Cách mạng 1989 (Kỳ 7)

 Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 5

“NỘI CHIẾN” – THIẾT QUÂN LUẬT Ở BA LAN

DÙNG TƯỚNG – JARUZELSKI: QUÝ TỘC BỊ LƯU ĐẦY – “TÔI VỚI HỌ LÀ MỘT” – JARUZELSKI ĐỤNG WALESA – KẾ HOẠCH THIẾT QUÂN LUẬT – CÔNG ĐOÀN BỊ ĐỘNG – BẮT BỚ TRONG ĐÊM 12/12/1981 – TRẤN AN – XIN LIÊN XÔ GỬI QUÂN CAN THIỆP – LIÊN XÔ ĐỨNG NGOÀI – CÔNG ĐOÀN TÍNH SAI – TUYÊN CHIẾN VỚI NHÂN DÂN

***

Warsaw. Thứ bảy, ngày 12 tháng 12, năm 1981

DÙNG TƯỚNG

1.

LÝ THUYẾT CỘNG SẢN luôn nhắc nhở các đảng viên trung kiên phải thận trọng với giới quân sự. Quân đội luôn có tiềm năng trở thành một quyền lực thay thế, nên phải kiên quyết đặt nó dưới sự kiểm soát của Đảng.

Tuy vậy, các đầu lĩnh cộng sản ở Moscow và phe cứng rắn trong hàng ngũ lãnh đạo Ba Lan lại thấy Đại tướng Jaruzelski là giải pháp cho vấn đề họ đang cần giải quyết cấp bách. Chưa từng có quân nhân chuyên nghiệp nào trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản trước đây, một số tuy mặc quân phục oai phong nhưng lại không nhờ chiến đấu trên chiến trường hay phục vụ quân ngũ.

Jaruzelski trung thành, đáng tin cậy, có trách nhiệm và được đánh giá là người có thể dựng lên một chính quyền cứng rắn nào đó. Moscow cho rằng ông có thể giải quyết tình trạng hỗn loạn tại Ba Lan, hiện đang đe dọa đến an ninh toàn cõi thuộc địa Đông Âu.

*

JARUZELSKI: QUÝ TỘC BỊ LƯU ĐẦY

2.

Thực ra, khó có thể tin Wojciech Jaruzelski là một người cộng sản từ bản chất.

Ông sinh ngày 6/7/1923 trong một gia đình địa chủ giàu, có gốc gác quý tộc, ở miền đông Ba Lan gần Bialystok. Ông lớn lên tại trang trại của cha ở Trzenicy và có cuộc sống sung túc, dễ chịu, được học đấu kiếm, cỡi ngựa, khiêu vũ.

“Truyền thống gia đình”, như ông kể, bao gồm tinh thần quốc gia Ba Lan và đặc biệt là tinh thần chống Nga. Ông nội và hai ông cậu của Jaruzelski tham gia cuộc nổi dậy năm 1863 chống Sa hoàng, nhưng khi nổi dậy thất bại, họ bị đầy đi Siberia 20 năm; người cha tham gia cuộc chiến chống Nga năm 1920 và lần này Ba Lan chiến thắng.

Ông được gửi đến học tại một trường Công giáo nghiêm khắc tại Warsaw, do các tu sĩ thuộc dòng tu Đức bà Maria cai quản, nơi theo ông kể, “mọi môn học, từ sử, địa đến ngôn ngữ, tất cả đều liên quan đến diễn biến mối quan hệ đầy bi kịch giữa Ba Lan và Nga”.[i]

3.

Năm 1939, Đức xâm lăng Ba Lan. Jaruzelski lúc đó 16 tuổi đã phải cùng gia đình lánh nạn qua Lithuania, ở nhà những người bạn của gia đình. Sau khi Hitler ký thỏa ước với Stalin, khiến các nước cộng hòa Baltic trở thành một phần của Liên Xô, cả gia đình ông lại bị đày đi Siberia. Họ bị đày vì người cha 19 năm trước tham gia kháng chiến chống Nga và vì thuộc giai cấp quý tộc.

