Biển Đông: Chiến lược Đơn điệu của Trung Quốc có thể phát huy tác dụng

Một tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc (bên trái) chặn một tàu của Cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 14/5, gần vị trí giàn khoan dầu của Trung Quốc (bên phải, phía sau) được lắp đặt tại vùng biển tranh chấp ở biển Đông khu vực bờ biển Việt Nam. (Ảnh Internet)

Chính quyền Trung Quốc đang có được lợi thế trong việc giành quyền kiểm soát biển Đông, nhưng điều này ít được nhận thấy trên các trang báo. Lý do cho việc này có liên quan đến một đặc điểm đáng buồn trong giới báo chí. Về cơ bản, Trung Quốc đang tiến hành quá nhiều động thái ở biển Đông khiến việc đó không còn là tin tức nóng hổi nữa.

Vấn đề là trong khi Trung Quốc liên tục có những tuyên bố quyết liệt về chủ quyền đối với khu vực này, hành động thường ngày của nó cũng hung hăng không kém. Đối với các nhà báo, tính đơn điệu trong động thái của Trung Quốc có nghĩa là tin tức của ngày hôm nay không có khác biệt nhiều so với ngày hôm qua. Chính quyền Trung Quốc vẫn đang ra sức tuyên bố chủ quyền và tiến hành các cuộc xâm lấn tại vùng biển Đông. Các nước láng giềng của Trung Quốc thì vẫn không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc.

Trung Quốc dường như nhận ra lợi thế của chiến lược đơn điệu. Cụ thể, chính quyền này có vẻ nhận thức sâu sắc rằng tin tức báo chí sẽ chìm lắng xuống khi nó không thay đổi hay giải quyết những vấn đề bị chỉ trích.

Vấn đề trên cũng tương tự như cuộc tấn công mạng Google của Trung Quốc mà Google đã tiết lộ vào tháng Giêng năm 2010. Hàng loạt các bản tin đã đăng tải về sự kiện này khi Google lần đầu công bố về các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh gọi các cuộc tấn công này là “Chiến dịch rạng đông – Operation Aurora”. Nhưng sau đó, tin tức về các cuộc tấn công đã nhanh chóng qua đi. Trong khi báo chí dừng đưa tin về các cuộc tấn công Google, các tin tặc Trung Quốc vẫn không ngừng các cuộc tấn công của họ đối với Google.

Vấn đề của giới báo chí khi đưa tin về nội dung trên là họ chỉ có thể lặp lại rất nhiều lần rằng “Trung Quốc vẫn đang tấn công Google”, cho đến khi độc giả không thèm đọc nữa.

Các nhà báo thường phải đối mặt với áp lực từ hai phía. Một trong những vai trò truyền thống của báo chí là hoạt động như một cơ quan giám sát – để báo động về các vấn đề và cảnh báo cho công chúng và các nhà lập pháp. Đồng thời, đó cũng là một ngành công nghiệp hoạt động vì độc giả, nên nếu báo chí không thể tìm ra thông tin gì mới mẻ hay thú vị để đăng tải, họ sẽ khó mà duy trì được sự chú ý của độc giả đối với một chủ đề nào đó.

Vấn đề trên dẫn đến hậu quả là, khi áp lực từ báo chí và các làn sóng phản đối sau đó của công chúng không đến được tai các nhà lập pháp, thì tình hình có xu hướng lắng xuống. Về vấn đề biển Đông, hiện giờ chúng ta đang thấy rằng áp lực quốc tế lên chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu suy yếu.

Ví dụ, trong tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu xem nhẹ một báo cáo được công bố vào đầu tháng 12, trong đó không công nhận tuyên bố của Trung Quốc đối với biển Đông. Các quan chức hiện giờ không còn gây sức ép yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ các yêu sách với lòng nhiệt thành như khi báo chí tích cực đưa tin, thậm chí hiện giờ họ còn có vẻ bắt đầu bỏ cuộc.

Bản chất đáng buồn của giới báo chí, khi liên quan đến các sự kiện diễn ra trên thế giới, đó là đôi khi họ bớt đưa tin một số vấn đề nếu không có gì độc đáo xảy ra, ngay cả khi vấn đề đó có mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới tự do – như các yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông.

Trong trường hợp biển Đông, khi mà chính quyền Trung Quốc hiện đang có được lợi thế trong yêu sách chủ quyền quyết liệt của mình, có thể thấy rõ tác động của việc thiếu đưa tin về các chủ đề quan trọng nhưng đơn điệu.

J.P.

Nguồn: http://vietdaikynguyen.com/v3/26070-bien-dong-chien-luoc-don-dieu-cua-trung-quoc-co-the-phat-huy-tac-dung/

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.