Lý Quang Diệu: “võ sĩ đường phố”? (Phần II)

( Theo The New York Times, and more)

 

Lý Quang Diệu: sẵn sàng mang “quả đấm sắt”! Courtesy of therealsingapore.com

Ý thức hệ?

Singapore mang dáng dấp nhân cách Lý Quang Diệu: hiệu quả, không tình cảm, không tham nhũng, sáng tạo, có óc tiến thủ, và thực dụng.

Ông nói với báo New York Times năm 2007:“Chúng tôi không có ý thức hệ”.

Ông định nghĩa thế nào gọi là ý thức hệ Singapore trên thực tế: “(Đó là) Có được việc không? Nếu được việc, hãy làm thử. Nếu thấy tốt, hãy tiếp tục. Nếu không hay, quẳng nó đi, thử cái khác”.

Khi Singapore bị đuổi khỏi Liên bang Mã Lai Á vào năm 1965, một sự kiện mà ông gọi là “thời khắc thống khổ”, ông đã tự thấy mình đứng trong một cuộc đấu tranh bất tận để khắc phục những trở lực: quốc gia thiếu tài nguyên thiên nhiên, môi trường quốc tế có nguy cơ đầy thù nghịch, và môi trường sắc tộc pha trộn, không ổn định với những sắc dân Trung Hoa, Mã Lai và Ấn Độ.  Ông nói:

“Để hiểu về Singapore và tại sao nó trở thành như thế, người ta phải bắt đầu bằng thực tế là nó đã không được phép tồn tại và không thể tồn tại. Khởi đầu, chúng tôi không có đủ những yếu tố sơ đẳng của một quốc gia: một dân số đồng nhất, ngôn ngữ chung, văn hóa chung và định mệnh chung. Nên lịch sử là cả một thời gian dài. Tôi làm một phần nhỏ của mình”.

“Kiểu mẫu Singapore”

“Kiểu mẫu Singapore” của ông gồm: quyền lực tập trung, chính quyền trong sạch và tự do kinh tế. Nhưng mô hình đó cũng bị chỉ trích là một hình thức toàn trị “mềm”, trong đó có đàn áp đối lập chính trị, hạn chế chặt chẽ các quyền tự do phát biểu, hội họp công cộng, và tạo nên một không khí cảnh giác và tự kiểm duyệt.

Mô hình này được giới lãnh đạo nhiều nước khác ở châu Á học hỏi, trong đó có Trung Quốc, và cũng là đề tài của nhiều cuộc nghiên cứu học thuật. Giới nhận định chính trị mô tả sự lãnh đạo của ông Lý là “một kết hợp độc đáo của uy tín và tính cách đáng sợ”.

Lý Quang Diệu là người đề xướng, cổ võ và áp dụng quan niệm “Giá trị châu Á”, trong đó lợi ích của toàn xã hội chiếm ưu tiên bên trên những quyền tự do cá nhân; người công dân phải từ bỏ một số quyền riêng để chấp hành quy luật của chế độ gia trưởng.

“Võ sĩ đường phố”

Ông Lý tạo nên một cơ chế điều kiểm chính trị kiểu Singapore, dùng luật chống phỉ báng để đưa ra tòa những đối thủ chính trị đả kích ông, đôi khi khiến họ phá sản. Ông cũng dùng luật pháp để kiện báo chí nước ngoài chỉ trích ông. Báo New York Times có lần phải xin lỗi và trả tiền phạt để dàn xếp vụ kiện phỉ báng.

Những vụ án như vậy là sự thách đố đối với lời chỉ trích về chính sách phe phái, gia tộc – gia đình họ Lý nắm giữ những chức vụ nhiều quyền thế ở Singapore – và tạo ra dấu hỏi về tính độc lập của nền tư pháp mà phía chỉ trích cho là bị hành pháp chỉ đạo. Họ Lý bác bỏ điều lên án là những vụ kiện đó nhằm mục đích chính trị, nói rằng đó là điều cần thiết để ông giữ lấy danh dự sau những sự lên án sai lạc.

Lý Quang Diệu tỏ ra hãnh diện khi tự mô tả mình là một “võ sĩ đường phố” vì chính trị, bị mọi người sợ hãi nhiều hơn là được thương mến.

Không ai có thể nghi ngờ là nếu anh thách thức tôi, tôi sẽ mang quả đấm sắt và tìm đấu với anh ở một ngõ cụt,” ông nói vào năm 1994. “Nếu anh cho là có thể đánh tôi đau hơn tôi đánh anh, cứ thử coi. Đó là cách duy nhất để người ta có thể cai trị một xã hội Trung Hoa”.

Và thế là những công dân sợ hãi của của Singapore tránh chỉ trích công khai ông Lý cùng chính phủ của ông, và thường phải tuân theo mệnh lệnh.

