Những điều bác Trực Ngôn nói đều là những điều đáng nói, bởi đang diễn ra như cơm bữa trong thực tế hàng ngày. Nhưng cũng có những điều bác kiểm nghiệm chưa đến nơi, hoặc vì vấn đề nhạy cảm nên chỉ mới hé lộ một phần.
Chẳng hạn bác Trực Ngôn đâu biết rằng trong khi đi tìm mua một tờ báo chính thống ở những người bán báo dạo không ra thì lại có một nơi bán những loại báo ấy rẻ rề, mà muốn mua bao nhiêu cũng có. Không những báo, cả những sách kinh điển được xem là gối đầu giường, đến đấy cũng thấy bị xé bìa, chồng đống không biết bao nhiêu mà kể. Đó là các cửa hàng bán giấy lộn và giấy gói đồ. Lạ một cái, năm 1979, người viết những dòng này nhân có việc đi qua chợ Cồn, Đà Nẵng đã thấy những sách báo nói trên chất chồng ở đấy.
Vì sao thế nhỉ? Phải chăng vì loại xuất bản phẩm này không được coi là hàng hóa nên được in vô tội vạ nhằm thỏa mãn tâm lý “kiêu ngạo cộng sản”: chắc chắn các điều hay lẽ phải như kia thì phải có nhiều người đọc chứ. Và chính vì vậy, quy luật thị trường khắc nghiệt đã đặt chúng trở lại đúng với tính chất hàng hóa của chúng, mà hàng hóa ở đây đã chuyển đổi chức năng thành… giấy bao bì. Cho hay, không tính toán giữa cung và cầu thì phải trả giá rất đắt. Mô hình kinh tế nhà nước thua lỗ cũng chính trên cơ sở duy ý chí như vậy.
Chuyện chiếc máy ATM giết người thì giản đơn thôi. Cơ quan nào cho dựng máy lên tất phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người rút tiền ở máy. Khốn nỗi nước ta có đủ các bộ luật dày cộp, nhưng xử án thì không cần căn cứ vào luật, nên người phạm luật mới không bị tội, hoặc thoát tội nhờ luật này cãi nhau với luật kia, hoặc nữa dưới luật còn bao nhiêu điều khoản phải chiếu cố, nào thành tích, nào nhân thân. Cái chết tức tưởi của người dân, bởi thế đều rơi tõm vào im lặng, lặp đi lặp lại mãi, khiến dây thần kinh xúc cảm của đám đông cũng mất nhạy bén. Sự phó mặc của cơ quan chức năng trở thành điều nhức nhỗi.
Còn chuyện đạo văn thì không nói hết nữa, bởi vì tệ nạn đạo chích xét từ nhiều phương diện đã phổ biến đến mức án từ chồng đống, chưa nói đến loại trộm cướp ngang nhiên như lâm tặc không coi kiểm lâm ra gì, công an giao thông “làm luật” trên các nẻo đường không coi phép nước là cái gì cả. Hay như gần đây ở các tỉnh miền Trung kẻ cướp dùng mọi phương tiện chặt phá, chuyên chở tối tân, đang đêm kéo đến chặt hết cả một trang trại cà phê hay hồ tiêu đang sắp thu hoạch rồi rùng rùng kéo nhau chở đi. Nhưng quan trọng hơn là cái loại trộm cướp hợp pháp, trắng trợn cướp không đất đai nhà cửa của dân mà lại được coi là đúng luật, người bị cướp gõ khắp mọi cửa đều vô vọng, chuyện ấy còn gây chấn động tâm lý sâu rộng hơn mấy cái thứ trộm cướp táo tơn kể ở trên. Cũng tương tự như thế, chẳng phải trong nhiều năm từ 2009 trở về trước, Tập đoàn Than – Khoáng sản từng đưa hết xe lớn xe nhỏ đi khai thác than lậu ùn ùn giữa ban ngày ban mặt ở Quảng Ninh, vét sạch than bán sang Trung Quốc, thế mà Chính phủ có làm gì họ đâu nếu không nói là còn giao cho họ những trọng trách kiếm bộn tiền hơn.
Thế thì mấy cái việc “luộc” văn giữa nhà giáo nhà văn với nhau, tuy rất xấu hổ nhục nhã thật, đứng về ảnh hưởng xã hội mà nói đã thành ra chuyện nhỏ. Sự thoái hóa phẩm cách làm người trong xã hội hình như đang là một tệ nạn vô phương mà nguồn gốc đầu tiên là bài học trực quan từ những vụ cướp đoạt “danh chính ngôn thuận” do các tập đoàn lợi ích được chính quyền các cấp tiếp tay hoành hành. “Hạ tắc loạn” là hậu quả không sao tránh được.
