“BÁO CÁO ĐẦU TƯ DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH”: NHỮNG BẤT CẬP VỀ PHÁP LUẬT

Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON

Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI

Chúng tôi may mắn được Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gửi cho trọn bộ Hồ sơ “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành” (sau đây gọi tắt là Báo cáo) mà Chính phủ trình trước Quốc hội cuối năm 2014.

Sau khi nghiên cứu thận trọng, chúng tôi nhận ra nhiều bất cập lớn của Báo cáo, và hết sức ngạc nhiên khi thấy văn bản trình Quốc hội mà lại có quá nhiều lỗi nghiêm trọng về pháp luật. Xin được viết thành các bài bình luận.

Bình luận 1: Tên gọi của Báo cáo sai pháp luật

Theo 2 văn bản pháp luật, là Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003, tại Điều 3 Khoản 16, và Điều 36 khoản 2, và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ngày 12   tháng 02  năm 2009, tại Điều 5, thì với công trình Sân bay Long Thành, Chính phủ phải trình Quốc hội Báo cáo với tên chính xác là “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Sân bay Long Thành”, cũng được gọi là “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Sân bay Long Thành”. Nhưng vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”, đã sửa cụm từ “xây dựng công trình” thành từ “dự án”.

Lỗi này không thể xem là nhỏ, không chỉ thể hiện cung cách làm việc thiếu tôn trọng pháp luật, mà quan trọng hơn, là chứng tỏ tác giả không hiểu rõ văn bản pháp luật, bởi lẽ từ “Dự án”, theo Luật xây dựng 2003 và Nghị định 12/2009, lại đồng nghĩa với “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, là Báo cáo chỉ được thiết lập sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư.

Lưu ý rằng từ đầu năm 2015, khi Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2014  có  hiệu lực, thì tên gọi của 2 công việc này sẽ chính thức như sau:

   “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình” thay cho  “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình”.

–  “Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình” thay cho  “Dự án đầu tư xây dựng công trình”.

Bình luận 2: Nội dung Báo cáo là nửa vời, trái pháp luật

Báo cáo khẳng định quy mô của công trình là 100 triệu hành khách/ năm, sử dụng 5.000 ha đất; phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 kết thúc năm 2023 với công suất 25 triệu hành khách năm, giai đoạn 2 kết thúc năm 2030 với công suất 50 triệu hành khách năm, giai đoạn 3 kết thúc năm 2050 với công suất 100 triệu hành khách năm.

Báo cáo trình Quốc hội, là để xin Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư một công trình hoành tráng như thế, vào cỡ lớn nhất thế giới như thế.

Quốc hội khi “bấm nút” phải xem xét nhiều chỉ tiêu, nhưng quan trọng nhất và quyết  định nhất, là hiệu quả kinh tế xã hội của toàn công trình.

Tiếc thay  Báo cáo lại chỉ tính toán và trình Quốc hội chỉ tiêu này của giai đoạn 1, còn của giai đoạn 2, của giai đoạn 3 và của toàn công trình thì không thấy trình.

Sự lập lờ nửa vời đó là hoàn toàn trái pháp luật, và có thể nói không sai, là cố tình “đánh đố” những người “bấm nút”.

Phải chăng chủ đầu tư chỉ mong Quốc hội “bấm nút” cho “giai đoạn 1 của công trình”?

Xin thưa, Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014 và Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội không có điều nào khoản nào quy định thông qua một phần hoặc một giai đoạn của công trình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hết sức băn khoăn thắc mắc, rằng việc tính toán các chỉ tiêu của công trình vốn không có gì khó khăn đối với các chuyên gia và các Đơn vị tư vấn đầu tư, tại sao ở đây lại không tính?

