Hồi còn bé (1947) tôi có nghe câu chuyện: Khi một số người yêu nước chuẩn bị Đông du nhằm học tập và cầu cứu Nhật bản để về đánh đuổi thực dân Pháp, có nhận được lời căn dặn của một vị tiền bối như sau:“Ninh thụ vô công chi danh, bất khả đồ hữu công nhi tiền môn cự hổ, hậu môn tiến lang, dĩ di họa ư hậu thế”. Tạm dịch: Thà mang tiếng không có công trạng gìchứ không thể mưu đồ lập công mà đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau, để tai họa lại cho hậu thế.
Phong trào Đông du của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ đã không thành công trong việc đuổi “hổ”thực dân Pháp, nhưng cũng không mắc vào họa rước “sói” phát xít Nhật, mặc dù sau đó, khi đã đứng vào phe trục,“sói” Nhật cũng tự đến.
Việc “đuổi hổ, rước sói” vẫn thường xảy ra. Đuổi hổ là mục tiêu nhằm tới, rước sói là tai họa, thường do vô tình mà phạm phải chứ ít khi là cố ý, rõ nhất là trong phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh (dùng thuốc để chữa bệnh này lại làm phát sinh bệnh khác nặng hơn).Vô tình phạm phải vì nóng lòng muốn đuổi hổ mà vội vàng, mà không suy xét kỹ, mà bị lừa để đến nỗi sói vào cửa sau lúc nào không biết. Cũng có thể biết trước sói sẽ vào, tìm cách ngăn cản, tìm cách thuần hóa, nhưng rồi không ngăn nổi, không thuần hóa được. Chẳng thế mà Khổng Tử có khuyên “Kiến lợi tư nghĩa” (Thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa), còn ở Ba Tư xưa có phương châm nổi tiếng:“Chuẩn bị làm việc gì phải thấy cho hết những điều hại mà nó có thể mang lại”.
Trong công cuộc giải phóng đất nước thì hổ là kẻ đang xâm lược còn sói là thế lực xâm lược mới, là ông chủ mới. Trong phát triển kinh tế thì hổ là nghèo, còn sói là hủy hoại môi trường.
Trong công cuộc đấu tranh cho độc lập, những người yêu nước Việt Nam đã đuổi được hổ, liệu có rước con sói nào không? Tôi cảm nhận thấy chúng ta không những rước thần sói về để thờ(là chủ nghĩa Mác-Lênin) mà còn rước cả tướng sói về để nó quậy phá (là cộng sản Tàu).
Sự quậy phá hung dữ của sói cộng sản Tàu đã tương đối rõ, tuy nhiều điều đến nay vẫn chưa được bạch hóa. Tôi chỉ xin phân tích đôi điều về thần sói. Tôi không chuyên sâu về triết cũng như về lịch sử, nên không dám xem đây là công trình nghiên cứu có tính khoa học mà chỉ là một số cảm nhận từ thực tế.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết do những người sau này dựa vào công trình của hai ông mà lập ra chứ có thể bản thân Mác cũng không nghĩ tới là mình đã lập nên một chủ nghĩa. Có lẽ vì thế mà có lần Mác đã viết “đương nhiên, tôi không phải là người Macxit”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết về cách mạng, về đấu tranh giai cấp, về bạo lực và chuyên chính vô sản, về bóc lột giá trị thặng dư, về công hữu tư liệu sản xuất, về xây dựng chế độ cộng sản.Mác đã rút ra các kết luận dựa trên sự suy luận, sự chứng minh chặt chẽ bằng cách vận dụng logic biện chứng với những lập luận rất hùng hồn, làm mê say một số người. Tiếc rằng những luận cứ thực tiễn và luận cứ lý thuyết mà Mác đã dựa vào chỉ đúng được một phần nào đó, còn lại là có thiếu sót, là nhầm lẫn, không đáng tin cậy, do đó các kết luận của Mác cũng không đúng hoàn toàn. Trong một bài viết trước đây “Một số nhầm lẫn của Mác” (xin xem đây), tôi đã phân tích những điều Mác vận dụng học thuyết duy vật, thuyết tiến hóa của Đacuyn để giải thích nhầm về xã hội loài người và dự báo sai vai trò của giai cấp vô sản. Trong bài này tôi xin không nhắc lại những ý đã viết trong bài đó mà phân tích thêm một số khía cạnh khác.
