Gửi người một ngàn năm sau

Chính quyền Thành phố Hà Nội bỏ hẳn ý định gửi thư cho Thăng Long một ngàn năm sau, hình như do khó xác định nội dung thư gồm những gì.

Với tư cách cá nhân, tôi nghĩ mình viết cũng chả ai cấm.

Tạm thời dưới đây là bản thảo bức thư, tôi sẽ rất cảm kích nếu bạn đọc đóng góp ý kiến để tôi hoàn chỉnh bức thư đến mức tối đa có thể, chẳng gì cũng là thư gửi xuyên thiên niên kỷ?


“Bạn thân mến!

Trước hết tôi xin nói rằng khi bạn đọc bức thư này thì tôi đã trên 1000 tuổi, nếu tôi còn sống. Tất nhiên là không ai sống được lâu thế, nên bạn hãy tin chắc rằng tôi đã thăng từ lâu rồi. Và cũng tin chắc luôn là người chết không bao giờ nói xạo (đúng ra người Thăng Long hay dùng từ “nói dối” hơn, nhưng trong trường hợp này dùng từ “nói dối” nghe có vẻ lừa đảo).

Thứ nữa, nếu trung bình thế hệ nọ cách thế hệ kia 25 năm thì tính ra bạn sau tôi đúng 40 thế hệ. Biết đâu bạn lại là hậu duệ 40 đời của tôi cũng nên?

Vậy mà tôi vẫn cứ gọi bạn là “bạn”, chả nhẽ lại viết “Chút chít bốn mươi đời thân mến ơi”! – Nghe buồn cười quá?

Hơn nữa, gọi nhau là “bạn” cho nó lịch sự. Người Thăng Long nổi tiếng là lịch sự, trừ những lúc họ chửi nhau. Mà họ chửi nhau không như cơm bữa  giống các nơi khác đâu nhé, họ chỉ chửi trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn thôi.

Tôi đoán là ở thời đại của các bạn, nghĩa là 1000 năm sau khi tôi viết lá thư này, loài người có những tiến bộ khoa học công nghệ khủng khiếp.  Các bạn dùng một loại năng lượng mới mà loài người chúng tôi hiện nay chưa biết đến. Các bạn sẽ có những phương tiện giao thông nhanh tới mức đi từ Hà Nội (tức là Thăng Long đó!) sang Newyork chỉ mất đúng bốn phút.

Tôi cũng đoán là 1000 năm nữa Thăng Long có thể mở rộng đến Bạc Liêu, Cà Mau chỉ là huyện ngoại thành. Tôi đoán thế là căn cứ vào tốc độ mở rộng của thành phố hiện nay, biết đâu có khi lúc đó Cà Mau cũng nằm trong Thăng Long thành rồi cũng nên?

Nói thế để thấy chúng tôi không thể nào tưởng tượng được về cuộc sống của các bạn. Các bạn thì lại có thể biết về chúng tôi qua các thư viện điện tử mà chẳng cần phải nhờ đến công tác khảo cổ khá tốn kém và phiền phức làm gì.

Vì vậy tôi xin hạn chế nội dung bức thư này ở những thứ chắc là sẽ không có trong thư viện điện tử của các bạn.

Người dân Thăng Long chúng tôi tự hào về rất nhiều cái nhất của mình. Năm nay, kỷ niệm một ngàn năm thành phố, Hà Nội đã nằm trong tốp 10 thành phố lớn nhất hành tinh, ít nhất cũng là về diện tích, các chỉ số khác từ từ chúng tôi cũng sẽ vào top ten sau.

Tôi xin liệt kê một số điểm nhất của chúng tôi:

–  Giống như người dân cả nước, người Hà Nội thích đi xe hai bánh. Tục ngữ có cách nói ví von: “Vững như kiềng ba chân” thế nhưng chúng tôi chỉ cần vững ba chân khi đứng, ngồi hoặc nằm, chứ khi di chuyển chỗ đông người thì lại chỉ dùng hai chân hoặc hai bánh. Mật độ xe hai bánh trên một mét vuông đường của chúng tôi là cao nhất thế giới và đương nhiên là tỷ lệ tai nạn giao thông trên đầu người của chúng tôi cũng vào loại cao nhất.

–  Trong tình hình đó, mật độ cảnh sát giao thông chia trung bình trên số ngã tư cũng là cao nhất thế giới. Nếu bạn sinh ra vào cùng thời với chúng tôi, bạn có thể thấy ở một ngã tư có đến ba anh cảnh sát giao thông vất vả chỉ huy các luồng xe gồm toàn con rồng cháu tiên phi như người trời hoặc như cướp biển.

–  Hà Nội là thành phố hào hoa, nó có chiều dày văn hóa kiến trúc theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nhà nào muốn nở kiều gì thì nở kiểu đó theo phương châm nhà này khoái mẹ nhà kia, nghĩa là nhà này muốn làm bố nhà kia. Nhờ đó Hà Nội mới có những nhà siêu mỏng, siêu sâu, siêu lênh khênh và siêu lởm khởm.

–  Các đường phố thì chúng tôi cương quyết không bắt chước bọn thực dân Pháp. Chúng nó làm đường thẳng quá, trông rất đơn điệu. Chúng tôi làm đường phải uốn lượn, cố tình làm mềm mại không gian đô thị và đó là một cách hạn chế tốc độ giao thông hữu hiệu.

Tôi xin lỗi là điều tôi vừa nêu bạn có thể tìm thấy trong bản đồ Hà Nội năm 2010. Cái mà bạn không thể biết được là vỉa hè Hà nội. Chúng tôi là một thành phố yêu vỉa hè nhất thế giới. Tình yêu đó thể hiện ở hai chỗ. Một là cái gì chúng tôi cũng làm trên vỉa hè hết: buôn bán, sửa xe, đá bóng, giải khát và làm động tác ngược của giải khát. Bạn có hiểu động tác ngược của giải khát là gì  không? Đó nôm na là tè. Tè trên vỉa hè sướng hơn quận công nhiều, bạn hãy vào Google tra cụm từ “…vạn đại quận công” là biết ngay ấy mà!

Chỗ thứ hai thể hiện tình yêu vỉa hè là cứ vài năm chúng tôi lát lại vỉa hè một lần. Hà nội là thành phố làm lại vỉa hè nhiều và nhanh nhất thế giới. Vì biết chắc là vài năm sau sẽ làm lại nên công nhân của chúng tôi làm rất chi là tài tử, bôi bôi lấp lấp như bà già thoa phấn, thoa không khéo, gió hơi mạnh một chút là phấn bay lả tả.

Khi sửa vỉa hè thì khách bộ hành phải nhao xuống đường, tranh chấp với các loại xe cơ giới trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” bất phân thắng bại. Cuộc đấu tranh này càng trở nên khốc liệt khi vỉa hè đang thay áo mà đường phố thì bị con ả Thị Đào ra tay đào bới. Tôi đảm bảo rằng các bức ảnh vệ tinh chụp đường phố Hà Nội thời chúng tôi có phản ảnh rõ tình trạng đào bới, tôi chỉ muốn giải thích cho bạn và các bạn của bạn rõ nguyên nhân tất cả là do cái con mụ Thị Đào lẳng lơ đó mà thôi.

–  Hà Nội là thành phố có nhiều hồ nhất thế giới, theo thống kê mới nhất chúng tôi (đã mở rộng) có tất cả là 117 hồ, to nhất là Hồ Tây, bét nhất cũng rộng một vài ha (cái này đọc là “écta”, tuy vậy có cô phát thanh viên Đài Truyền hình Việt nam vẫn xướng  là “ha”, viết sao đọc vậy mà, cứ như sắp cười ha ha vậy!), bé nữa thì không tính, lúc đó chúng tôi gọi là ao.

Trong số 117 hồ nói trên gần 100 hồ đang kêu là sắp chết. Hồ mà cũng sợ chết mới là hay chứ?

Ở Hồ Gươm, hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm, có cụ Rùa 500 tuổi, cụ này là thần Kim Quy nhận lại thanh gươm từ tay Lê Lợi sau khi Lê Lợi dùng thanh gươm này để đánh thắng giặc ngoại xâm. Chúng tôi rất mong không có một lần nào nữa cụ lại phải trao gươm thần, ý là mong chẳng bao giờ phải đánh giặc ngoại xâm nữa. Sợ nhất là giặc nội xâm, mà giặc nội xâm thì gươm thần vô tác dụng.

Thư đã dài, tôi kể sơ sơ mấy cái nhất của Hà Nội để bạn thấy chúng tôi có nhiều niềm tự hào lắm, song đức khiêm tốn không cho phép chúng tôi nói dài về những cái nhất của mình, mà có nói ra chắc gì bạn đã tin, ví như việc bác sĩ ăn tiền bệnh nhân, học sinh đánh thầy giáo hay nguyên cả cái Bộ giáo dục ra một văn bản có chỗ sai rồi kêu là do lỗi đánh máy…

Không phải vì tôi không đủ tiền thuê đúc một khối bê tông, bỏ bức thư này vào trong đó để đúng 1000 năm sau bạn đập khối bê tông ra xem, mà tôi sợ thợ họ ăn bớt vật liệu, mới vài chục năm khối bê tông đã nát vụn thì phí công.

Tốt nhất là tôi gửi qua Bưu điện Bờ Hồ, theo cung cách làm ăn của họ, chắc cũng phải 1000 năm sau thư mới đến tay người nhận.

Người viết thư

Lão Hâm đã ký”

Nguồn: Blog Lão Hâm, http://pcthang.vnweblogs.com/post/2432/225804

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.