(VNTB) – Nếu những lần trước chỉ xuất hiện cấp Thứ trưởng công thương đứng ra ngụy biện về tình trạng khẩn cấp cần tăng giá điện, thì mới đây đã lộ diện chính ủy viên trung ương đảng – Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, ông Hoàng trần trụi: “Đầu 2016, sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá điện, để thực hiện đúng lộ trình tăng giá điện theo thị trường”.
Dù chỉ là từ “điều chỉnh”, nhưng như thế cũng là quá đủ để báo giới VN phanh trần bản chất thực của nó: Thả nổi giá điện!
Có nghĩa là bất chấp mọi phản ứng của công luận và xã hội, Bộ Công thương và trên nữa là giới lãnh đạo chính phủ vẫn tiếp tục đè đầu dân sinh để Tập đoàn điện lực VN (EVN) được tăng giá bù lỗ của những năm kinh doanh thất bát trước đây.
Nguồn cơn đen tối nào đã dẫn đến hậu quá ấy?
EVN thường được biết như một quán quân gây lỗ với hơn 40.000 tỷ đồng quẳng vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… từ nhiều năm trước. EVN cũng xếp đầu bảng các doanh nghiệp VN với số vay ngân hàng lên đến 118.000 tỷ đồng (có thông tin cho biết lên đến 143.000 tỷ đồng).
Mãi cho tới nay, EVN vẫn chỉ mới thoái được một phần không đáng kể vốn liếng đã “chôn” vào khu vực tài chính.
Toàn bộ gánh lỗ ấy, EVN đã thực hiện chiến dịch “bù lỗ vào dân” thông qua “cơ chế” tăng giá điện từ ít nhất 4 năm qua, bất chấp tình trạng suy thoái cùng kiệt của đất nước. Tập đoàn này còn “tính đúng tính đủ” với dân đến mức hạch toán cả bể bơi và sân tennis vào giá thành điện, nhưng vẫn được Thanh tra chính phủ và Bộ Công thương bỏ qua hành vi càn rỡ đó.
Vào quý 1/2015, EVN và Bộ Công thương lại “đạo diễn” cho Ngân hàng thế giới (WB) – tổ chức tài chính quốc tế là chủ nợ của EVN và tổng thể nền tài chính con nợ Việt Nam – đưa ra các “khuyến nghị” về tăng giá điện. Theo đó, các chuyên gia của WB khuyến nghị giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện. Còn ngay năm 2015, WB “chỉ đạo” giá điện phải tăng 20% với 6 tháng mỗi lần, tức gấp đôi tỷ lệ 9,5% mà EVN mưu tính.
Rốt cuộc sau nhiều tháng bưng bít thông tin, vào quý 1/2015 cơ quan chủ quản của EVN là Bộ Công thương cũng phải lần đầu tiên thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản (Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải).
Rõ ràng, EVN đang phải đối mặt với một tình thế cực kỳ nguy hiểm, đến mức cả Bộ Công thương cũng không thể giấu diếm mãi thực trạng chết người đó.
Nhưng một câu hỏi không thể bỏ qua là toàn bộ tiền lãi do EVN nhập khẩu điện từ Trung Quốc từ năm 2007 đến gần đây, với giá cao gấp 3 lần giá sản xuất điện trong nước, đã chui vào túi ai mà khiến EVN ra nông nỗi này?
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước “nói mãi vẫn không chuyển”. Nhưng trên tất cả, đó cũng sẽ là thất bại có tầm vóc quốc gia khi toàn bộ núi nợ bị trút lên đầu người dân hiện hữu và các đời con cháu của họ.
Tương lai chính thể sẽ báo oán dân chúng. 2016 sẽ là một năm mà cùng với hồn ma “phí chồng phí”, đời sống và mưu sinh của người dân càng nheo nhóc thảm thiết trong cơn bệnh dịch điện, xăng bùng phát.
Tin liên quan: Sắp thả nổi giá điện
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm qua cho biết, đầu năm 2016 sẽ điều chỉnh giá điện để theo thị trường.
Tăng giá không sợ bằng thiếu điện
Sáng 9/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn năm tập trung vào những chủ đề chính, gồm thương mại, du lịch và đầu tư – các vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới; ngân hàng và thị trường vốn – nhu cầu hiện đại hóa phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính; cơ sở hạ tầng – yêu cầu đối với việc thực hiện hình thức đối tác công – tư (PPP).
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp (DN), nhà tài trợ và tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là giảm số giờ nộp thuế. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng chuyển biến tích cực, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, như giảm lãi suất, ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Nhóm công tác Điện và Năng lượng (thuộc VBF), các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất lo ngại về triển vọng không mấy khả quan của nguồn cung năng lượng Việt Nam.
