CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 4)

 Dch gi:  Phan Trinh 

CHƯƠNG 2

THÔNG ĐIỆP HY VỌNG – GIÁO HOÀNG GIO-AN PHAO-LÔ II 

KHÓI TRẮNG SISTINE, MÂY ĐEN KREMLIN – KGB BÔI NHỌ VÀ NGHE LÉN – NHÀ THỜ VÀ NHÀ NƯỚC BA LAN – SARTRE: BA LAN, PHI LÝ HOÀN HẢO – PHẢN ỨNG – CHUẨN BỊ VỀ BA LAN – HAI TRIỆU NGƯỜI: NHÂN PHẨM VÀ HY VỌNG – TIẾNG GỌI THỨC TỈNH

*** 

Điện Kremlin. Thứ hai, ngày 16 tháng 10, năm 1978

KHÓI TRẮNG SISTINE, MÂY ĐEN KREMLIN

1.

XẾ CHIỀU THỨ HAI, giờ Moscow, ngày 16/10/1978, lần đầu tiên trùm mật vụ KGB, ông Yuri Andropov, được nhân viên thông báo cho biết tên của vị tân Giáo hoàng.

Khói trắng vừa bốc lên từ Nguyện đường Sistine, báo hiệu Karol Wojtyla đã được chọn vào vị trí cao nhất của Giáo hội Công giáo, và ngài lấy tên hiệu là Gio-an Phao-lô II (John Paul II). Trùm mật vụ Xô-viết hiểu ngay lập tức tầm quan trọng của diễn biến này.

Với vẻ ưu tư và bất an, ông gọi cho các yếu nhân trong Điện Kremlin và lặp đi lặp lại lời cảnh báo có tính tiên tri này: “Wojtyla là mối đe dọa cho an ninh Xô-viết”. Chưa nguôi, đêm hôm đó, Andropov gọi điện cho Boris Aristov, Đại sứ Liên Xô tại Warsaw, và yêu cầu phải giải đáp cho được câu hỏi “Làm thế nào một việc như thế có thể xảy ra? Làm thế nào anh lại cho phép công dân một nước Xã hội chủ nghĩa được làm Giáo hoàng?” Một lần nữa, Andropov lặp lại lời cảnh báo Giáo hoàng là mối “nguy hiểm của chúng ta”.

Đại sứ Aristov chống chế rằng việc bầu Wojtyla là do “nội tình chính trị tại Vatican”, nhưng Andropov không thỏa mãn. Ông yêu cầu phải báo cáo khẩn và thật đầy đủ việc làm thế nào “một thảm họa cho quyền lợi Xô-viết” lại có thể xảy ra như thế.[i]

2.

Andropov yêu cầu có trong tay mọi thông tin có được về vị tân Giáo hoàng. KGB có cả núi hồ sơ về Karol Wojtyla, kể từ đầu thập niên 1950, khi ông còn là một giảng viên trẻ môn luân lý học tại Đại học Jagiellonian, thuộc Giáo hội Công giáo Ba Lan, thường xuyên đóng góp những bài viết sắc sảo và có ảnh hưởng trên báo chí Công giáo.

Ông bị theo dõi sát sao hơn sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Karkow năm 1963. Những báo cáo định kỳ của cơ quan mật vụ Ba Lan, Sluzba Bezpieczenstwa (SB), cho thấy nhà cầm quyền Warsaw đánh giá những bài giảng của ông là có tính “phá hoại”. Công tố viên Nhà nước điều tra và có ý định kết án ông, nhưng lại bỏ ý định.

Andropov không phải không có lý khi thấy bất an. Nhiều năm trước đó, ông đã từng đọc vô số báo cáo về những bài giảng thuyết của những linh mục “có vấn đề”, nhưng ông biết hầu hết những bài giảng ấy không thực sự đe dọa. Andropov quan tâm hơn nhiều đến những báo cáo về tính cách của Wojtyla. Ngay cả những báo cáo khô khan, nhạt nhẽo được các nhân viên mật vụ viết cũng cho thấy cá tính mạnh mẽ của Wojtyla, sức thu hút khác thường của ông, đam mê sứ mệnh của ông, và trí thông minh sắc bén của ông.

