gửi BVN

[1] Adam Michnik, Letter from Freedom (California University Press, 1999), tr. 157

[2] Phỏng vấn Alina Pienkowska, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 12

[3] Tác giả phỏng vấn Jerzy Urban, Warsaw, tháng 10/1995

[4] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. 695-8

[5] Strawomir Cenckiewicz và Piotr Gontarczyk, SB a Lech Walesa (Rok, Warsaw, 2008)

[6] Tác giả phỏng vấn Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995; và Mieczyslaw Rakowski, Jak To Sie Stalo (BGW, Warsaw, 1991)

[7] David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), tr. 256; và tác giả trò chuyện với Geremek, tháng 10/1995

[8] Diễn văn của Stanislaw Ciosek tại University of Michigan, Ann Arbor, hội nghị về Công đoàn Đoàn kết, tháng 4/1999

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.