“Chiếc tàu sân bay Liêu Ninh vẫn sở hữu 4 động cơ còn nguyên vẹn khi được mua về và chuyển giao cho quân đội Trung Quốc”, người đàn ông đứng sau thương vụ mua bán đình đám 17 năm trước tiết lộ.
- Hành trình sóng gió đưa tàu sân bay Liêu Ninh về Trung Quốc / Trung Quốc sắp đóng tàu sân bay tự thiết kế thứ hai
Đó là một nhiệm vụ chưa từng có. Ngay sau khi Liên Xô vừa sụp đổ, một doanh nhân nắm trong tay lượng tiền mặt khổng lồ cùng câu chuyện về ước mơ xây dựng casino đã khiến cả thế giới bất ngờ khi quyết định mua phần vỏ một chiếc tàu sân bay chưa hoàn thiện của Ukraine. Con tàu mới đầu được mua với mục đích tuyên bố là dùng để làm casino này về sau trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Lần đầu phát biểu trước báo giới về nhiệm vụ năm xưa, doanh nhân người Hong Kong Từ Tăng Bình đã tiết lộ một loạt chi tiết liên quan đến thương vụ ít ai biết đến này, những dàn xếp nơi hậu trường nhằm hiện thực hóa ước vọng sở hữu tàu sân bay bấy lâu của Bắc Kinh.
Động cơ của chiếc tàu vẫn trong tình trạng nguyên vẹn khi Ukraine năm 1998 quyết định bán nó. Đây là một chi tiết nhạy cảm về mặt quân sự và hoàn toàn trái ngược so với những gì Trung Quốc tuyên bố vào thời điểm đó.
“4 động cơ vẫn được phủ lớp dầu bảo vệ một cách hoàn hảo” sau khi việc đóng tàu bị ngưng lại vào năm 1992, một tín hiệu về kỹ thuật khá hấp dẫn đối với những quốc gia đang tìm mọi cách để hiện đại hóa đội ngũ quân sự của mình như Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên một người có liên quan tới thương vụ này công khai xác nhận các động cơ của tàu sân bay vẫn còn khi nó được mua lại. Theo những báo cáo trước đây, hệ thống phát điện, điện tử và vũ khí của tàu đã bị tháo dỡ tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev của Ukraine trên Biển Đen trước khi ông Từ mua nó với giá 20 triệu USD vào năm 1998.
“Khi kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu đưa tôi đến phòng động cơ, tôi phát hiện ra 4 động cơ vẫn còn mới nguyên và được phủ dầu rất cẩn thận. Một chiếc trong số này đã có giá gốc là 20 triệu USD rồi”, SCMP dẫn lời ông Từ cho hay đồng thời thêm rằng cả 4 động cơ đều hoạt động trơn tru, bình thường sau một đợt đại tu được hoàn thành vào năm 2011.
Cái mà ngày nay thường gọi là tàu Liêu Ninh của Trung Quốc được đóng dựa trên một phần thân vỏ của chiếc Varyag, tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô. Khi xưởng đóng tàu Biển Đen chuẩn bị hoàn thành 2/3 khối lượng thi công thì quá trình lắp đặt tàu bị ngừng lại do Liên Xô sụp đổ. Khối sắt thép khổng lồ trị giá nhiều triệu USD bị bỏ không cho đến khi ông Từ, với tư cách là người môi giới cho hải quân Trung Quốc, đưa ra lời đề nghị mua lại.
Ông Từ cho biết xưởng đóng tàu đồng ý bán bởi tình hình chính trị bất ổn khiến họ rơi vào tình trạng tài chính kiệt quệ.
“Phía Trung Quốc cố ý đưa thông tin sai về việc động cơ bị tháo dỡ để giúp ông Từ dễ dàng đàm phán hơn với xưởng đóng tàu”, South China Morning Post dẫn lời một nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay. Truyền thông phương Tây thời đó cũng khẳng định Mỹ đã gây sức ép buộc Ukraine phải tháo rời mọi thiết bị lắp đặt trên chiếc tàu sân bay và chỉ bán duy nhất phần vỏ cho khách hàng Trung Quốc.
Một đại tá nghỉ hưu thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc nhận định “nhiều khả năng” tàu Liêu Ninh hiện tại vẫn sử dụng các động cơ nguyên bản của Ukraine. “Công nghệ động cơ của Ukraine tốt hơn so với Trung Quốc”, ông nói. “Theo như tôi hiểu, hải quân sau đó đã nhờ cậy phía Ukraine giúp đỡ để khiến các động cơ tàu sân bay, vốn bị niêm phong trong quãng thời gian dài, hoạt động trở lại”.
Việc mua lại chiếc tàu sân bay chỉ là bước khởi đầu. Phải đến 4 năm sau người ta mới có thể kéo nó từ Ukraine về tới bến cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, đồng thời mất thêm 10 năm nữa để trùng tu nó.
Theo Antony Wong Dong, nhà quan sát quân sự tại Macau, sau nhiều năm thương lượng, xưởng đóng tàu Biển Đen của Ukraine cũng đã chuyển giao công nghệ động cơ cho công ty tua bin Cáp Nhĩ Tân, một nhà máy chuyên sản xuất nồi hơi, tua bin và thiết bị hơi nước của Trung Quốc.
Có những dấu hiệu cho thấy các động cơ đã được nâng cấp. “Hệ thống đẩy nguyên bản được thiết kế cho tàu Liêu Ninh giống với tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga, với vận tốc tối đa đạt 32 hải lý/h. Tuy nhiên, tải trọng của tàu Liêu Ninh lại nặng hơn tới 6.000 tấn. Vì thế, theo logic thì nó phải chậm hơn”, ông Wong nhận xét. “Nhưng những đợt chạy thử trên biển lại cho thấy tốc độ lớn nhất của tàu Liêu Ninh cũng tương đương 32 hải lý/h. Điều này cho thấy hệ thống đẩy rõ ràng đã có cải tiến”.
Chiếc tàu sân bay được đổi tên thành Liêu Ninh khi chuyển giao cho quân đội Trung Quốc vào tháng 9/2012 và tới nay vẫn đang sử dụng cho mục đích huấn luyện. Số cờ hiệu của nó là 16. “Bạn có biết vì sao Liêu Ninh lại được đánh số 16 không?”, ông Từ hỏi. “Đó là vì chúng tôi phải mất 16 năm để hoàn thành mọi công việc, từ bước thỏa thuận đến tân trang lại nó”.
V.H. (theo SCMP)
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/doanh-nhan-tiet-lo-bi-mat-trong-vo-tau-san-bay-dau-tien-cua-trung-quoc-3135496.html