Nhà cầm quyền bất kỳ có thể dùng biện pháp hành chính trừng phạt, bắt giam hoặc giết chết về thể xác, nhưng họ không thể giam hay giết chết tinh thần, tư tưởng của con người.
Nhận thức, tư tưởng thuộc dạng phi vật thể. Giải quyết bất đồng thuộc dạng phi vật thể này chỉ bằng phương pháp đối thoại, dùng những phương tiện phi vật thể khác như: luân lý, chân lý, đạo lý, pháp lý… để biết rõ đúng sai trên tinh thần hòa giải. Ở lĩnh vực phi vật thể này, nếu dùng phương pháp đối chọi bằng bạo lực với phương tiện vật thể như súng đạn, dùi cui, trại giam… thì sớm muộn gì ắt có xung đột lớn xảy ra, tạo tiền đề cho nội chiến.
Xưa nay đều vậy, bất kỳ thể chế chính trị nào dùng biện pháp hành chính trấn áp đối với người bất đồng chính kiến đều tạo ra những “đám cháy”. Nếu không dừng tay, tiếp tục trấn áp khác chi đổ thêm dầu vào lửa, lửa sẽ bốc cao, nó có thể thiêu rụi thể chế chính trị ấy. Dùng biện pháp hành chính trấn áp bất đồng chính kiến là hạ sách, biểu hiện thế yếu, hành động tự sát.
Nhắc lại để nhớ, dưới thể chế chính trị đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng hòa (VNCH), người dân miền Nam chỉ dùng miệng nêu ra những yêu sách: Hiệp thương thống nhất đất nước; phê phán độc tài gia đình trị; thực hiện dân sinh dân chủ; chống quân sự hóa học đường; chống can thiệp Mỹ. Lẽ ra chính quyền dùng lời lẽ êm dịu giải thích phải trái thuyết phục nhân dân theo tinh thần hòa giải hòa hợp. Đàng này, họ ra tay trấn áp, bắt nhốt. Nhốt người này nhiều người khác ứng lên. Họ lại ra luật 10/59 tạo cớ bắt nhốt tiếp. Nhốt trong đất liền không đủ chỗ và sợ cướp ngục, phá ngục, họ đưa ra Côn Sơn, Phú Quốc nhốt. Khi sức chịu đựng của người dân đã hết hạn, dầu lúc ấy chưa có sự chi viện từ miền Bắc, nhân dân miền Nam nổi dậy làm làm cuộc Đồng khởi 3 mũi giáp công long trời chuyển đất. Để cuối cùng, dầu được Mỹ hậu thuẫn, VNCH cũng không tránh khỏi thảm bại.
Tình hình hiện nay diễn ra sao cũng tương tự như VNCH thuở trước, cũng với thái độ ôn hòa bất bạo động, người dân đòi dân sinh dân chủ; chống độc tài gia tộc trị, tham nhũng; chống Trung quốc gây hấn, xâm lược; phản biện những chủ trương làm phương hại cho đất nước, dân tộc như khai thác Bauxite Tây nguyên chẳng hạn. Lẽ ra lãnh đạo dùng giải pháp đối thoại, giải thích cho dân hiểu rõ trắng đen. Đàng này, nhà cầm quyền xem dân như thù địch, “hành quân cảnh sát” và sử dụng cả côn đồ gây khó, trấn áp, đánh đập, bắt giam họ vào các trại “giáo hóa” theo những điều luật vi hiến.
Tôi tự hỏi và trả lời: Những trại giáo hóa (cải tạo) có làm tốt được chức năng của nó không? – Không. Gây thêm thù, chuốc thêm oán thì có! Chỉ cần để ý một chút thì nhận ra ngay: từ một người bị bắt nhốt vì “tội chống đối chính quyền”, chẳng những không “cải tạo” được họ, mà còn kéo cả gia đình và người thân họ “chống đối”, điển hình như những sự kiện: Cù Huy Hà Vũ, Chí Đức, Minh Hạnh, Bùi Hằng, Điếu Cày,… là những trong vô vàn trường hợp mà ai cũng có thể thấy. Trước đây Dương Thu Hương, Bùi Tín,… ở trong nước “chống đối” bị bắt, bị làm hại, phải bỏ ra nước ngoài nói lên chính kiến của mình, thì giờ đây Hà Vũ, Điếu Cày “chống đối” bị bắt nhốt và bị trục xuất ra nước ngoài. Một số người khác đã ra định cư ở nước ngoài, không tìm chỗ định thân cho sung sướng, vẫn lộn về nước, bất chấp hiểm nguy, đấu tranh cho mục tiêu thời đại dân chủ, xã hội dân sự. Vì mục tiêu cao cả ấy, họ xem cái chết nhẹ như lông hồng – chết trước sau khỏi chết. Nếu – giả thiết thôi, nhân dân đồng lòng nổi dậy chống áp bức bất công, đòi dân sinh dân chủ qui mô như ở Hồng Kông chẳng hạn, liệu nhà cầm quyền có dám tàn sát hay bắt nhốt hết họ hay không? Liệu bạn vàng, bạn tốt ở phương Bắc có dám xua quân sang cứu giá không? – Chắc chắn là không, vì đây là vấn đề nội bộ VN.
Trong khi người ta đang lo ngại giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục bắt nhốt người bất đồng chính kiến làm “vốn” để mặc cả với Mỹ đổi lấy vũ khí sát thương và TPP, thì mới đây, tại diễn đàn ở nước Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dõng dạc nói với các chính khách và báo giới đại ý: Dân chủ, xã hội dân sự là xu thế thời đại, VN không ngoại lệ, muốn biết dân chủ ở VN như thế nào xin các vị đọc hiến pháp 2013 của chúng tôi”.
“Dân chủ, xã hội dân sự” đang như cái phao cứu sinh đối với đất nước và dân tộc VN. Người ta có quyền hy vọng vào lời nói mới đây tại Đức của Thủ tướng Dũng, nếu lần này ông nói và làm thật thì chính tay ông tháo ngòi nổ, hủy dây cháy chậm. Và, người ta cũng có quyền nghi ngờ, vì ông đã từng nói được nhưng không làm được – thôi thì cứ chờ xem sao. Làm người phải nuôi hy vọng, nhưng cũng đừng quá hy vọng để rồi ôm thêm thất vọng.
Nếu chỉ dựa vào những điều ghi trong Hiến pháp VN mà kết luận nhân quyền, dân chủ có ở VN là không xác thực. Hiến pháp VN xưa nay ghi khá cụ thể: tự do chính kiến, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình… theo luật định. Tự do thì kê ra tràng giang đại hải, nhưng rồi lại khóa đít bằng 3 từ “theo luật định”. Luật thì không ra hoặc có ra thì vi hiến tứ tung, như luật hình sự hiện hành. Nếu ai hỏi dân chủ ở VN sao không giống ai? Sẽ có người trả lời: “Dân chủ ở VN mang tính đặc thù là dân chủ XHCN, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ta”. Vậy rốt cuộc là triền miên áp dụng hình thức xin – cho. Đảng ta cho gì nhận nấy, chưa cho làm ẩu liệu hồn.
Tình hình chính trị, xã hội… Việt Nam thuộc truyện dài nhiều tập. Muốn cho “êm cửa êm nhà”, tôi thấy đâu nói đó, nghĩ sao nói vậy. Mong rằng, những điều mình nói được như tiếng kêu của loài chim báo bão cho thiên hạ tránh bớt nạn tai.
05/11/2014
T.T.
Tác giả gửi BVN