Nơi tôi ở, người dân đầu tắt mặt tối lo việc mưu sinh, họ ít quan tâm về thời sự. Những cán bộ, đảng viên lão thành đã nghỉ hưu là những người rảnh công rỗi việc nhứt, họ thường tụ năm tụ ba uống trà hoặc cà phê trao đổi thời sự mang tính chất tiêu khiển. Dường như các cụ thích kể cho nhau nghe và lên án tệ bè phái, tham nhũng. Và mỗi khi đến mùa bầu cứ, các cụ nặng võ đoán về hướng quan chức ai lên, ai xuống từ cấp Cơ sở, Địa phương đến cấp Trung ương.
Như thường lệ, đã sắp đến “mùa bầu cử”, nơi quan trường, quan chức chạy đôn chạy đáo chẳng những kiếm ghế, giữ ghế cho bản thân còn lo cho phe cánh của mình. Còn các cụ nghỉ hưu rảnh rỗi làm gì, tha hồ đoán già đoán non về nhân sự bộ máy Đảng và Nhà nước.
Hơn tháng qua, nghe đâu tỉnh tôi Trung ương sẽ đưa về 2 nhân vật, định cơ cấu vào ghế Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an, khiến cho dư luận bàn về nhân sự càng sôi nổi hơn.
Ở cuộc trà đàm, các cụ bàn sôi nổi về phẩm hạnh cán bộ rồi xếp ghế: Ai nên/sẽ làm Bí thư; ai nên/sẽ làm Chủ tịch; ai còn ai mất…Nói chung là họ có ý tốt, muốn có người tài đức lên nắm quyền để cải thiện tình hình. Họ say sưa bàn, tôi say sưa nghe. Một nhà giáo nhìn tôi nói:
– Nãy giờ tôi thấy anh “bóc lột” chúng tôi quá đáng rồi đó, có ý kiến đi chớ?
Bị các bô lão thúc ép, tôi buột miệng:
– Muốn cải thiện tình hình, “không phải ai, mà là thể chế nào?”.
– Ý anh là sao nói rõ nghe xem? – Một đảng viên lão thành gạn hỏi tôi.
Nhìn mọi người tôi cười rồi nói:
– Nhập gia phải tùy tục hay vào chùa phải kính Phật? Nếu vẫn thể chế độc tài thì dù ai lên cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của thể chế ấy. Cũng như, còn là đảng viên, phải tuân thủ 20 điều Đảng cấm?
– 19 điều đã nghẹt thở mà anh lại cho thêm một điều nữa! – Một đảng viên chỉnh tôi.
– 19 điều là trước đây, – tôi nói. Mới đây Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ta trực tuyến căn dặn đảng viên “không được xem thông tin ngoài luồng”. “Không được” chẳng đồng nghĩa với cấm còn gì? Vậy là 20 chớ đâu còn là 19 nữa?
Thấy mọi người im lặng, tôi nói tiếp:
– Dân ta đang khổ và bực bội vì nạn bè phái, tham nhũng. Chúng từ đâu ra nếu không phải từ thể chế chính trị độc tài? Ngày nào còn thể chế độc tài thì ngày ấy còn dung dưỡng cán bộ, nạn bè phái, tham nhũng. Bao nhiệm kỳ, ngay nhiệm kỳ này, Trung ương cũng cử về đây một vị thủ vai Bí thư Tỉnh ủy, thử hỏi, đã sắp hết nhiệm kỳ, ông ta có làm được việc gì đáng nói, ngay cả tham nhũng cũng chẳng chặn đứng được. Vậy vấn đề đặt ra không phải là ai, mà thể chế chính trị nào. Độc tài hay Dân chủ, hãy chọn một trong hai. Mới đây, tại nước Đức, trước chính khách và báo giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thừa nhận: “Dân chủ, Xã hội Dân sự là xu thế thời đại, Việt Nam không ngoại lệ…” .
Một lão đảng viên cao hứng khẳng định:
– Chỉ có thể chế Dân chủ mới chọn được người tài đức lên nắm quyền, mới trị được nạn kéo bè kéo cánh, tham nhũng. Không nói chi nhiều, chỉ cần có tự do báo chí là bọn cơ hội rụng hết thôi. Không thấy sao, tờ Người cao tuổi “xé rào”, đưa cơ ngơi ông Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền lên báo, dân chúng biết, gây sức ép, buộc Trung ương phải điều tra, xử tội ông ta, khiến cho bọn tham nhũng cũng bắt đầu ớn chớ bộ chơi? Vậy là phải tung hô “Thể chế Dân chủ vạn tuế!”. Nghe vậy, một đảng viên quả quyết bảo:
– Nếu vậy thì sắp tới Đảng ta phải chọn thể chế Dân chủ thôi để cứu nguy.
Tôi lắc đầu không mấy tin tưởng:
– Chưa chắc đâu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý với Ban soạn thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12 của Đảng sắp tới với đại ý: “Cũng phải dựa vào Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp hiện hành mà viết ra thôi”.
– Nếu tiếp tục dựa vào Cương lĩnh Đảng và Điều 4 Hiến pháp thì mong gì có thể chế Dân chủ? Nạn bè phái, tham nhũng… tiếp tục lộng hành, dân chúng sẽ nổi loạn thôi. – Một người nói với vẻ âu lo.
Không ngờ, việc tôi trích dẫn gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban soạn thảo văn kiện… lại làm cho những đảng viên có mặt trong cuộc trà đàm này chuyển trạng thái từ cao hứng sang cụt hứng.
25/11/2014
T.T.
Tác giả gửi BVN