“Chơi với ai, hãy để người Việt Nam quyết định”

(GDVN) – Việt Nam không thể đòi hỏi Nga “lựa chọn” mình hay Trung Quốc thì Moscow cũng không thể đặt vấn đề Việt Nam hãy lựa chọn giữa Nga và Hoa Kỳ.

Tiếp theo phần 1: Học giả Nga: Mỹ đã trở thành một “mô hình” cho Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Người Mỹ đang tận dụng lợi thế của thế giới đơn cực và khả năng chi phối hệ thống tài chính quốc tế, cũng như sự suy yếu ảnh hưởng của Nga với Việt Nam để thực hiện “khát vọng giấc mơ Mỹ” của hàng triệu người Việt.Tiến sĩ Vladimir Mazyrin – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ngày 14/7 bình luận trên tạp chí Nezavisimaya Gazeta: Việc Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam khiến Moscow nhận ra thách thức nghiêm trọng đối với các nỗ lực của Nga để bảo tồn và phát huy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Dù kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew (đề cập trong phần 1: Học giả Nga: Mỹ đã trở thành một “mô hình” cho Việt Nam) là khách quan, nó cũng không làm sai lệch mong muốn của người dân Việt Nam đối với nền độc lập của mình.

Việc “dựa vào Hoa Kỳ” có đảm bảo cho Việt Nam giữ được nền độc lập hay không, hãy để bản thân mỗi người Việt tự trả lời, Tiến sĩ Vladimir Mazyrin bình luận. Ông lưu ý, một người bạn thật sự là người không quên vấn đề của mình, giúp đỡ bạn bè đối tác bảo vệ lợi ích quốc gia thực sự của họ thay vì áp đặt các quan điểm và hệ giá trị của mình cho đối tác thông qua vũ lực hay gian lận.

Bình luận trên tờ The Diplomat ngày 14/7, Tiến sĩ Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) cho rằng, trong khi Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ phân tích nào về quan hệ Mỹ – Việt thì dường như Nga thường bỏ qua điều này dẫn đến sự thất vọng của giới quan sát châu Á tại Nga. Tuy nhiên theo ông điều này không hẳn chính xác, bởi lẽ Việt – Mỹ mới chỉ là quan hệ đối tác “toàn diện” chứ chưa phải “chiến lược”, đặc trưng quan trọng gắn với quan hệ Việt – Nga.

“Truyền thống” là một tính từ phổ biến tại Việt Nam khi nói về quan hệ Việt – Nga. Nhưng có ít điều để làm trong chính sách đối thoại thực tế mà Việt Nam đang theo đuổi. Do đó sẽ hữu ích hơn để Moscow suy nghĩ xem những gì có thể làm cho Việt Nam mà Hoa Kỳ không thể. Ông cho rằng, việc đầu tiên Nga có thể làm là việc bán vũ khí cho Việt Nam.

Học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC). Ảnh: Russia Council.

Học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC). Ảnh: Russia Council.

Mặt khác ông Anton Tsvetov lập luận: “Nga có một lợi thế rất lớn so với Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Đối với người Việt, hợp tác với Nga không đi kèm theo bất kỳ đòi hỏi”’xuất khẩu hệ tư tưởng thù địch” nào. Không có mối lo Moscow sẽ thúc đẩy thay đổi nội bộ ở Việt Nam và Nga sẽ không đặt bất kỳ điều kiện nào cho hoạt động giao dịch thương mại quân sự, đầu tư hay hợp tác nhân đạo. Trong khi đó nó lại là mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo Việt Nam khi hợp tác với Hoa Kỳ”?!Mặc dù Hoa Kỳ đã nới lỏng một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và đang cân nhắc khả năng bãi bỏ hoàn toàn, thậm chí “đã bán hoặc cho” Cảnh sát biển Việt Nam một số tàu tuần tra, nhưng người Việt sẽ phải mất cả chục năm để làm quen với các thiết bị mới(?!). Vì vậy Nga có thể sẽ vẫn là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.

Có quan điểm trái ngược với Anton Tsvetov về vấn đề này. Giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận trên The Diplomat hôm 13/7 rằng, cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng đã phá vỡ mọi rào cản chính trị trong quan hệ song phương.

Hơn thế nữa, chuyến thăm này còn thiết lập tiền lệ cho các chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ tiếp theo của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ càng củng cố sự thật rằng Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam.

Theo Giáo sư Carl Thayer, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý phát triển quan hệ thực chất sâu rộng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như hệ thống chính trị của nhau.

Việc mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Phòng Bầu Dục đã cho thấy cam kết của ông Obama tôn trọng hệ thống chính trị Việt Nam, phá tan những lo ngại rằng Hoa Kỳ “âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thông qua diễn biến hòa bình”. Bởi vậy cái ông Anton Tsvetov cho là “lợi thế” của Nga chưa chắc đã còn đúng trong giai đoạn hiện nay – PV.

Giáo sư Carl Thayer

Giáo sư Carl Thayer

Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư không phải “điểm tới hạn” trong trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung. Đồng thời chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam hay việc cho người Mỹ vào cảng Cam Ranh không phải nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự, ông Carl Thayer lưu ý.Xoay quanh trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung hay Mỹ – Việt – Nga, ông Carl Thayer nhận định: Một số nhà phân tích và bình luận đã sai lầm khi đặt trọng tâm chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng quá nhiều vào hy vọng có một bước đột phá trong quan hệ quốc phòng.

