Hà Nội mở rộng và thách thức mới về tam nông

Tam nông (Bài 4):      

Từ 1/8/2008, bộ máy quản lý của Thủ đô Hà Nội mở rộng chính thức đi vào họat động. Theo địa giới hành chính mới vừa được Quốc hội thông qua (5/2008), diện tích tự nhiên của Thủ đô sẽ là 334.470,02 ha, dân số gồm 6.232.940 người. Lật mở cuốn “Niên giám thống kê” (2006), tôi sơ bộ tính toán cơ cấu dân số của Hà Nội mở rộng: đô thị (các quận nội thành Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông, không kể một số ít dân ở các thị trấn huyện) có 1.752.127 người (28%), nông thôn có 4.480.813 người (72%). Tương tự, cơ cấu đất đai sẽ là 23.107 ha (7%) đất đô thị và 311.363,02 ha (93%) đất nông thôn. Một Thủ đô hiện đại chắc chắn không thể chấp nhận cơ cấu như vậy. Quy luật phát triển cho thấy, trong khoảng 5- 10 năm tới, khu vực nội thành Hà Nội cũ sẽ phát triển ồ ạt về phía Tây, tràn qua phần lớn diện tích canh tác của các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất để kết nối với hai đô thị Hà Đông, Sơn Tây thành một chỉnh thể nội thành thống nhất của Thủ đô. Ngoài ra, các khu công nghiệp và đô thị mới cũng sẽ mọc lên ở phía đông nam thuộc Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai và ở phía Bắc sông Hồng thuộc Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh. Khoảng 2,0- 2,5 triệu nông dân sẽ mất ruộng trở thành cư dân đô thị, trong đó 1,0- 1,2 triệu lao động nông nghiệp phải chuyển sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Hàng lọat những thách thức mới về tam nông đang đặt ra cho các nhà quản lý phải kịp thời giải quyết. Người viết bài này chỉ nêu lên vài điểm cơ bản và bức thiết nhất. 

