“Khi những người miền Bắc ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng và hát quốc ca dưới nó, có ai nghĩ đến Đảng Cộng sản”?
Nếu Việt Nam thay đổi chế độ, đất nước sẽ dùng cờ và quốc ca gì? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Lá cờ và bài hát không có tội
Khi những người miền Bắc ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng và hát quốc ca dưới nó, có ai nghĩ đến Đảng Cộng sản?
Chỉ đơn giản là “tinh thần dân tộc” được dâng lên rất cao, như một vận động viên đoạt huy chương vàng không kìm được nước mắt trào dâng khi lá cờ Tổ quốc được tung bay và Quốc ca vang lên giữa trường quốc tế.
Quốc kỳ và Quốc ca, hai từ đều để chỉ một thứ thuộc về đất nước Việt Nam, chẳng liên quan gì đến Chủ nghĩa Cộng sản.
Lá cờ đỏ sao vàng không có hình Búa liềm.
Quốc ca cũng chẳng có lời nào liên quan đến Đảng Cộng sản, chỉ là những lời ca hào hùng ca ngợi truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm – thứ đã có cả ngàn năm nay và được kết thúc bằng: “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Xin khẳng định lại, chính nhà cầm quyền Cộng sản mới là những người đánh đồng Nhà nước hiện tại với Đất nước, bất cứ ai phê phán lãnh đạo Đảng cũng là “phản động”.
Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu: ai làm những việc đi ngược lại với lợi ích Dân tộc mới đáng bị coi là những kẻ phản động.
Người dân sống trong nước có thể có người hiểu, người lờ mờ hiểu và biết phân biệt giữa Đảng và Dân tộc, nhưng trong tiềm thức họ không đánh đồng những phút giây tự hào Dân tộc với tự hào về Đảng.
Không có đảng phái, tổ chức chính trị nào được phép đứng trên dân tộc, đứng trên đất nước, như một vị cựu lãnh đạo đã nói: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”.
Một phần đời của thế hệ
Quốc kỳ và Quốc gia chẳng có gì liên quan đến Đảng Cộng sản, nên dù ghét Đảng Cộng sản đến mấy, người ta vẫn cứ yêu những biểu tượng đã gắn bó trong một phần đời của họ.
Ngoài ra, đối với thế hệ xưa của người miền Bắc và không ít người miền Nam theo cách mạng, những quá khứ hào hùng xưa kia không dễ gì xóa bỏ.
Trong chiến tranh thì chỉ biết biết phe kia là địch…những ký ức ấy rất khó phai. Đó vẫn là một phần đời đã đi theo những gì mà thời đó cho là đúng đắn, đẹp đẽ nhất.
Cho dù có nghi ngờ về con đường cách mạng trước kia, người ta vẫn nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một tình cảm đặc biệt dù ông là một trong những biểu tượng của Đảng Cộng sản, biểu tượng của chiến tranh.
Rõ ràng đối với người dân Việt Nam hiện tại – những người đa phần không còn thiết tha với Đảng Cộng sản, vẫn biết quý trọng những người con đã hết lòng với quốc gia, dân tộc.
Những người như Võ Nguyên Giáp chiến đấu đơn giản vì tin rằng đó là con đường tốt nhất cho đất nước, và điều đó không có tội.
Tại sao người dân lại tự nguyện đi theo cách mạng vô sản, cũng phải có nguyên do chứ.
Nếu cuộc sống của người lao động đã sung sướng trước khi lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản ra đời, liệu có ai đi theo con đường mà Mác – Lênin đã vạch ra?
Sự bóc lột của giới tư bản là có thật, Đảng Cộng sản đã từng đứng về phía nhân dân lao động thật, nhưng không ai tiên đoán được rằng sau khi giành được chính quyền, những nhà lãnh đạo “Đảng của giai cấp cac tầng lớp nhân dân lao động” lại trở thành một dạng bóc lột mới.
