Tôi rất đồng cảm với tác giả Lê Phú Khải khi đọc những dòng viết của anh:
“Xem hình ảnh phóng viên phải ngồi dưới sàn để tường thuật họp Quốc hội trên tuoitre.vn ngày 22/10/2014, là một nhà báo lâu niên, đã cả đời cầm bút “phục vụ” chế độ, tôi thấy ngậm ngùi, đau xót và căm phẫn”(1).
Cùng chia với anh những ngậm ngùi, đau xót và căm phẫn cho các nhà báo, tôi đồng thời lại có nỗi ngậm ngùi riêng. Ngậm ngùi cho những người ngồi trên ghế!
Thực sự, có lẽ ít người hiểu nổi, tại sao người ta có thể yên tâm, bình thản ngồi trên ghế họp, bàn chuyện với nhau, thỉnh thoảng cười đùa, khôi hài với nhau khi có những người khác đang ngồi bệt dưới đất làm việc sát bên chân ghế của mình!
Một tập đoàn lừng danh thế giới của Hoa Kỳ, những năm 1990 có doanh số gần 200 tỉ đô la (gấp khoảng 2,5 lần GDP Việt Nam lúc đó),thường tổ chức các buổi họp toàn cầu tại một trong các văn phòng lớn của mình. Những năm 1990, một buổi họp được tổ chức tại Thụy Sĩ. Tập đoàn đang ứng dụng chương trình 6-Sigma và mỗi nhân viên tham gia chương trình cấp độ Black Belt được yêu cầu tiến hành một khảo cứu nâng cao năng suất làm việc. Một nhân viên cấp thấp có sáng kiến được đánh giá hay và được mời trình bày tại buổi họp. Buổi họp gồm Tổng giám đốc mỗi nước, các Giám đốc Chức năng từng vùng, điều phối bởi ông Phó Chủ tịch Toàn cầu phụ trách kinh doanh, họp trong một tuần, và anh nhân viên kia chỉ tham dự 2 tiếng đồng hồ để trình bày. Do sơ suất, phòng họp thiếu 1 ghế(anh nhân viên kia thực ra không cần ngồi, vì đa số thời gian anh đứng trình bày bên màn chiếu). Ông Phó Chủ tịch đi bộ sang phòng kế bên khiêng một chiếc ghế về. Lúc đó mọi người mới ngồi xuốngvà buổi trình bày bắt đầu.
Ý Nghĩa của việc này:
1) Không ai có thể ngồi họp khi chỉ dù một người còn chưa có chỗ ngồi. Tôn trọng Con Người là một trong các giá trị cốt lõi của tập đoàn đó.
2) Thay vì nhờ người khác (nhân viên khách sạn, chẳng hạn), người điều phối buổi họp tự đi khiêng ghế vì muốn xin lỗi về sự sơ suất của buổi họp.
Người dân một nước Tự Do Dân Chủ, nếu xem và hiểu được tấm hình trên,nghĩ gì về Việt Nam mình?Những người ngồi chính là Đại Biểu Quốc Hội đó, về danh nghĩa tương đương Dân Biểu hay Thượng Nghị Sĩ của nước khác đó.
1) Họ ngồi trong tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam, trong một phòng họp tối tân và tiện nghi mà họ lấy tiền của dân để xây nên. Họ ngồi đó tự cho rằng mình đang thay mặt Dân bàn việc Nước, bàn việc Nước để lo cho Dân. Dân ở đâu? Bên ngoài tòa nhà Dân đang đứng ngoài nắng chờ họ ra trao bản thỉnh nguyện nhờ họ chuyển cho chính quyền, thì họ chẳng thèm mở cửa ra nhìn Dân một chút. Bên trong tòa nhà Dân ngồi đó, bệt xuống đất vươn cổ lên mà ngóng họ, thì họ thản nhiên bàn chuyện rôm rả. Mà đám Dân ngồi-dưới-đất này thuộc giới cũng khá đặc biệt, báo giới, về danh nghĩa là tai mắt của muôn người…
Họ có do Dân chọn lựa hay không, họ có sẽ Vì Dân hay không?
2) Tuy nhiên, điều quan trọng hơn với tôi là: tại sao các ông Nghị có thể ngồi như vậy? Những giá trị sống cốt lõi của các ông Nghị là gì?
Nói thật, thường dân như tôi, bảo tôi ngồi như thế tôi không dám. Không phải bời vì ngợp trước tòa nhà hoành tráng, văn phòng cao sang, địa vị tót vời. Mà bởi vì cái việc ngồi đó ra ngoài xa quá cái giá trị sống mà tôi quí trọng, tàn phá nhiều quá nhân cách của tôi, xúc phạm mạnh quá lòng tự trọng của tôi.
Chắc rằng, trong số những ông nghị ngồi đó, cũng có người áy náy. Than ôi, biết làm sao bây giờ, khi các vị đã chấp nhận làm ông hghị cho một Quốc hội không xứng danh, nghĩa là không do dân lựa chọn, mà do đảng CSVN chỉ định, cho nên Quốc hội đó chỉ có nhiệm vụ phục vụ đảng CSVN, làm vật trang trí cho chính thể. Vị trí xã hội của các vị có thể cao hơn các nhà báo ngồi-bệt-dưới-đất kia, nhưng vai trò thì cũng vậy. Thân phận thì cũng vậy!
Hổm rày, đọc bài viết của anh Lê Phú Khải, tôi liên tưởng tới hình ảnh khác. Đi ra đường, gặp một kẻ mạnh hiếp đáp người yếu. Kẻ mạnh chửi mắng, đấm đá người yếu ngã lăn xuống đường, rồi tót lên ghế ngồi một cách đắc thắng. Tôi xót xa cho người bị đánh ngã lăn ra đường, và tôi thương hại cho kẻ hớn hở hiếp đáp người yếu. Người bị đánh ngã chỉ bị chảy máu ngoài da, còn kẻ hiếp đáp người đã có khuyết tật sâu trong tâm hồn.
Như vậy thì, trong tấm hình được bàn tán nhiều trong những ngày gần đây, thân phận người ngồi bệt dưới đất và thân phận kẻ ngồi trên ghế, thân phận nào đáng ngậm ngùi hơn?
T.Q.C.
Chú thích:
(1) Lê Phú Khải . SUY NGHĨ VỀ THÂN PHẬN NHÀ BÁO VIỆT NAM. Bauxite VN, 26/10/2014. http://boxitvn.blogspot.com/2014/10/suy-nghi-ve-than-phan-nha-bao-viet-nam.html#more
Tác giả gửi BVN. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của người viết.