Bình luận 3: Trình tự thiết lập Báo cáo là trái pháp luật

Theo 4 Văn bản pháp luật: Luật Xây dựng số16/2003/QH 11, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009 và NGHỊ ĐỊNH về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị s37/2010/NĐ-CP ngày 07  tháng 4  năm 2010, thì trình tự đầu tư xây dựng công trình Sân bay Long Thành phải  như sau:

  • Chủ đầu tư thiết lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình”(Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình”) trong đó chủ yếu là thiết kế sơ bộ về công trình.
  • Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
  • Chủ đầu tư trên cơ sở quy mô của công trình trong “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình”, thiết lập “Quy hoạch xây dựng chi tiết”, là quy hoạch về sử dụng đất, về không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường, sao cho phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung. “Quy hoạch xây dựng chi tiết” sau khi được Thủ Tướng duyệt,  sẽ là một trong những cơ sở để thiết lập “Dự án đầu tư xây dựng công trình” (“Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình”).
  • Thủ Tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thành lập Hội đồng thẩm định, tiến hành thẩm định, trình Thủ Tướng phê duyệt “Quy hoạch xây dựng chi tiết”.

Tại sao pháp luật quy định phải thiết lập “Báo cáo đầu tư” trước tiên?

“Báo cáo đầu tư” sơ bộ xác định công trình là gì, quy mô công trình ra sao, lựa chọn kỹ thuật công nghệ và thiết bị nào, dự toán Tổng vốn đầu tư là bao nhiêu, đưa ra những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, xác định lợi ích kinh tế – xã hội của công trình. Công việc này là công việc của các chuyên gia tư vấn đầu tư,  họ phải có chuyên môn sâu sắc và kinh nghiệm dày dạn về chuyên môn hẹp tương ứng với công trình, trong trường hợp này là chuyên môn hẹp về thiết kế sân bay. Những chuyên gia hoặc những đơn vị tư vấn không có chuyên môn về thiết kế sân bay sẽ không làm được Báo cáo đầu tư xây dựng công trình sân bay.

Công việc này có thể gọi chính xác là “Thiết kế sơ bộ”. Hiện nay trong Luật Xây dựng 2014 số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2014  đã chính thức sử dụng  thuật ngữ này. Điều 3, khoản 40: Thiết kế sơ bộ là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, thể hiện những ý tưởng ban đầu về thiết kế xây dựng công trình, lựa chọn sơ bộ về dây chuyền công nghệ, thiết bị làm cơ sở xác định chủ trương đầu tư xây dựng công trình. Điều 53 khoản 4, Điều 78 khoản 1, Điều 134 khoản 1 đều góp phần làm rõ và khẳng định điều này.

Tại sao pháp luật quy định thiết lập “Quy hoạch xây dựng” sau khi lập “Báo cáo đầu tư”?

Quy hoạch xây dựng công trình là quy hoạch về sử dụng đất, về không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường, sao cho phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung. Quy hoạch này do các chuyên gia hoặc các đơn vị tư vấn quy hoạch thực hiện. Chuyên môn sâu của họ cho phép họ có thể lập quy hoạch cho mọi loại công trình, như sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, khu dân cư, mọi loại nhà máy thuộc mọi lĩnh vực công nghiệp. Khi lập quy hoạch cho công trình, chuyên gia quy hoạch trước tiên phải được cung cấp thiết kế sơ bộ công trình (trong báo cáo đầu tư xây dựng công trình). Nếu không có những thông tin này, thì họ chẳng biết công trình ra sao, chẳng biết quy hoạch cái gì.

Chúng tôi không hiểu các chuyên gia quy hoạch của chủ đầu tư đã căn cứ vào đâu để lập quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong khi chưa có thiết kế sơ bộ của Báo cáo đầu tư?

Thực ra khi lập Quy hoạch xây dựng công trình,  pháp luật quy định phải có các bước “thiết kế quy hoạch”, lập “đồ án quy hoạch”. Nhưng những cái đó là những bước đi của chuyên môn quy hoạch, chứ không thể thay thế cho Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo đầu tư xây dựng.

Nhưng rất tiếc Chủ đầu tư và tác giả Báo cáo đã không theo trình tự này, cụ thể:

  • Trước ngày 21/2/2011 chủ đầu tư đã thiết lập “Quy hoạch cảng hàng không Quốc tế Long Thành” (khi chưa thiết lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình”, khi chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư).
  • Ngày 21/2/2011 Bộ Giao thông Vận tải đã thiết lập “Báo cáo thẩm định Quy hoạch cảng hàng không Quốc tế Long Thành”, số 875/BC-BGTVT, là Báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải chứ không phải của Hội đồng thẩm định do Bộ Xây dựng chủ trì.
  • Ngày 24/2/2011, Bộ Giao thông Vận tải đã trình thủ Tướng Chính phủ, tờ trình số 947/TTr-BGTVT, về việc “trình phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành”.
  • Ngày 14/6/2011 Thủ Tướng Chính phủ đã ra “Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành” số 909/QĐ-TTg.
  • Ngày 8/5/2012, trên cơ sở Quyết định phê duyệt này, chủ đầu tư đã Quyết định chọn tư vấn lập “Báo cáo đầu tư”, là Công ty tư vấn Cảng hàng không Nhật Bản, Quyết định số 178/QĐ-TCTCHKVN (xem trang 2 của Tóm tắt Báo cáo).
  • Ngày 1/10/2014, Chính phủ đã trình Quốc hội “Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành”, số 360/TTr-CP, cơ sở pháp lý của Tờ trình là 16 căn cứ pháp lý, trong đó quan trọng nhất vẫn chỉ là Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành số 909/QĐ-TTg, ngày 14/6/2011 của Thủ Tướng Chính phủ kể trên.

Sai trái tai hại nhất là ở chỗ:  thiết lập “Quy hoạch cảng hàng không Quốc tế Long Thành” trước khi thiết lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng hàng không Quốc tế Long Thành”. Việc này thực chất đã gây ra những hậu quả nặng nề cho Báo cáo và cho công trình nếu được xây dựng mai sau.

Bình luận 4: Hậu quả nặng nề của sai trái

Chủ đầu tư đã căn cứ vào đâu để thiết lập Quy hoạch xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành khi chưa có Báo cáo đầu tư?

Chúng tôi không có trong tay văn bản Quy hoạch này của chủ đầu tư nên không thể trả lời được. Tuy nhiên cũng có thể “đoán mò” như sau:

“Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành”,  số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011 của Thủ Tướng Chính phủ,  có 6 điểm căn cứ, trong đó 4 căn cứ liên quan đến luật pháp và 2 căn cứ liên quan đến nội dung Quyết  định,  đó là:

  • Quyết đinh số 21/QĐ-TTg ngày 8 tháng 01 năm 2009 của Thủ Tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải Hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030.
  • Quyết định số 703/ QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Thủ Tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch vị trí, quy mô và khu chức năng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Có thể đoán không nhầm rằng, chủ đầu tư trong khi không có thiết kế sơ bộ của Báo cáo đầu tư, đã sử dụng 2 Quy hoạch đã được phê duyệt trước đó để làm căn cứ cho Quy hoạch thứ 3 hôm nay.

Lưu ý rằng Quy hoạch thứ nhất và thứ hai, dẫu được phê duyệt, nhưng cũng chỉ là Quy hoạch.

Trong khi chưa có Báo cáo đầu tư, chưa có thiết kế sơ bộ, thì như phân tích ở trên, mọi Quy hoạch đều là giả tưởng, không có căn cứ thực. Và từ đó có thể hiểu ra rằng những thông số của công trình trong các Quy hoach đó chẳng qua chỉ có thể là tưởng tượng vô trách nhiệm của những người dựng lên Quy hoạch.

Hậu quả của sai trái này là thế nào?  Là những thông số lạ lùng trong Báo cáo đầu tư hiện nay chắc chắn  được hình thành từ mấy lần Quy hoạch của những chuyên gia Quy hoạch, những người không biết gì về thiết kế sân bay.

Điều này có thể dễ dàng chứng minh bằng  một vài con số sau đây:

  • Dự báo công suất sân bay Long Thành 100 triệu hành khách/năm sau năm 2050 là hoàn toàn thiếu cơ sở tính toán  khoa học.
  • Suất sử dụng đất của sân bay Long Thành là 50 ha/triệu hành khách (5.000 ha/100 triệu hành khách), trong khi các sân bay lớn trên thế giới, suất này chỉ từ 15 đến 25 ha/triệu hành khách, nghĩa là sân bay Long Thành nhiều gấp 2 đến 3,3 lần thế giới.
  • Suất sử dụng đất Giai đoạn 1 của sân bay Long Thành là 102 ha/triệu hành khách (2565 ha/25 triệu hành khách), trong khi các sân bay lớn trên thế giới chỉ từ 15 đến 25 ha/triệu hành khách, nghĩa là Giai đoạn 1 sân bay Long Thành nhiều gấp 4 đến 6,6 lần thế giới.
  • Suất đầu tư của sân bay Long Thành, giai đoạn 1 là 312 triệu USD/triệu hành khách (7,8 tỉ USD/25 triệu hành khách), trong khi các sân bay lớn trên thế giới thấp hơn nhiều, bình quân chỉ vào khoảng 90 đến 100 triệu USD/triệu hành khách. Ví dụ, sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) khoảng 90 triệu USD/triệu hành khách, sân bay Changi của Singapore (thường xuyên được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới) khoảng 101 triệu USD/triệu hành khách. Như vậy suất đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành lớn hơn mức bình quân thế giới hơn 3,1 lần (312/100 = 3,1 lần).
  • Riêng sân bay Quốc tế Hồng Kông, công suất thiết kế 87 triệu hành khách/năm, đầu tư 20 tỉ USD, suất đầu tư 20 tỉ USD/87 triệu hành khách = 230 triệu USD/ triệu hành khách. Lưu ý rằng suất  đầu tư của sân bay quốc tế Hông Kông là cao nhất thế giới, bởi chi phí rất lớn cho việc san bằng núi, lắp biển, và làm đường ngầm dưới đáy biển từ thành phố ra hòn đảo sân bay này. Sân bay Long Thành không mất chi phí san núi lắp biển, con đường giao thông thì đã có công trình  đường cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây chịu chi phí, thế nhưng suất đầu tư của Long Thành vẫn cao hơn sân bay Hồng Kông tới 312/230= 1,35 lần.

Bình luận 5: Trái pháp luật khi tự tiện quy định “phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”

Điều hết sức lạ lùng là những người lập Báo cáo đầu tư đã khẳng định như đinh đóng cột rằng “đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư” (trang 48).

Xin hỏi, tại sao “phần đầu tư kết cấu hạ tầng” lại “không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”? Luật pháp nào của Việt Nam nói như vậy? Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy? Và  ai có quyền quyết định không thu hồi vốn đầu tư?

Đồng vốn đầu tư nhưng không thu hồi có nghĩa là đồng vốn vứt đi, ai có quyền vứt đồng vốn của Nhà nước, của nhân dân, ai có quyền tước đoạt đồng vốn của Nhà nước, của nhân dân?

Lưu ý rằng trên thế giới này chỉ có Việt Nam chúng ta mới có khái niệm “đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”. 

Bình luận 6: Trái pháp luật khi tự tiện quy định  “Vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”

Xin hỏi, tại sao lại “theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”? Luật pháp nào của Việt Nam nói như vậy? Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy? Và  ai có quyền quyết định như vậy?

Nhà nước lấy đâu ra tiền để đầu tư phần này? Báo cáo đầu tư xác định đó là tiền Ngân sách và tiền vay ODA. Ai cũng biết tiền ngân sách là tiền thuế của dân, vốn vay ODA cuối cùng cũng lấy tiền thuế của dân để trả nợ, đồng vốn của dân đó tại sao lại đem đầu tư vào thứ  “không có khả năng thu hồi”?

Đồng vốn của Nhà nước, của nhân dân đóng góp xây dựng nền tảng cho công trình, thực chất là đóng góp cho giới tư bản tư nhân kinh doanh, họ thì được thu lời, trong khi Nhà nước và nhân dân không những không được thu lời mà còn bị tước đoạt hết đồng vốn đó. Tại sao?

Đó là một hành vi bóc lột, còn tệ hại hơn sự bóc lột tước đoạt của chế độ nô lệ và chế độ phong kiến, sự bóc lột và tước đoạt mà chủ nghĩa tư bản cũng không dám làm.

Bình luận 7: Trái pháp luật khi tự tiện quy định  “khuyến khích (các Doanh nghiệp tư nhân trong ngoài nước) đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư”, còn “Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư” (trang 48)

Điều lạ lùng là ở đây chủ đầu tư và tác giả của Báo cáo còn khẳng định rằng các đơn vị tư nhân có quyền kinh doanh lấy lời tại sân bay Long Thành, còn Nhà nước và Nhân dân thì không. Luật pháp nào của Việt Nam nói như vậy? Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy?   ai có quyền quyết định như vậy?

N.B.P.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in kinh tế, Lên Tiếng. Bookmark the permalink.