Cha của Jaruzelski bị đày đến một trại lao động. Dù sức khỏe suy nhược, ông vẫn phải làm việc đến kiệt sức rồi chết tại đó. Trong khi đó, cậu thiếu niên Jaruzelski cùng mẹ và em gái 12 tuổi bị đày đi Taiga, một vùng bình nguyên băng giá ở Siberia, phải đi gần một tháng trên chuyến tàu hàng đông nghẹt người mới đến nơi, và họ phải tự lo liệu.

Tại Taiga, Jaruzelski tham gia lao động cưỡng bức trong hai năm trời, việc chủ yếu là đốn cây. Công việc hết sức nặng nhọc và cái nắng chói chang phản chiếu ánh mặt trời trên tuyết đã làm hỏng mắt ông. Cặp kính đen ông luôn đeo như một dấu hiệu riêng xuất phát từ thời kỳ này. Ông kể: “Ở Siberia, lạnh không tả được, tôi phải làm việc rất vất vả. Tất cả chuyện này đáng lẽ làm tôi ghét người Nga. Nhưng trớ trêu thay, điều trái ngược đã xảy ra. Tôi yêu người Nga, yêu tinh thần bất khuất của họ, yêu dất nước Nga với những con người bình thường tôi được biết”.[ii]

*

“TÔI VỚI HỌ LÀ MỘT”

4.

Chắc hẳn điều trớ trêu kia sẽ được một nhà tâm lý nào đó giải mã đầy đủ, còn với Jaruzelski, ông đã trở thành một người cộng sản thuần thành, đầy nhiệt huyết.

Sau cuộc tấn công xâm lược đầu tiên của Đức vào Liên Xô năm 1941, ông là một trong những người đầu tiên tham gia đơn vị Ba Lan thuộc Hồng quân Liên Xô. Đây là khoảnh khắc bước ngoặt trong đời ông. Ông chiến đấu cạnh những người Xô-viết, trong một số những trận đánh ác liệt nhất cuộc chiến, kéo dài đến khi Hồng quân bao vây Berlin năm 1945.

Ông nói: “Tôi thấy mình với họ là một … Cấp trên của tôi, đồng đội của tôi, tất cả những người lệ thuộc vào tôi đều là người Nga”. Ông tin họ là lực lượng chiến thắng, ông bị hoàn toàn thuyết phục rằng mình có chính nghĩa, rằng họ đang xây dựng một đại đế quốc trường tồn ở Đông Âu.

Bằng sự pha trộn giữa lý tưởng và chủ nghĩa cơ hội, Jaruzelski đã chọn con đường phục vụ những quan thầy Xô-viết.

5.

Sau chiến tranh, ông trở thành bí thư quân ủy. Ông cho biết: “Tôi là một tín đồ [cộng sản] cuồng tín. Và lẽ đương nhiên, như mọi tín đồ, chúng tôi phải bảo hệ giáo hội và giáo lý của mình”. Nhiệm vụ của ông là thành lập một quân đội cộng sản trung thành để phục vụ quyền lợi Liên Xô. Ông là vị tướng tham gia sâu vào chính trị, một nhà quản lý hiệu quả, một nhà chiến thuật khéo léo, và cứ thế ông leo lên các chức vụ ngày càng cao trong chính quyền.

Ông ít được công chúng biết, cho đến tháng 12/1970, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, ông chịu trách nhiệm về đội quân đã bắn vào công nhân tại Gdansk, dù ông không là người ra lệnh cho binh sĩ nổ súng. Từ đó, ông bị phần lớn dân chúng oán ghét, và dân chúng xem nhân vật “xưa quý tộc, nay cộng sản giáo điều” này là một kẻ bí hiểm.

Khi nói năng, ông thường dùng những lời lẽ rất xưa, với cách phát âm và diễn đạt gần như người sống ở thế kỷ 19, nhưng chữ ông dùng lại là mớ từ ngữ cầu kỳ, đậm chất chủ nghĩa Mác-Lê giáo điều. Ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 2/1981 và sau đó, khi được chọn làm Tổng Bí thư thay thế Kania.

*

JARUZELSKI ĐỤNG WALESA

6.