Chủ nghĩa Mác-Lênin chủ yếu bàn về cách mạng vô sản, về đấu tranh, lật đổ và tiêu diệt giai cấp bóc lột và những xu hướng không cùng ý thức hệ, về chuyên chính vô sản, về xây dựng một xã hội không tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” với việc quá đề cao vai trò của vật chất, phủ nhận phần tâm linh. Chủ nghĩa Mác-Lênin không (hoặc rất ít) bàn về phạm trù nhân văn và đạo đức, về đạo lý làm ngườinhư nhân phẩm, nhân quyền, trung hiếu, lễ nghĩa, nhân ái, bao dung, lương tâm, trách nhiệm, tự do dân chủ, trung thực, công bằng, khiêm nhường, nhẫn nhục, từ bi, bác ái, v.v. Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin người ta thấy rõ nhất là đấu tranh, là bạo lực (quyết phen này sống chết mà thôi), là tiêu diệt (chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành), là quá đề cao vai trò và quyền lợi của vô sản (bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình). Như vậy chủ nghĩa Mác-Lênin, nếu có dùng được một phần nào thì chỉ là trong đấu tranh cách mạng để giành chính quyền còn về việc xây dựng và quản lý đất nước, để phát triển con người và xã hội thì chưa (hoặc rất ít) được bàn đến. Ngay trong việc giành và xây dựng chính quyền thì quan niệm của Lênin cũng cần được xem xét và phản biện. Trong các chế độ dân chủ chính quyền có vai trò quan trọng là quản lý xã hội, giữ gìn trật tự, an ninh, điều hòa lợi ích của các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Lênin lại cho chính quyền là của giai cấp này để thống trị giai cấp khác (các đảng cộng sản cầm quyền đã phát triển ý tưởng này để đàn áp những người khác chính kiến, khác tư tưởng). Đó là quan điểm, là việc làm quá độc tài, chỉ có thể so với chế độphát xít.
Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng để giải quyết mâu thuẩn giữa các giai cấp chỉ có con đường duy nhất đúng đắn là làm cách mạng vô sản để “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Vận dụng điều đó các đảng cộng sản cầm quyền đã thực hiện “đạp đầu bọn chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp” trong cải cách ruộng đất. Điều này ngược lại với triết học Phương Đông về cân bằng ÂM-DƯƠNG, làm trái với triết lý của các tôn giáo về công bằng, bác ái, phản lại những tuyên ngôn về nhân phẩm, nhân quyền, xô đẩy nhân loại vào cuộc đấu tranh tàn khốc. Thực tế thế giới chứng tỏ rằng rất nhiều nước không làm cách mạng vũ trang, không cần chém giết, không cần chôn vùi ai cả vẫn có thể xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, hạnh phúc, phát triển. Tấm gương của nhiều nước vẫn sờ sờ ra đấy.
Chủ nghĩa Mác-Lênin chưa kịp xây dựng hệ thống lý luận về quản lý xã hội, về nhân văn, về đạo đức, đạo lý làm người. Thế mà người ta vẫn hô hào lấy nó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Rồi thì vận dụng đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản cho mọi công việc, rồi “dựa hẳn vào bần cố nông”, rồi cải tạo và đấu tranh tư tưởng, rồi công hữu hóa, rồi theo dõi, bắt bớ, tù đày, thủ tiêu rất nhiều người bị tố giác là có ý tưởng này kia. Ở Liên Xô đó là sự khủng bố, sự loại bỏ thành phần kulắc và những người bị nghi ngờ; ở Trung Quốc là sự tàn sátkinh hoàng trong các phong trào “thổ cải” (cải cách ruộng đất), cách mạng văn hóa vàcuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989;ở Việt Nam là sự tử hình vô tội vạ rất nhiều người yêu nước thuộc tầng lớp trên, không những vô tội mà còn có công lao, trong cải cách ruộng đất (chỉ vì bị vu oan của một vài bần cố nông), là sự giam cầm đến chết không cần xét xử những người bị nghi ngờ, bị tố giác trong các cuộc thanh trừng sau đó.
Có ý kiến cho rằng, dù sao cũng nhờ chủ nghĩa Mác-Lênin mà Liên Xô xây dựng được đất nước hùng cường, chiến thắng được phát xít, Việt Nam làm được Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng được xâm lược. Đó là một nhận thức nhầm lẫn tai hại của hàng trăm triệu người (giống như trước đây người ta nhầm là mặt trời quay quanh quả đất). Sự thắng lợi của Liên Xô, của Việt Nam chủ yếu là nhờ lòng yêu nước của dân chúng, nhờ sự hy sinh của nhân dân và khôn khéo của lãnh đạo chứ không nhờ gì vào các học thuyết của Mác và Lênin về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về công hữu hóa kinh tế… cả.
Tôi rất tán thành với nhận xét là chủ nghĩa Mác-Lênin mang lại cho nhân loại lợi ích thì rất ít mà đau khổ thì vô cùng nhiều. Riêng đối với Việt Nam, tôi cảm nhận rất rõ, những tệ nạn mà nhân dân, đất nước đang gặp phải (áp bức, tham nhũng, lãng phí, hủy hoại môi trường, nợ nần, lạm phát, mua quan bán tước, dối trá, giáo dục và đạo đức xuống cấp, sự tranh giành, thù oán, kèn cựa, khủng hoảng lòng tin, v.v.) có nguyên nhân sâu xa từ hai nguồn. Một là từ sự yếu kém trong truyền thống dân tộc, từ trình độ dân trí còn quá thấp, hai là từ chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai nguyên nhân ấy kết hợp cùng nhau, hòa quyện vào nhau, cộng hưởng với nhau để cho tác hại tăng cấp lên. Hai nguyên nhân ấy là cơ bản, là sâu xa, vì thế chúng bị ẩn giấu, rất khó thấy. Từ đó dẫn ra các nguyên nhân khác gần hơn, dễ thấy hơn (sự mất dân chủ, sự thoái hóa, biến chất, v.v.). Theo Duy thức luận của Phật giáo thì có thể quy sự yếu kém trong truyền thống dân tộc là NHÂN (hạt giống) còn chủ nghĩa Mác-Lênin là DUYÊN (điều kiện, môi trường). Sự kết hợp giữa nhân và duyên mới cho kết quả, còn nếu thiếu một thứ thì chưa có kết quả. Chú ý rằng trong thời gian đầu của các đảng cộng sản, lúc còn vận động và làm cách mạng thì các nhân tố độc hại của chủ nghĩa còn nằm im, chưa bộc lộ (duyên chưa khởi). Chỉ đến khi đảng cộng sản đã nắm vững chính quyền, xác lập sự toàn trị thì các nhân tố độc hại mới thi nhau phát lộ (duyên khởi). Điều đó giải thích, cũng là dân tộc Việt nhưng dưới thời thịnh trị của các triều đại thì xã hội ổn định, đạo đức được đề cao, còn khi chế độ suy tàn thì đạo đức mới xuống cấp. Cũng cùng bị chủ nghĩa Mác xâm nhập nhưng nhân dân nhiều nước nhờ dân trí cao hơn nên đã nhận ra sự độc hại mà sớm từ bỏ.
Tóm lại, phải chăng những người cộng sản Việt Nam đã đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau, để tai họa cho hậu thế. Bây giờ “dại rồi còn biết khôn làm sao đây”!
Tôi đoán, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy tính chất “sói” trong chủ nghĩa Mác-Lênin nên đã tìm cách hạn chế và thuần hóa. Cụ thể trong luận cương năm 1930 Nguyễn chỉ đề cập cách mạng dân tộc phản đế mà coi nhẹ đấu tranh giai cấp (vì thế sớm bị Trần Phú bác bỏ theo chỉ thị của Stalin), trong Tuyên ngôn độc lập 1945 không nói gì tới chủ nghĩa xã hội, tháng 11 năm 1945 còn tuyên bố giải tán đảng cộng sản (rút vào hoạt động bí mật, chắc là để lừa Mỹ nhưng không lừa được), trong kháng chiến chống Pháp viết Sửa đổi lối làm việc (nhằm loại bỏ hoặc hạn chế những độc hại tiềm ẩn trong chủ nghĩa), trong Di chúccũng không hề nói đến xây dựng chủ nghĩa xã hội và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồ Chí Minh biết có sói theo vào, đã tìm cách ngăn mà không ngăn được.
Thế hệ chúng ta phải làm sao đây để đuổi được sói. Sau vụ giàn khoan 981, nhiều người nêu yêu cầu, nhiệm vụ “thoát Trung”. Tôi nghĩ thoát Trung là rất cần song liên quan hữu cơ với nó, việc thoát ra khỏi ý thức hệ cộng sản, thoát ra khỏi chủ nhĩa Mác-Lênin không tưởng quan trọng hơn, cấp thiết hơn. Làm sao để thoát được, đó là câu hỏi lớn cho toàn dân suy nghĩ, trước hết đó là sứ mệnh của những người ưu tú, vì quyền lợi dân tộc trong hàng ngũ cán bộ và đảng viên, trước mắt là tổ chức thảo luận rộng rãi bức thư ngỏ của 61 đảng viên gửi toàn thể đồng chí trong đảng để có được nhận thức tỉnh táo, đầy đủ nhằm tìm ra con đường sáng sủa phía trước cho dân tộc.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN