Ảnh: Tr.N.
Được tin Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc tài danh, sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang, vừa tạ thế tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sài Gòn, vào lúc 2g55 ngày 24-6-2015, toàn thể anh chị em biên tập viên và quản trị trang mạng Bauxite Việt Nam vô cùng bùi ngùi thương tiếc.
Theo tiểu sử đăng trên trang web cá nhân người con trai – Giáo sư Trần Quang Hải –Giáo sư Trần Văn Khê xuất thân trong một gia đình có bốn đời chuyên nghiệp ca nhạc truyền thống. Cụ cố Trần Quang Thọ vốn xưa là nhạc công của Triều đình Huế. Ông nội Trần Quang Diệm, tục danh Ông Năm Diệm, am tường cả đàn kìm, đàn tranh, nhưng riêng sành đàn tỳ bà theo phong cách đất Thần kinh.
Thân phụ Trần Quang Triều, thường gọi là Ông Bảy Triều, thông thạo nhiều loại đàn, đặc biệt nhất là đàn độc huyền (đàn bầu), và đàn kìm (đàn nguyệt). Người cô thứ ba Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban, đào tạo thuần diễn viên nữ, con cái của nông dân các miệt Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng. Do ba mẹ Trần Văn Khê mất sớm, Cô Ba Viện đã nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương cho đến lúc trưởng thành.
Ngay từ năm 6 tuổi, Trần Văn Khê đã rất quen thuộc với đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, anh tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ trong thời gian học trung học và đại học.
Tốt nghiệp thủ khoa Tú tài triết học năm 1941, Trần Văn Khê ra bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp trong 4 năm 1945-1948 cũng bằng sở trường âm nhạc của mình.Năm 1949 ông sang Pháp du học. Năm 1951, ông thi đậu vào Trường Chính trị Khoa Giao dịch quốc tế, nhưng chưa kịp theo học thì mang bệnh nặng, phải nằm bệnh viện liên tục trong một thời gian dài. Đây cũng là cơ hộigiúp ông đọc rộng sách vở tại các thư viện ở Paris để mở mang tri thức, và dần dà, dòng máu âm nhạc do ông cha truyền lại từ lâu vẫn âm ỉ trong tâm hồn bỗng có dịp bùng dậy. Khỏi bệnh, sự nghiệp học tập của ông hướng sang một con đường mới, đúng với “nghiệp nhà” và cũng là định mệnh: Ông quyết định theo học Khoa Nhạc học Đại học Văn khoa thuộc Trường Đại học Sorbonne Paris từ 1954 đến 1958. Năm 1958, ông là người Việt đầu tiên đỗ Tiến sĩ Văn khoa, Khoa Nhạc học với đề tài luận án “La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).
Năm 1960, Trần Văn Khê được bổ nhiệm vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, với chức vụ Giám đốc nghiên cứu. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).
Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học châu Âu về Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc so sánh Đức quốc. Có 43 nước trên thế giới từng mời Giáo sư Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm đã giúp quảng bá rộng rãi âm nhạc dân tộc ra thế giới, làm cho nhiều người nước ngoài hiểu được vốn âm nhạc Việt Nam cổ truyền. Cho đến khi trở về Việt Nam sinh sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này với niềm đam mê và tấm lòng ao ước vinh danh văn hóa dân tộc.
Theo thống kê của người con, Giáo sư Trần Quang Hải, 27 năm làm việc, Giáo sư Trần Văn Khê đã đăng gần 200 luận văn, đa số viết bằng tiếng Pháp, một số ít bằng tiếng Anh, một số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Ả Rập và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l’Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.
Ông đã được các nước mời hay được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc Châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước mình đã tham gia, thu thập được gần 500 dĩa hát trên thế giới, thực hiện được hơn 15 đĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó có 4 đĩa nhạc được 5 giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm đĩa hát Pháp vào hai năm 1960, 1970, của Viện Hàn lâm đĩa hát Đức quốc năm 1969, Giải Diapason d’or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình đĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình đĩa hát tại Đức quốc năm 1994.
Ông cũng từng nhận bằng Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier do Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Bản, 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999).