Nguyễn Huệ Chi
Tuần qua có nhiều việc sai là do người ta không nghĩ đến con người, do họ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân hoặc thậm chí do họ chẳng thèm bỏ công suy nghĩ trước khi làm.
100.000 đồng một… tờ báo nhưng không có mà mua
Mới đây, tạp chí Xây dựng Đảng mở hội thảo với nội dung làm thế nào để tạp chí này vừa tăng tính định hướng vừa hấp dẫn bạn đọc hơn.
Câu hỏi của ông Đỗ Xuân Định, Tổng biên tập tạp chí Xây dựng Đảng “để tạo nên sức thu hút, phải chăng có một nhân tố quan trọng, đó là cơ quan chủ quản tạo điều kiện cho người viết đi vào cả những vấn đề gay cấn, nóng bỏng, nhạy cảm, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, trí tuệ và mở rộng dân chủ?” cũng chính là điều mà bạn đọc mong đợi.
Quả thực đây là một hội thảo lý thú và bổ ích cho dù ai cũng hiểu rằng tính hấp dẫn luôn là mục đích quan trọng của mọi tờ báo hay tạp chí. Và những người lãnh đạo của tạp chí Xây dựng Đảng cũng hiểu rõ rằng: thực tế lâu nay, hầu hết các tờ báo hay tạp chí như vậy không đến được nhân dân – bạn đọc chính yếu. Nhiều bạn đọc uống cà phê buổi sáng hay trêu chọc những người bán báo dạo khi họ đòi mua một trong những tờ báo của Đảng với giá gấp 50 lần (khoảng 100.000 đồng) những tờ báo khác. Nhưng dù với một “siêu giá” như vậy, những người bán báo dạo cũng đành lắc đầu chịu mất một “món hời” lớn.
Câu chuyện đó cho thấy bạn đọc vẫn đợi chờ một cuộc cách mạng những tờ báo và tạp chí của cơ quan Đảng khi những tờ báo hay tạp chí này chỉ tới được các tổ chức Đảng các cấp mà không tới được nhân dân. Trong khi đó, mục đích của những tờ báo hay tạp chí đó là phải tới được nhân dân thì mới tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng vào nhân dân một cách có hiệu quả và mới định hướng nhân dân được.
Nguyên nhân duy nhất là những tờ báo này không đề cập đến mối quan tâm của người dân, không dám thẳng thẳn với những vấn đề yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hay trong mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và nhân dân.
Lâu nay, có không ít người quan niệm làm những tờ báo, tạp chí hay những chương trình về Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác như truyền hình hay phát thanh là không thể hay được. Đây là một quan niệm sai lầm. Chúng ta nhớ lại báo chí của Đảng trong những năm tháng Đảng còn đang hoạt động bí mật hay những năm sau khi đất nước giành được độc lập đã được quần chúng đón nhận đặc biệt và trở thành một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của Đảng và lòng tin cho nhân dân.
Vì sao vậy? Vì nội dung của những tờ báo hồi đó luôn gắn liền đến vận mệnh của đất nước và lợi ích của nhân dân. Nhưng bây giờ, hiện thực cho thấy những người trực tiếp thực hiện làm những tờ báo, tạp chí… này đã bỏ mất sứ mệnh đó. Hay nói chính xác hơn, họ không được khuyến khích làm điều đó.
Trong hội thảo này, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Văn An đề cập đến vấn đề nhân sự của Đại hội Đảng lần thứ 11: “Chúng ta phải có cơ chế cạnh tranh thế nào để chọn được người đứng đầu xứng đáng? Tôi là người lạc quan nhưng cũng có lúc bi quan. Phải có hệ thống phân công và kiểm soát quyền lực thế nào để làm giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cơ hội?”
Theo ông Nguyễn Văn An, vấn đề nhân sự nói trên cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của Tạp chí trong giai đoạn này. Hay nói rộng hơn, việc xây dựng một Đảng trong sạch và vì dân không chỉ là sự sống còn của Đảng mà là sự sống còn của đất nước trong đó gắn liền với mọi lợi ích của nhân dân. Nếu Tạp chí đặt vấn đề đó một cách thẳng thắn và khoa học thì sẽ trở nên hấp dẫn. Bởi vấn đề này là một trong những vấn đề cấp bách của Đảng và bức xúc của nhân dân.
