NÓI LẤY ĐƯỢC HAY NÓI ĐỂ MÀ NÓI

Có thể nói dự án bô xít Tây Nguyên  là một trong những dự án gây tranh cãi nhiều nhất. Nó ra đời, bất chấp nhiều ý kiến phản biện rất khoa học và tâm huyết, kể cả lời cảnh báo khuyên can của những bậc công thần của đất nước. Rồi cái kiểu “làm lấy được” ấy đã lập tức gây hậu quả tai hại về kinh tế cũng như môi trường. Bây giờ thì lại có những ý kiến ngụy biện bảo vệ cho những sai lầm của dự án theo kiểu “nói lấy được” hay “nói để mà nói”!

Tôi mới đọc bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Một Thế Giới của tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), thấy có một số điểm cần nói lại cho rõ để rộng đường công luận.

TS Lạng đánh giá : Tập đoàn than khoáng sản TKV đã xây 2 hồ ở Tân Rai với quy mô mỗi hồ khoảng 1 triệu tấn bùn và mỗi lần đầu tư khoảng trên 300 tỉ đồng. Những hồ này chịu được tất cả các áp lực, kể cả với động đất khoảng trên 7-8 độ richter, cho nên khả năng vỡ đập, vỡ hồ là rất khó.Vỡ đập thì không thể, nhưng tràn bùn thì hoàn toàn có thể, cho nên giải pháp đặt ra là phải chống tràn bùn bằng cách theo dõi thời tiết và có biện pháp xả bùn đỏ một cách an toàn để không bị tràn, đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân.

Đây là giai đoạn trước mắt, còn trong vài năm tới, khi nhà máy luyện bùn đỏ thành thép, thành gang, thành sắt ra đời thì nguy cơ tràn, vỡ đập bùn đỏ sẽ không còn, vì khi đó bùn đỏ đã trở thành nguyên liệu và Nhà nước sẽ tiết kiệm được rất lớn chi phí xây hồ”.

Ở đây, không thể nói vỡ đập là không thể vì không có công trình nào là tuyệt đối an toàn, nhất là trong điều kiện thiết kế và thi công ở Việt Nam. Đừng nhầm lẫn giữa việc chọn hệ số an toàn trong thiết kế và đánh giá về quản lý rủi ro là hai khái niệm về khoa học hoàn toàn khác nhau.

GS-TS Nguyễn Tử Siêm chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp đặt vấn đề về giải pháp “tràn bùn thì xả” xem ra đơn giản đến khó tin. Dựa vào dự báo thời tiết mà mở van thì xưa nay vẫn làm thế mà bao nhiêu hồ đập đã bị tràn, bao nhiêu lần đã vỡ, dân ở vùng hạ lưu chạy không kịp. Mà hồ chứa bùn độc đã tràn thì khác gì bom bẩn, xử lý sao đây khi nó đã thấm sâu vào lòng đất bazan vốn là loại đất sâu và xốp nhất trên thế giới.

Nếu bùn đỏ thứ nhất còn có kiểm soát, thì bùn đỏ thứ hai lại không có bất cứ biện pháp xử lý gì, làm sao mà yên tâm? Tỷ lệ sesquioxyt (hydroxyt sắt + hydroxyt nhôm) trong đất bazan trung bình khoảng 20%. Lấy sắt nhôm đi thì còn 80% là đất thải, chính là bùn đỏ thứ hai. Cứ cho là nó không độc hại hóa học, thì khối lượng khổng lồ này được hòa vào nước rửa quặng nằm trên thế dốc sao lại không thể trở thành lũ bùn.

Cách đây 4 năm, tôi đã viết bài góp ý về “Lỗ hổng trong thiết kế hồ bùn đỏ” càng ngày thực tế càng chứng minh là rất chính xác. Mục đích của hồ chứa thủy lợi giống như hồ chứa bùn đỏ, có nghĩa là người ta xây đập bằng bê tông hoặc đất đá, có dung tích để chứa nước hoặc bùn đỏ. Khác nhau ở chỗ áp lực, hồ thủy lợi chứa nước, dung trọng của nước 1 tấn/m3, còn hồ bùn đỏ dung trọng bùn khoảng 1,4-1,5 tấn/m3, có chất độc hại, ăn mòn nguy hiểm đến môi trường nên phải thiết kế độ an toàn cao hơn hồ thủy lợi. Hồ thủy lợi thường có xả tràn, nước mặt hồ bốc hơi nhanh hơn. Nước chứa trong hồ bùn đỏ chủ yếu gồm dung dịch kèm theo bùn đỏ và nước mưa mang tính kiềm cao. Điều đáng quan tâm là phải xem xét hàm-lượng các chất độc trong chất thải là bao nhiêu so với tiêu-chuẩn cho phép.

Nguy cơ thấy rõ là hồ chứa bùn đỏ về lâu dài, do tác dụng của các vi lượng độc tố sẽ ăn mòn lớp vải địa kỹ thuật, dòng chảy thấm sẽ đi xuống lòng đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Khi thiết kế hồ thủy lợi hay hồ bùn đỏ đều phải tính  ổn định kết cấu như trượt, lật, lún trong điều kiện bình thuờng cũng như có động đất. Tính ổn định thấm qua thân đập, thấm nền, riêng đối với hồ bùn đỏ còn phải tính thêm ổn định do ăn mòn.

Tuy hồ chứa bùn đỏ ở đây không phải là đập cao, nhưng lại chứa dung dịch độc hại nên phải được thiết kế theo tiêu chuẩn đặc biệt.  Bùn đỏ là chất lỏng có dung trọng lớn hơn nước nên áp lực lên đập lớn hơn áp lực nước, gần bằng áp lực đất, cho nên không thể tính ổn định như đập chứa nước.  Ngày ấy, tôi đã góp ý hồ sơ thiết kế hồ bùn đỏ quá sơ sài vì không có tính toán ổn định, hình vẽ chỉ là sơ đồ chứ không phải là bản vẽ kỹ thuật, ngay vẽ mái đập cũng sai, ghi mái đập là 1:3 mà hình vẽ lại thể hiện mái 1:1. Trong báo cáo thiết kế đập cho biết đây là loại đập đất đá hỗn hợp nhưng không trình bày tính lún, tính trượt và cũng không cho biết hệ số an toàn là bao nhiêu nên không có cơ sở khoa học để khẳng định hồ bùn đỏ an toàn.

Về thủy văn, xin lưu ý năm 1999 đã có trận mưa lớn nhất 325 mm/ngày. So sánh với cách tính trong hồ sơ thiết kế hồ bùn đỏ cho tần xuất 2%, trong khi chúng ta lại chưa có quy phạm thiết kế hồ bùn đỏ. Cần phải tính toán xem xét lại cẩn thận tần xuất thiết kế mưa vì điều kiện khí hậu ngày càng bất lợi, nạn phá rừng, lượng mưa sẽ biến đổi mạnh về cường độ theo cả không gian và thời gian. Hồ sơ thiết kế thi công  về  phần địa chất càng sơ sài, thiếu rất nhiều so với quy phạm thiết kế của Việt Nam. Ngay việc chọn màng địa kỹ thuật (geomembrane) dày 1,5 mm, tính ra lượng thấm lớn nhất ở trạng thái bình thường là 7.04×10-6 m3/s tức là 0,61 m3/ngày đêm là không thể chấp nhận đối với an toàn của hồ bùn đỏ. Với lượng thấm lớn như thế này chỉ sau một thời gian, chất kiềm trong bùn đỏ sẽ xúc tác thúc đẩy nhanh  hơn quá trình phân hủy của lớp màng địa kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm xung quanh khu vực. Đấy là chưa kể các nguy cơ chảy tràn do lượng mưa lớn vì khả năng hồ chứa có hạn.

Các hồ chứa ở Việt Nam bị vỡ xảy ra ở rất nhiều nơi trong các mùa bão lũ do nhiều nguyên nhân như thiết kế, thi công, vận hành bảo dưỡng vv… mặc dù khi thiết kế bao giờ chủ đầu tư cũng khẳng định là an toàn. Ngay hồ chứa nước Nam Du ở Kiên Giang để cung cấp nước sinh hoạt sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ, thiết kế an toàn theo lý thuyết nhưng khi vận hành không giữ được nước, phải thiết kế, thi công lại. Đêm 5/11/2010 bùn thải có mầu đỏ tấn công hàng trăm hộ dân xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng vùi lấp hàng chục ha ruộng lúa, hoa màu, tràn vào làm ngập số nhà dân do sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển quặng của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, thị xã Cao Bằng. Ở nước ta, từ thập niên 80  đã tuyển luyện pyrite (FeS2) ở Phú Thọ, Hà Sơn Bình để lấy lưu huỳnh làm superphotphat Lâm Thao. Đến năm 1992 thấy ô nhiễm môi trường và quá tốn kém, sản phẩm làm ra còn đắt hơn rất nhiều so với nhập khẩu nên nhà nước đã  đình chỉ khai thác pyrite. Đó là những bài học kinh nghiệm qúy báu đối với những người có trách nhiệm về dự án bô xit Tây Nguyên.

Một số ý kiến cho rằng  sự  cố vỡ đê hồ thải quặng của bô xit Tân Rai vừa qua không độc hại. Lập luận như thế là ngụy biện vì bùn thải quặng đuôi không độc hại so với bùn đỏ thải từ quá trình sản xuất alumina nhưng đã là chất thải thì ít nhiều đều có hại. Theo tôi biết, ở nhà máy Tân Rai có sử dụng chất trợ lắng khi tuyển quặng, hóa chất trợ lắng chính là 1 loại hóa chất hoạt động bề mặt. Điều đó, có nghĩa là bùn thải quặng đuôi sẽ không đơn thuần gây ô nhiễm (làm đục) nguồn nước mà do sự có mặt của chất trợ lắng còn có thể ngăn cản trao đổi ô xy giữa mặt nước và không khí, giảm hấp thụ  ánh sáng dẫn tới giảm khả năng quang hợp của thực vật, thủy sinh vv…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng cho rằng: Vừa qua chúng ta đã chế tạo thành công công nghệ luyện từ bùn đỏ thành sắt, thép. Có nghĩa là từ bùn đỏ luyện alumin, chúng ta đã lấy ra được lượng xút trong đó và làm cho bùn không còn lượng xút, hoặc lượng xút rất thấp, giảm độ pH  xuống còn 6-7, khiến cho bùn đỏ luyện alumin không còn độc hại. 

Loại bùn đỏ độc hại này sẽ được đưa vào trong lò cao, dùng hơi của lò cao bằng công nghệ mới tạo ra được gang hoặc sắt, với tỷ lệ lên đến 40-41%. Tức là bùn đỏ của Việt Nam qua quá trình laterit hóa có tỷ lệ oxit sắt 3 (Fe2O3) rất cao, từ 46-53% nên bùn đỏ Việt Nam là một mỏ sắt có trữ lượng trung bình. Với công nghệ chúng ta vừa mới làm và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ, sau khi luyện xong và thải ra mỗi năm khoảng 1 triệu tấn lại trở thành mỏ có 400-500.000  tấn quặng sắt và luyện ra được sắt, gang.

Không phải là mới thử nghiệm quy mô nhỏ mà đã được thử nghiệm lên đến 1.000 tấn. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới, không hề được làm trong phòng thí nghiệm. Do nhiều người không biết, không hiểu nên mới có suy nghĩ sai lệch như thế. Hiện nay quá trình sản xuất sắt từ bùn đỏ đã được lập thành dự án và chuẩn bị đầu tư. Tháng 10 tới đây sẽ báo cáo trước Chính phủ để thông qua dự án đầu tư luyện sắt từ bùn đỏ. Tôi cho là hoàn toàn khả thi.”

Nghe những lời “cứu cánh”  nói trên, không chỉ Thủ tướng, mà còn đến cả Bộ chính trị hay nhiều người không có chuyên môn sâu cũng dễ bị ngộ nhận.

Ở đây, cần phân biệt giữa hàm lượng oxit sắt và hàm lượng sắt trong quặng bauxite ở Tây Nguyên. Tiến sĩ Lạng có sự nhầm lẫn latérite là quặng. ACE ở ngành địa chất, thổ nhưỡng ai cũng biết nó là đá ong, sản phẩm của quá trình tích lũy tuyệt đối sắt và nhôm. Ngoài 2 nguyên tố này, còn đáng kể là mang gan và cả các keo hữu cơ,  khoáng bị kết tủa cố kết lại với nhau. Vì thế,  hàm lượng sắt không cao như vậy. Ở đây quyết định là hàm lượng sắt trong bùn đỏ của Tân Rai (và sau này là Nhân Cơ) là bao nhiêu một cách cụ thể, chứ không phải là bùn đỏ nói chung.

