Ý kiến phản biện về quy hoạch cán bộ của Đảng
Trong thông báo của Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua có đề cập đến “quy hoạch cán bộ các chức danh lãnh đạo chủ chốt”, với nhận định đó là tầm nhìn lớn về sự phát triển đất nước. Việc làm này có mục đích công khai rất tốt đẹp. Tôi không phê phán mà chỉ nêu vài ý kiến đóng góp, phản biện để việc thực hiện đem lại kết quả như mong muốn . Dân gian có câu “Tránh vỏ dưa (không khéo lại) gặp vỏ dừa”. Xứ Ba tư cổ có câu nổi tiếng “Khi chuẩn bị làm một việc tốt hãy cố nhìn cho hết những điều xấu có thể gặp”. Đảng đang làm một việc mà công khai là tốt, để tránh cái vỏ dưa là “phải đốt đuốc đi tìm cán bộ trước mỗi kỳ đại hội”, là để tránh sự kém năng lực hoặc sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ. Tôi muốn chỉ ra cái vỏ dừa để tránh nốt, chỉ ra một vài điều xấu có thể gặp để chủ động phòng ngừa.
Trên đây tôi dùng cụm từ “mục đích công khai”. Một số người tự cho là khôn, khi làm việc gì thường chuẩn bị 2 mục đích: công khai và ẩn giấu. Mục đích công khai thường là tốt đẹp, dùng để thông báo cho mọi người nhưng chưa chắc đã phản ảnh đúng hoàn toàn ý muốn của chủ thể. Mục đích ẩn giấu mới là thực lòng, có thể tốt hoặc xấu nhưng vì một vài lý do nào đó không tiện nói ra. Những người thật sự trung thực, thường chỉ có một mục đích, hay là có sự thống nhất giữa ý nghĩ bên trong và lời nói ra ngoài. Mục đích ẩn giấu có thể có hoặc không và nếu có thì nó khác với công khai, có thể là tốt hoặc xấu tùy quan điểm của người xem xét. Trong môn Tâm lý học thực hành người ta cho rằng biết được mục đích ẩn giấu của người khác là rất khó, thường chỉ có thể đoán.
Trong thư “Góp ý kiến chuẩn bị Đại hội 12 ĐCSVN” ( tháng 9 năm 2014 ) tôi có nêu vấn đề bầu chọn cán bộ, đại biểu trong đại hội các cấp. Tuy rằng bầu cử, về công khai là rất dân chủ, tiêu chuẩn người được bầu là rõ ràng và khá cao, khẩu hiệu “Sáng suốt và trách nhiệm lựa chọn…” là đầy đủ, nhưng rồi trong số được bầu chọn vẫn có “Một số không ít cán bộ các cấp các ngành thoái hóa, biến chất, sa sút đạo đức…”. Tại sao vậy ? Theo tôi, tại vì dân chủ chỉ là hình thức, còn thực chất là sự sắp xếp của các thế lực có quyền, có tiền. Sự sắp xếp này tiếp nhận một số kẻ cơ hội, chúng khá khôn ranh, tỏ ra có năng lực, bên ngoài ngụy trang bằng tinh thần vì Đảng, vì Dân, nhưng mục đích ẩn giấu là vì quyền lợi cá nhân, vì lợi ích nhóm. Liệu trong việc “Qui hoạch cán bộ …” có thể lặp lại con đường mòn này không, có dẫm phải cái vỏ dừa này không.
Một việc dự định làm, ngoài mục đích tốt đẹp còn phải có các điều kiện cần thiết để thực hiện, nếu không thì chỉ là rơi vào trạng thái duy ý chí và thất bại. Mục đích “Người cày có ruộng” của cải cách ruộng đất là tốt nhưng việc làm đã quá sai lầm. Mục đích “Phát triển nông nghiệp, mang lại ấm no” của phong trào hợp tác hóa là tốt nhưng rồi đã mang lại sự kiệt quệ của nền kinh tế.
Mục đích công khai của “Quy hoạch cán bộ …” là tốt đẹp nhưng để thực hiện được thì cần phải có một số điều kiện mà theo tôi thì hiện nay còn thiếu hoặc cần xem xét.
Thứ nhất là tiêu chuẩn. Nhiều người quyền lực có một tâm lý là muốn người khác theo mình, giống minh vì thế mà thích chọn ra những kế nghiệp có cùng quan điểm. Để xã hội tiến lên đòi hỏi thế hệ sau phải hơn thế hệ trước, phải phát hiện và sửa chữa được sai lầm của thế hệ trước. Vậy trước hết không nên đặt tiêu chuẩn chọn người để kế tục tất cả những việc làm của mình (trong đó có việc thực ra là sai mà mình tưởng nhầm là đúng) mà chọn người biết cách phát hiện và khắc phục, sửa chữa những cái sai mình phạm phải. Lý Quang Diệu chọn công chức chủ yếu dựa vào hai tiêu chuẩn: thông minh và liêm khiết, còn tiêu chuẩn số một của Đảng CS là sự trung thành. Sẽ là rất khó để một người đang có chức quyền tự nhận ra cái sai, cái kém của mình, tự phủ định mình, để chấp nhận, để đề bạt người khác có tài năng hơn nhưng có một vài quan điểm khác. Quá khó, may ra chỉ có một số ít những bậc hiền nhân mới có thể làm được. Đây là lý do để việc quy hoạch cán bộ khó tìm được người thực tài mà dễ tìm được kẻ cơ hội vì kẻ cơ hội biết phô ra năng lực giả tạo và che đi mục đích ẩn giấu, còn người thực tài thường thể hiện trung thực sự bất đồng quan điểm và vi phạm vào tiêu chuẩn, bị loại ngay từ đầu.
Được biết Trung ương đã mở 5 khóa đào tạo với trên 400 học viên được giới thiệu từ cơ sở, được học bài bản, học viên có phẩm chất cao về trí tuệ và đạo đức. Tôi không biết họ được tiếp thu những lý thuyết nào, chỉ đoán rằng phần lớn những điều đó đều nhằm củng cố và mở rộng các quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lê nin về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Nếu quả thật như vậy thì học càng cao càng có khả năng đi chệch đường.
Thứ hai là sự trong sạch, sự liêm chính của xã hội. Hiện nay một tệ nạn đang ngấm ngầm hoành hành là nạn mua quan bán tước. Tệ nạn này tạo ra môi trường độc hại nhằm dung dưỡng những kẻ cơ hội có tiền và loại bỏ những người trung thực có tài. Nạn mua bán quan tước và danh vị là do tệ tham nhũng sinh ra. Tệ tham nhũng lại được sự độc quyền nuôi dưỡng. Trong môi trường như vậy mà tìm cách quy hoạch cán bộ thì không khéo “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Từ chỗ chạy chức chạy quyền sẽ chuyển thành chạy chỗ trong quy hoạch. Rõ ràng là phải chiếm được một chỗ trong quy hoạch thì mới mong tìm đường tiến thân. Cách làm như vậy chỉ thích hợp với kẻ cơ hội có tiền, không thích hợp với người có thực tài , biết tự trọng. Gặp môi trường không trong sạch thì người có thực tài sẽ tìm lối thoát thân bằng cách nhập vào dòng “chảy máu chất xám” hoặc ôm hận chờ thời chứ không chịu bỏ tiền ra chạy một chỗ trong quy hoạch.
Cứ hy vọng là trong số cán bộ được quy hoạch, được đào tạo bài bản, một số có năng lực và đạo đức thực sự. Liệu số này sẽ làm được gì trong môi trường xã hội đầy tham nhũng, đầy tệ nạn mua bán chức tước.
Tôi nghĩ, để phát hiện được người có năng lực, có phẩm chất thì bên cạnh việc quy hoạch nên tìm cách tạo ra môi trường thật sự tự do cho mọi tài năng , thật sự dân chủ và bình đẳng cho mọi người. Chính sự tôn trọng tự do, dân chủ và bình đẳng mới có nhiều khả năng trong lúc tránh vỏ dưa thì tránh được cả vỏ dừa.
N.Đ.C
Tác giả gửi BVN