Và thật đơn giản nhưng logic khi nói rằng: nội dung và sự hấp dẫn của tờ báo chính là thể hiện một cách đúng nhất chủ trương thực hiện dân chủ mà Đảng đang kêu gọi.
Bảng so sánh giữa một bà bán nước vỉa hè và một cán bộ nhà nước
So sánh này có ý gì đây?
Xin thưa quí vị, chỉ có một ý là để xem hai người này đang sống với ý thức nào đối với xã hội mà thôi.
Bây giờ, tôi xin đưa ra các thông số về hai nhân vật nói trên để các quí vị cùng so sánh. Vì tôi là người biết ít nhiều về hai nhân vật này và được chứng kiến hành động của cả hai người.
Người thứ nhất: Bà bán nước vỉa hè: không tiền lương, không bằng cấp, không chức vụ, không tài sản nào đáng giá.
Người thứ hai: Một cán bộ nhà nước: có hai bằng, một Cử nhân, một Thạc sỹ, có chức vụ tuy chưa cao, có lương và các thu nhập khác.
Hai nhân vật này có hành động ngược nhau trong cùng một vấn đề: môi trường. Bà bán nước tên là bà Tim, còn gọi là bà Hòa. Theo bài báo rất hay trên VietNamNet của tác giả Nguyễn Tuyến thì bà Tim đã mấy chục năm nay bỏ tiền túi ra mua thóc, gạo để nuôi hàng trăm con… chim sẻ ở góc đường Bà Triệu – Tô Hiến Thành. Tôi đã tìm đến nơi bà Tim bán nước và chứng kiến những gì mà nhà báo Nguyễn Tuyến viết.
Còn ông cán bộ nhà nước mà tôi không tiện đưa tên ra đây (cho dù tôi biết ông) thi thoảng cuối tuần mặc soọc trắng, đi xe máy và có lúc đi xe hơi với một khẩu súng hơi Đức. Ông đến các vùng như Hồ Tây, Đồng Mô và một vài vùng ngoại thành để săn bắn chim sẻ và các loại chim khác. Và cuối chiều ông trở về với một xâu chim các loại mà chủ yếu là chim sẻ dài quét đất.
Thế giới đang phải gánh chịu những thảm họa kinh hoàng do sự tàn phá môi trường của con người gây ra. Đồng thời, tất cả các quốc gia đang kêu gọi con người hãy gìn giữ môi trường. Nhưng ở Việt Nam, một đất nước mà chúng ta từng tự hào về một thiên nhiên phong phú và xinh đẹp đang trở thành một trong những nước tàn phá môi trường trầm trọng nhất.
Với những người dân ngèo đói và ít hiểu biết, thì việc tàn phá môi trường một cách vô thức cũng khó mà chấp nhận được. Nhưng điều tệ hại vạn lần là những người có học hành hẳn hoi lại ngang nhiên tàn phá môi trường. Hành động tàn phá môi trường của những cán bộ này thể hiện từ việc xách súng hơi săn bắn chim như một thú chơi cho đến việc họ trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những hành động tàn phá môi trường.
Cái thú ăn thịt thú rừng là cái thú của những người có tiền. Nếu bạn vào một quán đặc sản thú rừng ở bất cứ đâu thì những người ăn thịt thú rừng phần lớn là cán bộ nhà nước. Rồi những công trình bê tông khổng lồ mọc lên và giết chết cả một vùng thiên nhiên đẹp và cần thiết cho môi trường là những công trình được chính quyền ở các địa phương hay bộ ngành nào đó ký giấy phép.
Khi chúng ta kêu gọi xã hội bảo vệ môi trường thì các cán bộ nhà nước phải đi đầu trong mọi hành động. Cũng như khi ta kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì cán bộ nhà nước phải dùng hàng Việt nam trước. Tất nhiên không ai bắt họ phải dùng 100% hàng Việt Nam.
Nhưng thực tế người dùng hàng ngoại nhiều nhất như hàng may mặc, rượu, thuốc lá, hàng điện tử, đồ gỗ, thực phẩm, dược phẩm, đồ sứ… lại là cán bộ nhà nước. Đặc biệt là những loại hàng xa xỉ được ối ông cán bộ nhà nước dùng quá nhiều. Vì vậy, một số chính sách hay một số lời kêu gọi cũng vẫn chỉ là chính sách, là lời kêu gọi mà thôi. Vì cán bộ không thực hiện thì làm sao mà người dân thực hiện.