Cụ thể, có tới 65% DN lo ngại về nguồn cung bất ổn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động không hiệu quả, 2/3 số DN phải dùng nguồn điện dự phòng. Trong khi đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện năng của Việt Nam không thành công, do giá điện quá thấp.
“Các DN FDI không lo ngại về giá điện tăng, họ sẵn sàng bỏ thêm 15% mỗi năm cho chi phí điện năng. Nhưng các DN rất lo ngại nguồn điện thiếu ổn định. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn tăng giá điện với các công ty, nhà máy tiêu thụ điện năng lớn, nhưng phải đảm bảo nguồn cung điện ổn định”, báo cáo của VBF viết.
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nói rằng, nhu cầu điện tại khu vực miền Nam Việt Nam tăng 10% mỗi năm. Tuy nhiên, tiến độ một số dự án điện bị trì hoãn có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng tại Việt Nam từ năm 2018 (như dự án điện Duyên Hải 1, 3, Long Phú 1, Vĩnh Tân 1, 3, Vân Phong 1… bị trì hoãn tới năm 2020). Đây cũng là lo ngại của các DN tới từ Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU)…
Do vậy, Nhóm công tác Điện và Năng lượng của VBF kiến nghị, Việt Nam cần tiếp tục tăng giá điện để thu hút đầu tư vào sản xuất điện, tăng nguồn điện tái tạo. Đặc biệt, cần cải cách EVN để hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, Chính phủ cần phải rút ngắn quá trình phê duyệt các dự án điện tại khu vực miền Nam…
Giải đáp lo ngại của DN FDI, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2011 tới nay, chưa lúc nào cung ứng điện tốt như hiện giờ; công suất dự phòng luôn đảm bảo mức 25-30% so với nhu cầu.
“Nhưng ở từng thời điểm, địa bàn cụ thể chất lượng điện chưa ổn định, do chất lượng hệ thống phân phối chưa đảm bảo. Chúng tôi đã chỉ đạo EVN đảm bảo vốn để nâng cấp hệ thống truyền tải. Dự báo, khu vực phía Nam từ năm 2017-2018 nguồn điện có thể thiếu, chúng tôi đã giao EVN thực hiện 9 dự án điện để bổ sung nguồn cung cho khu vực này”, ông Hoàng nói.
Đặc biệt, theo ông Hoàng, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là giá điện phải theo thị trường có sự quản lý nhà nước, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý. “Đầu 2016, sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá điện, để thực hiện đúng lộ trình tăng giá điện theo thị trường”, ông Hoàng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết sẽ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế đất nước, đồng thời có chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho ngành điện.
“Nếu một số dự án điện chậm, năm 2018-2019 có thể thiếu điện ở khu vực phía Nam. Nhưng chúng tôi đã khắc phục, nên luôn có công suất dự phòng 20-25% so với nhu cầu”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện giá thị trường với điện, công khai minh bạch lộ trình giá điện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. “Việt Nam sẽ không thiếu năng lượng”, Thủ tướng khẳng định.
Nóng quy định nhập máy móc cũ
Tại diễn đàn, đại diện các DN FDI tại Việt Nam tiếp tục lên tiếng với quy định về nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN). Cụ thể, thời gian sử dụng không quá 5 năm, có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên…
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nói rằng, việc sử dụng thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang phát triển, đặc biệt với ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn. “Nhà đầu tư đang có xu hướng muốn chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam. Do đó, thay vì hạn chế nhập máy móc cũ, có thể đưa ra chính sách ưu đãi thuế với DN đầu tư mới, để khuyến khích sử dụng dây chuyền sản xuất mới”, bà Boger nói.
Chủ tịch KoCham Ryu Hang Ha cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn rõ ràng để thẩm định thời gian đã sử dụng và chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Do đó, các thành viên KoCham kiến nghị, quy định thay thế nên cụ thể và chính xác các tiêu chuẩn thẩm định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. “Việc áp dụng một tiêu chuẩn cho tất cả các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ là không hợp lý”, ông Ryu nói.
Đáp lại, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho biết, năm nay sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 20. “Chúng tôi không chấp nhận máy móc bị loại bỏ ở nước khác được nhập về nước mình. Quy định mới sẽ nới lỏng hơn, như máy móc đi kèm dự án đầu tư sẽ không cần kiểm định. Với máy móc cũ, DN có thể lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn không quá 10 năm sử dụng, hoặc còn mới từ 70% trở lên. Các DN nhập khẩu tự cam kết chất lượng máy móc, dây chuyền cũ nhập về, sau đó cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra, nếu không đạt quy chuẩn hoặc sai với cam kết sẽ bị thu hồi”, ông Quân nói.
Theo Tiền Phong
T.S
Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/06/vntb-kien-quyet-khong-bo-oc-quyen-tha.html