Nhận lời mời của người cầm đầu Bắc Kinh, một đoàn cán bộ cấp cao chưa từng có của Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (TBT) cùng 3 Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT) và một số Bộ trưởng, Trưởng Ban Đối ngoại của Đảng CSVN …, đã sang thăm Tàu Cộng với thời gian rất dài từ ngày 7 đến 10/4/2015.
Hai bên bàn bạc những gì về quan hệ giữa hai nước thời gian qua và tương lai, những điều công khai của đàm phán đã được thể hiện qua “Tuyên bố chung”, những điều bí mật chúng ta không được biết, nhưng chúng ta đã biết TBT Nguyễn Phú Trọng đã có kế hoạch thăm Mỹ, chính thế Tàu Cộng mới triệu ông Trọng sang trước để răn đe. Qua các nguồn tin Quốc tế cũng như báo chí Tàu cộng ta có thể thấy được Bắc Kinh đã đưa ra cho ban lãnh đạo Việt Nam một thông điệp rất rõ ràng:không được gắn bó với Mỹ, gắn bó với Mỹ hậu quả sẽ khó lường.
Li Qingsi, Giáo sư, Phó Giám đốc Trung tâm Hoa Kỳ học, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh(1) đã viết:
“Về tranh chấp ở Nam Hải, cần chỉ ra rằng Việt Nam nên cân bằng giữa lịch sử và hiện tại. Sự can dự của bên thứ ba trong quan hệ song phương chỉ gây bất lợi. Miễn là Việt Nam sẵn sàng thương lượng với Trung Quốc về vùng biển tranh chấp, rồi rốt cuộc sẽ có thêm tiến bộ.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, xin trích lời một người nói về Mexico, rằng nước này quá xa Thượng đế nhưng quá gần Hoa Kỳ. Theo tôi, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không thể là giải pháp cho các vấn đề của Việt Nam. Cứ xem lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như chính sách của Hoa Kỳ ở những nơi khác từ Trung Á đến Trung Đông sau Chiến tranh Lạnh. Nếu Việt Nam vẫn mơ Hoa Kỳ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, họ sẽ hối tiếc về hậu quả. Ngoài ra, nếu một nước yếu hơn tìm cách lợi dụng các đại cường, liệu có giống như chơi với lửa? Mỗi khi các nước lớn nhượng bộ nhau, chỉ có nước nhỏ thua thiệt”.
Shi Yinhong, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh(2) nhận định:
“Tuy vậy, tranh chấp ở các đảo nhỏ và vùng nước xung quanh, cũng như vùng đặc quyền kinh tế vẫn còn đó. Không bên nào chấp nhận nhượng bộ lớn. Chính sách ngoại giao của Việt Nam vẫn sẽ nhằm từ từ xây dựng đối tác chiến lược, hay một điều gì gần như thế, với Washington. Chính sách của Trung Quốc thì vẫn sẽ định hình bởi sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Thật mừng khi chứng kiến quan hệ nồng ấm hơn, và chúng ta cũng đừng ngạc nhiên nếu nhỡ xảy ra chuyển biến lạnh lẽo hơn trong tương lai. Thăng trầm, thịnh suy là lẽ thường tình”.
Ta thấy cách hành xử của nhà cầm quyền Bắc Kinh với lãnh đạo Việt Nam quá bất nhã và trịch thượng, không có chủ nhà nào ngoài nhà cầm quyền Bắc Kinh mời khách đến nhà ngon ngọt(16 chữ vàng và 4 tốt) với khách đồng thời cho con cháu hăm dọa giằn mặt khách. Chưa hết, ngày 8/4/2015 ký tuyên bố chung chưa ráo mực, ngày 9/4/2015 đoàn cấp cao Việt Nam đang còn trên đất Tàu, Tàu Cộng có ngay món quà đặc biệt tống tiễn. Đó là theo tin từ Reuters ngày 10/4/2015, “Trung Quốc hôm qua (9/4) đã công bố kế hoạch về các hòn đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trên biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố những hòn đảo này sẽ được sử dụng cho ‘mục đích quốc phòng’ và cung cấp các ‘dịch vụ dân sự có lợi’ cho các quốc gia khác”.
Điều đáng chú ý đây là lần đầu Tàu Cộng công khai kế hoạch xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam vào ngay chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Thông điệp của Tàu Cộng gửi lãnh đạo cấp cao Việt Nam đừng có mơ đòi lại các đảo chìm mà họ đã dùng vũ lực cướp được năm 1988, đồng thời Trung Nam Hải công khai với thế giới về xây dựng căn cứ quân sự ở đây để khống chế Biển Đông và hiện thực hóa đường lưỡi bò 9 đoạn.Vì là món quà đặc biệt nên “đảng ta”im lặng trong khi Mỹ kịch liệt phản đối.