Cái quan trọng là hàm lượng sắt trong bùn đỏ sao lại gọi là latérite? Nếu đi đôi với bauxite mà bauxite lại là từ đá basalte, một loại đá phún xuất bị phong hóa mà thành, chứ không phải latérite hình thành tự nhiên.  Nếu bùn đỏ là latérite thì khi latérite còn là quặng, thì hàm lượng sắt trong đó rất thấp, cũng như sidérite, chưa nghe ai nói luyện thép từ 2 loại quặng này, mà chỉ  thấy nhắc đến hématite và magnétite thôi. Nguồn gốc latérite tự nhiên là do nước ngầm có chứa dung dịch sắt chlorure dưới các đồi trọc, do “nắng” hút lên những tầng đất trên mặt bị oxy hóa mà thành. Đá ong cũng chính là một loại laterite.

Từ thập niên 70, các nước như  Mỹ, Nhật Bản, Nga vv…đã phát minh quy trình luyện bùn đỏ thành sắt thép, bằng cách sử dụng than gày, và khí để hoàn nguyên.

Quy trình luyện bùn đỏ thành sắt thép cũng là quy trình thông dụng trong ngành luyện kim (công nghệ phi coke) nhưng phải dùng nhiều than. Sắt xốp đã từng được làm ở Thạch Khê, và Trại Cau (Thái Nguyên). Ở Thái Nguyên dùng than cốc luyện qua gang thành thép  (nói chính xác cốc cũng là dạng than). Ở đây hàm lượng quặng  sắt  khoảng 55%, mà hiệu quả còn thấp,  trong khi bùn đỏ ở  nhà máy bauxite Tây Nguyên hàm lượng quặng sắt khoảng 30%, đấy là chưa kể  chi phí phải vận chuyển hàng triệu tấn than từ nơi xa Quảng Ninh lên Tây Nguyên hoặc phải chở toàn bộ bùn đỏ từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận để phát triển các dự án sắt xốp, đúng là chuyện hão huyền, ấu trĩ về kinh tế.

Có nhà khoa học ví cái gọi là dự án sắt xốp từ bùn đỏ của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cũng giống như dự án chế tạo xe đạp, thế giới đã làm từ lâu, chẳng có gì mới, chẳng việc gì phải nghiên cứu, chỉ lãng phí tiền thuế của dân.

Về sắt xốp và vật liệu xây dựng về khoa học và công nghệ ngày nay không thành vấn đề (người ta còn chế được kim cương nhân tạo cơ mà). Luyện bùn đỏ thành sắt thép ở Tây Nguyên hoàn toàn không khả  thi về kinh tế trên các lĩnh vực: giá thành, năng lượng và vận tải phải có, thị trường 2 thứ nguyên liệu này hoàn toàn bão hoà, thậm chí cung đang vượt cầu.

Dự án bô xít Tây Nguyên đúng là “bỏ thì thương mà vương thì tội” vì Nhà nước đã đầu tư vào Tân Rai và Nhân Cơ khoảng 1,5 tỷ đô la. Thiết nghĩ nhiệm vụ của các nhà khoa học, trước hết phải biết thượng tôn sự thật và kiến thức khoa học trong sách vở cũng như từ thực tế. Sứ mạng của người làm khoa học là sử dụng các kiến thức khoa học giúp những người lãnh đạo và cộng đồng hiểu được một cách đúng đắn và chính xác những lợi ích cũng như nguy cơ và ảnh hưởng của các công trình dân dụng và các đầu tư khác của xã hội. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi người làm khoa học do vô tình hay hữu ý sử dụng những bằng chứng sai lệch hoặc không đầy đủ thông tin, kiến thức để ngụy biện nói lấy được hay nói để mà nói cho những mục đích hoặc nhóm lợi ích riêng.

T.V.T

Bàiđã đăng trên Một thế giới.Tác giả gửi BVN bản gốc.

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.