Quanh việc không cho GS Huệ Chi xuất cảnh

Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu hôm 18/5/2015 ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Ngày 18/5/2015 vừa qua, khi cùng với vợ và con gái ra sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam để đi Mỹ thăm gia đình con gái sống tại đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba người khởi xướng Bauxite Việt Nam, một blog nổi tiếng về phản biện Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, đã bị công an không cho xuất cảnh đồng thời thu hộ chiếu.

Tại “Biên bản về việc chưa cho xuất cảnh” do công an lập có ghi:

“Chuyến bay KB 684 của hãng hàng không Korean xuất cảnh đi Seoul (Hàn Quốc) lúc 23h20’ ngày 18/5/2015. Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện ông Nguyễn Huệ Chi là người chưa được xuất cảnh theo Đề nghị của Công an thành phố Hà Nội.

“Căn cứ vào Nghị định 136/2B007NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, chúng tôi quyết định: lập biên bản chưa cho xuất cảnh đối với ông Nguyễn Huệ Chi; tạm giữ hộ chiếu số B3934536 mang tên Nguyễn Huệ Chi chuyển về Cục quản lý xuất nhập cảnh (44-46 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội); yêu cầu ông Nguyễn Huệ Chi liện hệ Công an thành phố Hà Nội và Cục quản lý xuất nhập cảnh để giải quyết”.

Trường hợp nào bị cấm?

Vậy Nghị định 136/2007NĐ quy định thế nào về việc công dân Việt Nam không được xuất cảnh?

Theo Điều 21 Nghị định, công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
  2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
  3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

Do không phải là luật nên Nghị định 136/2007NĐ ngày 17/8/2007 của Chính phủ không thể được công an Việt Nam lấy làm căn cứ để không cho công dân Việt Nam, trong trường hợp này là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, xuất cảnh – Luật sư Hà Nguyễn

  1. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
  2. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
  3. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
  4. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Điều 22 Nghị định tại Điểm d Khoản 1 quy định “Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này” và tại Khoản 3 quy định “Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh”.

‘Không được thông báo’

Về phần Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông đã không được bất cứ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào thông báo bằng văn bản về việc ông không được xuất cảnh. Đối chiếu với các quy định nói trên có thể suy đoán ông đang bị Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang coi là đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia hoặc trật tự an toàn xã hội!

Từ đó, có ý kiến cho rằng Công an Hà Nội không cho Giáo sư Nguyễn Huệ Chi xuất cảnh vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội là trái Nghị định 136/2B007NĐ-CP vì chỉ Bộ trưởng Công an mới có thẩm quyền trong trường hợp này đồng nghĩa Công an Hà Nội phải thu hồi đề nghị không cho Giáo sư xuất cảnh. Tuy nhiên cách đặt vấn đề như vậy sẽ không đảm bảo phục hồi quyền xuất cảnh cho Giáo sư Nguyễn Huệ Chi vì Bộ Công an sẽ công bố quyết định có liên quan của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang mà không có bất cứ khó khăn nào.

Giáo sư Huệ Chi từ chối ký tên vào biên bản nhưng nêu rõ lý do, theo trang Bauxite Việt Nam.

Quan điểm của tôi là công an Việt Nam không cho Giáo sư Nguyễn Huệ Chi xuất cảnh là trái pháp luật, cụ thể là trái Hiến pháp – luật cơ bản của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất – như chứng minh sau đây.

Điều 23 Hiến pháp Việt Nam 2013 (có hiệu lực từ 1/1/2014) quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, việc không cho công dân thực hiện quyền ra nước ngoài phải được luật, chứ không phải văn bản pháp luật khác, quy định.

Vả lại câu “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” tại Điều 23 Hiến pháp có nghĩa pháp luật đưa ra những quy định nhằm bảo đảm việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân (chẳng hạn, công dân phải làm hộ chiếu mới được ra nước ngoài…) chứ tuyệt nhiên không có nghĩa đưa ra những quy định hạn chế các quyền này.

Rõ ràng, việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân và việc hạn chế (không cho) thực hiện các quyền này là khác hẳn nhau đồng nghĩa việc thực hiện quyền không thể bao gồm việc không được thực hiện quyền.

Do không phải là luật nên Nghị định 136/2007NĐ ngày 17/8/2007 của Chính phủ không thể được công an Việt Nam lấy làm căn cứ để không cho công dân Việt Nam, trong trường hợp này là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, xuất cảnh.

Biện pháp pháp lý

Quốc hội Việt Nam nhất thiết phải quy định rõ thời hạn không cho công dân ra nước ngoài vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội hoặc lý do khác – Luật sư Hà Nguyễn

Để bảo vệ quyền ra nước ngoài của mình được Hiến pháp bảo hộ, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có thể sử dụng các biện pháp pháp lý sau đây:

Một là, căn cứ Khoản 1 Điều 30 Hiến pháp (Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân) cũng như Luật Khiếu nại, khiếu nại với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc Công an Hà Nội, cụ thể là giám đốc Công an Hà Nội, đã không cho Giáo sư ra nước ngoài trái Hiến pháp (Điều 23, Khoản 2 Điều 14).

Hai là, căn cứ Luật Tố tụng hành chính (Khoản 6 – Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; và Khoản7 – Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính) khởi kiện Giám đốc Công an Hà Nội tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc không cho Giáo sư ra nước ngoài trái Hiến pháp (Điều 23, Khoản 2 Điều 14).

Ba là, khiếu nại rồi khởi kiện trong trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại không đáp ứng yêu cầu của Giáo sư.

Lẽ dĩ nhiên những công dân Việt Nam khác bị công an ngăn xuất cảnh vì lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” hoàn toàn có thể sử dụng lập luận pháp lý nêu trên để khiếu nại hoặc khởi kiện nhằm bảo đảm quyền Hiến định của mình.

Vấn đề còn lại là sau này khi soạn thảo Luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam nhất thiết phải quy định rõ thời hạn không cho công dân ra nước ngoài vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội hoặc lý do khác, bởi không có quyền nào của con người, của công dân bị đình chỉ vô thời hạn ngoại trừ công dân là đối tượng chấp hành bản án tù chung thân hoặc bản án tử hình.

H.N.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư có bằng hành nghề tại Việt Nam, đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

 

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/05/150529_vn_nguyen_ha_on_hue_chi

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.