Khi nhận được điện tín của Vitali Pavlov, sĩ quan KGB cao cấp nhất từ Warsaw, gửi về tổng hành dinh KGB ở Moscow, Andropov không vui chút nào.

Chỉ vài giờ sau khi vị tân Giáo hoàng được chọn, ông báo cho lãnh đạo Đảng tại Moscow rằng: “Wojtyla có quan điểm chống cộng cực đoan. Dù không chống đối công khai hệ thống Xã hội chủ nghĩa, nhưng ông phê phán cách hoạt động của các cơ quan Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.”[ii]

***

KGB BÔI NHỌ VÀ NGHE LÉN

3.

Vài ngày sau khi Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II lên ngôi, Andropov và phó giám đốc mật vụ, Viktor Chebrikov, đã đệ trình cho ban lãnh đạo Liên Xô một kế hoạch tuyệt mật nhằm chống lại nguy cơ đang xuất hiện từ Vatican.

Họ yêu cầu mở một chiến dịch tuyên truyền trong khối Đông Âu để răn đe dân chúng rằng sẽ có phản ứng dữ dội từ Liên Xô đối với mọi tôn giáo. Còn ở phương Tây, cần có những “biện pháp tích cực … để mọi người thấy rằng sự lãnh đạo của vị tân Giáo hoàng là rất nguy hiểm cho Giáo hội Công giáo”.

Bên cạnh đó, mật vụ KGB đã nhanh chóng cho cài đặt thiết bị nghe lén Giáo hoàng. Những thiết bị nghe lén cao cấp đã hai lần bị trưởng ban an ninh Vatican, ông Camillo Cibin, tìm thấy trong các gian phòng Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II sử dụng nhiều nhất, đó là văn phòng riêng, văn phòng chính thức – thường được gọi là “thư viện”, nơi ông tiến hành hầu hết các cuộc họp – và cả trong phòng ngủ. Dĩ nhiên Cibin nghi thủ phạm là ai, nhưng mãi sau này Vatican mới chắc chắn đó là công việc của cơ quan tình báo Xô-viết.[iii]

4.

Stalin từng hỏi một câu lừng danh: “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Nhưng, những người kế vị Stalin giờ phải đương đầu với một câu hỏi khác hơn: Nếu vị Giáo hoàng này dấy lên một cuộc đấu tranh ý thức hệ toàn diện chống Chủ nghĩa xã hội thì sao? Đây là điều chưa vị lãnh đạo tôn giáo nào dám làm, ở bất cứ đâu trên toàn cõi đế quốc Xô-viết.

Vào cuối thập niên 1940 và suốt thập niên 1950, hầu hết các giáo hội đã bị đàn áp mà không kháng cự đáng kể. Tuy có vài giáo sĩ cấp cao tử vì đạo – như đức Hồng y Mindszenty thuộc Giáo hội Hungary, ông bị tra tấn và tống giam để “nêu gương cho kẻ khác” – nhưng, bằng những biện pháp khống chế đồng bộ, từ đàn áp dã man, áp bức, ép buộc đến phá hoại, gần như trên khắp Đông Âu các giáo hội đều bị đẩy vào tình trạng hoạt động chui, và cũng không được xem như những trung tâm phản kháng chế độ.

Vatican, từ khi Thế chiến II kết thúc, nói chung cũng phần nào thỏa hiệp với những người Cộng sản. Một vị tiền nhiệm của Gio-an Phao-lô II là Đức Giáo hoàng Phao-lô VI cũng tự nhận, gần như với sự tự hào, rằng mình là người thực tế, và mình đã “không theo đuổi một chính sách đình đám vẻ vang” nào trong quan hệ với người Xô-viết.

Giáo hoàng Phao-lô VI cho rằng nhiệm vụ của ngài là bảo vệ những gì còn có thể bảo vệ được, rằng Chủ nghĩaCộng sản sẽ còn tồn tại một thời gian dài nữa và những người Công giáo không may phải sống trong đế quốc Xô-viết phải cố gắng chấp nhận nó.[iv]

***

NHÀ THỜ VÀ NHÀ NƯỚC BA LAN

5.

Riêng ở Ba Lan, nói chung và nói một cách tích cực, Giáo hội Công giáo Ba Lan vẫn có được một quan hệ, không hoàn toàn thoải mái nhưng cũng khá hòa hoãn, với Nhà nước Ba Lan.

Ba Lan tuy được tổ chức theo mô hình thuộc địa do Stalin đề ra, như các nước khác trong đế quốc Xô-viết, giữa Ba Lan và các nước Xã hội chủ nghĩa khác vẫn có những khác biệt quan trọng.

Máu người Ba Lan đã đổ sau khi Hồng quân Liên Xô “giải phóng” Ba Lan năm 1945 bằng họng súng, như họ cũng làm tại các nước khác. Hầu hết những người kháng chiến, tham gia lực lượng khôngCộng sản chống Đức Quốc xã do Tướng Wladyslaw Anders cầm đầu khi trở về Ba Lan đều bị thủ tiêu.

Những cuộc thanh trừng sau này vẫn diễn ra nhưng kém dã man hơn. Ba Lan không chịu khủng bố nặng như Hungary, nơi hơn 10% dân số hoặc bị thủ tiêu hoặc, sau khi bị mật vụ AVO khét tiếng tàn bạo tra tấn, phải chết mục trong các trại tập trung.

6.

Các đồng chí lãnh đạo Ba Lan được quan thầy Liên Xô nới lỏng hơn chút ít. Chỉ có 1/10 đất đai Ba Lan bị quốc hữu hóa, tỉ lệ thấp nhất trong toàn khối Xã hội chủ nghĩa. Giáo hội được tương đối độc lập trong một số mặt. Đảng đã có một thỏa hiệp lịch sử với hàng giáo phẩm Giáo hội Công giáo và Giáo hội cũng được quyền điều khiển một số trường học.

Vào đầu năm 1975, Giáo hội Công giáo Ba Lan có hai hồng y, 45 tu viện, 73 giám mục, 13.392 nhà thờ, 18.267 linh mục, 35.341 tu sĩ nam nữ, và 20 triệu giáo dân dự lễ thường xuyên ngày chủ nhật. Những con số này cao hơn đáng kể so với các nước theo đạo Công giáo có dân số tương tự.

Đại học Công giáo Lublin nổi tiếng thế giới với hơn 2.000 sinh viên theo học. Giáo hội Ba Lan cũng gửi rất nhiều nhà truyền giáo qua Châu Á và Châu Phi. Không những thế, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến, hơn một nửa tổng số đảng viên Đảng Cộng sản Ba Lan cho biết họ thường xuyên đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật. Con số thật có lẽ còn nhiều hơn vì một nghịch lý khác là nhiều đảng viên đến nhà thờ nhưng không dám nói thật.[v]

*

SARTRE: BA LAN, PHI LÝ HOÀN HẢO

7.

Nghịch lý là điều rất phổ biến ở Ba Lan lúc bấy giờ.

Một “cảm tình viên Cộng sản” nổi tiếng thời đó, triết gia Pháp Jean Paul Sartre, từng mô tả Ba Lan như vùng đất của những điều “siêu thực” Xã hội chủ nghĩa. Ông cho biết khi đến thăm nước này vào đầu thập niên 1970, ông đã thấy bày ra trước mắt cả một hiện thực có thể gọi là “phi lý hoàn hảo”. Sartre viết rằng Ba Lan là:

“một đất nước bị cắt lìa khỏi quá khứ bằng bạo lực Cộng sản, nhưng vẫn bấu víu cái cũ – đến nỗi thủ đô, bị phá hủy trong Đệ nhị Thế chiến, nay được xây dựng lại cho giống cảnh đô thị trong tranh danh họa Canaletto [1697-1768] … và người dân thủ đô lại tiếp tục sống trong “phổ cổ” vừa xây mới toanh …

“một đất nước nơi lương tháng chính thức không mua được hơn hai đôi vớ, nhưng lại là nơi không có nghèo đói …

“một xã hội theo Chủ nghĩa xã hội nhưng mọi lễ hội tôn giáo lại là ngày nghỉ chính thức …

“một đất nước hoàn toàn vô tổ chức nhưng xe lửa vẫn chạy đúng giờ …

“một đất nước kiểm duyệt lan tràn nhưng khôi hài đỏ vẫn nở rộ …

“một đất nước duy nhất trong khối Xã hội chủ nghĩa nơi người dân được tự do mua bán đô-la Mỹ nhưng lại không được phép giữ đô-la Mỹ …

“một đất nước nơi bạn có thể nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức với một cậu bồi bàn, nói tiếng Pháp với một anh đầu bếp, nhưng khi nói chuyện với ngài Bộ trưởng thì bạn phải có thông dịch viên.”[vi]

Thực vậy, trong mắt một trí thức tư bản, vốn quen thuộc với kinh tế thị trường, hay trong mắt một nhà Mác-xít chính thống, Ba Lan luôn có vẻ hỗn độn vô chính phủ.

Ba Lan ì ạch đi từ khủng khoảng kinh tế này đến khủng hoảng kinh tế khác, và hoàn toàn lệ thuộc vào những khoản tiền nợ từ phương Tây được các ông trùm Cộng sản ở Kremlin bảo lãnh. Đây cũng là một khía cạnh “siêu thực” khác của Chủ nghĩa xã hội kiểu Ba Lan.

Giờ đây, Ba Lan lại có thêm một Giáo hoàng am hiểu Chủ nghĩa cộng sản từ trong ruột hiểu ra, và điều này làm những người như Yuri Andropov mất ăn mất ngủ.

***

PHẢN ỨNG

8.

Một trong những quyết định đầu tiên của Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II là về thăm quê hương Ba Lan.

Nếu việc ngài được chọn làm Giáo hoàng là một cú sốc với mật vụ KGB tại tổng hành dinh Lubyanka, Moscow, thì việc ngài về thăm quê hương lại làm hàng triệu tín đồ Công giáo Ba Lan chấn động.

Trong nhiều thế kỷ, người Công giáo thế giới đã quen với việc có một vị Giáo hoàng cao tuổi người Ý, nhưng giờ họ có một Giáo hoàng đầy sức sống, 58 tuổi, trông lực lưỡng, gốc Slav, một vị chủ chăn truyền được cảm hứng sâu đậm cho giáo dân, chứ không phải một chính khách Tòa thánh khô khan.

Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tin rằng Thiên Chúa đã chọn một Giáo hoàng người Ba Lan vì một mục đích nào đó, và rằng Ba Lan phải chịu bao đau khổ trong thế kỷ 20 cũng vì một mục đích nào đó.

Tuổi thơ và thời niên thiếu bất hạnh của ngài phản chiếu những giai đoạn đau thương trong lịch sử Ba Lan. Mẹ của Karol Wojtyla mất khi cậu bé mới tám tuổi; ba năm sau, người anh em ruột thịt duy nhất của cậu, anh Edmund, cũng qua đời; rồi người thân duy nhất còn lại, cha cậu, cũng mất trong thời kỳ chiến tranh khi Wojtyla 20 tuổi. Ở tuổi thành niên, thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng, Wojtyla được đào tạo chui để trở thành linh mục.

9.

Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có biệt tài bẩm sinh trong việc chọn thời điểm. Ông muốn tạo sự khác biệt lớn và nhanh chóng bằng một chuyến đi truyền bá tin mừng có tính biểu tượng và tầm vóc lớn, có thể tạo được dấu ấn cho triều đại Giáo hoàng mới.

Tại Ba Lan, việc ông lên ngôi Giáo hoàng được giáo dân cả nước chào đón với những lễ mừng lớn chưa từng thấy. Nhà cầm quyền cũng chẳng dại gì đàn áp những đám đông khổng lồ tụ tập dự lễ mừng. Một số nhà lãnh đạo cộng sản còn ngầm tự hào vì một người Ba Lan nay được là người kế vị Thánh Phê-rô.

Một ngày sau khi bầu tân Giáo hoàng, lãnh tụ Đảng cộng sản Ba Lan, Edward Gierek, gửi thông điệp cho Moscow, một thông điệp chứa nhiều hy vọng chủ quan và ít nhận định chính xác. Gierek báo cho Vadim Zagladin, một lãnh đạo cao cấp thuộc Ban Đối ngoại Đảng cộng sản Liên Xô, rằng:

“May mà Wojtyla đã đi Rome, vì nếu ở lại Ba Lan ông sẽ là một thảm họa. Ông có thể gây rất nhiều khó khăn cho chúng ta. Tại Rome, ông sẽ ít nguy hiểm hơn … ở mức độ nhất định, ông ta còn có thể hữu dụng cho ta tại đó nữa. Dù sao thì ông cũng đã ‘xuất khẩu’ ra ngoài rất nhiều ý tưởng và quan điểm học được từ Chủ nghĩa cộng sản.”[vii]

*

CHUẨN BỊ VỀ BA LAN

10.

Đầu tháng 11/1978, Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II yêu cầu quan chức Tòa thánh bắt đầu thảo luận với chế độ Warsaw về một chuyến viếng thăm Ba Lan sớm, ngay khi có thể tổ chức được.

Những cuộc thảo luận này khá tế nhị. Chính quyền cộng sản Ba Lan muốn từ chối nhưng họ biết không thể được. Từ chối không cho dân Ba Lan đón tiếp Giáo hoàng Ba Lan là điều không tưởng tượng được về mặt chính trị. Họ tin họ có thể chọn giải pháp ít rủi ro hơn là cho phép Giáo hoàng viếng thăm nhưng kiểm soát gắt gao chuyến đi. Họ còn nghĩ rằng khi cho quần chúng được gặp “người hùng dân tộc” của mình, chế độ cũng có thể ghi điểm với nhân dân.

Vài nhân vật nhìn xa trông rộng trong hàng ngũ cầm quyền đã đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả có thể có của chuyến viếng thăm này, nhưng ý kiến của họ bị bác bỏ vì chỉ chiếm thiếu số.

Các đầu lĩnh Liên Xô cần phải được thuyết phục mới cho phép chuyến viếng thăm diễn ra. Và, đến lượt mình, Liên Xô cũng phải miễn cưỡng chấp nhận.

Lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev nói với Gierek rằng: “Nghe tôi đi, đừng đón tiếp Giáo hoàng gì cả. Chỉ tổ rắc rối thôi!” Nhưng Gierek phân trần về áp lực quá lớn của quần chúng trong nước, và bảo mình không thể bác bỏ chuyến công du này vì quá rủi ro về chính trị. Brezhnev lưỡng lự chấp thuận, nhưng thòng thêm câu: “Thôi được, cứ làm những gì anh muốn. Nhưng cẩn thận, không lại ân hận sau này.”[viii]

***

HAI TRIỆU NGƯỜI: NHÂN PHẨM VÀ HY VỌNG

11.

Và các lãnh tụ cộng sản Ba Lan đã phải ân hận, ngay khi chiếc máy bay Boeing của hãng Alitalia chở Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đáp xuống sân bay phi trường Warsaw, vào khoảng 11 giờ sáng ngày thứ bảy 2/6/1979.

Vị Giáo hoàng quỳ xuống, hôn đất, một cử chỉ đã trở nên quen thuộc và nổi tiếng trong rất nhiều những chuyến ông đi thăm nước ngoài. Khi ông giang rộng cánh tay ban phúc lành, ông được đám đông ngất ngây tán thưởng.

Mùa hè năm đó, một đợt gió nóng tràn vào Ba Lan, có ngày nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Bất chấp, vị Giáo hoàng đã đi đây đó viếng thăm khắp nước Ba Lan trong một tuần. Một phần ba dân số Ba Lan đổ ra đường để có thể đích thân chào đón Giáo hoàng lúc ông đi qua trên chặng đường viếng thăm. Trong cái nóng hầm hập, dân chúng đứng nhiều giờ dọc hai bên đường để có thể tận mắt thấy ông, dù chỉ trong chốc lát.

Chuyến viếng thăm là bằng chứng cho thấy sau 30 năm cai trị, Chủ nghĩa cộng sản vẫn không thể thu phục được lòng người Ba Lan như Giáo hội Công giáo La Mã đã làm được.

Hơn hai triệu người đã dự các buổi lễ vị Giáo hoàng cử hành ngoài trời. Buổi lễ cuối cùng của chuyến đi diễn ra vào ngày 10/6/1979 ở Krakow, được nhà cầm quyền chính thức ghi nhận là cuộc tụ tập đông người nhất chưa từng có trong lịch sử Ba Lan.

Các bài giảng của Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đều được soạn rất kỹ. Giới chức của tòa thánh Vatican đã thỏa thuận với quan chức Xô-viết và chế độ cầm quyền Ba Lan rằng ông sẽ không nói những gì có tính kích động, hoặc bất cứ điều gì có thể được xem như chống cộng.

Nhưng, các bài giảng của vị Giáo hoàng vẫn vô cùng mạnh mẽ, làm chấn động tâm tư người nghe. Trong một bài giảng, ông nói:

“Tôi đến đây để nói về phẩm giá con người. Về những mối đe dọa con người phải chịu, về những quyền hạn con người phải được hưởng. Đó là những quyền bất khả xâm phạm, nhưng lại rất dễ dàng bị chà đạp bởi những con người khác”.

Ai cũng hiểu ý Giáo hoàng nói gì, dù về hình thức, ông không hề vi phạm thỏa thuận nói trên với nhà cầm quyền.

*

TIẾNG GỌI THỨC TỈNH

12.

Giáo hoàng đã qua mặt nhà cầm quyền, và nhà cầm quyền không đáp trả được gì trước sức hút mãnh liệt đầy cảm xúc của ông, trước thông điệp hy vọng của ông.

Vị Giáo hoàng có thể cảm nhận được mình cần làm gì để thu hút quần chúng một cách tự nhiên, trong khi đó đài truyền hình nhà nước, một cách rất vụng về, cố tình chiếu lên TV những đám đông chỉ toàn các nữ tu hoặc nông dân già ngất ngây sùng tín. Thế nhưng, người Ba Lan chỉ cần bước ra đầu đường là thấy truyền hình đúng hay sai. Cách làm của đài truyền hình càng khiến quần chúng đổ ra đường nhiều hơn để được gặp Giáo hoàng.

Một giáo dân sau khi gặp được Giáo hoàng đã thốt lên với ngài như sau: “Tại sao con đến đây? Con đến để vinh danh Mẹ Thiên chúa, và cũng để nguyền rủa bọn khốn kiếp kia!”.[ix]

Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã truyền cảm hứng và kích hoạt tinh thần dân chúng như chưa ai làm được trước đây, và ngài cũng làm cho Chủ nghĩa cộng sản chấn thương trầm trọng – điều này được chính Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan lúc bấy giờ là tướng mặt lạnh Wojciech Jaruzelski công nhận.

Giáo hoàng không bao giờ công khai nói về điều này, nhưng chuyến trở về trong chiến thắng của ông có hiệu ứng như một tiếng gọi thức tỉnh người dân đứng dậy chống áp bức, thay vì ngoan ngoãn khom lưng tiếp tục thỏa hiệp.

Và tiếng gọi ấy chỉ ít tháng sau sẽ được đáp lại.

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

[i] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. 326-35

[ii] Như trên

[iii] Nigel West, The Third Secret: The CIA, Solidarity and the Plot to Kill the Pope (Harper Collins, London, 1999), tr. 25-135

[iv] George Weigel, Witness to Hope: The Biography of John Paul II (Cliff Street Books, New York, 1999), tr. 280-90, và John O’Sullivan, The President, The Pope and the Prime Minister: Three Who Changed the Wolrd (Regnery, Lanham, MD 2006), tr. 58

[v] George Weigel, sđd, tr. 175-80

[vi] Như trích trong Norman Davies, God’s Playground: A History of Poland (Oxford University Press, 2005), tr. 440-41

[vii] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, sđd, tr. 369

[viii] Như trích trong Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997)

[ix] John O’Sullivan, sđd, tr. 215

Dịch giả gửi BVN

 

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.