Việc đầu tiên, tôi xin đính chánh trong bài “Thạc sĩ, tiến sĩ dởm xúm nhau tàn phá làm nghèo đất nước (2)” là số điện thoại 44 là được dùng chung cả cho Anh Quốc và đảo quốc Isle of Man chứ không chỉ riêng cho đảo quốc. Tôi xin cáo lỗi vì đã tin và nghĩ rằng mỗi nước có một số riêng. Thực ra Isle of Man là một đảo tự trị thuộc Vương Quốc Anh (http://en.wikipedia.org/wiki/Isle_of_Man).
Ở đây, phải nói là Việt Nam có không ít các Thạc sĩ, Tiến sĩ thực và nổi tiếng như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tiến sĩ Phan Đình Diệu, Giáo sư Hoàng Tụy … Người viết bài này rất mong các Thạc sĩ, Tiến sĩ chân chính góp phần tham mưu cho Nhà nước ngăn chặn những thứ dởm đã, đang và sẽ đến Việt Nam, góp phần tham mưu để tìm ra giải pháp buộc sao cho các ông bà Thạc sĩ, Tiến sĩ dởm trau dồi, thi tuyển lại để có thể đóng góp và ngẩng đầu cao với danh hiệu mà mình có.
Có thể nói rằng tác hại mà các tấm bằng “Thạc, Tiến sĩ dởm” gây ra cho đất nước là vô cùng lớn. Thời “tiến sĩ con bò”, thời những tấm bằng “Hữu nghị”, những tấm bằng học qua thông dịch, học “tận dụng” hai hay ba sinh viên một học bổng còn có thể biện minh “có còn hơn không”, “vì nước ta đang trong chiến tranh”.
Khi nước nhà mở cửa, với những con người thời trước “nhiều, nhanh, rẻ, bền, đẹp” với các ông dốt sống lâu lên lão làng, thiếu kinh nghiệm, ngây thơ đã để hiện tượng “Thạc, Tiến sĩ dởm” xảy ra trong gần hai chục năm và còn đang tiếp diễn. Từ thời Đổi Mới nhiều ngàn “Thạc, Tiến sĩ dởm” đã xuất hiện, không chỉ trên tấm danh thiếp để khoe khoang, mà thực sự đã có những kẻ nhờ các tấm bằng dởm đó mà họ được đưa đi học trường Cao Cấp, được cơ cấu vào những chức vụ cao hay ít nhất là để giới thiệu với nhau cho hợp tầm với vị trí mà họ đang có. Các thầy “Thạc, Tiến sĩ dởm “ dứt khoát là không thể đào tạo một tầng lớp “ưu tú” với bằng cấp Đại học có thực chất được.
Rồi mới đây lại xuất hiện “âm mưu” đào tạo “Tiến sĩ hai trăm triệu” Tiến sĩ Y khoa ở Đại học Thái Nguyên, mới thấy cái chết người nó hiển hiện. Ở nước ngoài mà thế là người ta đuổi ngay, tước bằng, thậm chí đưa ra Tòa án, ít nhất là để kiện đòi bồi thường vì đương sự đã làm mất thanh danh của trường và đồng nghiệp.
Chưa hết, đang xuất hiện loại bằng “Tiến Sĩ Danh dự Kỷ lục” thòng thêm mấy chữ “Khoa Học Tự Nhiên và Y Khoa”. Ra mắt bằng một buổi lễ mà các báo chí Việt Nam hồ hởi đăng, phụ tay quảng cáo một thứ Đại học lạ đời, lập lòe “Hội đồng Khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới” mà không báo nào chịu bỏ công ra tìm hiểu nó là thứ gì (lên maps.google.com xem địa chỉ của tổ chức này thì thấy cơ ngơi của nó).
“Ngoài âm nhạc CROR, Đấng tạo hóa còn trao cho tôi cây bút sáng tạo để viết nền một nền khoa học mới – Khoa học toàn phần với tấm áo choàng bên ngoài là “Bí mật Thiên – Địa – Kinh” đó là một đoạn tuyên bố của một Tiến Sĩ “kỷ lục” này (câu trước trong bài là Tiến Sĩ danh dự, qua câu kế là mất “danh dự” còn “Tiến Sĩ”) [1].
