Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhận được nhiều khiếu nại nhất liên quan đến tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và cấp nước.
Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” tổ chức sáng nay (20/1), bà Conchita Carpio Morales – thành viên cơ quan thanh tra Philippines nhận định nạn đút lót, hối lộ đang là “kẻ thù” của phát triển và quản trị hiệu quả, cần phải loại bỏ mạnh mẽ. “Các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20 – 40 tỷ USD mỗi năm do hối lộ, đút lót, tham ô và tham nhũng”, bà Morales nhấn mạnh.
Do đó, bà kêu gọi Chính phủ các nước cần có những hành động quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững. Chung quan điểm, đại diện Ngân hàng Thế giới Anders Hjorth Agerskov chỉ ra khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại gian lận, tham nhũng cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau châu Phi và Việt Nam được coi là điểm nóng.
Trong danh sách 20 quốc gia nhận được nhiều khiếu nại nhất, Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Ấn Độ. Ngành giao thông và cấp nước được coi là bị “đệ đơn” nhiều nhất, tiếp đó là nông nghiệp và năng lượng. “Có thể con số này chưa phản ánh hoàn toàn sự thật nhưng là điều cần suy ngẫm”, ông Agerskov nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng nhận định một trong những “nút thắt” lớn với Việt Nam là quản lý tại các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA). Trong 30 năm qua, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 80 tỷ USD, phần lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như cảng biển, sân bay, đường sá… Song trên thực tế, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng tại các dự án này vẫn đáng lo ngại cho các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như nhà tài trợ.
“Những nghi án tham nhũng, hối lộ hay những vi phạm pháp luật khác trong các dự án xây dựng hạ tầng có sử dụng nguồn vốn ODA được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận”, Phó tổng thanh tra Chính phủ – Trần Đức Lượng cho biết trong bài tham luận hội thảo.
Trong đó, điển hình là các vụ án tại Ban quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao thông vận tải năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông – Tây (PCI) năm 2008 và gần đây nhất là nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ.
Các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao. Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận những vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này.
“Trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC) hay vụ án PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ vụ án hình sự khác (cá độ bóng đá)”, ông Lượng cho biết.
Theo người đứng đầu cơ quan Thanh tra, nguyên nhân quan trọng khiến các dự án ODA dễ phát sinh gian lận là một bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng, coi tất cả các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại nên đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất, chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, một số người đứng đầu địa phương, hay bộ ngành có thể có tâm lý hữu khuynh, lo ngại khi những sai phạm bị phát hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển ở cấp quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, dẫn tới đấu tranh chống gian lận tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ODA chưa hiệu quả.
Thông lệ các hiệp định cung cấp ODA cũng quy định khi các hành vi gian lận, tham nhũng được phát hiện thì số tiền sai phạm bị thu hồi sẽ được hoàn trả cho nhà tài trợ mà không thu về Ngân sách Nhà nước. “Những nguyên nhân này có thể tác động tới tâm lý người đứng đầu cơ quan chức năng quản lý khi chỉ đạo thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như quan điểm xử lý sai phạm tại các dự án ODA”, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay.
“Phải thực sự thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn viện trợ không hoàn lại, hoặc chí ít thì đời mình chưa phải lo trả nợ, dẫn tới trình trạng lobby ODA để thực hiện các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, triển khai”, vị này khẳng định.
P.L.