Với trang Bauxite Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê để lại một kỷ niệm không thể nào quên: Còn nhớ vào thượng tuần tháng 5 năm 2009, khi ba người Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Thế Hùng vừa hoàn thành bản Kiến nghị đầu tiên, lên tiếng phản biện mạnh mẽ việc Nhà nước Việt Nam nhắm mắt tuân theo chỉ thị của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cho khởi công vội vã dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp tiếng nói can gián công minh của một vài nhà cách mạng và nhà chuyên môn, lại cố tình chia nhỏ dự án để không phải đem ra trình Quốc hội, nhằm làm cho bản Kiến nghị tăng thêm nguồn sức mạnh tinh thần của đông đảo giới trí thức, nhân sĩ, những người viết Kiến nghị bảo nhau phải gắng tìm một số địa chỉ e-mail gửi đến cho từng người mời họ ký tên. Chỉ trong vài ba ngày đã có hơn 300 trí thức tiêu biểu phản hồi, nhiệt tình góp chữ ký. Nhưng một điều rất lạ là trong số địa chỉ gửi đi mà không thấy trả lời có Giáo sư Trần Văn Khê. Mới đầu cứ tưởng Giáo sư không muốn ký. Ai cũng nghĩ chắc cụ già rồi, không muốn dính đến thời sự nữa. Nhưng một trong ba người người chủ xướng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, cứ phân vân và tỏ ý không tin. Một người trí thức như Trần Văn Khê sao lại không quan tâm đến một việc đại sự liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc và làm đảo lộn nền văn hóa cực kỳ quý hiếm ở một vùng đất cổ Tây Nguyên như việc này được. Ông bèn liên lạc với một người bạn gái ở Paris là người đã cung cấp cho ông địa chỉ e-mail của Giáo sư Trần Văn Khê để nhờ hỏi lại. Chờ mãi đến quá nửa đêm thì bỗng nhận được điện thoại của người bạn gái từ Pháp gọi về. Bằng một giọng vui vui cô cho biết: “Anh ơi, em mới liên lạc được với người trông nom sức khỏe của Thầy Khê. Thì ra Thầy có mở bất kỳ e-mail nào ra đọc đâu, Thầy không muốn mất thì giờ chuyên môn của mình. Vì thế em cho anh số điện thoại của Thầy đây. Anh ráng chờ đến khoảng 8 giờ sáng ngày mai, giờ Việt Nam, thì gọi lại cho người giúp việc. Nếu người ấy báo tin cụ dậy rồi thì anh xin người ấy cho gặp cụ, và cứ lòng thành mà trình bày”. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi tắt điện thoại lên giường, hồi hộp ngủ không yên. Sáng hôm sau, đúng 8 giờ 15 phút, ông gọi điện vào cho người giúp việc của Giáo sư Trần Văn Khê ở Sài Gòn, được biết cụ vừa mới dậy. Ngẫm nghĩ một tí ông xin người ấy chuyển điện thoại để ông nói chuyện với cụ. Đầu kia một giọng miền Nam, trầm, chậm mà rõ cất lên: “Ai gọi tôi. Có việc gì?” Ông bèn xưng danh và trình bày tóm tắt chủ trương của việc viết kiến nghị phản bác dự án bauxite Tây Nguyên gửi lên ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng Chính phủ và ông Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Nửa phút im lặng, bỗng nghe đầu bên kia một giọng trả lời, vẫn là giọng trầm nhưng khá vang, buông ra từng tiếng: “Tôi ký chớ. Việc này mà không ký sao được. Anh ghi tên giùm: Trần Văn Khê, nguyên Giáo sư Nhạc viện Paris. Tôi cám ơn anh đã gọi điện”. Rồi tắt máy. Ông lặng người đi một lúc vì quá cảm động. Thế là trên bảng danh sách bản Kiến nghị số 1, tên người trí thức được ghi vào hàng đầu: Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê.
Trước giờ phút vĩnh biệt, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Giáo sư Trần Văn Khê, đồng gửi đến toàn thể gia quyến Giáo sư lời chia buồn tận đáy lòng và cầu mong hương hồn Cụ tiêu dao nơi Cực Lạc.
Bauxite Việt Nam