Đã có rất nhiều người lên tiếng, phân tích tác hại của việc xây dựng sân golf trong khu dân cư. Trong bài này chúng tôi chỉ tính toán số lượng thuốc trừ sâu sẽ đổ vào sân golf Tân Sơn Nhất (TSN) hàng năm.
Cỏ sân Golf là linh hồn và là chuẩn mực để đánh giá sân Golf, có 2 loại cỏ thường sử dụng: Cỏ Green là loại cỏ nhỏ, trồng gần lỗ golf và cỏ Fareway, được trồng phía ngoài.
1. Về cỏ Green, cỏ nhỏ trồng phía trong
Loại cỏ này rất nhỏ, trồng phía trong, xung quanh lỗ golf, đòi hỏi chăm sóc đặc biệt giúp rễ cỏ phát triển rất sâu và chắc, lá cỏ luôn luôn phải non và mềm mại, phải thường xuyên cắt bằng, giúp cho trái golf chạy thẳng không bị lệch hướng. Mặt khác sân golf còn đòi hỏi cỏ green không phát triển nhiều lá.
Để thỏa mãn các yêu cầu này, thuốc Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer) là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ green vì hạt rất nhỏ và đều, phân giải chậm trong vòng 3 tháng.
Số lượng thuốc: bón 1-2 kg/100 m2 chu kỳ 2-3 tháng 1 lần.
2. Về cỏ Fareway, cỏ lớn trồng xung quanh cỏ Green
Là loại cỏ chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều so với cỏ Green.
Thuốc Delta-Top là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ Fareway.
Số lượng thuốc: Bón 1-2 kg /100m2 chu kì một tháng 1 lần.
Tổng diện tích Sân golf TSN 157,29 ha, trong đó diện tích sân golf trồng cỏ là 111,59 ha. Còn lại là diện tích nhà hàng, khách sạn 5 sao, nhà ở cho thuê, đường giao thông…
Tính lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green:
-
Diện tích trồng cỏ Green chiếm khoảng 10% là 111,59 ha x 10% = 11,159 ha = 11,159 ha x 10.000 m2/ha = 111.590 m2.
-
Số lượng thuốc Delta-Coated: bón 1-2 kg/100 m2 chu kì 2-3 tháng một lần, trung bình là 2,5 tháng một lần.
-
Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/2,5 tháng = gần 5 lần.
-
Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2 kg/100 m2, lấy trung bình là 1,5 kg/100 m2.
-
Số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Green cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5 kg/100 m2 x 111.590 m2 x 5 lần/năm = 8692,5 kg/năm = 8,692 tấn/năm.
Tính lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway:
-
Diện tích trồng cỏ Fareway chiếm khoảng 90% là 111,59 ha x 90% = 100,431 ha = 1.004.310 m2.
-
Số lượng thuốc Delta-Top: Bón 1-2 kg /100 m2 chu kì một tháng 1 lần.
-
Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/1 tháng = 12 lần.
-
Số lượng thuốc cho một lần bón: theo định mức là 1-2 kg/100 m2, lấy trung bình là 1,5 kg/100 m2.
-
Số lượng thuốc trừ sâu cho cỏ Fareway cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5 kg/100 m2 x 1.004.310 m2 x 12 lần/năm = 180.776 kg/năm = 180,776 tấn/năm
Như vậy mới chỉ tính loại thuốc trừ sâu bón gốc cỏ, chưa tính loại thuốc trừ sâu phun, xịt thì mỗi năm mặt đất sân golf TSN tiếp nhận: 8,692 tấn/năm + 180,776 tấn/năm = 189,468 tấn/năm.
Tính đến đây chúng tôi giật mình kinh hãi, không ngờ lượng thuốc trừ sâu ngang với thuốc độc của sân golf TSN lại nhiều đến thế.
Lượng thuốc trừ sâu này sẽ ngấm xuống đất, xuống mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nước ngầm thành phố, nguy hại nhất trước hết là dân chúng sống xung quanh sân golf TSN phải hứng chịu gần 200 tấn chất độc hàng năm này.
Xin nhắc lại câu chuyện người dân thuộc xóm Gốc Đa, nơi liền kề với sân golf Tam Đảo không ít lần kiến nghị vì mỗi lần sân golf phun thuốc trừ sâu và thuốc giữ ẩm cho cỏ là bầu không khí nồng nặc mùi hóa chất gây ngột ngạt, khó thở. Nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thủy lợi. Một lượng lớn hóa chất từ sân golf ngày càng ngấm sâu vào nguồn nước đe dọa sức khỏe của người dân. Nguồn nước sinh hoạt ở đây đang có biểu hiện nhiễm hóa chất. Nước xuất hiện mùi khét khó chịu, dù được đun sôi nhưng ít ai dám uống.
Mọi người cũng chưa quên cá Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt đã chết hàng loạt, truy tìm nguyên nhân đã phát hiện ra chất độc sân golf ở cạnh hồ. Chủ sân golf đã tìm mọi cách để xử lý nhưng cuối cùng vẫn không xử lý được, buộc phải nhờ chính quyền dẹp bỏ sân golf cao cấp bên bờ Hồ Xuân Hương thơ mộng.
Trên thế giới đã có rất nhiều sân golf, nhưng hầu hết nằm ở vùng đất xa dân cư, và đòi hỏi chủ sân golf phải đầu tư rất tốn kém cho việc bảo vệ môi trường. Hầu như không có ai đặt sân golf giữa vùng dân cư, vì một lẽ đơn giản là cho dù lợi siêu lợi nhuận của sân golf là vô cùng lớn nhưng cũng không đáp ứng được đòi hỏi của các biện pháp xử lý.
Theo luật Việt Nam, trong báo cáo đầu tư xây dựng công trình buộc phải kèm theo báo cáo tác động môi trường, cơ quan phê duyệt đầu tư phải xem xét nghiêm túc tác động môi trường. Xin hỏi báo cáo đầu tư xây dựng sân golf TSN có báo cáo tác động môi trường không? Cơ quan phê duyệt đầu tư có xét tới tác động môi trường không? Cơ quan nào phê duyệt?
Chúng tôi nghĩ rằng vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trước hết là nhân dân quận Tân Bình, đặc biệt là của cư dân xung quanh sân golf Tân Sơn Nhất.
Nên chăng các cơ quan quản lý môi trường của các cấp chính quyền thành phố kiểm tra lại tác động môi trường của sân golf TSN và có kết luận thích đáng.
N.B.P. – N.Đ.D.
(*) TS Nguyễn Bách Phúc là Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI. TS Sinh học Nguyễn Đăng Diệp là Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp.