Sau gần 10 năm thực hiện cải cách tư pháp do ĐCSVN đặt vạch ra và tổ chức thực hiện nó (NQ49 của BCT ngày 2/6/2005). Hiệu quả của chiến lược này đến đâu. Đảng đã cải cách được những gì trong chiến lược ấy tuyệt nhiên đại bộ phận nhân dân và kể cả những đảng viên thấp cổ bé họng không bao giờ được biết. Cũng tương tự như kết quả đổi mới, cải cách tư pháp dân không bao giờ được biết thì tiền của của nhân dân, của đất nước bị đảng chi phí cho vấn đề này như thế nào hết bao nhiêu cũng không có cơ chế nào buộc đảng phải báo cáo công khai minh bạch cho dân được biết.
Thường, mỗi khi làm việc gì thì việc đầu tiên là người ta phải định ra, vạch ra công việc, dự trù kinh phí lên kế hoạch và thực hiện nội dung kế hoạch… Việc định hướng lập kế hoạch, nội dung thực hiên phải đúng, mục đích trong sáng rõ ràng thì mới mong công việc đó thành công mỹ mãn, đạt hiệu quả cao.
Trở lại việc cải cách tư pháp do ĐCSVN khởi xướng dẫn dắt
Về động cơ mục đích (trong ngôn ngữ của đảng thường dùng là mục tiêu tổng quát) để cải cách tư pháp liệu có phải là động cơ mục đích trong sáng là nhằm đảm bảo nền tư pháp Việt Nam hoạt động có hiệu quả, khắc phục được tình trạng oan sai, triệt tiêu được việc dùng bức cung nhục hình, loại bỏ được tình trạng án bỏ túi, nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp, khắc phục được sự can thiệp thô bạo của kẻ cầm quyền , giữ vững tính thượng tôn của luật pháp (1) hay còn mục đích tối thượng khác là đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, tối thượng của đảng (2) đối với nền tư pháp Viêt Nam.
Thực ra cái động cơ mục đích đầu tiên (1) chỉ là cái cớ cho mục đích thứ hai (2) mà đảng hướng tới. Cứ nhìn lại công tác lập pháp, lập hiến của Quốc hội nơi có tới 90% đảng viên của đảng là những ông bà nghị thời gian qua sẽ thấy rất rõ điều này.
Với động cơ mục đích thứ hai thì trong gần mười năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đảng đã củng cố vị trí lãnh đạo nền tư pháp Việt Nam một cách triệt để. Đây luôn là một thắng lợi lớn của đảng trong chiến lược cải cách tư pháp của đảng mà minh chứng hùng hồn là đảng đã đạt được ý mình trong điều 4 hiến pháp năm 2013 (“ là một thắng lợi cực kỳ to lớn của đảng ta”).
Còn về động cơ mục đích đầu tiên đúng nghĩa đúng trọng tâm và đó cũng là đòi hỏi chính đáng của đại bộ phận nhân dân Việt Nam thì lại xin để dân tộc, người dân Việt đánh giá về việc đảng đã làm gì được cho đất nước, cho dân tộc nếu đây là động cơ mục đích tối thượng của cải cách nền tư pháp của quốc gia dân tộc?!
Chỉ biết rằng, như đã thấy, song song với thời gian mười năm cải cách tư pháp của đảng, thì cũng là 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn một công dân Việt Nam một gia đình có công với nước tại tỉnh Bắc Giang đã phải chịu cảnh tù đầy oan khuất bởi chính cái chiến lược cải cách tư pháp của đảng.
Đến nay, sự việc oan sai đã rõ ràng chỉ còn là làm sao tính toán để bồi thường cho ông Chấn, đại gia đình, dòng tộc, thậm chí cộng đồng dân cư nơi ông sống của ông một cách thỏa đáng theo tinh thần của cải cách tư pháp mà đảng đề ra (vì tất cả đều bị mang tiếng xấu, đều bị ảnh hưởng xấu bởi sự oan khuất của ông Chấn). Thì đằng này với tư cách là tác giả của cải cách tư pháp đảng đang chọn bài im lặng không có chính kiến để mặc người của đảng đứng ra mặc cả dàn xếp với cá nhân ông chấn trong vấn đề bồi thường.
Thời gian gần đây nhằm phát huy cao độ của chiến lược cải cách tư pháp của đảng. Bộ công an một “công cụ bạo lực cách mạng” của đảng đã ban hành thông tư 28 có hiệu lực ngày 25/8/2014. Theo thông tư này thì đội ngũ luật sư Việt Nam vốn luôn luôn bị đảng và nhà nước coi thường nay có thể rơi vào thế “việt vị” bất cứ khi nào nếu cán bộ đảng trong lực lượng điều tra công an mong muốn.
Về mục tiêu “hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” trong cải cách tư pháp thì sao? Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đang được đánh giá như thế nào, các nhà luật học của đảng hay những cán bộ của đảng thường viện dẫn đến tính phong phú, kế hoạch xây dựng luật của quốc hội để tự tuyên dương công trạng cho mình (tự sướng). Nhưng có một thực tế là dùng tiền của của nhân dân xây dựng cả một “rừng” luật như thế nhưng những bộ luật, đạo luật thiết yếu nhất cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đât nước, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ cho nhân dân như luật về trách nhiệm của đảng Cộng sản trong vai trò lãnh đạo, luật về biểu tình, luật về lập hội, luật về tiếp cận thông tin, luật về tự do báo chí… vẫn không được đảng đưa vào nghị trình xây dựng luật của quốc hội gần nhất. Nếu đảng thực tâm cải cách tư pháp phục vụ đất nước, dân tộc thì không có lý do gì đảng lại né tránh xây dựng những luật này.
