26 Tháng Ba , 2015
Cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang tại một phiên họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 14 tháng 3 năm 2011 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh Feng Li/Getty Images)
Tháng 3 năm 2012, con trai của ông Lệnh Kế Hoạch đột nhiên gặp phải tai nạn giao thông, sự kiện ngẫu nhiên này đã dẫn đến biến động lớn trong cục diện chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo dòng tin của Nhân dân nhật báo, theo lời của nguyên Phó Tổng Biên tập Chu Thụy Kim phát biểu trên mạng Kinh tế Tài chính thì giữa ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch, ông Bạc Hy Lai và ông Từ Tài Hậu xác thực đều có quan hệ liên đới, những sự kiện và âm mưu trước kia giữa “thất bát đại” (các đại biểu đời thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị) và ông Lệnh Kế Hoạch càng ngày càng rõ ra.
Chiếc Ferrari gặp tai nạn và việc Lệnh Kế Hoạch điều động Cục Cảnh vệ Trung ương
Khoảng 4 giờ sáng ngày 18 tháng 3 năm 2012, một chiếc Ferrari chạy dưới đường hầm cầu Bảo Phúc Tự đã bị mất phanh lao vào một bên tường hầm phía nam cây cầu và một phần của giải phân cách, ba người trên xe bị văng ra ngoài. Theo lời của các nhân viên cứu hộ, tai nạn đã khiến cho ba nạn nhân tử vong, trong đó có một nam và hai nữ.
Nạn nhân nam đã bị thiệt mạng trên chiếc Ferrari chính là Lệnh Cốc (23 tuổi), con trai của ông Lệnh Kế Hoạch – Chánh Văn phòng Trung ương kiêm “Đại nội quản gia” của ông Hồ Cẩm Đào.
Theo truyền thông Hồng Kông, sau khi sự kiện xảy ra, ông Lệnh Kế Hoạch đã điều động Cục Cảnh vệ Trung ương bưng bít mọi tin tức. Để xử lý vụ tai nạn, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch đã gặp nhau. Lúc đó, ông Chu Vĩnh Khang biểu thị rằng ông sẽ giúp phong tỏa toàn bộ tin tức về vụ tai nạn, sẵn sàng ủng hộ ông Lệnh Kế Hoạch chen chân vào Đảng ủy. Để đáp lại, ông Chu Vĩnh Khang đã đề ra bốn yêu cầu với ông Lệnh Kế Hoạch như sau:
– Bảo đảm rằng Trung ương sẽ không truy cứu ông Chu.
– Đình chỉ cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, bảo đảm rằng vụ án mưu sát của vợ chồng nhà Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai sẽ được “cắt tỉa”.
– Chỉ có thể khiển trách ông Bạc Hy Lai về các tội danh tham ô.
– Đồng thời, vì Neil Heywood là người Anh mà nước Anh lại không có chứng cớ để khép tội tử hình, nên án tử hình của bà Cốc Khai Lai sẽ được miễn.
– Phải khép Vương Lập Quân vào tội phản quốc để bảo đảm những mờ ám tham nhũng của ông Chu không bị bại lộ.
Đồng thời, giữa hai người đã đi tới thống nhất: sẽ thành lập một “Tổ chuyên trách” gồm hai người, mỗi người trong tổ sẽ phối hợp với cơ quan Công an Bắc Kinh (do ông Chu Vĩnh Khang kiểm soát) để dập tắt “tin đồn”. Hai thành viên trong “Tổ chuyên trách” này lần lượt là Tổng thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật kiêm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc Chu Bản Thuận và em vợ (vợ của ông Lệnh là bà Cốc Lệ Bình) của ông Lệnh Kế Hoạch, bà Cốc Nguyên Húc.
Về phương diện bồi thường thiệt hại, hai người đồng ý sẽ dành khoản tiền đó để làm “phí bịt miệng”, đưa cho gia đình của hai nữ nạn nhân trên. Số tiền bồi thường cao nhất là 30 đến 40 triệu nhân dân tệ. Một nửa là do Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chi, một nửa là do bà Cốc Nguyên Húc chi.
Lệnh Kế Hoạch và Chu Vĩnh Khang thành lập đồng minh
Theo một bản tin có tựa “Anh em nhà họ Lệnh” trên mạng Tài Tân, sau vụ tai nạn xe hơi vào ngày 18 tháng 3 năm 2012, “vì muốn che đậy nguyên nhân cái chết của con trai, ông Lệnh Kế Hoạch và người phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã đạt được một thỏa thuận chính trị nào đấy”. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã nhanh chóng bị bại lộ, con đường chính trị của ông Lệnh Kế Hoạch đã chuyển biến theo chiều hướng xấu. Bài viết không tiết lộ rõ nội dung thỏa thuận cụ thể là gì.
Tháng 5 năm 2014, một tác giả hải ngoại tên Viên Hồng Binh trong cuốn sách mới “Đài Loan sinh tử thư” cũng nhắc đến tình tiết sau sự kiện chiếc Ferrary bị tai nạn, ông Chu Vĩnh Khang và ông Lệnh Kế Hoạch có thành lập đồng minh.
Theo lời của cuốn sách này, ngày 14 tháng 3 năm 2012, sự việc ông Bạc Hy Lai bị bắt đã khiến ông Chu Vĩnh Khang bàng hoàng khôn thấu. Sau bao nhiêu điều tiếng từ vụ “18 tháng 3”, ông Chu đã muốn kết đồng minh với ông Lệnh Kế Hoạch để cùng qua cơn hoạn nạn. Cho nên, ông Chu đã mời ông Lệnh đến gặp mặt tại toà nhà của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương.
Trước tiên, ông Chu đã để ông Lệnh xem qua bộ hồ sơ mật mà ông đã lập. Bên trong hồ sơ đó có nói rất rõ về việc gia tộc của ông Lệnh cậy vào thế lực, lũng đoạn ngành khai thác than đá ở Sơn Tây, tham ô lạm quyền, mua quan bán chức, cờ bạc, nhiều không kể xiết, tất cả đều có giấy trắng mực đen ghi rành rành. Ông Chu dựa vào quyền nắm giữ cơ quan cảnh sát và kiểm sát, sớm đã hoàn thành tác phẩm “Bách quan hành thuật” thời hiện đại (tức hồ sơ tham ô của các quan chức ĐCSTQ).
Theo nguồn tin được biết, sau khi xem xong, ông Lệnh và ông Chu đã đi đến thỏa thuận ngầm: Chu Vĩnh Khang giúp đỡ Lệnh Kế Hoạch trở thành một trong các “đại biểu đời thứ 18” của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị; Lệnh Kế Hoạch giúp Chu Vĩnh Khang “cắt tỉa” bản án của vợ chồng Bạc Hy Lai, để họ có thể rút đi trong an toàn. Trong cuốn sách viết: “Từ đó, đôi bên hợp tác mật thiết với nhau, bênh vực qua lại”.
Những hành động của Lệnh Kế Hoạch đối với sự kiện Vương Lập Quân
Nguyên Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch tham dự một phiên họp vào ngày 8 tháng 3 năm 2013 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)
Tháng 2 năm 2012, ông Vương Lập Quân trốn chạy đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Sau đó, ông Vương bị Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Khâu Tiến giải về Bắc Kinh.
Một số người sau khi đọc được bài phỏng vấn của thời báo New York, hiểu rõ tình hình nội bộ của Đảng, đã nói rằng ông Bạc Hy Lai từng thử thuyết phục những người có quan hệ với các nhân vật quyền cao chức trọng là lợi dụng vấn đề sức khỏe tinh thần của Vương Lập Quân để giúp ông ta trấn áp điều tiếng xung quanh, cụ thể là vụ mưu sát vừa mới nổi lên.
