Vượt 25% tổng thu ngân sách: Nợ công nguy ngập

clip_image002

 Lằn ranh đỏ

(VNTB)-Nếu tại Diễn đàn kinh tế mùa thu và Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2013, lần đầu tiên giới chuyên gia phản biện đã dám phản bác tỷ lệ nợ công quốc gia khoảng 55% GDP do Chính phủ báo cáo, thì nay tình hình còn nguy ngập hơn.

Lại thêm một tiết lộ mới: nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ – tượng trưng cho mức 25% tổng thu ngân sách. Đây chính là điều thường được xem là năng lực trả nợ, mà theo ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – đó thật sự là một nguy cơ về nợ công.

“Sang năm con số này chắc lên 30% hoặc hơn, đây thực sự là một nguy cơ báo động mà chúng ta không thể coi thường”, ông Thiên cảnh báo. Lời cảnh báo này mới được đưa ra trong một hội thảo về nợ công vừa diễn ra trung tuần tháng 7/2014.

Ông Thiên cũng nhắc lại một nguy cơ khác là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ chứ không phải vay để bán đi sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. “Vay để trực tiếp trả nợ luôn” – ông nhấn mạnh.

Vào năm ngoái, một chuyên gia khác là ông Vũ Đình Ánh cũng phải thống thiết kêu rằng Việt Nam làm ra 100 đồng thì hải dùng đến 98 đồng để trả nợ. Tức tỷ lệ nợ công thực tế có thể đang lên đến 98% – con số vượt quá xa báo cáo không thể tin được của Chính phủ, trong khi mức an toàn của nợ công là 65% GDP.

Một sự thật quá hiển nhiên là trong lúc tính toán cơ cấu nợ công, các bộ ngành thấm đẫm chất quan liêu đã lại “bỏ quên” nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước – vốn là một tiêu chí mặc định của Liên Hiệp Quốc.

Còn ông Trần Đình Thiên cũng không quên nói về cơ cấu nợ như một nguy cơ không thể thiếu. Bởi nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn; trong lúc đó trái phiếu Chính phủ kỳ hạn rất ngắn, mà kỳ hạn ngắn thì áp lực trả nợ tăng nhanh, nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao.

Ngay cả Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là ông Trần Du Lịch – người được xem là “lạc quan nhất” mỗi khi bàn luận về báo cáo của Chính phủ – cũng phải thừa nhận rằng khủng hoảng nợ công hay không tùy thuộc ở tổng số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam là 22,3% và chắc chắc chắn sẽ tăng nhanh trong các năm tới, khi vượt trên mức 25% thì bắt đầu giai đoạn báo động và vượt 30% là mất an toàn.

Trong thực tế, tình trạng vay để đảo nợ đang ngày càng lớn. Năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng, thì phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm sau và đây chính là rủi ro đáng lo ngại.

Với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng hai năm 2014-15 là khoảng 320 nghìn tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là hoàn toàn có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn lớn cho hệ thống ngân hàng.

Sẽ thay đổi đến tận gốc rễ?

Khác nhiều với những năm trước, báo chí và giới quan sát đang phải đồng loạt ta thán về một tương lai nợ công đặc cách dồn lên đầu lớp con cháu. Sau một thời gian kiên trì nhắc nhở và thuyết phục, dường như uy quyền truyền thống của Ban tuyên giáo trung ương cũng bị sa sút đáng kể về hiệu lực: ở vào thế chân tường, mọi lý lẽ giáo điều và tư tưởng xu nịnh đều bị bác bỏ thẳng cánh bởi khoa học và hệ thực tiễn khách quan.

7 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã chìm sâu trong suy thoái bởi thế trục lợi cưỡng bức tàn nhẫn của vô số nhóm lợi ích, cùng thành tích điều hành không thể tệ hơn của một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.

Thế nhưng mọi chuyện rất có thể vẫn chưa hãm phanh ở những tai họa đã qua. Nếu một quốc gia hùng mạnh như Nhật Bản còn phải mất đến một thập kỷ mất mát để trả giá cho giai đoạn tăng trưởng hưng thịnh trước những năm 1980, thì một quốc gia cạn kiệt tài nguyên và gần như biến mất niềm tin chính thể như Việt Nam sẽ phải làm sao để mọi cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội không biến thành cuộc khủng hoảng duy nhất về chính trị và sự thay đổi đến tận gốc rễ của nó?

T.S.

Nguồn: ijavn.org

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.