Góp ý kiến nhân Quốc hội bàn về đổi mới giáo dục: ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN GIÁO DỤC – MỘT VIỆC CHƯA THỂ THỰC HIỆN

image

Gần đây chúng ta nói nhiều đến đổi mới toàn diện nền giáo dục. Thực ra gọi là sửa chữa sai lầm thì đúng hơn. Tuy vậy, dù là sửa sai hoặc đổi mới thì cũng chưa thể làm thành công được vì rằng những điều kiện thật sự cần thiết cho việc đó chưa có. Chúng ta có thể có nghị quyết, có kinh phí, có đường lối, có chương trình thực hiện, nhưng những cái ấy chỉ là phụ. Cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất hiện thời chưa có được.

Một “thắng lợi lớn” của Giáo dục VN là nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tưởng rằng với nghị quyết đó giáo dục sẽ phát triển tốt đẹp, không ngờ càng ngày nó càng phạm nhiều sai lầm. Tại sao vậy?

Tại vì trong lúc những mặt tiêu cực, mặt hạn chế của giáo dục không những vẫn còn nguyên mà phát triển thêm thì nghị quyết đó chẳng qua chỉ là sự thỏa hiệp tạm thời của 2 lực lượng. Một bên là một số nhà khoa học, thấy rõ sự quan trọng của giáo dục nhưng không có quyền hành, họ chỉ có khả năng yêu cầu cấp trên ra nghị quyết. Một bên là những người có quyền ra nghị quyết nhưng tự mình không thấy rõ vai trò quan trọng của giáo dục, bị bắt buộc ra nghị quyết vì không đủ lập luận để từ chối, không tiện từ chối. Sau khi nghị quyết được ban hành thì cả hai bên đều thỏa mãn. Một bên cho là đạt thắng lợi lớn vì nguyện vọng đã được thực hiện, nghị quyết đã được công bố, còn việc thi hành như thế nào là của người khác. Một bên cho là đã làm được một việc có ý nghĩa, thỏa mãn được lòng mong muốn của các nhà nọ, nhà kia, đã ra được nghị quyết, còn việc thực hiện là của ngành chuyên môn. Thế là nghị quyết chỉ tồn tại trên giấy và thỉnh thoảng được nhắc đến ở báo cáo này, ở văn kiện kia, rất ít có ai đó tích cực trong việc tổ chức thi hành.

Bây giờ lại ra nghị quyết. Có phải cứ có nghị quyết là thực hiện được không. Đã có ai hỏi điều kiện cần và đủ để thực hiện được nghị quyết là những thứ gì chưa? Phần lớn chỉ mới thấy kinh phí, thời gian, kế hoạch, chương trình. Theo tôi điều kiện quan trọng nhất hiện nay chưa có được.

Điều kiện quan trọng số 1 là sự ổn định, sự trong sạch của xã hội. Chúng ta nói nhiều đến ổn định chính trị. Việc đó là cần nhưng ổn định xã hộiquan trọng hơn, cần thiết hơn. Nền giáo dục không thể nào tách rời xã hội. Trong một xã hội có nhiều tệ nạn xấu xa như mua quan bán tước, tham nhũng tràn lan, dối trá là phương sách, không thể nào có được một nền giáo dục tốt đẹp. Nếu có một số tấm gương tốt về dạy, về học, về quản lý, thì chẳng qua chỉ là những trường hợp cá biệt mà thôi. Những trường hợp đó nhờ vào phẩm chất cá nhân, nhờ tiếp thu được truyền thống gia đình, nhờ vào điều kiện may mắn mà đã vượt ra khỏi vũng bùn, tránh được tệ nạn, giữ được phẩm giá.

Điều kiện quan trọng thứ 2 là đội ngũ thực hiện có năng lực, có trách nhiệm, có đạo đức, là bộ trưởng, thứ trưởng, đến các cán bộ của sở, là đội ngũ các thầy cô giáo. Đội ngũ này đã hình thành từ nhiều chục năm qua, trên 80% phạm phải từ 1 đến 3 nhược điểm sau: yếu về trình độ, kém về phương pháp, thiếu sự yêu mến, tôn trọng, tin cậy (của học sinh, của xã hội). Đội ngũ này là kết quả của nhiều năm nhà nước thực hành một số chính sách không thỏa đáng đối với giáo dục. Một chương trình, một kế hoạch dù có hay, có tốt đến đâu mà giao cho một đội ngũ như thế thực hiện thì rất khó tin vào thắng lợi. Trong kế hoạch đổi mới, Bộ Giáo dục có dự trù thời gian và kinh phí để đào tạo lại, để huấn luyện đội ngũ quản lý và thầy cô giáo. Tôi nghĩ việc làm này quá khó và không thể nào làm đạt yêu cầu trong thời gian ngắn vài ba năm và trong môi trường xã hội hiện nay.

Đã không có được điều kiện quan trọng nhất thì việc đổi mới triệt để và toàn diện chỉ còn là khẩu hiệu, là mong ước của một số người nào đó. Trong hoàn cảnh như thế chưa thể đổi mới để đưa nền giáo dục phát triển đúng quỹ đạo cần thiết, nếu cứ cố mà làm thì có khả năng thay sai lầm này bằng sai lầm khác, đổi tệ nạn này bằng tệ nạn khác mà thôi.

Theo tôi hiện nay chưa thể thực hiện việc đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục mà chỉ tìm cách sửa chữa một số sai lầm để cứu vãn sự xuống cấp trầm trọng, trước mắt chỉ nên tập trung vào việc xây dựng chương trình phù hợp với thực tế của xã hội Việt nam, theo yêu cầu phát triển của thời hiện tại. Phải phân biệt thật rõ khái niệm học thêm và dạy thêm (đã rất nhầm lẫn khi ghép học thêm và dạy thêm vào cùng một khái niệm), nên khuyến khích việc học thêm và cấm triệt để việc dạy thêm (là việc thầy dạy môn A ở trường này dạy cùng môn ấy, cho học sinh của trường, có thu tiền). Về công việc của thầy cô giáo, việc quản lý thầy cô giáo, cần khuyến khích cách làm, cách dạy có thực chất, tránh những việc làm hình thức, máy móc làm tốn nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả rất thấp.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.