Sau khi Vương Lập Quân bị “giải” đến Bắc Kinh, cơ quan Văn phòng Trung ương do ông Lệnh Kế Hoạch phụ trách đã bí mật xuống lệnh cho một bệnh viện quân y tiến hành kiểm tra bệnh thần kinh đối với ông Vương. Theo lời giải thích của một người hiểu rõ tình hình bên trong, y viện đã kết luận ông Vương Lập Quân có vấn đề về gián đoạn tinh thần. Nếu như tin tức này truyền ra ngoài thì có thể khiến người khác nghi ngờ về việc ông Vương Lập Quân có dính dáng đến vụ mưu sát, và ông ta sẽ phải chịu một sự khống chế khác.
Một người trong nội bộ nói rằng: “Lần kiểm tra này có thể giúp cho Bạc Hy Lai thoát nạn”.
Nhân chứng này nói, sau khi cuộc kiểm tra thần kinh của Vương Lập Quân được tiến hành, Bạc Hy Lai đã nài nỉ một người bạn cùng phe hiện là giám đốc bệnh viện, tướng Lưu Nguyên giúp ông ta tiết lộ kết quả này ra nhưng đã bị cự tuyệt.
Truyền thông Hồng Kông đối với vấn đề này càng tiết lộ thêm nhiều chi tiết.
Vào năm 2012, sau ngày quốc tế lao động 1 tháng 5, ông Hồ Cẩm Đào cho mời tướng Lưu Nguyên và hỏi một câu: “Các ông sao lại sắp xếp cho Vương Lập Quân đến 301 kiểm tra bệnh thần kinh?”.
Người hỏi thì có lẽ vô ý thôi, còn người đáp thì đã có chuẩn bị. Ông Lưu Nguyên lấy ra hai tập công văn, một tập là của Văn phòng Trung ương và tập còn lại là của Văn phòng Quân ủy, đều do Tổng cục Hậu cần sắp xếp việc này. Tướng Lưu Nguyên nói: “Không phải là đã sắp xếp trước cả sao?”, ông Hồ Cẩm Đào nhìn thấy hai tập công văn vô cùng kinh ngạc, dường như là ông chưa từng biết việc này. Nguồn tin cho hay, bệnh viên 301 còn lập ra bệnh án thần kinh cho ông Vương Lập Quân.
Lại có người nghi ngờ rằng, hai tập công văn này là do ai soạn ra? Bệnh viện 301 làm sao có thể chế ra bệnh án tâm thần của ông Vương Lập Quân được? Tất cả đều còn ở trong màn bí mật.
Chu Vĩnh Khang yêu cầu Lệnh Kế Hoạch không giao Vương Lập Quân cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý
Cái tên Lệnh Kế Hoạch không chỉ nổi trên mặt báo qua vụ kiểm tra bênh tâm thần đối với Vương Lập Quân, mà còn liên quan đến nhiều vụ việc khác nữa.
Truyền thông Hồng Kông cho hay, sau vụ chiếc Ferrari gặp tai nạn, ông Chu Vĩnh Khang còn yêu cầu ông Lệnh Kế Hoạch không nên giao ông Vương Lập Quân cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý, mà phải giam lỏng ông ta trong một khu biệt thự của Bộ An ninh Quốc gia, điều này bảo đảm rằng ông Chu sẽ có thể khống chế toàn diện ông Vương.
Lúc đó, bản thân ông Vương Lập Quân vẫn chưa bị lọt vào tay của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Bản tin tháng 4 năm 2012 cho biết ông Vương Lập Quân “đang nằm trong tay ông Chu Vĩnh Khang, trước đó Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương từng yêu cầu Bộ An ninh Quốc gia (do ông Chu Vĩnh Khang quản lý) giao ông Vương Lâp Quân ra. Tuy nhiên, ông Chu Vĩnh Khang đã trả lời Ủy ban Kỷ luật Trung ương rằng, vì ông Vương có dính dáng đến một vài vấn đề an ninh quốc gia nên phải tiến hành thẩm tra, đến giờ vẫn chưa thẩm tra xong. Do đó, ông Vương Lập Quân vẫn nằm dưới sự khống chế của ông Chu Vĩnh Khang.
Tờ Vượng báo của Đài Loan vào tháng 3 năm 2012 đưa tin và phân tích, có thể xác định rằng bản án Vương Lập Quân đang được điều tra bởi nhiều cơ quan trong Trung ương ĐCSTQ. Sau sự kiện Vương Lập Quân, những biện pháp xử lý có thể được nhìn thấy từ phía ĐCSTQ là rất ít ỏi.
Chẳng hạn như Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Khâu Tiến đến Thành Đô để áp giải Vương Lập Quân về Bắc Kinh, Văn phòng phát ngôn của Bộ Ngoại giao chứng thực với các nước về việc ông Vương Lập Quân trốn đến Lãnh sự quán Mỹ. Trên thực tế, vụ việc của ông Vương Lập Quân được phụ trách bởi một “tổ công tác” đặc biệt, mà thành viên là các lãnh đạo cấp cao.
Bản tin còn đề cập, “tổ công tác” này cùng với “tổ công tác đối ngoại” là cùng một cơ cấu nhưng khác tên gọi, tổ trưởng đương nhiệm là Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, tổ phó là ông Tập Cận Bình, còn tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng là Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc. Các thành viên trải đều từ các cơ quan như Bộ An ninh Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, hai Bộ Tổng tham mưu và 14 cơ quan Đảng ủy.
Trong cơ cấu này, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Theo bản tin của Đông Phương nhật báo, ông Vương Lập Quan sau khi bị giải đến Bắc Kinh, vì thành khẩn khai báo tội trạng của vợ chồng nhà họ Bạc nên có một nhân vật thuộc cấp cao hứa rằng sẽ bảo hộ ông ta, còn nhận định rằng cấp trên sẽ sắp xếp cho ông ta đến làm quan ở nơi khác, tổ chuyên án sẽ từ chối phối hợp với các cơ quan Đảng ủy. Bảng tin còn nói, ông Vương Lập Quân còn nhiều lần mượn cớ sức khỏe không tốt, từ chối mọi cuộc hẹn thẩm tra của tổ chuyên án khiến tổ chuyên án không thể làm được gì.
Sau này, khi Tổng bí thư đương thời Hồ Cẩm Đào lên tiếng tổ chuyên án phải có hành động thích đáng đối với vụ án Vương Lập Quân, thì lúc này thái độ của ông Vương mới trở nên “mềm hóa”.
Vai trò của nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương Tào Thanh trong vụ án Lệnh Kế Hoạch
Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương Tào Thanh có vai trò không mấy rõ ràng trong vụ án Lệnh Kế Hoạch. Sau khi ông Tào bị mất chức trong đêm trước khi diễn ra “lưỡng hội” (hai kỳ đại hội) vào hai năm trước, ông mới bắt đầu được truyền thông chú ý.
Vào năm 2012, Thời báo New York đưa tin, ông Lệnh Kế Hoạch đã lợi dụng Cục Cảnh vệ để lấp liếm sự thật của bản thân mình. Điều này đã chọc giận vị Cục trưởng đời trước, vốn là một nhân vật cùng phe với ông Giang Trạch Dân, đồng thời cũng chọc giận đến ông Tào Thanh. Do vậy, ông Tào đã sớm có hiềm khích với ông Lệnh.
“Bọn họ nói, Lệnh Kế Hoạch đi kiếm Tào Thanh, để ông ta làm cái này cái kia”,“Lệnh Kế Hoạch rất là quá đáng, cũng chẳng nể nang gì ai”, theo lời của một nữ nhân chứng xuất thân trong một gia đình quan chức.
Tuy nhiên, Thời báo New York không nói ông Tào Thanh có báo cáo với cấp trên về việc ông Lệnh Kế Hoạch lợi dụng Cục Cảnh vệ để lấp liếm sự thật từ vụ tai nạn. Qua các bài báo của các kênh truyền thông khác nhau ta biết được rằng, người thân tín với ông Chu Vĩnh Khang là Phó Chính Hoa, đã báo cáo với cấp trên về sự việc này, đồng thời cũng là người khiến cho ông Lệnh Kế Hoạch được điều đi làm Chủ tịch Mặt trận Thống nhất vào ngày 1 tháng 9.
Trong đêm trước khi hai kỳ đại hội diễn ra vào năm nay, đã có sự thay đổi lớn về nhân sự diễn ra trong Cục Cảnh vệ Trung ương. Cục trưởng – Trung tướng Tào Thanh bị điều động về giữ chức Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, thế vào đó là Thiếu tướng Vương Thiếu Quân sẽ đảm nhận chức Cục trưởng kiêm Trưởng đoàn Cảnh vệ Trung ương. Phó Cục trưởng Vương Khánh cũng bị điều khỏi Cục Cảnh vệ, có tin nói rằng ông ta đã nhậm chức Hiệu phó trường Đại học Xây dựng.
Ghi chép về việc ông Tào Thanh từ chức rất ít ỏi.
Cuộc vận động của “Sơn Tây hội” và cái giá phải trả
Trong cuốn sách tường thuật có tiêu đề “Đả thiết ký” gồm mười chương được công bố trên mạng, phóng viên điều tra La Xương Bình đã tiết lộ việc ông Lưu Thiết Nam gia nhập “Tây Sơn hội” dưới trướng ông Lệnh Kế Hoạch, nhờ đó mà đường quan lộ mười phần thuận lợi.
Hệ thống bang phái “Tây Sơn hội” đã tôn Chánh Văn phòng Trung ương (và cũng là một cao quan gốc gác Bình Lục, Sơn Tây) Lệnh Kế Hoạch làm “minh chủ”. Tường thuật của La Sơn Bình nói rằng, một đại nội quản gia như ông Lệnh đã trở thành cái “roi Đảng” thật sự cho bọn họ, ai có được tấm vé mời dùng bữa ở Sơn Tây thì người đó cũng gần như ngồi trên chiếc thang máy đi thẳng đến quyền lực, cấp bậc. Tốc độ bành trướng của dạng quyền lực ấy không giống như kiểu tích cóp tiền của của những ông chủ than đá tại quê hương họ.
La Xương Bình nói, ông Lệnh Kế Hoạch đã ba lần “hiệu triệu quần hùng” để kêu gọi ủng hộ, đồng thời khuếch trương phạm vi ảnh hưởng của “Sơn Tây hội” đến các quan chức địa phương lân cận. Đây là một hành động khác với truyền thống, nó đã dẫn đến “sự cố nghiêm trọng về nhân sự” để rồi các thành viên “Sơn Tây hội” đều phải trả một cái giá đắt.
Ba đợt xung kích nhắm vào các “đại biểu đời thứ 18” trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị
Truyền thông nước ngoài đưa tin, vào ngày 7 tháng 5 năm 2012, dưới động thái của ông Lệnh Kế Hoạch, ông Hồ Cẩm Đào đã triệu toàn bộ Ủy viên Trung ương ĐCSTQ tiến kinh, khóa cửa để “tuyển chọn” ra “thập bát đại” ( các đại biểu đời thứ 18) của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đợt bỏ phiếu lần này đã được định vào ngày 25 tháng 6, kết quả bỏ phiếu: ông Lệnh Kế Hoạch đứng thứ 3. Tuy nhiên, đợt bỏ phiếu này không chiểu theo lệ cũ là làm theo lời tư vấn của các cán bộ lão thành và Ủy ban Thường vụ không công khai ra mắt.
Điểm này đã được Ngưu Lệ (một thân tín của phe Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình) đề cập trong bài viết “Tài khoản chính trị lưu động của Lệnh Kế Hoạch”. Ngưu Lệ nói, thượng tuần (từ mùng 1 đến mùng 10) tháng 5 năm 2012, để chiểu theo “thập thất đại” (quy củ của 17 đời đại biểu trước) của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị, toàn bộ 17 đời Ủy viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, , cùng với hơn 300 cán bộ cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên đã mở cuộc họp tại khách sạn Tây Kinh, dùng phương thức bỏ phiếu để “xem xét ý dân” khi tuyển chọn các Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đời thứ 18. Trong đợt bỏ phiếu lần này, ông Lệnh Kế Hoạch vẫn nằm trong top đứng đầu.