Người dân Singapore thường lãnh đạm với việc chính trị, đôi khi cũng tự trách mình quá bận tâm với lối sống đầy tiện nghi. Họ tóm tắt lối sống như vậy vào nhóm 5 chữ C của Anh ngữ: Cash, condo, car, credit card, country club: tiền, nhà, xe, thẻ, hội.

Để loại trừ sự cám dỗ của tham nhũng, Singapore trả lương cho các bộ trưởng, quan tòa và công chức cao cấp nhất bằng với lương của những chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực tư, khiến họ trở thành những công chức chính phủ được trả lương cao nhất trên thế giới.

Những con chấy!

Người đối đầu chính trị với ông Lý, ông J.B. Jayaretnam, bị đòn kiện tụng phỉ báng làm cho phá sản, nhưng vẫn kiên trì chống đối tới cùng, đến khi lìa đời vào năm 2008. Ông Jayaretnam nói:

“Người Singapore như những con chấy rận. Họ được đào tạo để nhảy cho cao nhưng không cao hơn nữa. Nhảy cao hơn là bị dập xuống”.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, ông nói thêm:

“Ở Singapore có một không khí sợ hãi. Chỉ đơn giản là SỢ. Người ta cảm thấy sự sợ hãi ở khắp nơi. Và vì sợ nên người ta cảm thấy không thể làm gì được”.

Cỗ xe chính trị của ông họ Lý là đảng Nhân dân hành động PAP, sử dụng lợi thế của công quyền để áp đảo đối phương. PAP đem vào hàng ngũ của mình những ngôi sao trẻ sáng chói nhất, tạo dựng trên thực tế một quốc gia độc đảng.

Nhân vật đối lập Jeyaretnam mãi đến năm 1981, 16 năm sau ngày độc lập, mới chiếm được ghế dân biểu đối lập đầu tiên, làm họ Lý nổi giận. Hai chục năm sau, sau kỳ bầu cử năm 2006, các đảng đối lập chỉ chiếm được có 2 trong số 84 vị trí dân cử; nhưng qua năm 2011 phe đối lập bất ngờ chiếm được 6 ghế, cùng với số phiếu phổ thông gần 40% ủng hộ, một hiện tượng được xem như sự đòi hỏi của cử tri về những người  lãnh đạo sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm hơn và có lòng cảm thông nhiều hơn. Và đến đó, đảng PAP, vẫn với tinh thần thực dụng xưa nay, đã đáp ứng bằng cách sửa đổi phong cách độc đoán, nhìn nhận rằng thời gian đã thay đổi. Tuy nhiên chính sách mới vẫn còn xa mới thành nền dân chủ đa đảng, và người Singapore tiếp tục đặt dấu hỏi liệu đảng cầm quyền có ý định tự chuyển hóa, hay có khả năng tự chuyển hóa hay không.

“Nhiều người hỏi: Sao chúng ta không mở rộng cửa để có hai đảng lớn và một đảng luôn luôn sẵn sàng gánh vác?”. Ông Lý phát biểu trong một diễn văn vào năm 2008 “Tôi chẳng mảy may tin vào điều đó”.

Ông nói thêm:”Chúng tôi không có những số lượng để bảo đảm sẽ luôn luôn có một nhóm A và một nhóm A thay thế. Tôi đã thử; chỉ là điều không thể được”.

Những gì Singapore có là một chính phủ tập quyền, làm chính sách có hiệu quả, và những chiến dịch xã hội không bị vướng bận vì những điều mà ông Lý gọi là “khói bụi” của những xung đột chính trị. Một ví dụ về những chiến dịch đó là việc chống sinh suất giảm sút bằng cách tổ chức, trên thực tế, một cơ quan se duyên đặc biệt nhắm vào sắc tộc Trung Hoa sung túc.

Giới trẻ nhìn lại

Gần đây có những dấu hiệu ông Lý Quang Diệu muốn rút hẳn khỏi chính trường, giao sân đấu cho những thể hệ đi sau, khi cảm nhận được đã đến lúc không thể không nhượng bộ trước trào lưu đòi hỏi tự do dân chủ hơn cho Singapore. Những thế hệ Singaporean sinh vào thời kỳ xứ sở họ đã phồn vinh, có tiếng tốt trên thế giới, không hiểu được tại sao cha anh của họ và chính họ cứ phải chịu những kiềm chế trên những quyền tự do căn bản của cá nhân, mà thế giới gọi là nhân quyền.