Vào thời điểm này, nợ nước ngoài của Ba Lan đã lên đến 25 tỉ đô-la Mỹ, đó là chưa kể khoản viện trợ béo bở từ Liên Xô đã được dùng ngay vào việc trợ giá thực phẩm. Ba Lan cũng hầu như không thể trả được tiền lãi các khoản nợ. Bất chấp lời Walesa kêu gọi tự chế và bình tĩnh, cánh cấp tiến trong Công đoàn Đoàn kết đã đưa ra những yêu sách mạnh mẽ hơn như tăng lương, giảm quyền kiểm soát của nhà nước trong các nhà máy và cải tổ kinh tế toàn diện.

Jaruzelski, phối hợp ăn ý với các cố vấn Liên Xô, ngay từ đầu đã chơi trò hai mặt trong việc “đè bẹp” Công đoàn Đoàn kết. Trước công chúng, ông tỏ ra mềm mỏng. Vào ngày 4/11/1981, hai tuần sau khi lên làm lãnh tụ Đảng, ông gặp Walesa và Tổng Giám mục Jozef Glemp, người vừa trở thành lãnh đạo của Giáo hội Ba Lan vào dịp hè, sau khi Hồng y Wyszynski, được đông đảo giáo dân sùng kính và tiếc thương, qua đời. Tướng Jaruzelski tuyên bố ông muốn thành lập một “Mặt trận Thống nhất Quốc gia”, tức một liên minh trong đó Giáo hội Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết được xem như những thành phần hợp tác với chính quyền. Walesa tìm cách đấu dịu, ông nói: “Chúng tôi không hề muốn lật đổ quyền lực nhà nước. Hãy để chính quyền cai quản đất nước và để công nhân chúng tôi tự cai quản nhau trong các nhà máy”.

Hai tuần sau, cuộc gặp gỡ thứ hai diễn ra nhưng đổ vỡ vì những bất đồng gay gắt. Jaruzelski đe dọa sẽ ban hành các luật lệ khẩn cấp để cấm đình công, cấm tụ tập đông người, và dùng tòa án quân sự để xét xử một số vi phạm dân sự. Đáp lại, Walesa nói ông sẽ kêu gọi một cuộc tổng đình công toàn quốc kéo dài một ngày, và sau đó là các cuộc tổng đình công vô thời hạn, nếu những biện pháp vừa kể được chính quyền thực hiện. Hai bên đi dần đến chỗ đụng đầu quyết liệt.[iii]

*

KẾ HOẠCH THIẾT QUÂN LUẬT

7.

Tuy nhiên, một cách thâm hiểm, Jaruzelski biết mình sẽ làm gì. Kế hoạch áp dụng thiết quân luật lúc cần thiết đã được tính toán nhiều tháng trước đó. Trong năm 1981, kế hoạch được Bộ Tổng Tham mưu, dưới quyền Jaruzelski, và Ủy ban Quốc phòng, một ủy ban hoạt động tuyệt mật, điều chỉnh cho phù hợp. Kế hoạch có mật danh “Mùa xuân” và chỉ một số ít nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo chính trị Ba Lan được biết. Cựu Tổng Bí thư Kania có thấy kế hoạch này nhưng chưa bao giờ đồng ý thực hiện.

Kế hoạch muốn tránh rủi ro, nên sẽ không dùng lính Ba Lan để bắn vào công nhân Ba Lan, vì như vậy, quân đội có thể bất tuân. Trong bí mật tuyệt đối, Jaruzelski đã cho thành lập một lực lượng gồm 15.000 công an được đào tạo đặc biệt, gọi tắt trong tiếng Ba Lan là ZOMO, mà ông tin sẽ tuyệt đối trung thành với chế độ. Công an đặc biệt được trả lương cao hơn gấp mấy lần công an hay binh lính thông thường, họ cũng được trang bị đầy đủ với những thiết bị tân tiến nhất, từ lá chắn bằng chất dẻo, vòi rồng đến các kiểu gậy gộc mới.

8.

Jaruzelski, như dự tính từ lâu, sẽ tạo ra một cái cớ để có thể đàn áp Công đoàn Đoàn kết. Vào ngày 15/9/1981, khi đang là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, ông chủ tọa phiên họp cùng các trợ lý và nói cần có lý do để áp đặt thiết quân luật, nhưng sao cho lý do ấy “không bị xem như sự kích động cố tình từ phía chính quyền, … mà phải làm cho mọi người thấy tại sao thiết quân luật lại cần thiết”.