Bây giờ nhìn lại có thể chúng ta thấy buồn cười, nhưng đó là điều không thể nhìn thấy trước ở những người dân của nước nghèo, nếu không làm sao một phần lớn lãnh thổ trên thế giới lại đi theo con đường này?
Phải nói thêm rằng sự nhìn nhận lại về con đường cách mạng mới chỉ phổ biến ở Việt Nam vài năm trở lại cùng với sự phổ biến của internet.
Mới chỉ khoảng 3, 4 năm trước đây thôi, những ai được vào Đảng vẫn còn tự hào lắm và những người giảng về Chủ nghĩa Mác – Lênin trong các lớp học vẫn còn hùng biện về một chế độ ưu việt mà ở dưới dù không hiểu gì vẫn im lặng lắng nghe.
Bây giờ thì không khí ấy không còn nữa rồi.
Nhưng xin nhắc lại là điều này mới xảy ra trong thời gian gần, nên đừng cho thế hệ trên là kém hiểu biết, đơn giản là họ phải sống trong hoàn cảnh lịch sử ấy nên họ phải trở thành những người như vậy mà thôi.
Quốc kỳ và Quốc ca cũng thế, nó được sinh ra trong hoàn cảnh lịch sử ấy, bởi những con người ấy, nhưng nó không có tội.
Có thể lấy hình ảnh biểu tượng: Văn Cao (người sáng tác Quốc ca) theo cờ đỏ còn Phạm Duy theo cờ vàng. Hai người dù ở hai chiến tuyến nhưng có bao giờ coi nhau như kẻ thù?
Phạm Duy dù có “theo Mỹ” thì vẫn ca ngợi các ca khúc của Văn Cao, không coi bạn là kẻ bảo thủ khi ở lại với cách mạng.
Còn Văn Cao nếu coi Phạm Duy là “phản động” thì chắc chắn không thể dành nhiều tình cảm cho người ở bên kia chiến tuyến như thế.
“Người miền Bắc nhìn thấy cờ “Ba sọc” vẫn sẽ còn lưu lại những ấn tượng không đẹp trong quá khứ do ảnh hưởng bởi tuyên truyền”.
“Nên nhìn nhận một cách nhẹ nhàng”
Dẫu sao những ấn tượng về một thứ tưởng chừng như vô tri: Lá cờ, vẫn có thể là một thứ để lại những ấn tượng sâu đậm.
Người miền Nam nay đã sang Mỹ khi nhìn thấy cờ đỏ không khỏi hình dung ra những người đã đẩy mình đi tha hương, người miền Bắc nhìn thấy cờ “Ba sọc” vẫn sẽ còn lưu lại những ấn tượng không đẹp trong quá khứ do ảnh hưởng bởi tuyên truyền.
Nhưng đã đến lúc phải nhìn nhận lại những gì thật sự xấu và những gì cần giữ lại.
Bắc Việt có thể chủ động đánh vào Nam nhưng Mỹ cũng có những cuộc tàn sát dân thường; mục đích thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản là tốt đẹp nhưng cuối cùng lại mang đến một xã hội không như ý muốn.
Có cái dù tốt nhưng vẫn có thể có phần xấu và trong cái xấu cũng có thể tồn tại cái tốt.
Chúng ta có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, có thể xóa bỏ, loại trừ nhiều thứ, nhưng những thứ không những vô tội mà còn có thể “đẹp” thì không nên.
Sẽ đến một lúc Việt Nam thành một nước dân chủ thật sự, khi đó những người yêu cờ đỏ và người theo cờ vàng đều là người Việt Nam.
Thế nên bây giờ cũng đừng bắt ép ai đó phải chọn một trong hai lá cờ dù người đó đơn giản là một người yêu nước nồng nàn.
Sẽ đến lúc, mọi người cần ngồi với nhau lại để tìm ra một giải pháp dung hòa cho cả hai, đừng để những vật vô tri trở thành sự cản trở cho một cuộc đoàn tụ sau này.
T.T
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/11/141113_quocca_quocky_thanhtrung_views