Về quan hệ Nga – Việt, học giả Anton Tsvetov thừa nhận bàn tay vô hình của Bắc Kinh là một trong những nhân tố hạn chế quan hệ giữa Moscow và Hà Nội. Ngoài ra, nhân tố khác ảnh hưởng tới mối quan hệ này là sự suy thoái kinh tế ở Nga khiến quốc gia này không thể trở thành thị trường lớn cho hàng hóa Việt giống như Mỹ.

Mặc dù Liên minh Tự do thương mại Á – Âu mà Việt Nam tham gia có hiệu lực vào năm tới, nhưng thị phần xuất khẩu của hàng Việt Nam tại thị trường này nhiều khả năng vẫn dưới 2%. Sức mua của Nga cũng như cấu trúc quan hệ kinh tế Nga – Việt khác quá xa so với Việt – Mỹ.

Học giả này cho rằng: “Việc tái lập quan hệ Việt – Mỹ theo nhìn nhận của ông chắc chắn không phải một cuộc hôn nhân, nhưng lại nhiều hơn một cuộc tình”. Anton Tsvetov cho rằng:

“Đi quá xa trong chuyện này và gây quá nhiều rắc rối cho Trung Quốc có thể kéo theo một thảm họa cho một nước nhỏ như Việt Nam. Đa dạng hóa là chìa khóa để trở thành một sức mạnh trung lập, còn tiềm năng của Nga để trở thành “lực lượng thứ 3” là vô tận. Nếu chính quyền Mỹ muốn một đất nước Việt Nam thực sự mạnh mẽ, độc lập và ổn định thì họ cần tôn trọng mối quan hệ lâu dài (giữa Việt Nam) với Nga.

Với tất cả những hạn chế của Mỹ về hợp tác quân sự (với Việt Nam), chủ yếu là Nga sẽ làm hầu hết các công việc xây dựng năng lực hàng hải cho Việt Nam và tạo ra đối trọng với Trung Quốc. Sẽ là khôn ngoan khi Nga và Mỹ bắt tay nhau thoát khỏi khủng hoảng ở châu Âu và tràn sang châu Á”.

Nga bán máy bay chiến đấu, tàu ngầm cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh tàu ngầm Trung Quốc: Irrawaddi.org.

Nga bán máy bay chiến đấu, tàu ngầm cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh tàu ngầm Trung Quốc: Irrawaddi.org.

Nói thẳng ra, ông Anton Tsvetov lo ngại sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hợp tác Việt – Mỹ được nâng lên một tầm cao mới có thể có tác động tiêu cực đến lợi ích của Nga, cụ thể là thị trường xuất khẩu vũ khí Nga có nguy cơ bị thu hẹp, cạnh tranh trong hợp tác kinh tế – năng lượng ở Biển Đông gia tăng…Vài lời bình luận – PV

Người Việt luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như nhân dân Nga ngày nay trong công cuộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới và khu vực thay đổi liên tục như hiện nay, bất cứ quốc gia nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc mình lên trên hết trong mọi mối quan hệ quốc tế. Nga cũng vậy và Việt Nam cũng thế. Người Việt quý trọng quan hệ hợp tác với Nga, nhưng trong làm ăn hay câu chuyện lợi ích, sòng phẳng cùng có lợi là nguyên tắc tối thượng và mới đảm bảo hợp tác được lâu dài.

Lấy câu chuyện mua bán vũ khí mà ông Anton Tsvetov quan tâm, dù mua của Nga, Mỹ hay nước nào đi nữa thì Việt Nam cũng phải trả tiền chứ chẳng ai cho không. Lựa chọn nhà cung cấp nào có sản phẩm tiên tiến phù hợp yêu cầu, giá cả phải chăng và chất lượng dịch vụ tốt là điều Việt Nam phải cân nhắc.

Nga bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng cũng bán vũ khí cho Trung Quốc. Chính ông Anton Tsvetov cũng thừa nhận “bàn tay vô hình” của Bắc Kinh đã kìm hãm sự phát triển của quan hệ Nga – Việt. Nói cách khác, Nga không thể lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông vì sợ mất lòng Trung Quốc, từ đó dẫn đến mất các mối quan hệ làm ăn có lợi với Trung Quốc.

Việt Nam cũng vậy thôi, không thể trông chờ, dựa dẫm vào bất kỳ nước nào để bảo vệ chủ quyền và phát triển cường thịnh. Người Việt phải tự lực cánh sinh, kết hợp với đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, khai thác tối đa các xu thế có lợi cho sự nghiệp này.

Việt Nam không thể đòi hỏi Nga “lựa chọn” mình hay Trung Quốc thì Moscow cũng không thể đặt vấn đề Việt Nam hãy lựa chọn giữa Nga và Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh các cường quốc tranh giành ảnh hưởng và lợi ích địa chính trị, địa chiến lược trong khu vực có tác động sâu sắc đến Việt Nam, người Việt sẽ phải tỉnh táo trước mỗi bước đi, mỗi quyết sách để làm sao giữ gìn cho được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền và đấu tranh đòi lại những gì bị kẻ khác xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp.

H.T 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Choi-voi-ai-hay-de-nguoi-Viet-Nam-quyet-dinh-post160119.gd

This entry was posted in Đảng CSVN, Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.