Cũng chính vì những điều tưởng đơn giản này khi không được thực hiện một cách nghiêm túc lại trở thành những câu chuyện tiếu lâm hiện đại trong nhân dân.
Bởi thế người ta càng xúc động và kính trọng những người dân như bà Tim thì lại càng mất lòng tin vào những cán bộ như ông cán bộ thích săn bắn chim kia.
Chỉ vì người ta không thực sự nghĩ đến con người
Chúng ta từng chứng kiến những chiếc máy ATM nuốt thẻ hoặc nuốt mất cả tiền. Một thời, người ta gọi những chiếc máy ATM như thế là máy ĂN TIỀN MẶT. Còn bây giờ, những chiếc ATM này đang trở thành những chiếc máy “giết người” mà thực tế đã chứng minh. Sau vụ máy ATM “phạm tội” giết người, kết quả kiểm tra độ an toàn của các máy ATM ở TP Hồ Chí Minh cho thấy có cả trăm chiếc máy ATM rò điện. Nghĩa là, có cả trăm tên tội phạm “giết người” mang tên ATM trú ngụ công khai và sẵn sàng cướp đi sinh mệnh của bất cứ ai.
Trong một cuộc họp báo, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP HCM khẳng định: “Trên thực tế, việc gắn CB cho máy ATM khá dễ, không tốn kém mấy và khi có sự cố thì CB sẽ tự động ngắt điện ngay”.
Dễ như vậy và không tốn kém như vậy sao người ta không làm? Tất cả là vì một lý do: người ta không thực sự nghĩ đến con người.
– Người ta có nghĩ đến con người không khi làm một công trình để lại một cái hố sâu và đã cướp đi sự sống của những đứa trẻ?
– Người ta có nghĩ đến con người không khi đã không xây dựng đúng thiết kế những chung cư cao cấp để xảy ra hỏa hoạn giết chết cả hai mẹ con?
– Người ta có nghĩ đến con người không khi loại bỏ những học sinh yếu kém hay cá biệt ra khỏi cộng đồng học sinh chỉ vì sợ chúng làm ảnh hưởng thành tích?
– Người ta có nghĩ đến con người không khi xâm chiếm các hồ nước và công viên?
– Người ta có vì con người không khi lấy đất của những người nông dân làm dự án sân golf chơi bời với những lời hứa mỹ miều về công ăn việc làm của họ nhưng lại quên ngay sau khi có đất?
Nếu đặt những câu hỏi tương tự như thế này có lẽ chúng ta phải hỏi từ đêm tối đến ban mai. Chẳng lẽ có những điều thật đơn giản cũng trở thành câu hỏi đau lòng ư?
Tôi nhớ lần đầu tiên đi nước ngoài, thấy bên cạnh những bậc thềm rất rộng bước lên một tòa nhà lại có một lối đi khác. Tôi nghĩ sao người ta làm lắm lối đi như thế làm gì cho tốn phí và thêm rối. Sau mới biết, lối đi đó dành cho những người già yếu chân, dành cho những bà mẹ có xe đẩy trẻ con và dành cho những người tàn tật.
Khi hiểu ra thấy lòng vô cùng xấu hổ. Vì quả thực ở nước ta hầu như các công trình xây dựng không có lối đi đó. Tất nhiên đấy chỉ là một trong muôn vàn cách mà người ta biểu lộ tình thương yêu đối với con người mà thôi. Còn chúng ta làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình hoặc của nhóm mình mà thôi.
Bây giờ, người dân đang nửa đùa nửa thật nói rằng: ai đó tranh thủ lúc này hãy nhanh chóng sản xuất một mặt hàng mới gọi là “găng tay ATM”. Nghĩa là, những ai có thẻ ATM nên mua một chiếc găng tay cách điện. Để khi cần lấy tiền thì đeo găng vào như thế có thể tránh được một “cái chết bất ngờ”. Nói thì có vẻ ngoa ngôn, nhưng nếu những cơ quan liên quan không có trách nhiệm thì chẳng còn cách nào khác để tự bảo vệ sinh mạng của mình là dùng “găng tay ATM” chỉ made in Vietnam mà thôi.
