Lời khai của người làm chứng là một loại chứng cứ trong vụ án hình sự.
Mặt khác, nguyên tắc cơ bản khi tiến hành tố tụng là phải đảm bảo sự thật khách quan của vụ án. Một trong những quy định để đảm bảo nguyên tắc này, trong chế định “người làm chứng” khoản 2 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định:
“2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;
b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.”
Thực tế, nhiều vụ án oan sai, cơ quan điều tra không tìm ra chứng cứ xác định có tội nhưng vì động cơ khác họ đã tạo ra những chứng cứ giả. Trong đó, phải kể đến là hành vi tạo dựng lời khai của “người làm chứng cứ” để buộc tội bị can, bị cáo. Đặc biệt là các vụ án được khởi tố bắt nguồn từ việc “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” theo điều 81 và “Bắt người phạm tội quả tang” theo điều 82 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Trong những trường hợp này nếu cơ quan điều tra có chủ đích trước thì việc trù dập, bỏ tù tùy tiện đối với một ai là hoàn toàn có thể mặc dù họ vô tội. Vì họ, cơ quan điều tra có thể tạo dựng lời khai từ chính những người thuộc lực lượng tham gia “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp”, “Bắt người phạm tội quả tang” là (công an, công an viên, dân phòng…) và coi đây là lời khai của “người làm chứng”. Những “người làm chứng” này chính là những người thi hành “công vụ” nhưng lại không phải là đối tượng bị loại trừ bởi quy định của khoản 2 điều 55 ở trên.
Thực chất, “người làm chứng” hay người thi hành “công vụ” trong trường hợp này là người thuộc nhóm “người tiền tiến hành tố tụng” nên yêu cầu khách quan, vô tư đối với họ không dễ dàng. Khoản 2 điều 55 quy định người bào chữa không được làm người làm chứng cho bị can, bị cáo là hợp lý; cũng như vậy “người tiền tiến hành tố tụng” không được làm người làm chứng bất lợi cho bị can, bị cáo mới là công bằng, hợp lý. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tiến hành tố tụng, tôi cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cần bổ sung chế định người làm chứng, trong đó quy định “người tiền tiến hành tố tụng” thuộc trường hợp “những người không được làm chứng”./.
Hà Nội, ngày 21/11/2014.
H.H.S.
Tác giả gửi BVN