Tóm lược tiểu sử Nguyễn Đổng Chi
Người đắm mình trong văn hoá dân gian Việt
LTS. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn hoá Nguyễn Đổng Chi, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học tại TP HCM, Tập đoàn truyền thông Thanh niên và Nhà xuất bản Trẻ cùng đứng ra tổ chức một Hội thảo vinh danh ông vào ngày 7.5.2015 tại TP HCM. Hội thảo quy tụ khoảng 200 người tham dự, phần lớn là giảng viên, sinh viên của các trường đại học và viện nghiên cứu văn hoá, văn học từ nam chí bắc. Ban tổ chức cho biết đã nhận được 60 bài tham luận, và chọn 32 bài đăng trong Kỷ yếu (với sự cộng tác của tạp chí Nghiên cứu & Phát triển), 12 bài được trình bày ngay tại hội thảo. Các tham luận thuộc về 4 khu vực :
- Nguyễn Đổng Chi – Thân thế và sự nghiệp;
- Nguyễn Đổng Chi và văn hóa dân gian Việt Nam, chủ yếu tập trung quanh các tác phẩm Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1958-1982), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh (1980-1983, in 1995), Mọi Kontum (1933-1936, in 1937), có đề cập đến Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956) và Hát giặm Nghệ-Tĩnh (1944 và 1962-1963);
- Nguyễn Đổng Chi và văn học cổ điển Việt Nam, với các tác phẩm chính Việt Nam cổ văn học sử (1942) và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 5 tập (1957-1960);
- Nguyễn Đổng Chi và sáng tác văn học, chung quanh phóng sự Túp lều nát (1937) và truyện vừa Gặp lại một người bạn nhỏ (1949, in 1957).
Diễn Đàn chân thành cảm ơn giáo sư Nguyễn Huệ Chi, “người con gần gũi với nghề nghiệp của thân phụ” đã gửi cho chúng tôi xem một số bài tham luận trong hội thảo để chúng tôi được “tuỳ nghi”. Phải nói thực là chúng tôi đã choáng ngợp trước chất lượng của nhiều bài trong đó, và càng choáng ngợp hơn trước tầm vóc của nhà văn hoá mà các bài viết đó góp phần chỉ ra những phẩm chất cao quý: một nhà dân tộc học “tài tử” nhưng lại “nắm rất vững phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, chặt chẽ, chủ động và sáng tạo“, một “nhà sưu tầm điền dã đạt đến độ mẫu mực“, một người suốt đời “miệt mài tìm kiếm các di sản văn hoá dân tộc“, một nhà báo với những thiên phóng sự “đậm chất văn học“…
Trong khuôn khổ một tờ báo, Diễn Đàn xin đăng lại trong hồ sơ đặc biệt Nguyễn Đổng Chi này :
– Một bài “tóm lược tiểu sử” của Nguyễn Đổng Chi (dưới đây), rút từ các bài tiểu sử và danh mục tác phẩm của ông, do GS Nguyễn Huệ Chi cung cấp. Trong bài này, chúng tôi đã in nghiêng và đậm những tên tác phẩm đã hoàn thành, đã hoặc chưa in thành sách, của ông. Ngay trong bài, có những chỉ dẫn đầy đủ về nhà xuất bản, năm xuất bản… Ngoài các sách nói trên, danh mục đầy đủ các nghiên cứu, trước tác của Nguyễn Đổng Chi phải kể đến hàng trăm bài viết cho nhiều tờ báo, tập san nghiên cứu và kỷ yếu của nhiều hội nghị khoa học trong các lĩnh vực dân tộc học, văn học, văn hoá học, lịch sử…, bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc trong phần phụ lục của tác phẩm Nguyễn Đổng Chi, Học giả – nhà văn (Kỷ yếu Hội thảo 100 năm năm sinh của NĐC do Nxb Trẻ ấn hành).
– Bài viết Làng Ba-na trong sách NGƯỜI BA-NA Ở KONTUM của Nguyễn Kinh Chi- Nguyễn Đổng Chi của nhà văn Nguyên Ngọc, người được coi như hiểu biết nhất về các dân tộc Tây Nguyên hiện nay, nhưng vì lý do chính trị (ông cũng là người chủ trì Văn đoàn độc lập, và là một trong 61 đảng viên đã ký Thư ngỏ gửi BCH TƯ và toàn thể đảng viên ĐCSVN ngày 28.7.2014) nên ban tổ chức hội thảo đã… không tiện mời ông tham dự.
– Bài Đọc lại Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi, của nhà văn Phạm Xuân Nguyên.
– Các bài viết của Nguyễn Thị Huế, Hy Tuệ và một số trích đoạn của các tác giả khác bàn về tác phẩm Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vừa được tái bản (*) nhân Hội thảo này.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Diễn Đàn
(*) Sách do NXB Trẻ tái bản (2015) in thành hai tập, bìa cứng, khổ 16×24, tổng cộng khoảng 1800 trang, giấy tốt, giá bìa 1 triệu đồng cả bộ (khoảng 50 USD hay 42 €, tỉ giá đầu tháng 5.2015).
Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 6-1-1915 tại Phan Thiết. Thân phụ ông là nhà nho duy tân Nguyễn Hiệt Chi, người xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, vào đây từ đầu thế kỷ XX, cùng bè bạn tổ chức ra Công ty nước mắm Liên Thành từ năm 1905, đồng thời cũng thành lập Liên Thành Thư quán và mở trường dạy quốc ngữ Dục Thanh để kêu gọi canh tân đất nước theo đường lối của Phan Châu Trinh. Sau khi người em ruột là Nguyễn Hàng Chi, cầm đầu phong trào “khiếu sưu” (xin giảm sưu thuế) của Nghệ Tĩnh bị Pháp bắt và xử chém năm 1908 tại Hà Tĩnh, ông Đầu xứ Thuận (tên gọi khác của Nguyễn Hiệt Chi) cũng bị Pháp tình nghi, bắt giam một thời gian, đành phải thi lấy bằng Tú tài và vào ngạch giáo chức, dạy học ở Phan Thiết đến 1918 thì chuyển ra Trường Quốc học Huế, rồi về Trường quốc học Vinh (1920). Nguyễn Đổng Chi đi theo gia đình. Ông học ở Vinh, kế đó được anh trai đưa vào Đồng Hới.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học (primaire) ở Đồng Hới năm 1931, Nguyễn Đổng Chi trở ra Vinh thi vào trung học ở Trường Quốc học Vinh nhưng bị hỏng. Không nản chí, ông tìm cách học tư và xoay sang kinh doanh, học và mở một dược phòng bào chế thuốc nam, đồng thời làm đại lý hàng mây, tre xứ Nghệ. Vốn yêu thích văn chương, ông lập ra Kho sách bạn trẻ, viết và dịch các loại sách cho trẻ em theo kiểu sách hồng, trong năm 1932 in được 5 quyển: Chí quả quyết, Tài trẻ nước Nam, Một nhà tan họp, Vườn xuân ban trẻ, Tìm ra châu Mỹ, lấy tên thư viện gia đình Mộng Thương Thư trai làm nhà xuất bản.
Trong năm 1933, đang học dở trung học tư thục, nhận lời người anh là Y sĩ Nguyễn Kinh Chi vừa đổi lên Bệnh viện Kon Tum, ông lên Kon Tum cùng với anh khảo sát về dân tộc Ba-na. Hơn một năm đi vào các làng bản người Ba-na, cùng ăn cùng chơi với họ, hai anh em ghi chép được nhiều tư liệu và trong những năm 1933-1936 hoàn thành cuốn sách lấy tên Mọi Kontum, do Mộng Thương Thư trai in ở Nhà in Mirador, Huế năm 1937, nhằm giải thích nghiêm túc nếp sống tinh thần của dân tộc Ba-na để đánh bạt đi những thành kiến hẹp hòi thuở ấy. Công trình này được coi là “mẫu mực đầu tiên của người Việt về dân tộc học” (PGS TS Mạc Đường) “một sản phẩm khoa học có chất lượng cao nhất”, là “cuốn sách dân tộc học thực sự, được nghiên cứu và viết ra với phương pháp khoa học và tinh thần phê phán”, có thể “so sánh nó với lối tiếp cận tổng thể và theo chủ đề của Combes, nhưng ở đây, các tác giả đã đẩy lên một mức độ tinh tế cao hơn hẳn” (TS Andrew Hardy).
Trở lại Vinh vào cuối năm 1934, Nguyễn Đổng Chi tiếp tục theo học trung học, và cũng đeo đuổi việc làm báo, viết sách. Ông làm trợ bút cho báo Thanh Nghệ Tĩnh tuần báo, cộng tác với các báo Tiểu thuyết thứ Hai (Hà Nội), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn) , viết tập truyện Yêu đời, Mộng Thương Thư trai xuất bản 1935, được giải nhì của báo Tiểu thuyết thứ Hai. Tập phóng sự Túp lều nát, tập hợp một số bài báo, được xuất bản vào năm 1937 trong thời Mặt trận Bình dân Pháp nhưng tác giả cũng bị Mật thám Hà Tĩnh gọi vào “thăm hỏi” hai lần.
Năm 1939, học xong đệ tam trung học, không thi Thành chung, sau khi tham gia phong trào Dân chủ phản đế ở Vinh, Nguyễn Đổng Chi lánh về quê, củng cố lại Mộng Thương Thư trai, đọc sách và học chữ Hán. Để việc học hành không xao lãng, ông đã cạo trọc đầu, để tóc trái đào trong liền mấy năm; cũng thời gian ấy bắt tay biên soạn các cuốn Việt Nam cổ văn học sử (Hàn Thuyên xuất bản cục, Hà Nội, 1942, gây được tiếng vang rộng rãi sau lúc ra mắt), Đào Duy Từ (được giải thưởng khuyến khích của Học hội Alexandre de Rhodes do Nguyễn Văn Tố đứng đầu, năm 1943, nhưng về sau thất lạc bản thảo), dịch Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (Nhà xuất bản Tân Việt, Hà Nội, 1944).
Khoảng giữa năm 1940, ông tham gia các phường hát giặm ở huyện Nghi Xuân và bắt tay viết cuốn Hát dặm Nghệ Tĩnh, quan tâm đến thủ tục, lề lối hát, làn điệu hát, và gương mặt đầy cá tính của các nghệ nhân (Nhà xuất bản Tân Việt, Hà Nội, 1944).
Năm 1942, ông cùng người bạn thân Nguyễn Chung Anh ra Hà Nội, đọc sách ở Viễn Đông bác cổ và tham gia mặt trận Việt Minh. Đầu năm 1943 họ cùng trở về huyện nhà tiếp tục gây dựng phong trào chống Pháp ở Can Lộc cho tới cuối năm thì bị khủng bố, phong trào tan vỡ, người bị bắt, người tạm trốn tránh, Nguyễn Đổng Chi vào Huế một thời gian. Tháng 3-1945, Nhật đánh đổ Pháp ở Đông Dương, các bạn tù được thả, Đoàn thanh niên cứu quốc và Đội vũ trang khởi nghĩa Can Lộc sống lại, Nguyễn Đổng Chi hoạt động mạnh trong phong trào thanh niên, góp phần vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở huyện nhà trong cách mạng tháng 8.1945.
Cuối năm 1945, Nguyễn Đổng Chi được triệu tập ra Vinh làm Trợ bút báo Kháng địch và Chủ nhiệm báo Truyền thanh. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc Nghệ An. Ông lập Nhà xuất bản Ngàn Hống, viết các cuốn Phạm Hồng Thái (in 1946), Lược sử các phong trào cách mệnh trên thế giới (mới xong 3 cuốn: Cách mệnh Hoa Kỳ, Cách mệnh Pháp, Cách mệnh Phi Luật Tân, đều lần lượt in tại nhà xuất bản này trong năm 1946). Cuối năm đó, được điều chuyển sang Nha Tài chính Trung Bộ, ra Hà Nội làm việc. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông ở lại tham gia Đội Tự vệ, cầm cự với Pháp trong hai tháng ở mạn Nam Hà Nội. Đầu năm 1947, được lệnh của Nha Tài chính, ông rời khỏi tự vệ trở về lại khu IV tiếp tục công tác kinh tài, làm Chánh văn phòng Đồn điền Bà Triệu, rồi Chánh văn phòng Ban kinh tài Liên khu IV. Năm 1949, ông viết truyện dài Gặp lại một người bạn nhỏ, lấy bối cảnh người và việc của cuộc kháng chiến Thủ đô mà mình tham dự. Năm 1951, lại được chuyển sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới, Liên khu IV.