Thứ nhất, tôi còn nhớ, chỉ cách đây vài năm, Hà Tây là điểm nóng diễn ra nhiều vụ xung đột căng thẳng giữa nông dân bị mất đất với doanh nghiệp nhận đất đầu tư vào khu công nghiệp An Khánh. Hành động tự phát bao vây, đắp chướng ngại vật trước cửa nhà máy không cho xe cộ ra vào của nông dân đương nhiên là sai pháp luật. Song xét cho cùng chính quyền địa phương hồi đó đã mắc nhiều sai lầm trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, vừa thiếu minh bạch, lại vừa thiếu nhất quán ở từng thời điểm hoặc với từng đối tượng doanh nghiệp. Hà Nội sau khi mở rộng muốn thoát khỏi tình trang bị “nông thôn hóa” như vừa nêu trên, tất yếu phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp và khu đô thị mới. Muốn vậy, thành phố phải có cơ chế đặc thù để có thể chủ động đề ra chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo sự công bằng về lợi ích cho người nông dân, không để nguồn lợi khổng lồ từ đất đai chui vào túi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và tầng lớp đầu cơ bất động sản đang xuất hiện ngày càng đông trong nhóm cư dân đô thị ở Hà Nội, Hà Đông. Chưa lên Thủ đô mà mấy nghìn hộ dân người Mường ở 4 xã heo hút nhất của Hà Nội mở rộng, thuộc huyện Lương Sơn- Hòa Bình đã phải nháo nhác vì mất đất cho các “dự án trời ơi đất hỡi” của mấy ông chủ đầu cơ đất, được chính quyền xã và huyện tiếp tay. Chỉ riêng xã Tiến Xuân đã có 10 dự án “biệt thự nhà vườn, thể thao giải trí” mà nghe đâu giá đền bù  chỉ có 27.000 đồng/1 m2, tương đương 9.720.000 đồng/1 sào đất đồi trồng sắn, cây ăn quả, bạch đàn. Ở đây giá đền bù chỉ là một mặt của vấn đề nông dân. Cái điều quan trọng mà thành phố phải tính đến là quỹ đất cho họ làm dịch vụ, căn hộ cho con cái họ khi đã từ bỏ nghề nông, chuyển sang nghề khác đều phải được công khai, minh bạch. Và điều đặc biệt quan trọng, liên quan đến ổn định xã hội ở Thủ đô sau khi mở rộng là đào tạo nghề cho con em nông dân có độ tuổi từ 35 trở xuống. Thách thức này quả không nhỏ đối với các cấp chính quyền của thành phố. Thực tế diễn ra ở Mỹ Đình, Tây Mỗ (Hà Nội), Văn Quán, An Khánh (Hà Tây) cho ta nhiều bài học đắt giá… Điều tra trong tháng diễn ra giải Euro Cup vừa rồi, mỗi làng đều có vài tụ điểm cá độ. Ở Tây Mỗ đã có trường hợp tự tử vì thua độ 300 triệu đồng sau thất bại của Croatia trước Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian trước mỗi trận đấu bóng là cớ để những thanh thiếu niên hư hỏng này tụ tập đánh bài lá hoặc hút hít bằng tiền của cha mẹ chúng nhận đền bù đất!… Nhưng việc dạy nghề cho con em nông dân không đơn giản, nếu thành phố không có kế hoạch và quyết tâm triển khai ngay từ 1/8/2008. Thiển nghĩ, mỗi huyện có nguy cơ thu hồi đất lớn, thành phố phải có ngay kế hoạch lập quỹ đất đủ rộng để xây dựng một trường đa nghề, đa cấp học (từ sơ sấp, trung cấp đến cao đẳng), với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi mới có thể vượt qua thử thách này. Về lâu dài, hệ thống trường nghề ấy còn là nơi đào tạo nhân lực cho nông dân đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh trung du, miền núi. Song song với hệ thống trường nghề là hàng lọat các giải pháp đồng bộ khác như hỗ trợ phát triển đào tạo nhân lực ở các làng nghề, thiết lập các chế tài buộc doanh nghiệp hay nhà đầu tư có sử dụng đất tham gia đào tạo nghề và tiếp nhận lao động tại địa bàn. Về mặt này, mấy năm qua, huyên Thạch Thất (Hà Tây) có nhiều bài học kinh nghiệm cần được thành phố đúc kết và nhân rộng. Tính đến thời điểm 12/2007, Thạch Thất có gần 2.882 ha đất bị thu hồi, trong đó đất ruộng lúa chiếm 1.853,53 ha, với 15.618 hộ nông dân (cỡ hơn 32.000 lao động nông nghiệp) bị thu hồi đất. Đáng lưu ý là có tới 9.062 hộ bị thu hồi hết diện tích canh tác. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sáng tạo, chỉ trong 2 năm, huyện đã đào tạo và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động  tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư sử dụng đất trên địa bàn. Ngoài ra, hơn 5.600 lao động cũng được các cơ sở sản xuất, các làng nghề trong huyện thu hút và dạy nghề. Tại xã Bình Yên có 600 ha đất bị thu hồi, chính quyền huyện, xã đã chủ động yêu cầu một trong số các chủ đầu tư sử dụng đất là Công ty cổ phần thời trang chất lượng cao đưa 100 máy may công nghiệp và cử giáo viên dạy nghề khóa đầu tiên cho 130 lao động. Các khóa đào tạo sẽ còn tiếp tục để 500- 600 lao động có nghề may và sau khi tốt nghiệp họ sẽ được doanh nghiệp này tiếp nhận.  Tổng công ty xây dựng Vinaconex có một số dự án trên địa bàn Thạch Thất cũng được lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo Trung tâm dạy nghề  của huyện phối hợp với trường đào tạo nghề của Vinaconex tổ chức dạy nghề cho 2000 lao động và đã giới thiệu việc làm cho 1.738 người vào các doanh nghiệp có thu nhập ổn định. Đặc biệt số lao động ở độ tuổi 35 trở lên, sau khi bị thu hồi đất đã được Hội phụ nữ huyện tổ chức 31 lớp học cho 1.500 người có nghề mây tre, thêu, bện thảm ngô… Dẫu sao bài học của Thạch Thất vẫn chỉ là giải pháp tình thế ở quy mô cấp huyện. Hy vọng Hà Nội sau khi mở rộng, với tiềm năng chất xám, tiềm lực kinh tế của mình, lãnh đạo thành phố sẽ có kế hoạch tổng thể, bước đi bài bản hơn trong lĩnh vực này. 