Đừng để nền học vấn nước nhà là quả bóng bóng xà phòng
Vụ PGS TS Phan Thị Cúc – người bị tố “xào nấu” giáo trình của PGS TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp và Ths Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn bảo hiểm (ĐH Kinh Tế TP HCM) không phải là chuyện lạ ở nước ta. Vụ này cũng chỉ là một trong một chuỗi các vụ đạo văn mà báo chí đã công bố thậm chí có những vụ đã phải đưa ra tòa
Chuyện “đạo kiến thức” ở nước ta xảy ra ở nhiều cấp độ. Sinh viên “đạo khóa luận” của sinh viên, giảng viên “đạo ý tưởng” của học trò, Tiến sỹ “đạo luận án” của Cử nhân, Giáo sư “đạo công trình” của Thạc sỹ, nhà văn “đạo văn” của nhà văn, nhà báo “đạo báo” của nhà báo… Rồi đi ngược lại một chút thì chúng ta thấy các phụ huynh mua điểm, mua học bạ… cho con có thể gọi là “đạo học bạ”. Rồi người ta đạo cả cách chụp ảnh ăn mặc hở hang nữa có thể gọi là “đạo ảnh nuy”.
Nhưng có một loại “đạo” nữa có thể gọi là “đạo bằng”. Đó là những cán bộ mua bằng cấp, mua luận án Thạc sỹ, Tiến sỹ của các “chuyên gia” sản xuất luận án có công nghệ như một nghề kinh doanh. Và thế, chỉ sau một đêm ngủ dậy, bạn có thể thấy các Thạc sỹ, Tiến sỹ mọc lên “như nấm” sau mưa quanh mình. Tấm bằng kiểu này phát cho những Thạc sỹ, Tiến sỹ kiểu ấy giống như mác rượu nhưng lại dán vào một cái vỏ chai nước.
Có những người quen sau một hai năm không gặp, bỗng một ngày gặp lại và được nhận một cái danh thiếp. Nhìn vào cái danh thiếp ấy, chúng ta bàng hoàng vì chỉ mới từng ấy năm mà người bạn kia đã mài dùi kinh sử như thế nào không biết mà có được đến hai, ba cái bằng.
Thưa các vị, chúng ta quả thực đang sống trong một xã hội với quá nhiều phong trào; phong trào xóm xóm, làng làng mở lễ hội, phong trào truyền hình trực tiếp, phong trào gia đình văn hóa, làng văn hóa, phong trào làm Thạc sỹ, Tiến sỹ… Ngay mới đây, Hà Nội còn ra chỉ tiêu đến năm nào đó sẽ “Tiến sỹ hóa cán bộ”. Đấy không phải là một chiến lược mà thực chất là một phong trào. Nhưng các vị nhớ cho rằng phong trào là những hoạt động mang tính xã hội chứ không phải là khoa học.
Nhưng lâu nay, bằng cấp là một trong những điều kiện quan trọng để thăng quan tiến chức. Có cung ắt có cầu, thế là người ta lao vào phong trào Thạc sỹ, Tiến sỹ. Và đương nhiên, có những cán bộ suốt ngày họp hành và dự mít tinh thì làm sao có thời gian để nghiên cứu công trình. Nhưng họ vẫn trở thành Thạc sỹ, Tiến sỹ. Quả là công nghệ đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ ở nước ta quá ư hiện đại với khẩu hiệu “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.
Trần Vũ Ben bạn tôi, người lấy bằng Tiến sỹ ở Đại học Berkeley, cho biết: để được Hội đồng khoa học của trường chấp nhận cho anh làm Tiến sỹ, anh phải đọc khoảng 300 cuốn sách liên quan đến đề tài làm Tiến sỹ của anh một cách cực kỳ chi tiết. Khi phỏng vấn, Hội đồng khoa học có thể hỏi bất cứ chương nào ở bất cứ cuốn sách nào trong 300 cuốn sách đó mà anh không trả lời được thì anh khó lòng được chấp nhận làm Tiến sỹ.
Việc “đạo kiến thức” và mua bằng cấp đưa đến hai điều vô cùng tồi tệ cho đất nước. Một, nó từng bước làm mục ruỗng nhân cách trí thức. Hai, nó tạo ra một quả bong bóng xà phòng về nền học vấn nước nhà. Cả hai điều này là hai căn bệnh vô cùng hiểm nghèo đối với mọi đất nước.
TN
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-23-nen-hoc-van-bong-bong-xa-phong-va-san-xuat-gang-tay-atm-