Gặp lúc đường lối mao-ít của cách mạng Trung Quốc lan tới khu IV, ông cùng người anh đang làm Thứ trưởng bộ Y tế và người em đang làm Đốc công Xưởng giấy Đông Nam ở Hà Tĩnh, đồng loạt xin nghỉ về quê dưỡng bệnh (1953). Nguyễn Đổng Chi được mời giảng dạy Trường cấp II Nguyễn Hàng Chi tại quê nhà và tham gia Mặt trận Liên Việt Hà Tĩnh. Ở Việt Bắc, Ban nghiên cứu Văn sử Địa trung ương (lúc đầu lấy tên Ban Sử Địa Văn) do nhà sử học Trần Huy Liệu sáng lập, cũng có thư liên lạc mời ông làm cộng tác viên. Nhưng cuộc phát động Giảm tô ở Hà Tĩnh vào giữa năm 1954 làm đứt đoạn mọi hoạt động, ông bị quy lên thành phần địa chủ. Giữa lúc đang nơm nớp chờ đợi phong trào Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đợt 5 sẽ tiến hành ở Nghệ Tĩnh vào cuối năm 1955, thì Nguyễn Đổng Chi nhận được thư mời của Trần Huy Liệu ra Hà Nội công tác ở Ban Văn Sử Địa. Sau nhiều trắc trở, Công an Hà Tĩnh cấp giấy thông hành cho ông ngày 24-5-1955.
Đến Hà Nội được ít lâu, Nguyễn Đổng Chi bắt tay viết Lược khảo về thần thoại Việt Nam, công trình được duyệt in tại Nhà xuất bản Văn Sử Địa trong năm 1956 và tái bản trong cùng năm. Khi cuộc CCRĐ đợt 5 bùng lên ở đồng bằng Bắc Bộ (đầu 1956), Trần Huy Liệu giới thiệu Nguyễn Đổng Chi đến gặp UB CCRĐ trung ương để về UB CCRĐ khu III và Hà Đông sưu tầm Tài liệu Hán Nôm. Cũng những ngày đó lại có giấy của Đội CCRĐ xã Ích Hậu đòi trả Nguyễn Đổng Chi về quê cho nông dân đấu tố. Trần Huy Liệu nhất thiết không chấp nhận. Từ nơi sưu tầm tài liệu Hán Nôm trở về Hà Nội cuối năm 1956, ông được bố trí cùng Trần Văn Giáp và Hoa Bằng tham gia giúp Bộ Giáo dục tiếp quản Trường Viễn Đông bác cổ Pháp. Đến đầu năm 1958, công việc mới hoàn thành.
Song song với việc tiếp nhận sách vở nói trên, trong năm 1957, Nguyễn Đổng Chi còn đảm nhiệm biên soạn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, 5 quyển, do một tập thể 5 tác giả viết chung. Sách lần lượt ra đời từ 1957 tới 1960 (Nhà xuất bản Văn Sử Địa và Nhà xuất bản Sử học). Cũng năm này, cuốn Gặp lại một người bạn nhỏ viết từ 1949 của ông được Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản.
Năm 1958, Nguyễn Đổng Chi hoàn thành 2 tập đầu Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và được duyệt in (Nhà xuất bản Văn Sử Địa). Sách sớm có tiếng vang rộng rãi ra ngoài nước. Ở Pháp, Maurice Durand và Lê Văn Hảo cùng lúc viết hai bài bình luận trên Tập san Trường Viễn Đông bác cổ (BEFEO, 1-1964). Từ đó đến 1982, trong 25 năm, lần lượt các Tập 3, 4, 5 ra đời (các Nhà xuất bản Sử học, Khoa học và Khoa học xã hội) và liên tục tái bản, mỗi lần in 7 đến 10 vạn bản, mỗi lần tái bản tác giả đều kỳ công bổ sung, chỉnh lý, nâng độ dày tác phẩm lên so với lần in trước.
