Với cách làm án hiện nay thì ai cũng có thể bị khép vào Điều 258. Dân chủ và tự do thì hoặc là có hoặc là không. Nếu có dân chủ tự do thì có nghĩa là người dân được làm bất cứ điều gì luật không cấm. Một nhà nước đã tự nhận là pháp quyền thì không thể cho phép tồn tại khái niệm “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hay “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”.
Nếu ai “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(Điều 258) thì (lẽ ra) thủ tục bắt buộc là phải có một cá nhân, tổ chức cụ thể nào đó “tố”. Bước tiếp theo, nếu tổ chức, cá nhân có lợi ích bị xâm hại “tố” có căn cứ thì trước hết phải xử lý theo Luật Báo chí, theo thủ tục Dân sự, trước khi áp dụng thủ tục tố tụng hình.
Nếu những thông tin báo Người Cao Tuổi đưa có dấu hiệu vi phạm tội “tiết lộ bí mật quốc gia” (có thể ở đây là bản kê khai tài sản của ông Phó Tổng Thanh tra) thì Báo là bên liên quan chứ không phải đối tượng bị khởi tố. Báo không phải là cơ quan nắm giữ bí mật nên không có trách nhiệm giữ bí mật để trở thành… bên tiết lộ (Bất cứ bí mật nào khi đã rơi vào tay nhà báo chuyên nghiệp thì đều phải trở thành tin). Đây không phải lần đầu tiên báo chí bị khởi tố tội danh này nhưng thay vì nó phải bị tòa án tuyên là sai thì lại đang trở thành án lệ nguy hiểm cho nghề báo.
Ngay cả khi “việc tiết lộ bản kê khai tài sản” là vi phạm pháp luật thì trong trường hợp này không những nó không gây “nguy hiểm cho xã hội” mà còn hỗ trợ chủ trương chống tham nhũng (nếu Chính quyền muốn chống tham nhũng thật lòng), theo Bộ Luật Hình sự cũng không được coi là có tội (Điều 8).
Báo chí mà vi phạm pháp luật thì cũng không nên được hưởng bất cứ sự miễn trừ nào. Nhưng nếu ông Kim Quốc Hoa có sai phạm thì phải được xử lý đúng trình tự pháp luật. Sau vụ ông Trần Văn Truyền (báo của ông Hoa đưa tin đúng) mà Chính quyền khởi tố ông ngay, khi chưa làm rõ những “sai phạm” khác của tờ Người Cao Tuổi, thì sẽ gửi một thông điệp rất xấu đến công chúng.
H.Đ.