Thứ hai, nông thôn ngoại thành ở Hà Nội sau khi mở rộng không thể đứng mãi ở thế độc canh cây lúa, cây rau mà phải trở thành nông thôn đa chức năng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Trước hết nói về trồng trọt. Đây là nguồn sống chính của các làng, xã thuần nông thuộc ngoại thành Hà Nội và các huyện của Hà Tây cũ. Từ nhiều năm nay, cây lúa và những cây có hạt ở các địa phương này vẫn không bứt phá lên được bởi chưa tìm ra, ổn định một gống cây đặc thù thù cho năng suất, chất lượng cao. Vừa qua, công luận rộ lên sự kiện nhà nông học, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm chuyển giao giống lúa lai thuần Việt TH3-3 cho anh Đoàn Văn Sáu, một chủ doanh nghiệp sản xuất giống lúa ở tận Nam Định với giá 10 tỷ đồng. Đó là tín hiệu vui cho thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta, vốn còn rất manh nha, ấu trĩ. Song tôi cứ lăn tăn tự hỏi, sao thành phố không dám mạnh dạn mua lại phát minh ấy, đầu tư cho nông dân các huyện ngoại thành trồng đại trà giống lúa mới có thu nhập cao, đồng thời cung cấp giống cho nơi khác, cũng là nguồn lợi không nhỏ? Tôi tin các công dân Thủ đô là những nhà nông học tâm huyết như bà Trâm còn rất nhiều phát minh sáng giá khác, chỉ có điều thành phố có đánh giá đúng giá trị và có dám đầu tư hay không mà thôi. Tương tự với cây rau, hoa, quả thành phố cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết, đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Các vùng rau sạch ở Hà nội, Hà Tây cũ đều đang phát triển rất ì ạch, thiếu hẳn yếu tố công nghệ cao tham gia vào quá trình sản xuất, càng bế tắc về đầu ra bởi sự nhiễu lọan trên thị trường. Hà Nội mở rộng cần học tập người Israel, họ sống trên sa mạc mà vẫn có những cánh đồng nhà kính quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để xuất khẩu rau sạch và hạt giống rau, quả quý kiếm cho nhiều nước trong khu vực. Trong các trang trại trồng rau của họ sử dụng rất ít lao động bởi họ đã ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng những phần mềm điều khiển lai tạo và chọn giống, phần mềm chăm sóc cây nên tiết kiệm tối đa nước tưới và phân bón. Nhiều giống cây ăn quả đặc sản của Hà Nội đang có nguy cơ tuyệt chủng trong cơn lốc đô thị hóa. Điển hình như cây bưởi Diễn, 1 cây bưởi đang độ sung sức, cỡ 5- 7 năm tuổi chỉ cho 400- 500 quả, thu nhập 6,0- 7,5 triệu đồng/năm, nhưng tán cây chiếm diện tích 20 m2 sẽ không có lợi bằng chặt bưởi xây 2 gian nhà cấp 4 cho công nhân hoặc sinh viên thuê mỗi tháng 600 ngàn đồng/1 gian. Làng đào cảnh Nhật Tân, quất cảnh Nghi Tàm (Hà Nội) đã từng biến mất, nay một làng đào cảnh mới nổi tiếng được hơn 10 năm như La Cả (Hà Tây) cũng đang có nguy cơ bị xóa sổ. Có lẽ nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội mở rộng sẽ phải được quy hoạch ổn định lâu dài, hiện đại hóa để trở thành thế mạnh nông nghiệp riêng của Thủ đô, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu giá trị cao. Nhìn sang Hà Lan, nước xuất khẩu hoa, cây cảnh lớn nhất thế giới, họ có 16,34 triệu dân, trong đó dân số nông thôn là 31,4%, cỡ gần 6 triệu người (gấp rưỡi cư dân nông thôn Hà Nội mở rộng là 4,48 triệu người), nhưng giá trị nông sản xuất khẩu của họ mỗi năm đạt tới 17 tỷ USD/năm, trung bình mỗi ha nông nghiệp đạt 4 triệu USD/năm. Đơn cử một vùng hoa Mê Linh rất gần sân bay Nội Bài, nếu ta chọn được giống hoa đặc chủng xuất khẩu giá trị cao, thành phố quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân hiện đại hóa, khép kín từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hái, đóng gói xuất khẩu như Israel hay Hà Lan, chắc hẳn Mê Linh sẽ nhanh chóng giàu có, thu hút các vùng nông thôn ngoại thành khác làm theo.

Đối với ngành chăn nuôi, ngoài mô hình những trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc theo truyền thống vốn có đang cần được hiện đại hóa, nghề nuôi bò sữa có lẽ phải được thành phố đặc biệt quan tâm phát triển. Kinh nghiệm cho thấy mỗi điểm nông thôn chăn nuôi bò sữa phải có quy mô 150- 200 con mới có thể thành lập bồn chứa và sản phẩm đủ ngập cánh khuấy bồn chứa mỗi ngày. Với quy mô như vậy, cần có sự dồn điền đổi thửa cho các hộ chăn nuôi bò sữa có khu trồng cỏ riêng, xa ruộng trồng lúa, trồng rau, đảm bảo cung cấp mỗi ngày 80 kg cỏ/1 con bò. (1 con bò sữa cần 1,0- 1,5 sào đất trồng cỏ). Nhìn vào thực trạng hiện nay thì những điều vừa nêu quả là thách thức lớn và vô cùng phức tạp, nan giải cho các nhà quản lý… 

Cuối cùng, Hà Nội mở rộng đang đứng trước thử thách lớn về môi trường sinh thái nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hoa các làng quê. Những con sông trong hệ thống tưới tiêu ở nông thôn ngoại thành như sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng nề, sông Đáy đang chết và cả sông Tích cũng có nguy cơ sẽ chết dần. Bụi khói và nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp, làng nghề là vấn nạn đặt ra từ lâu đối với canh tác nông nghiệp, nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để. Lãnh đạo Thủ đô mới cần có ngay kế hoạch tỉ mỉ, hệ thống chế tài đủ sức răn đe để bảo vệ môi trường nông thôn.  Mặt khác, thành phố cũng cần có ngay cuộc tổng kiểm tra các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn để hạn chế tối đa sự xâm hại trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa… 

Hà Nội, xuân hè 2008

V.N.T.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.