Năm 1959, sách Lược khảo về thần thoại Việt Nam và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam lọt vào miền Nam, bị một vài học giả sao chép, vay mượn, làm dấy lên những vụ tranh cãi và kiện tụng về việc “đạo văn”. Bài viết trực diện nhất là của Đường Bá Bổn trên nguyệt san Văn hóa, Sài Gòn. Cũng năm này Ban Văn Sử Địa tách thành các Viện Sử học, Viện Văn học để thành lập Uỷ ban Khoa học nhà nước, Nguyễn Đổng Chi được giữ lại ở Viện Sử học, chuyển sang Tổ Cổ sử, tham gia lớp học về khảo cổ học của GS Boriskovsky (Liên Xô). Sau đó, trong cuộc thám sát Núi Đọ ở Thanh Hóa đầu năm 1960, ông có may mắn cùng hai cộng sự tìm ra đầu tiên nhiều “mảnh tước clac-tôn” (éclat clactonien), và các “dụng cụ chặt thô” (choppers)… là dấu tích di chỉ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Phát hiện này trở thành sự kiện nổi bật được thế giới chú ý. Trong năm 1960, ông được cử đi nghiên cứu các di tích khảo cổ ở Trung Quốc trong 2 tháng.
Và cũng trong vài năm đầu thập niên 60, Nguyễn Đổng Chi trở lại với việc nghiên cứu folklore quen thuộc xung quanh loại hình hát giặm và vè Nghệ Tĩnh. Ông cùng vợ trở về Hà Tĩnh sưu tầm điền dã nhiều đợt, sau đó bắt tay viết lại tập 1 Hát Giặm Nghệ Tĩnh, đi sâu xem xét âm phổ của các làn điệu hát giặm (sách được in ở Nhà xuất bản Khoa học năm 1963 với lời tuyên bố: bỏ bản in lần thứ nhất, 1944); cùng Ninh Viết Giao sưu tập tiếp các bài hát giặm vè cho Tập II và Tập III (Nhà xuất bản Sử học và Nhà xuất bản Khoa học 1962-1963); chủ biên 2 tập Vè Nghệ Tĩnh (Nhà xuất bản Văn học 1965) và cùng người vợ khởi công biên soạn Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (hoàn thành năm 1969, chưa in). Nguyễn Đổng Chi cũng tham gia cùng GS Đào Duy Anh hiệu đính và làm sách dẫn các tập Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí do Tổ Phiên dịch Ban Văn Sử Địa dịch ra tiếng Việt.
Khi Viện Sử học đề xuất nghiên cứu các vấn đề nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nguyễn Đổng Chi vừa tham gia nghiên cứu về chế độ gia trưởng, sở hữu ruộng đất, quan hệ thân tộc trong làng xã Việt Nam thời Trung đại, vừa chuyên tâm khảo sát phong trào nông dân. Cuốn sách Lịch sử phong trào khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân ở Việt Nam Tập I hoàn thành năm 1968, được Ban duyệt Viện sử học thông qua ngày 18-1-1968 (hiện chưa in). Tập II được biên soạn tiếp ngay sau đó nhưng đến tận lúc mất, một vài chương cuối vẫn chưa hoàn thành. Gắn liền với bộ sách trên, tập chuyên khảo lý luận Góp phần tìm hiểu lịch sử đấu tranh của nông dân việt Nam trong xã hội phong kiến cũng được ông biên soạn và trải qua nhiều giai đoạn đọc duyệt. Chỗ mắc míu là quan điểm của người viết về nguyên nhân của mọi cuộc nổi dậy không “bám sát kinh điển”: Theo ông, không phải chính tầng lớp nông dân bần cùng nhất tự thức tỉnh mà vai trò nhận thức của người tiểu trí thức mới có giá trị như những tia lửa làm cháy bùng ngọn lửa đấu tranh. Sách được GS Nguyễn Khánh Toàn viết Lời tựa năm 1978 nhưng tác giả còn sửa thêm và cho đến lúc ông mất (1984) vẫn chưa in.