Cây bút Melanie Tan viết trên Real.Singapore.com, rằng ông Lý đã ném ông nội của bạn cô vào tù hơn 20 năm, không xử án. Nạn nhân là một bác sĩ nổi tiếng và hào hiệp ở đường Balestier, bị đối xử như thế chỉ vì khác chính kiến với họ Lý. Những người bị ông Lý bỏ tù là những sáng lập viên của đảng PAP, khi ông Lý còn là một luật sư tép riu làm việc cho họ. Rồi họ Lý đâm sau lưng họ, giết chết tương lai và những năm tháng tốt đẹp nhất trong đời họ chỉ vì họ mang quan điểm chính trị khác biệt. Những ai tán tụng Lý Quang Diệu chỉ là những người phải học sách lịch sử Singapore do giới cầm quyền viết nên, tưởng rằng không có người họ Lý thì Singapore mãi mãi chỉ là môt làng đánh cá nghèo hèn. Không phải thế.  Hãy nhìn Hồng Kông, lãnh địa của Anh đã phát triển ra sao trong bàn tay bảo hộ của người Anh. Nhìn đó để thấy chính người Anh đã tạo dựng nên Singapore ngày nay. Và Singapore không có ách Trung Hoa đã phát triển biết bao, cần chi Lý Quang Diệu!

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 ông Lý Quang Diệu trầm ngâm trong những lời lẽ như để phân trần trước khi từ biệt:

“Tôi không nói mọi thứ tôi làm đều đúng, nhưng tôi làm mọi việc đều vì mục đích chính trực. Tôi đã phải làm một số chuyện không hay, khóa chặt người ta mà không xử án”.

Một người chỉ trích ông Lý Quang Diệu, nhà văn Catherine Lim, nói:”Người này là một nhà chính trị. Ông có thể mang tầm vóc quá lớn cho Singapore, ngang hàng với Tito và De Gaulle. Nếu châu Phi có được ba ông Lý Quang Diệu thì đã không tệ đến thế”.

Cái giá phải trả cho sự thành công của ông là mất đi những mối giây tình cảm, nhà văn Lim nói . “Mọi thứ đều chạy theo nhịp tích-tắc-tích-tắc. Ông Lý là người đáng kính, nhưng mọi người thích một chút tâm cảm cũng như đầu óc. Ông Lý thì hoàn toàn là những mạch điện”.

Tuy nhiên ông nói ông không phải con người của tín ngưỡng tôn giáo, và phải đối phó với những thoái bộ hay trở ngại không vượt qua được bằng cách tự an ủi “Thôi thì… đời là thế!”.

Dù thành công, ông Lý cho biết nhiều khi bị mất ngủ, phải thiền định mỗi đêm 20 phút. Ông nói :”Vấn đề là phải kềm giữ cái “tâm viên ý mã” không chạy nhảy thành đủ thứ suy nghĩ. Một sự yên tĩnh an định trên mình. Những lo âu và áp lực trong ngày bị đẩy ra. Rồi thì giấc ngủ cũng đỡ khó khăn”.

Ông Lý giữ một phương pháp ăn uống kiêng khem và tập thể dục trong hầu suốt cuộc đời, nhưng đến năm 2011, 87 tuổi, ông thú nhận cũng cảm thấy dấu hiệu của tuổi tác và nhuốm mệt mỏi trong cuộc sống nghiêm ngặt mà mà ông tự chọn.

V.L.

Tham khảo:

Báo Singapore: Ông Lý Quang Diệu là người Việt Nam?
Ông Lý Quang Diệu là người Việt Nam – đó là nghi vấn mà Straits Times, một trong những tờ báo lớn và uy tín hàng đầu Singapore đưa ra đầu những năm 1990.
Trong số ra ngày 29/8/1992, báo Straits Times của Singapore đã đưa ra một thông tin khiến độc giả nước này ngạc nhiên về cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Đó là bài viết mang tựa đề “Cựu Thủ tướng Lý là người Việt Nam?” (Senior Minister Lee a Vietnamese?) xuất hiện ở trang 28 của số báo.

Bài báo đã đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng ông Lý Quang Diệu là một người Việt gốc Hoa, sinh ra ở Biên Hòa và sống những ngày thơ ấu cùng anh trai tại vùng đất cách Sài Gòn 30km.

Nghi vấn này dựa trên những tin đồn từ cộng đồng Hoa kiều, theo đó gia tộc của ông Lý Quang Diệu đã đến Biên Hòa lập nghiệp từ nhiều thế hệ trước khi ông ra đời.

Cha đẻ của ông Lý Quang Diệu là một người nông phu ở ấp Tân Thành, Biên Hoà. Cuộc sống của gia đình ông tại Việt Nam khá khó khăn. Khi 5 tuổi, ông Lý Quang Diệu được một cặp vợ chồng Hoa kiều Singapore giàu có nhận làm con nuôi và đưa về Singapore ăn học. Sau này, khi đã lên làm Thủ tướng, ông Lý có gửi đặc sứ về Việt Nam tìm người anh ruột, được cho là đang hành nghề đạp xích lô để giúp đỡ…

Cho đến nay, những thông tin trên vẫn chưa được xác thực và chỉ lưu truyền như một trong nhiều giai thoại về nhà lãnh đạo huyền thoại của đảo quốc Sư tử.

Nguồn:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lee-the-street-fighter-politically-03302015171322.html

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.