Mặc dù đã xác định được khâu xét xử là khâu yếu nhất, ít được quan tâm nhất và sẽ là trọng tâm của công tác cải cách. Nhưng trong 10 năm qua hầu như chưa có biện pháp nào khả dĩ để khắc phục tình trạng này. Mặc dù biện pháp khắc phục hay đảng gọi là cải cách nếu quyết tâm làm rất đơn giản mà lại hiệu quả rất cao đó là tổ chức hệ thống tòa án phải độc lập với hệ thống đảng hiện nay, hay nói cách khác là chấm dứt tình trạng họp các ngành nội chính để chỉ đạo án, duyệt án. Chấm dứt xét xử theo án bỏ túi, xét xử theo hồ sơ, không coi trọng tranh biện tại tòa. Những biện pháp này hoàn toàn không được đề cập trong công tác cải cách tư pháp của đảng thì làm sao khắc phục được oan sai.
Trong thực tế không chỉ có hoạt động xét xử là khâu yếu nhất mà ở các khâu khác như kiểm sát, giám sát điều tra, truy tố đều bị buông lỏng, dẫn đến việc dùng bức cung nhục hình là khá phổ biến. Và thời gian gần đây số lượng người chết bất thường tại cơ quan công an hoặc bị chết ngay sau khi ở đồn công an về khá phổ biến nhưng đảng không có bất cứ biện pháp khắc phục nào khả dĩ. Có một phương pháp tạm gọi là hiệu quả và ít tốn kém nhất hiện nay trong việc giám sát điều tra truy tố xét xử là cần có luật sư tham gia trong các buổi thẩm vấn hỏi cung thu thập chứng cứ để tránh tình trạng ép cung, dụ cung, dùng nhục hình, hoặc xây dựng hồ sơ vụ án sai lệch hay nói cách khác là bất cứ cơ quan công an nào muốn triệu tập công dân đều phải có luật sư chứng kiến. Nhưng biện pháp này cũng chưa được đảng cân nhắc chính thức trong công tác cải cách này.
Đối với đội ngũ luật sư tuy có được đề cập trong công tác cải cách tư pháp rằng: “nâng cao vai trò của đội ngũ luật sư hơn nữa nhằm đảm bảo cân bằng vị trí của luật sư với bên công tố”.
Nhưng 10 năm qua chỉ có mỗi việc là sắp xếp sao cho chỗ ngồi của luật sư cân bằng tương xứng với chỗ ngồi của công tố viên (người giữ quyền công tố) tại tòa mà đảng còn loay hoay chưa làm nổi thì làm sao dân tộc mong vị trí vai trò của đội ngũ luật sư được nâng cao!
Có một thực tế là nếu chỉ nâng cao vai trò của luật sư tại tòa mà bỏ qua việc nâng cao vị trí vai trò luật sư tai cơ quan điều tra, viện kiểm sat thì cơ hồ đảng đã tạo điều kiện cho kẻ khác vốn coi sự có mặt của luật sư là khó chịu có cơ hội thóa mạ luật sư. Bởi vì luật sư không được nâng cao vai trò từ giai đoạn điều tra, khởi tố, truy tố thì việc xây dựng hồ sơ vụ án có gì để đảm bảo rằng nó không bị thiên lệch. Và tòa vẫn nguyên tắc “án tại hồ sơ” thiên lệch đó để kết tội thì có tâng bốc đội ngũ luật sư lên tận mây xanh hay đến đâu đi nữa cũng chẳng bao giờ triệt tiêu được án oan mà còn làm rối ren xã hội thêm hơn nữa.
Còn đối với cơ quan báo chí, với mặt trận tổ quốc, các cơ quan đoàn thể được chiến lược cải cách tư pháp của đảng đề cập là “yêu cầu cơ quan báo chí, các mặt trận, đoàn thể tham gia tích cực vào hoạt động giám sát tư pháp, manh dạn phát hiện, thông tin và điều tra các vi phạm pháp luật, cố ý làm trái của các cá nhân cơ quan tổ chức nhà nước”
Nhưng thực tế trong thời gian 10 năm cải cách tư pháp có bao nhiêu phóng viên, có bao nhiêu tòa báo bị bắt bị tù đầy và bị kỷ luật chắc mọi người đều biết.
Còn mọi cuộc họp của mặt trận các cấp đều thừa nhận rằng cơ chế giám sát phản biện của mặt trận quá yếu thì hòng trông đợi gì mặt trận phát hiện ra các sai phạm của các tổ chức cá nhân là cán bộ nhà nước đã cấp kinh phí cho mặt trận hoạt động.
Đối với các đoàn thể khi được một cơ quan nhà nước mời dự họp một vấn đề gì thì đều được nhận “phong bì” khi dự họp thì làm sao họ còn đủ nhân tâm để phát hiện các sai phạm từ các cơ quan tổ chức cán bộ nhà nước.
Với thực tế ấy liệu chúng ta có nên đặt niềm tin tưởng tuyệt đối đối với công tác cải cách tư pháp theo nghị quyết 49 của BCT!
Vậy chúng ta phải làm sao để khắc phục oan sai lạm quyền trong các hoạt động tư pháp nói riêng và các hoạt động khác của mọi cơ quan tổ chức, của đảng và Nhà nước nói chung!?
Đ.T.
Tác giả gửi BVN