Để làm điều này, ông đã cho ngụy tạo chứng cớ. Đầu tháng 12/1981, chính quyền tuyên bố đã nắm được chi tiết một âm mưu bạo động nhằm lật đổ chính quyền. Về chứng cớ, chính quyền tuyên bố họ biết thông tin này vì có các cuộn “Băng Ghi âm Radom” – ghi âm cuộc họp của các nhà hoạt động hàng đầu Công đoàn Đoàn kết tại thành phố Radom.

Sau này, những cuộn băng được xác minh là giả mạo. Chúng được mật vụ Ba Lan chắp vá một cách vụng về sao cho có vẻ như là băng nói về một âm mưu tổ chức nổi dậy, trong khi thực sự không có gì nghiêm trọng. Nhưng lúc ấy, vụ giả mạo có tác dụng. Jaruzelski đã tự cho mình điều mà ông gọi là “lý do chính đáng để hành động”, và có thể dùng nó để giải thích cho người khác.[iv]

***

CÔNG ĐOÀN BỊ ĐỘNG

9.

Dù không khí căng thẳng bao trùm, Công đoàn Đoàn kết đã hoàn toàn không chuẩn bị để đối phó với thiết quân luật, khi nó được chính thức áp dụng vào một đêm rất lạnh, đêm 12 rạng sáng 13/12/1981. Walesa từng nhiều lần cảnh báo “chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp đối thủ”, tuy vậy, đó là điều ông và những người thân cận nhất mắc phải.

Một nhà tổ chức hàng đầu của Công đoàn Đoàn kết, ông Wladislaw Frasyniuk, kể lại rằng: “Chúng tôi đã không chuẩn bị gì về mặt tinh thần cho vụ này. Không ai hình dung một chính quyền có vẻ yếu như vậy lại vẫn đủ mạnh để điều công an hoặc quân đội đàn áp chúng tôi”.[v]

Trong lúc Công đoàn Đoàn kết không biết về nước cờ dữ dội này, Mỹ và các chính quyền phương Tây lại biết. Cơ quan tình báo Mỹ CIA có một người tin cậy, thân cận với Tướng Jaruzelski, những năm trước đã cung cấp cho Mỹ nhiều thông tin tình báo giá trị. Đó là đại tá Ryszard Kuklinski, một sĩ quan quân báo Ba Lan cao cấp, ông lấy biệt danh Jack Strong khi cung cấp thông tin cho Washington.

Trước đó, ông đã báo cho phía Mỹ biết về một cuộc tấn công xâm lược của Liên Xô có thể xảy ra vào tháng 12/1980, nhưng lại cho đó là nguy cơ xâm lăng thật, không phải đòn hỏa mù. Giờ đây, ông cung cấp cho CIA thông tin về kế hoạch thiết quân luật. Mỹ và các nước NATO phản ứng bình tĩnh khi nghe tin, nhưng không ai báo tin cho Công đoàn Đoàn kết.*[vi]

*

BẮT BỚ TRONG ĐÊM 12/12/1981

10.

Hầu hết những nhân vật được biết nhiều nhất của Công đoàn Đoàn kết đều bị bắt ngay đêm ấy khi còn đang ngủ.

Chế độ đã tính toán cẩn thận để chiến dịch đàn áp diễn ra vào đúng cuối tuần đó, thời điểm diễn ra đại hội thường niên của Công đoàn Đoàn kết. Toàn bộ ban lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết đều có mặt ở Gdansk, ngoại trừ một vài người đang đi nước ngoài.

Đúng 2 giờ sáng chủ nhật, 2.000 công an ZOMO trong đồng phục chiến đấu màu xanh nhạt đã bao vây Khách sạn Monopol ngay trung tâm thành phố, nơi hầu hết các đại biểu của Công đoàn Đoàn kết đang ở. Họ khóa lối ra và lục soát mọi phòng. Họ bắt tất cả các viên chức Công đoàn Đoàn kết họ tìm thấy, còng tay họ, đẩy lên xe thùng chờ sẵn, rồi chở họ tới phòng tạm giữ tại các đồn công an và doanh trại quân đội.

Điều tương tự cũng diễn ra tại các nhà khách và khách sạn khác.

11.

Walesa bị bắt tại căn hộ của mình, trong một chung cư cao tầng ở Zaspa, ngoại ô Gdansk.

Chuông cửa căn hộ ông reo lên lúc 3 giờ sáng. Xuất hiện trong khung cửa là Chính ủy Đảng bộ Gdansk, ông Tadeusz Fiszbach, cùng sáu nhân viên mật vụ SB. Họ bảo Walesa thay quần áo để ra máy bay “đi gặp Jaruzelski”. Phản ứng đầu tiên của ông là chống cự. Ông kể: “Tôi bảo họ … ‘Đây là lúc các anh thua cuộc, là lúc các anh sụp đổ … kết liễu chủ nghĩa cộng sản’. Dĩ nhiên tôi có cường điệu một chút”. Họ cảnh cáo có thể dùng vũ lực bắt ông đi nếu cần thiết. Ông lấy vài bộ quần áo và đi theo họ.

Một vài nhân vật chóp bu thoát được, chẳng hạn như chàng trai năng động 27 tuổi, Zbigniew Bujak, người đứng đầu Công đoàn Đoàn kết ở Warsaw. Gần suốt đêm đó, khi cuộc bố ráp diễn ra, anh ngồi quán uống rượu với bạn bè sinh viên, và dự định trở về Warsaw vào sáng sớm bằng xe lửa.

Nhìn chung, cuộc bố ráp đã diễn ra đúng như dự kiến của Jaruzelski, với hiệu quả cao.[vii]

*

TRẤN AN

12.

Tướng Jaruzelski lên truyền hình khoảng 6 giờ sáng hôm đó, nhìn nghiêm chỉnh và cứng đơ như thường lệ với bộ quân phục màu xanh lục ủi láng cứng. Hai lá cờ Ba Lan dựng đứng sau chiếc bàn ông ngồi phát biểu. Nhìn ông giống một nhà độc tài Châu Mỹ La-tinh trong hội đồng quân nhân hơn là một lãnh tụ cộng sản, khi ông giải thích ông phải hành động “vì lợi ích quốc gia … vì đất nước chúng ta đang đứng bên bờ vực … vì tương lai Ba Lan đang bị đe dọa, một tương lai mà thế hệ chúng tôi đã phải đổ máu chiến đấu”.

Chẳng lâu sau diễn văn Jaruzelski, bài giảng của Tổng Giám mục Glemp cũng được chiếu trên truyền hình. Vị Tổng Giám mục nói: Thiết quân luật là “một chọn lựa đỡ xấu hơn giữa hai cái xấu, và nếu thấy được sự đúng đắn của lý do này thì người dân Ba Lan bình thường sẽ dễ dàng chấp nhận thực tế mới này hơn. Không được phát động một cuộc đối đầu của người Ba Lan chống người Ba Lan”.

Đó là một màn diễn lạ thường của Tổng Giám mục Glemp, một người kém duyên, béo tròn, cựu luật sư giáo luật. Lời kêu gọi thỏa hiệp bình thản của ông dường như hoàn toàn lạc điệu với lời kêu gọi đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản vô thần đầy sức thuyết phục của Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II.

*

XIN LIÊN XÔ GỬI QUÂN CAN THIỆP

13.

Jaruzelski luôn tự bào chữa cho việc áp dụng thiết quân luật, với lý do là nếu không, quân Liên Xô sẽ tràn qua xâm lăng Ba Lan và điều này sẽ càng tệ hại hơn cho đất nước.

Trong nhiều năm, tuy chế độ của ông không được lòng dân, những người chống ông trong và ngoài nước đều tin vào lý luận vừa kể. Nhưng lý do đó hoàn toàn sai. Liên Xô đã loại bỏ khả năng đưa quân vào Ba Lan, và Jaruzelski biết điều đó.

Thực ra, chính Jaruzelski là người đã khẩn khoản kêu gọi Liên Xô dưa quân vào Ba Lan, nhưng bị từ chối.[viii]

14.

Vào đầu tháng 12/1981, Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Florian Siwicki, lên đường đi Moscow theo lệnh của Jaruzelski. Hai ông là bạn và chiến hữu trong nhiều năm, Siwicki còn là một đặc phái viên rất đáng tin cậy. Mục đích chuyến viếng thăm là để thuyết phục Moscow can thiệp vào Ba Lan. Jaruzelski tin rằng thiết quân luật sẽ không thành công nếu không được Liên Xô giúp đỡ, và quân đội Ba Lan nếu để tự thân vận động sẽ không thể “tái lập trật tự”.

Theo lời Siwicki kể sau này, lúc ấy ông mang theo một văn thư được Warsaw soạn thảo, có nội dung như “một lời tuyên bố cho thấy những người cộng sản Ba Lan không đứng một mình và yêu cầu các đồng chí thực thi nghĩa vụ và hỗ trợ toàn diện chính quyền Ba Lan trong cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng”. Vẫn theo lời Siwicki, dĩ nhiên điều này có nghĩa họ muốn Moscow có một cam kết vô điều kiện là sẽ gửi quân qua Ba Lan.

Nhưng lãnh đạo Liên Xô từ chối ký văn bản này. Khi Siwicki trở về tay trắng, lãnh tụ Ba Lan càng thêm khủng hoảng. Ông nói: “Đồng minh đã bỏ ta … đến giờ này, ta không còn biết xoay sở cách nào khác”. Jaruzelski cũng nói tương tự với một người bạn lớn tuổi khác là Đại tướng Hồng quân Anatoli Gribkov, Tham mưu trưởng Khối Warsaw, ông tố cáo Liên Xô “phản bội bạn cũ”.[ix]

*

LIÊN XÔ ĐỨNG NGOÀI

15.

Ngày 10/12/1981, các đầu lĩnh tại Điện Kremlin họp khẩn để bàn về tình hình Ba Lan lần nữa. Đây là lần quyết định chung cuộc về việc không gửi quân Liên Xô qua Ba Lan.

Andropov nói: “Chúng ta không có ý định đưa quân vào Ba Lan. Đó là lập trường đúng đắn và chúng ta phải giữ vững lập trường đến cùng … Tôi không biết tình hình sẽ biến chuyển ra sao, nhưng ngay cả khi Ba Lan rơi vào vòng kiểm soát của Công đoàn Đoàn kết, thì cũng phải mặc kệ điều đó xảy ra … Vì nếu các nước tư bản trả đũa Liên Xô … bằng cấm vận kinh tế và chính trị, điều đó sẽ gây bất lợi lớn cho chúng ta. Chúng ta trên hết phải lo cho quyền lợi của nước ta và làm Liên Xô mạnh hơn”.

Gromyko đồng ý với đường lối này, ông nói: “Ta phải tìm cách nào đó thay đổi quan điểm của Jaruzelski và các lãnh tụ Ba Lan khác … Việc đưa quân vào Ba Lan là không thể xảy ra”.[x]

16.

Sáng hôm sau, Thống chế Viktor Kulikov, trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô tại Warsaw, chuyển quyết định của Moscow cho Jaruzelski. Nhưng lãnh tụ Ba Lan vẫn cố tìm cách thay đổi ý định của Kremlin.

Theo lời trùm mật vụ KGB tại Warsaw, Tướng Vitali Pavlov, Jaruzelski đã gọi điện cho Mikhail Suslov vào sáng ngày 12/12/1981, chỉ vài giờ trước khi thiết quân luật được ban hành.

Mikhail Suslov là nhà lý luận số một tại Liên Xô, một nhân vật bảo thủ cứng rắn và đầy ảnh hưởng trong hàng ngũ lãnh đạo Xô-viết suốt một phần tư thế kỷ. Suslov cũng là một trong những chuyên gia dẹp loạn của Liên Xô tại Budapest, Hungary, khi cuộc nổi dậy nổ ra năm 1956, và là người nhiệt tình bỏ phiếu tán thành việc đưa xe tăng vào thủ đô Praha, Tiệp Khắc, để đàn áp cuộc nổi dậy năm 1968.

Nhưng lúc này, Suslov lại bảo lãnh đạo Ba Lan rằng: “Chúng tôi sẽ không đưa quân vào, dù hoàn cảnh thế nào … Ông từng nói sẽ tự giải quyết vấn đề bằng chính lực lượng của mình cơ mà”. Tuy nhiên, ông cũng hứa là nếu chế độ tại Ba Lan tự giải quyết được vấn đề thì Liên Xô sẽ giúp Ba Lan vượt qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Lời hứa này không làm Jaruzelski an tâm. Ông tìm cách gọi Brezhnev, nhưng Brezhnev từ chối nói chuyện với ông.

Thế là ông phải quyết định tiến hành thiết quân luật một mình, ngay đêm đó. Nếu trì hoãn thêm nữa, ông sẽ đánh mất yếu tố bất ngờ và cơ hội hiếm có khi các thành phần lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết đều tụ về một nơi cùng lúc. Nếu trì hoãn, việc tái lập “kỷ cương xã hội chủ nghĩa” sẽ càng khó khăn hơn.[xi]

*

CÔNG ĐOÀN TÍNH SAI

17.

Công đoàn Đoàn kết đã tính toán sai lầm một cách tệ hại. Ban lãnh đạo Công đoàn tin rằng nếu có xảy ra đàn áp chăng nữa thì khi đến thời điểm quyết định, công an, quân đội và các lực lượng an ninh – vốn có nhiều người là thành viên Công đoàn – sẽ không tuân lệnh cấp trên. Họ nghĩ rằng nếu có một cuộc đàn áp thì đàn áp sẽ chỉ tác dụng một phần, vì khi cần thiết, công nhân toàn quốc sẽ đình công làm tê liệt cả nước, và chính quyền cuối cùng sẽ phải nhượng bộ.

Nghĩ vậy, nên Công đoàn đã hớ hênh, không chuẩn bị gì đáng kể. Sau khi tất cả các nhân vật lãnh đạo bị bắt, những người còn lại cũng không có nỗ lực gì để bảo vệ các dàn máy in có giá trị quan trọng, hoặc những khoản tiền mặt đáng kể mà Công đoàn quyên góp được trong một năm trước đó. Tất cả đã bị tịch thu, gần như chỉ trong một đêm. Họ cũng cả tin, không hề chuẩn bị trước một hệ thống những nhà trú hoặc điểm hẹn an toàn phòng khi hữu sự.

Và sau đó, Công đoàn Đoàn kết đã phải lui vào hoạt động chui, không tổ chức, không tiền bạc, phải bắt đầu lại gần như từ số không.

18.

Jaruzelski đã dự đoán Công đoàn Đoàn kết sẽ lập tức kích động một cuộc tổng đình công, nhưng giờ đây ban lãnh đạo Công đoàn đã bị bắt, những ai còn sót lại thì nản lòng và hoang mang.

Một vài cuộc đình công nhỏ lẻ được tổ chức nhưng lập tức bị đàn áp dã man. Công an ZOMO xộc vào nhà máy và bắt đi những người cầm đầu đình công. Chín công nhân mỏ ở Wujek, gần thị trấn công nghiệp Katowice, bị bắn chết và 21 người bị thương. Tại Xưởng Đóng tàu Lenin, cái nôi của Công đoàn Đoàn kết, cuộc đấu tranh kéo dài chưa đến một tuần. Đại đa số công nhân vì sợ hãi đã phải nhượng bộ. Trong các ngành công nhiệp trọng yếu như ngành khai thác than và phân phối thực phẩm, lực lượng lao động bị đặt dưới quyền kiểm soát nghiêm ngặt của quân đội.

*

TUYÊN CHIẾN VỚI NHÂN DÂN

19.

Giai đoạn này, Jaruzelski cai trị Ba Lan thông qua Hội đồng Cứu quốc, gồm các sĩ quan quân đội cao cấp, thay vì các cán bộ Đảng. Về nhiều mặt, thiết quân luật ở Ba Lan giống một cuộc đảo chính, vừa chống lại những người cộng sản vừa chống Công đoàn Đoàn kết, mặc dù mục tiêu đề ra là “bảo vệ chủ nghĩa xã hội và danh dự quốc gia”. Có lẽ Marx và Lenin sẽ phải gọi thiết quân luật kiểu Ba Lan là một thứ “chủ nghĩa Bonapartre” điển hình.

Những người đọc tin trên truyền hình vào thời điểm này ai cũng mặc quân phục. Giới nghiêm được áp dụng trong tất các đô thị lớn từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Báo chí chính thống bị kiểm duyệt càng nghiêm ngặt. Hội đồng quân nhân còn cho cắt liên lạc điện thoại để cô lập Ba Lan với thế giới bên ngoài. Họ còn cố, dù không thành, hạn chế việc đi lại trong nước để ngăn thông tin lan tỏa khắp nơi.

Trong những ngày thiết quân luật đầu tiên, 6.000 người bị bắt không vì tội danh nào và bị nhốt trong hàng chục trại tạm giam. Họ là những người nổi tiếng trong giới cầm bút, diễn viên, khoa học, nhạc sĩ, họa sĩ và những nhà hoạt động công đoàn. Triết gia có ảnh hưởng lớn Leszek Kolakowski nói rằng giây phút nhà cầm quyền tuyên bố thiết quân luật chính là giây phút họ tuyên chiến với chính nhân dân mình, và ý kiến này được mọi người đồng tình. Bất cứ nơi đâu, người dân Ba Lan đều nói về những tháng tiếp theo của thiết quân luật như một thời kỳ “nội chiến”.

20.

Lãnh đạo Liên Xô ra vẻ lạc quan khi thấy họ chỉ cần trả một mức giá hời để bình ổn một thuộc địa rắc rối kinh niên. Rõ ràng, họ tái lập được quyền hành, và lần này chính người Ba Lan đã nhúng tay vào chàm làm việc dọn bẩn. Đối với Điện Kremlin, hình ảnh những chiếc xe tăng Ba Lan tuần tra đường phố Warsaw do chính người cộng sản Ba Lan chỉ huy là hình ảnh làm họ an tâm và thấy mình chiến thắng.

Nhưng không lâu sau, chiến thắng kia lại không đồng nghĩa với thắng cuộc chút nào.

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

[i] Hồi ký Wojciech Jaruzelski, Roznic Sie Madrze (Kziaka I Wiedza, Warsaw, 1999), và Les Chaines et le refuge (Lattes, Paris, 1993)

[ii] Riccardo Orizio, Talk of the Devil (Secker & Warburg, London, 2003), tr. 127

[iii] Lech Walesa, The Struggle and the Triumph (Arcade Publishing, New York, 1994), tr. 168-75

[iv] Robert Boyes, The Naked President (Secker and Warburg, London, 1994), tr. 102-6

[v] Jaqueline Hayden, Poles Apart: Solidarity and the New Poland (Irish Academic Press, 1944), tr. 147

*Kuklinski là một trong những gián điệp có giá trị nhất của CIA trong Chiến tranh Lạnh. Năm 1971, qua một lá thư gửi đến Toàn Đại sứ Mỹ tại Bonn, Tây Đức, ông tình nguyện làm gián điệp cho CIA. 10 năm sau đó, ông đã cung cấp hàng loạt những bí mật quân sự quan trọng cho phương Tây qua hơn 30.000 tài liệu. Những bí mật quân sự bao gồm kế hoạch chiến đấu của liên quân Khối Warsaw, bản vẽ kỹ thuật các loại tên lửa mới và các tin tình báo khác. Ông hoạt động tích cực gần 10 năm, đến khi đào thoát qua phương Tây năm 1981. Ba năm sau, ông bị Ba Lan kết án tử hình vắng mặt. Bản án được hủy bỏ năm 1989, nhưng Kuklinski chưa bao giờ được chính thức xem như trắng án, và nhiều người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, tuy căm ghét chủ nghĩa cộng sản và quân Nga – chẳng hạn Walesa – vẫn luôn xem ông như một kẻ phản bội.

[vi] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. 460-66

[vii] Phỏng vấn Walesa trong Cold War series, phát trên CNN, do Jeremy Isaacs sản xuất, 1997, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 11

[viii] TsKhSD, f89, op 42, d6, Moscow

[ix] Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 390

[x] TsKhSD, f89, op 42, d6, Moscow, Biên bản của Bộ Chính trị ngày 10/12/1980

[xi] Vladislav Zubok, như trên, tr. 393

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.