Bắc Kinh còn liều lĩnh khẳng định các bãi đá chìm cướp được của ta năm 1988 thuộc chủ quyền của họ. Phát ngôn viên Tàu Cộng Hoa Xuân Oánh trơ trẽn tuyên bố: “Hoạt động xây dựng này hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Việc này là công bằng, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào”. Thật mỉa mai. Dùng vũ lực cướp của người khác mà còn khẳng định là công bằng, hợp lý, hợp pháp. Những ngôn từ này chỉ có thể phát ra từ miệng kẻ cướp, mà lại phát ra đúng lúc phái đoàn cấp cao với đầy đủ bộ sậu của ông GSTS xây dựng Đảng “phỏng Hoa” mới đau.
Về “Tuyên bố chung” giữa hai bên có gì đặc biệt? Thực ra, vẫn chỉ là những tuyên bố chung chung, nội dung sáo rỗng mang tính hình thức mà chỉ một bên yếu thế phải thực hiện.
Tuyên bố chung năm 2011 giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng có đoạn:
“Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Ký thì cứ ký, nhưng sau đó, kẻ bội ước lại chính là tập đoàn Trung Nam Hải. Tàu cộng đã cho tàu hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta và kêu gọi mời thầu các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt nam.
Tuyên bố chung năm 2013 giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang có đoạn:
“Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Tuyên bố chung năm 2013 giữa Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường có đoạn:
“Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.
“Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả ‘Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông’ (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của ‘Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông’ (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua ‘Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông’ (COC)”.
Năm 2013 có tới hai tuyên bố chung nội dung nói về biển đều nhấn mạnh phải kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, nhưng đầu năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt Giàn khoan HD981 cắm vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chỉ khi Việt Nam đấu tranh quyết liệt cùng áp lực quốc tế họ mới chịu rút. Cũng năm 2014 Bắc Kinh còn đẩy mạnh cải tạo các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Như vậy chúng ta có thể khẳng định Bắc Kinh ký tuyên bố chung để lừa ta còn chính họ đã làm tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, mặc dù cam kết với ta là kiềm chế và không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.
Tuyên bố chung năm 2015 giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng có đoạn:
“Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt – Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Có thể thấy, nếu đem đối chiếu những ngôn từ trong các “Tuyên bố chung” với thực trạng ngoài Biển Đông còn lâu mới đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) cũng như “Tuyên bố” giữa Nguyễn Tấn Dũng và Lý khắc Cường “nỗ lực hướng tới thông qua ‘Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông’(COC)”.
Tuyên bố giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng “sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, như vậy hai tuyên bố với hai cụm từ “nỗ lực” và “sớm” đều không có định lượng và khung thời gian, vì từ “sớm” đã được các bên dùng nhiều ở các diễn đàn khác nhau. Đây là ngôn từ vô thưởng vô phạt mà Trung Cộng đưa vào để câu giờ và vài năm sau họ lại dùng những ngôn từ đó. Còn lâu Trung Quốc mới ký (COC), chỉ khi nào hiện trạng Biển Đông có lợi nhất cho Trung Cộng thì họ mới đặt bút ký (COC). Tuyên bố năm 2015 nói “Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển”. Tôi cho rằng khó mà có chân thành và thẳng thắn vì chân thành và thẳng thẳn là Việt Nam yêu cầu Trung Quốc khi nào trả lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa cho Việt Nam. Với bối cảnh hiện nay điều đó chưa thể xảy ra mà điều đó chưa xảy ra thì thẳng thắn cái gì? Một điều rất quan trọng với Việt Nam mà các “Tuyên bố chung” không đề cập, đó là tôn trọng Luật pháp Quốc tế mà cụ thể là Luật Biển, Trung Cộng và Việt Nam đều là thành viên. Nước yếu như Việt nam không thể dùng vũ lực đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Nam Hải cũng không bao giờ tự giác trả lại. Cách duy nhất sử dụng mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đôi lần đề cập đó là Luật pháp Quốc tế cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận thế giới.Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Tàu cộng không được ỷ thế nước lớn bắt nạt, chèn ép nước bé.
Một số “Tuyên bố” còn đưa vào cụm từ “cùng hợp tác phát triển”, cụm từ này rất mù mờ không rõ vùng hợp tác phát triển là vùng nào có phải vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không? nếu ngoài vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam Trung Cộng độc chiếm cần gì cùng hợp tác phát triển.
Trong các “Tuyên bố chung” gần đây có cụm từ vì “đại cục”; Bắc Kinh, một mặt rất thâm hiểm, chiếm trọn Hoàng Sa, một số bãi đá Trường Sa, liên tục gây hấn trên biển Đông nhưng mặt khác lại đưa ra chiêu bài vì “đại cục” để bịt miệng ta.
Kết quả đoàn lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam thu được trong chuyến “phỏng Hoa” vừa qua mọi người đã rõ. Năm ngoái lợi dụng lúc ta mải mê kỷ niệm 60 năm thắng trận Điện Biên Phủ, Trung Cộng đâm vào sườn ta, năm nay chúng ta hãy cảnh giác xem họ giở trò gì khi Việt Nam kỷ niệm 40 năm “giải phóng” miền Nam?
Hà Nội ngày 14/4/2015
T.B.
Tác giả gửi BVN
(1)(2) đăng trên BBC 10/04/2015