Năm 1973-1974, Nguyễn Đổng Chi được sung vào một đoàn điều tra bí mật của Phủ Thủ tướng dọc đường biên giới phía Bắc và phía Tây đất nước, đi sâu vào quá vĩ tuyến 17, trong 18 tháng. Trước đó, ông đã được đề nghị làm đặc khảo về hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng sau khi chấm dứt việc điều tra biên giới, ông lại được Bộ Ngoại giao gửi công văn mật yêu cầu tìm tiếp tài liệu Hoàng Sa và Trường Sa cho Bộ Ngoại giao.
Vào tháng 7-1975, Nguyễn Đổng Chi được lệnh vào Nam tham gia Uỷ ban đổi tên đường phố ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Tiếp đó, ông được giữ lại trong biên chế của Viện Khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh khi Viện này thành lập (1976). Tuy nhiên, đến năm 1977, ông lại được điều ra làm Trưởng ban Ban Hán Nôm trực thuộc Uỷ ban khoa học Xã hội. Những năm này, ông lo đào tạo một đội ngũ cán bộ Hán Nôm trẻ, tổ chức các đợt sưu tầm tài liệu Hán Nôm trong cả nước, hoàn thành đề cương bộ Từ điển thư tịch Hán Nôm và tiến hành tổ chức biên soạn các “từ điều” cho bộ sách. Trong năm 1979, Ban Hán nôm chuyển lên thành Viện Hán Nôm, ông được bổ nhiệm Quyền Viện trưởng.
Trong năm 1980, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm quốc tế 600 năm sinh Nguyễn Trãi, các hội nghị khoa học về thành tựu nhiều mặt của Nguyễn Trãi diễn ra trong gần suốt năm. Nguyễn Đổng Chi chủ trì Hội thảo về văn bản Quốc âm thi tập. Trong Lễ kỷ niệm, ông được mời làm Uỷ viên Chủ tịch đoàn.
Năm 1981, Nguyễn Đổng Chi chủ động xin thôi chức vụ ở Viện Hán Nôm, chuyển sang làm việc ở Ban Văn hóa Dân gian vừa ra đời. Ban đề xuất kế hoạch biên soạn các bộ địa chí văn hóa dân gian ở một số tỉnh. Ông được giao chủ biên Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, và ròng rã trong 3 năm là những ngày vừa điền dã ở khắp mọi vùng đất xứ Nghệ, xen kẽ với những ngày nung nấu suy nghĩ và viết. Đến cuối năm 1983 bản thảo bộ sách hoàn thành, nhưng mãi đến 1995 mới đủ kinh phí để in (Nhà xuất bản Nghệ An).
Năm 1984, Nguyễn Đổng Chi được cử đi nghiên cứu ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và một số Viện trực thuộc. Ông trình bày thành quả nghiên cứu folklore của Việt Nam ở Viện Văn học Gruzia và Ukraina. Tháng 7 năm đó, ông được phong Giáo sư, nhưng ngày 20-7-1984, ông mất đột ngột do một tai nạn bất ngờ giữa lúc đang bị cảm. Uỷ ban Khoa học Xã hội tổ chức tang lễ, do GS Phạm Huy Thông làm Trưởng ban. Đại tướng Võ Nguyên giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học thay mặt Nhà nước đến viếng.
Năm 1993, Viện Văn học in lại trọn vẹn 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam dựa theo bản chỉnh sửa cuối cùng của tác giả. Bộ sách dày 2740 trang, khổ 13×19.
Năm 1995, Uỷ ban khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi cùng Hội thảo khoa học về nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi. Kết quả, cuốn sách Nguyễn Đổng Chi – Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc được phát hành năm 1997 (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội). Trước đó một năm, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Và sau đó 2 năm, năm 1999, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.
(theo) Nguyễn Huệ Chi