Bằng “Thạc, Tiến sĩ dởm” đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1992 (ĐH Bách Khoa liên kết với Đại học dởm Southern California for Professional Studies (SCUPS) – đã chấm dứt từ 2006) và sự “dởm” này chỉ được chỉ mặt từ năm 2011 đổ lại đây. Như vậy gần hai thập kỷ trôi qua, bao nhiêu ngàn tấm bằng dởm đã đi vào xã hội Việt Nam và điều chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực của nó là không nhỏ. Bao nhiêu tấm bằng dởm đang được sử dụng trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước và các khuôn viên Đại học? Không khó để biết nếu Nhà nước muốn giải quyết vấn đề.
Làm cách nào để định cho ra hết được những loại “Đại học dởm” trên thế giới mà “sinh viên” hay “nghiên cứu sinh” Việt Nam theo học ? Khá khó, nhưng đối với các nước như Mỹ, vài nước Âu Châu như Anh, Pháp, Bỉ … thông tin trên mạng bằng tiếng Anh tiếng Pháp hay tiếng Nga thì có nhiều người đọc hiểu và tham khảo được, nhưng còn nhiều khu vực như tiếng Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Rumani v.v… Có lẽ trách nhiệm đầu tiên là Bộ Giáo dục và Đào tạo, không biết là Cục hay Vụ nào lo nhưng họ nên phối hợp với Sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để đảm bảo là ta không mắc vướng vào Đại học dởm. Không lẽ trong Sứ quán lại không ai có thể tìm và hiểu cho ra một Đại học dởm hay nghiêm túc tại nước mình đang công tác hay sao? Không nhờ được kiều bào truy xét dùm hay sao? Hay không viết thư hỏi được chính quyền hay ý kiến các Đại học chân chính ở nước sở tại hay sao?
Ở Mỹ, có hai tầng kiểm định lo việc đánh giá các Đại học: cấp Liên Bang và cấp Tiểu bang.
1. Cấp Liên Bang có hai tổ chức là “Council for Higher Education Accreditation (CHEA)” và “U.S. Department of Education (USDE)”. CHEA và USDE không trực tiếp đánh giá và công nhận [chất lượng] các Đại học.
2. Việc đánh giá và công nhận [chất lượng] các Đại học là do các tổ chức kiểm định vùng (regional accreditation) trực tiếp đánh giá các Đại học có sinh viên theo học, và các tổ chức kiểm định vùng này lại chia làm các loại chỉ đánh giá riêng về một ngành nghề nhất định.
Đánh giá các Đại học từ xa là do Distance Education and Training Council Accrediting Commission (DETC) đảm nhiệm. DETC được CHEA công nhận vì tổ chức này đáp ứng các tiêu chuẩn của CHEA [2]. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức phức tạp vì DTEC nó đánh giá các Đại học từ xa như một tổng thể chứ không phân biệt ngành nghề như một số các tổ chức vùng khi đánh giá các Đại học “tại chỗ” trên cơ sở ngành nghề. Đây là chỗ dễ làm ta lọt lỗ chân trâu nếu không cẩn thận tinh ý khi nhận được báo cáo là Đại học ABC nào đó đã được DTEC công nhận trong khi Đại học ABC này dạy cả chục ngành nghề – ngành nào có chất lượng và ngành nào dởm ?
Sau đây là phỏng dịch từ website của CHEA – Từ “degree mill” nguyên nghĩa là “Xưởng cấp bằng”, tôi xin được tạm dùng chữ “Đại học dởm” để dễ nắm ý.
Những câu hỏi để xác định nơi cấp bằng có là một “Đại học dởm”?
– Nếu câu trả lời cho các câu hỏi sau đây là “có”, nơi cấp phát văn bằng có thể được xem là một “Đại học dởm”;
– Văn bằng có thể được mua?
– Nơi này tuyên bố là họ đã được công nhận [sau khi kiểm định] trong khi không có bằng chứng nào về việc họ đã nhận được quy chế này?
– Được công nhận bởi một tổ chức kiểm định có vấn đề?
– Không có các giấy phép liên bang hoặc tiểu bang và của các cơ quan có thẩm quyền để được hoạt động?
– Có rất ít sự tham gia của sinh viên, trực tuyến hoặc trong lớp học?
– Chỉ có một ít bài tập được giao cho sinh viên để đạt được các tín chỉ [tức kiến thức học tập]?
– Chỉ cần thời gian rất ngắn là đủ để lấy một văn bằng [Đại học]?
– Chỉ có một vài đòi hỏi để tốt nghiệp?
– Các tổ chức này không cung cấp bất kỳ thông tin nào về địa điểm hoặc địa chỉ kinh doanh của trường, và chỉ dựa, ví dụ, vào một hộp thơ bưu điện?
– Các tổ chức này không cung cấp được một danh sách các giảng viên và trình độ của họ?
– Các tổ chức này mang tên gần giống các Đại học nổi tiếng khác?
– Các tổ chức này đưa ra các tuyên bố trong các quảng cáo của mình mà không có bằng chứng?
Càng tìm hiểu về vấn đề bằng dởm, tôi lại càng kinh hoàng hơn, càng lo cho đất nước của chúng ta.
Tác giả John B. Bear, người được CHEA giới thiệu qua cái link đến Bộ Lao Động U.S. Department of Labor: Diploma Mills in the Cyberage [3] có bài viết mang tựa “Xưởng bằng [dởm] trong thời A-còng” (Diploma Mills in the Cyberage), rất đáng cho chúng ta đọc để hiểu thêm về vấn đề này. John B. Bear là người được giới thiệu là đã hơn 25 năm chuyên nghiên cứu về vấn đề “Đại học dởm” và trong bài “Xưởng bằng dởm [Degree Mills]” [4] trong đó có hai mô tả:
Dịch vụ thay thế bằng bị mất (“lost diploma replacement service. “): Chỉ với 49.95 đô la, một người tên John đã mua lại tấm bằng “Tiến Sĩ Về Thần Kinh Học” của Đại học Hardvard. Nhưng Luật Pháp không làm gì được vì 2 lý do: người mua phải ký một giấy cam kết là đã có bằng thật, và trên tấm bằng dởm có dán thêm chữ “Đồ trang trí” (Novelty Item) và miếng dán dễ dàng được gỡ bỏ.
Dịch vụ viết thuê các luận án, luận văn (term-paper and dissertation-writing services): Món này đã có khá nhiều ở Việt Nam. Chỉ cần lên Google hỏi “dich vụ viết luận án thuê” là ra bao nhiêu website nhận viết thuê như http://luanvanviet.com/,http://lamluanvan.com/, http://vietthacsi.com/ …
cả cho bậc Tiến sĩ như trong https://vi-vn.facebook.com/…/1443055152597237 ; kể cả Luận văn viết bằng tiếng Anh như “Dịch vụ Viết bài luận, luận văn tiếng Anh uy tín” [5],
Chỉ có ít bài báo tố cáo về việc này như bài “SỐC VỚI “DỊCH VỤ” LÀM LUẬN VĂN THUÊ” trên báo điện tử Cần Thơ [6] , hay “Cần bao nhiêu tiền để “mua” một… bằng tiến sĩ?” [7], nhưng không thấy tin báo nào nói đến việc xử lý hay can thiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của Hội đồng Đại học hay từ một Hiệu trưởng một trường Đại học nào đó (hy vọng là tôi kiếm chưa hết trong cả hàng trăm websites liên quan đến vấn đề này).
Vấn đề bằng dởm đã, đang ra và sẽ còn xảy ra nếu chúng ta không chung tay cùng Nhà Nước và Hội Đồng Đại học Việt Nam ngăn chận, sửa đổi thì biết bao giờ xứ sở mới khá lên và bao giờ Đại học nào đó của ta có tên trong danh sách 1000 Đại học hàng đầu Thế Giới chứ chưa dám nói là ở tầm 500.
Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề này đánh động mọi người cùng quan tâm – nhất là cho những ai cam tâm tìm, thủ đắc và sử dụng những tấm bằng dởm mà chính bản thân mình không đủ sức lo toan cho công việc, đã thành kẻ phá hoại như một “tiến sĩ kinh tế” Dương Chí Dũng trong vụ Vinashin? [8].
T.B.Đ
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo
[2] http://www.chea.org/degreemills/default.htm
[3] http://wdr.doleta.gov/research/rlib_doc.cfm?docn=5950
[4] (http://www.quackwatch.com/04ConsumerEducation/dm0.html
[5]
http://1kho.com/quang-cao-rao-vat-viec-lam/868241-dich-vu-viet-bai-luan-luan-van-tieng-anh-uy-tin.html (coi chừng website này có virus)
[6] http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=82&id=128557
[7] http://vietbao.vn/Xa-hoi/Can-bao-nhieu-tien-de-mua-mot-bang-tien-si/10718244/157/
[8] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/164238/24-000-tien-si-viet-nam-dang-lam-gi-.html