Trong bản tin của tờ Tiếng nói nước Đức, ngày 7 tháng 5, ông Lệnh Kế Hoạch đã được nội bộ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị lựa chọn, một Ủy ban Thường vụ chưa được thông qua mà lại bắt các Ủy viên Trung ương của “Thập thất đại” ở khắp nơi phải trở về Bắc Kinh bỏ phiếu đã khiến nhiều người trong Bộ Chính trị ngơ ngác. Mục đích của ông Lệnh Kế Hoach là chen chân vào Ủy ban thường vụ. Điều này đã khiến cho các nhân vật cấp cao nổi giận, vào ngày 1 tháng 9, ông Lệnh bị điều động về giữ chức Chủ tịch Mặt trận Thống nhất.
Ngoài ông Lệnh Kế Hoạch ra, những trang tin của truyền thông Hồng Kông có thể được tra thấy ở Đại lục cũng đưa tin ông Chu Vĩnh Khang trong lúc “thất bát đại” không chịu xuống đài, đã từng nhậm chức Ủy viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Bảng tin nói, trong lúc Giang Trạch Dân lâm bệnh vào mùa xuân năm 2011, Chu Vĩnh Khang và Tăng Khánh Hồng từng bí mật gặp mặt ở Bắc Kinh. “Sau khi Chu Vĩnh Khang bị bắt, ông ta từng khai ra cuộc gặp mặt với Tăng Khánh Hồng. Chu nói rằng lúc tìm được Tăng, ông đã bàn với Tăng rằng sau khi Giang Trạch Dân chết, liền lập tức đưa Bạc Hy Lai trở về Bắc Kinh”.
Cũng có người nói rằng, sự việc do Giang Trạch Dân chỉ đạo, còn Tăng Khánh Hồng chủ mưu, hệ thống “thập thất đại” (các đại biểu đời thứ 17) đã chỉ định Bạc Hy Lai cùng với Chu Vĩnh Khang liên thủ đảo chính, lập kế hoạch phế bỏ ông Tập Cận Bình. Nguyên nhân bên trong là vì lo sợ phải trả giá cho cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công. Ông Tập Cận Bình bề mặt chỉ là được Giang Trạch Dân nhận định là “nhân vật qua phen nhất thời”, trên tay không có dính máu từ cuộc bức hại Pháp Luân Công; còn Bạc Hy Lai đối với việc bức hại thì nhất mực chăm chỉ, đối với Hồ Cẩm Đào thì có đủ loại mâu thuẫn trước giờ.
Kế hoạch này cũng do “cơ quan quyền lực đứng thứ hai trung ương” Ủy ban Chính trị Pháp luật thực hiện dưới sự điều khiển của Chu Vĩnh Khang, liên kết với các thế lực kết thân với Giang Trạch Dân trong quân đội, mưu đồ sau khi “thất bát đại” qua hai năm nhiệm kỳ sẽ phế bỏ ông Tập Cận Bình, đưa Bạc Hy Lai lên ngôi.
Về phần ông Lệnh Kế Hoạch, trên thực chất cũng đã gia nhập vào kế hoạch chính biến của hai họ Bạc, Chu.
Hành động bí mật, cuối cùng ông Lệnh Kế Hoạch đã ngã ngựa
Năm 2014, trên các kênh truyền thông Hồng Kông đã có tin ông Lệnh Kế Hoạch đã bị điều tra nội bộ kể từ năm 2012.
Theo nguồn tin được biết, năm 2012, cơ quan Tổ chức Ủy ban Trung ương nhận được báo cáo cho hay vợ của ông Lệnh Kế Hoạch bị tình nghi nhận tiền cò mồi phi pháp lên tới 3.500 nhân dân tệ. Phòng Bí thư nhận được báo cáo của Trung ương Đoàn rằng ông Lệnh Kế Hoạch ngoại tình…, Bộ Chính trị đã hạ lệnh đình chỉ chức vụ Chánh văn phòng của ông Lệnh Kế Hoạch và tiến hành điều tra. Sau khi tuyên bố đình chỉ chức vụ, những người có liên quan đến các mối quan hệ “phi tổ chức” với Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, với Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chu Vĩnh Khang cũng đều lần lượt nhận được công hàm.
Tháng 8 năm 2012, hội nghị thẩm tra của Bộ Chính trị Trung ương đã thông qua Quyết định số 533 năm 2012 với nội dung bao gồm: cách chức Bí thư Trung ương, chức Chánh Văn phòng Trung ương, chức Phó Chánh Văn phòng Ủy ban của ông Lệnh Kế Hoạch do Trung ương cơ cấu biên chế; kiến nghị cơ quan Tổ chức Trung ương căn cứ vào tình trạng thực tế của ông Lệnh Kế Hoạch mà sắp xếp công tác phù hợp; kiến nghị tiến hành cảnh cáo trong Đảng, giáng cấp bậc hành chính; kiến nghị nhóm lãnh đạo trong “Thập bát đại” chuẩn bị để duy trì tư cách Ủy viên Trung ương của ông Lệnh Kế Hoạch.
Tháng 12 năm 2012, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn có cuộc nói chuyện với ông Lệnh Kế Hoạch, yêu cầu ông Lệnh Kế Hoạch có lời giải thích cho những sự việc trước kia.
Hạ tuần tháng 1 năm 2013, ông Lệnh Kế Hoạch vì tiết lộ “hoạt động phi tổ chức” của ông Chu Vĩnh Khang, nên đã được Bộ Chính trị đề nghị: “sắp xếp cho ông Lệnh Kế Hoạch nhận chức Phó Chủ tịch Ủy ban Chính trị Hiệp thương”. Trung tuần tháng 10 năm 2013, ông Lệnh Kế Hoạch lại tiếp tục tiến thêm một bước: tiết lộ “hoạt động phi tổ chức” cùng với các hành vi tham ô của ông Chu Vĩnh Khang và một vài quan chức khác.
Bình luận của Ngưu Lệ cho rằng, việc xử lý vụ tai nạn nghiêm trọng của chiếc Ferrari nhằm che mắt “tổ chức” và việc trao đổi, hợp tác với tập thể Chu Vĩnh Khang đã khiến cho ông Lệnh Kế Hoạch vấp phải sự trừng phạt chính trị. Nhưng tại những lúc như thế, vai trò của những “thân thích tài chính” cho đến hệ thống bang phái bất chấp kỷ luật tổ chức dưới trướng ông Lệnh như “Sơn Tây hội” vẫn chưa lộ rõ. Nếu như mọi việc đã được định đoạt, hoặc giả nếu ông Lệnh Kế Hoạch thành khẩn khai báo với tổ chức và thừa nhận sai lầm, ông ta vẫn có thể về hưu trên chiếc ghế Phó Chủ tịch Ủy ban Chính Hiệp, thậm chí còn có cơ hội “Đông Sơn tái khởi”. Tuy nhiên, những cơ quan thuộc phe ông Tập Cận Bình đã khiến điều này trở nên vô hiệu.
Theo lời Ngưu Lệ nói: “Trong quá trình điều tra bản án Chu Vĩnh Khang, người ta phát hiện bóng dáng của ông Lệnh Kế Hoạch tồn tại một cách lạ lùng trong từng thời điểm khác nhau, điều này đã thu hút sự chú ý của Trung ương. Điểm mấu chốt ở đây là, cuộc đấu đá nội bộ và tham nhũng có dẫn đến sự kiện sụp đổ chính trị tại tỉnh Sơn Tây. Trong suốt quá trình điều tra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã phát hiện ngày càng nhiều đầu dây mối nhợ dính dáng đến anh em nhà Lệnh Kế Hoạch lẫn họ hàng phía vợ, tất cả đều quy về một mình cá nhân ông Lệnh”.
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, ông Lệnh Kế Hoạch chính thức ngã ngựa.
L.P.
Nguồn: http://vietdaikynguyen.com/v3/44797-lien-minh-ngam-chu-vinh-khang-lenh-ke-hoach-va-qua-trinh-dan-den-muu-dao-chinh-tap-can-binh/